VnReview
Hà Nội

Apple ép giá các nhà cung ứng Đài Loan và bị "bật lại"

Apple vốn có tiếng là thường sử dụng vị thế và tầm ảnh hưởng của mình để ép các nhà cung cấp phải giảm giá thành của các linh kiện iPhone xuống mức giá cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, việc này có vẻ đã vượt quá mức giới hạn và các nhà cung cấp đã bắt đầu lên tiếng.

foxconn

Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất linh kiện cho Apple của Foxconn

Theo Digitimes, Apple đã vấp phải sự kháng cự từ các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng của hãng tại Đài Loan về yêu cầu hạ giá các thành phần và linh kiện dùng để chế tạo iPhone 7. Động thái này được cho là nhằm buộc Apple phải chấm dứt việc ép giá khiến lợi nhuận của các nhà cung ứng Đài Loan bị ảnh hưởng suốt những năm qua.

Được biết, Apple đã yêu cầu các nhà cung ứng Đài Loan, ngoại trừ hãng sản xuất bán dẫn Đài Loan TSMC và Largan Precision phải giảm đơn giá của các thành phần và linh kiện dùng trong iPhone 7 xuống 20%, kể cả khi khối lượng đặt hàng năm nay đã giảm đi 30% so với năm ngoái.

Việc làm này của Apple đã khiến các đối tác Đài Loan cảm thấy không hài lòng một chút nào. Các nhà cung ứng lớn bị ảnh hưởng như ASE hay các công ty liên doanh thuộc tập đoàn Foxconn đã trả lời rằng họ sẽ không chấp nhận bất kì đơn đặt hàng không đem lại một lợi nhuận hợp lí nào vào thời điểm này.

Việc các chuỗi cung ứng ở Trung Quốc phát triển mạnh trong thời gian vừa qua được Apple cho là lí do của đợt ép giá lần này. Tuy nhiên, đối với các linh kiện bên phía Đài Loan có thể sản xuất với chất lượng tốt hơn hẳn so với bên phía Trung Quốc, Apple vẫn quyết định mua với giá như cũ. Đó là lí do tại sao TSMC và Largan Precision không nằm trong danh sách các công ty bị ép giá. Được biết, Apple sẽ rất khó tìm được một nơi có công nghệ đúc tốt hay có các module camera cao cấp như TSMC và Largan Precision.

Việc bị ép giá liên tục trong những năm nay đã khiến các nhà cung ứng Đài Loan tìm cách giảm phụ thuộc vào Apple. Ví dụ như Foxconn đã mua lại công ty Sharp của Nhật Bản và nhờ đó, giúp cho các cơ sở sản xuất của hãng được hoạt động liên tục trong một thời gian dài cũng như khiến hãng không còn quá mặn mà với Apple.

Dù vậy, theo nguồn tin từ 9to5mac, sau nhiều cuộc đàm phán, các nhà cung ứng Đài Loan dường như đã quay sang đồng ý với một mức yêu cầu giảm giá thậm chí còn thấp hơn trước tới từ Apple. Có vẻ như họ không muốn mất đi một bạn hàng lâu năm. Ngoài ra, một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, cứ trong 11 nhà cung ứng cho Apple trên thế giới thì có tới 10 nhà cung ứng thường xuyên bị ép giá.

Theo số liệu của Canaccord Genuity, Apple chỉ chiếm 17,2% thị phần của thị trường smartphone toàn cầu nhưng lại chiếm tới 91% lợi nhuận của ngành công nghiệp này. Có lẽ, Apple nên xem lại chính sách mua sắm của mình để tránh những sự việc đáng tiếc như vừa qua với các nhà cung ứng.

;Nguyễn Long

Chủ đề khác