VnReview
Hà Nội

Sự trở lại của Nokia và BlackBerry

Sự ra mắt thiết kế cảm ứng toàn màn hình của chiếc iPhone năm 2007 là một cuộc cách mạng trong thời kỳ thống trị của điện thoại có bàn phím.

Lúc bấy giờ Nokia và BlackBerry vẫn là những cái tên đưa ra chuẩn mực cho smartphone, còn Apple chỉ là một kẻ liều lĩnh. Thế nhưng, giờ đây trong lúc iPhone ăn mừng kỷ niệm 10 năm với doanh số và thị phần tăng mạnh, những ông vua ngày trước lại phải chật vật để giữ lại thương hiệu cho mình. BlackBerry được đồn đoán sẽ tung ra chiếc flagship có bàn phím mang tên "Mercury" và Nokia sẽ trở lại với chiếc Nokia 6 đánh vào phân khúc tầm trung (đã được bán ra gần đây tại Trung Quốc).

Nhiều khả năng cả 2 sẽ được ra mắt tại Mobile World Congress (MWC) 2017, một triển lãm thương mại thường niên được tổ chức ở Barcelona tháng tới. Sự thành công của chúng gần như sẽ do mức giá và đối tượng khách hàng quyết định.

Thương hiệu

Hiện tại thương hiệu Nokia thuộc về HMD (và do Foxconn FIH Mobile sản xuất), còn quyền sản xuất điện thoại BlackBerry đã thuộc về TCL, công ty Trung Quốc từng sản xuất chiếc Idol 4 của Alcatel.

Canh bạc Android

Dù từng là biểu tượng một thời nhưng cả Nokia lẫn BlackBerry đều gặp khó khăn trước các vấn đề liên quan đến phần mềm bên thứ 3. Nokia đã thất bại với dòng Lumia (Microsoft mua lại bản quyền thương hiệu Nokia trong 10 năm, song bỏ rơi nó sau 5 năm), còn BlackBerry thất bại với chính hệ điều hành BlackBerry OS của mình trước khi chuyển sang Android với bộ phần mềm bảo mật riêng (Mercury tương tự cũng sẽ sử dụng Android cùng bộ phần mềm).

Nokia 6 là chiếc điện thoại Android đầu tiên của hãng nhưng Google Play bị vô hiệu hóa tại Trung Quốc, nơi mẫu điện thoại này chính thức ra mắt lần đầu.

Phân khúc

Nokia và BlackBerry đều có chung tham vọng nhưng cách thực hiện lại khác nhau. Chiếc Mercury nhắm tới phân khúc cao cấp, trong khi đó Nokia 6 chỉ ở tầm trung với mức giá tại Trung Quốc tương đương $250 (5,6 triệu đồng). Chúng ta không biết kế hoạch ra mắt của HMD sẽ như thế nào, chỉ biết rằng hãng sẽ chi ra 500 triệu USD cho chiến dịch marketing toàn cầu trong 3 năm tới dành cho thương hiệu smartphone của Nokia.

Trong khi đó, theo người đứng đầu Alcatel khu vực Bắc Mỹ, TCL sẽ cho ra mắt các dòng thiết bị cho nhiều mức giá khác nhau dù hiện hãng đang nhắm tới dòng cao cấp. Nhiều khả năng Mercury sẽ có một phiên bản giá thấp trước 2018.

Ai sẽ mua những thiết bị này?

Thật khó để nói liệu kế hoạch của 2 hãng có đủ sức thu hút người tiêu dùng hay không.

Trong thời kỳ khủng hoảng của Lumia, Nokia thành công nhất với những chiếc điện thoại giá rẻ nhưng phần cứng ổn định khiến cái tên Nokia bỗng được biết đến với các sản phẩm hợp túi tiền. Nay có thêm Android, khả năng cao Nokia sẽ sống tốt ở phân khúc tầm trung. Hãng đã từng có tích hợp sạc không dây và thiết kế kim loại cho tới khi chuyển dần sang dùng các loại vỏ nhựa sặc sỡ. Thật khó để hình dung ra một chiếc Nokia cao cấp chạy Android như vậy.

BlackBerry dường như đã đánh mất bản thân khi luôn nghĩ rằng bảo mật chính là điều khiến sản phẩm của mình trở nên khác biệt. Họ luôn hướng tới các thiết bị cho doanh nhân thay vì đáp ứng những gì mà người dùng phổ thông mong muốn. Tuy vậy đối với những ai yêu thích bàn phím vật lý, bàn phím QWERTY đặc trưng của BlackBerry vẫn luôn là một sự lựa chọn tốt.

Ngày xưa các fan trung thành của Nokia và BlackBerry sẽ đứng xếp hàng dài khi điện thoại của họ ra mắt. Giờ đây thì khác. Giờ khi đến họ cũng đã chuyển dần qua các máy Android khác hoặc iPhone, chỉ có thời gian mới nói lên được sự thành bại của lần trở lại này.

Phương Nam

Chủ đề khác