VnReview
Hà Nội

Bí quyết thành công của doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc: 996

Trong bộ phim hài "Modern Times", vua hề Sác-lô đã vào vai một công nhân vặn bu-lông với một tốc độ chóng mặt khiến anh ta bị suy nhược thần kinh. Hiện nay một số lao động trẻ trong ngành công nghệ Trung Quốc cũng giống nhân vật của Sác-lô khi phải làm việc cật lực theo lịch trình 996.

Theo Wall Street Journal, 996 là một thuật ngữ chỉ thời gian làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần. Garvin Quách (Garvin Guo), một lập trình viên 33 tuổi tại Bắc Kinh đã làm việc theo lịch trình 996 trong suốt 10 năm qua tại 4 công ty viễn thông và internet.

Garvin Quách cho biết công việc quay cuồng khiến anh bị viêm mũi và cảm lạnh thường xuyên. Thỉnh thoảng anh cũng phải vật lộn với những cơn đau bụng và trầm cảm. Cứ mỗi sáng đến cơ quan anh Quách lại cảm thấy lo lắng. Anh hầu như từ chối mọi lời mời đi ra ngoài từ bạn bè.

Hiện tại Garvin Quách đang là quản lý cho một công ty mới. Anh cho biết mình đang phải chịu áp lực để điều hành cả nhóm làm việc nhiều giờ hơn. "996 là một quy luật bất thành văn tại các công ty công nghệ ở Bắc Kinh. Giới chủ nghĩ rằng họ sẽ bị thiệt hại nếu bạn không làm theo quy tắc này", anh Quách cho biết.

Đằng sau sự trỗi dậy của Trung Quốc để trở thành một cường quốc công nghệ toàn cầu là một đội ngũ các lập trình viên, các nhà quản lý dự án, các nhân viên và người điều hành làm việc từ sáng đến tối để cạnh tranh trong một môi trường khốc liệt.

Luật lao động Trung Quốc quy định người lao động chỉ phải làm việc 40 giờ một tuần. Nếu làm thêm giờ họ sẽ được trả lương ngoài giờ. Tuy nhiên nhiều công ty đã phá vỡ quy định này bằng cách yêu cầu nhân viên ký hợp đồng lao động với lịch làm việc linh hoạt.

Đối với nhiều người lao động, lịch trình 996 đã trở thành một thói quen. Mặc dù vậy, một số ít trường hợp tử vong gần của người lao động trong ngành công nghệ cao ở độ tuổi từ 30 đến 40 đã khiến dư luận xã hội quan ngại. Nhiều cuộc thảo luận trên truyền hình cũng như trên mạng xã hội đã diễn ra xung quanh chủ đề môi trường làm việc khắc nghiệt.

Trong các trường hợp nói trên, không có ai tử vong tại nơi làm việc. Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy họ tử vong khi đang làm việc. Người sáng lập một công ty viết ứng dụng chăm sóc sức khỏe đã tử vong vì căng thẳng, nhưng công ty của ông cho rằng ông chết vì nghiện thuốc lá.

Tuy nhiên, số người chết kể từ giữa năm 2015 cho thấy các công ty công nghệ đã buộc nhân viên của mình làm việc quá nhiều. Công ty tuyển dụng trực tuyến Zhaopin.com đã khảo sát hơn 13.000 kỹ sư trong năm 2015 và phát hiện ra rằng 81% đã phải làm việc thêm giờ, 11% làm việc ít nhất 60 giờ một tuần. Người lao động trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin và internet có thời gian làm việc dài nhất.

Công ty cung cấp dịch vụ vận tải trực tuyến Didi Chuxing Technology (giống như Uber và Grab) dựa trên kết quả gọi xe của khách hàng đã kết luận rằng những người làm việc tại các công ty internet đi làm về muộn nhất.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất yêu cầu người lao động làm việc chăm chỉ. Giám đốc điều hành của Yahoo, bà Marissa Mayer trước đây từng làm việc cho Google nói rằng sự thành công của Google là nhờ thái độ làm việc chăm chỉ của nhân viên.

Nhưng các công ty công nghệ của Trung Quốc đã "nâng tầm" sự chăm chỉ này lên một cấp độ mới!

Các nhân viên của Huawei Technologies sẽ phải làm việc cả ngày thứ Bảy cuối cùng của mỗi tháng. Như thế một năm họ đã bị mất đi 12 ngày đáng lẽ được nghỉ hoặc được trả thêm lương ngoài giờ. Các nhân viên của Huawei phải ký vào một bản thỏa thuận, theo đó họ sẽ phải tự nguyện làm việc vào các ngày lễ và làm thêm giờ.

Người phát ngôn của Huawei nói rằng tập đoàn này làm việc dựa trên nguyên tắc tất cả là để cống hiến cho khách hàng, chính vì thế nhân viên phải làm việc chăm chỉ. "Nếu họ chưa hoàn thành công việc, họ sẽ phải ở lại để hoàn thành nó".

Một giám đốc cấp trung của Huawei cho biết ông làm việc ít nhất 12 tiếng mỗi ngày vì ông muốn là người xuất sắc nhất, và ông sẽ được thưởng cho thành tích ấy. Nhưng ông cũng nói rằng 3 năm nữa khi 35 tuổi, chưa chắc ông đã làm việc được với cường độ như vậy.

Alibaba Group Holding là tập đoàn nổi tiếng với thời gian làm việc kéo dài. Một số người nói rằng chính tập đoàn này là tiên phong trong lịch trình 996. Alibaba đã từ chối bình luận về điều này. Người phát ngôn của tập đoàn lại nói rằng Alibaba luôn khuyến khích sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tỷ phú Jack Ma, người sáng lập Alibaba nói rằng tập đoàn đòi hỏi ở người lao động nhiều thời gian, nhưng đồng thời trả cho họ nhiều tiền. "Chúng tôi yêu cầu 3 nhân viên làm công việc của 5 người, và trả cho họ số tiền tương đương 4 người", ông Jack Ma cho biết.

Tuy nhiên, các công ty công nghệ Trung Quốc hiện nay đang phải đối mặt với những phản hồi từ người lao động về tình trạng suy kiệt sức khỏe, cũng như những người trẻ tuổi muốn có cuộc sống ngoài công việc thoải mái hơn. Một nhân viên Tencent Holdings đã viết thư cho CEO cấp cao sau khi một đồng nghiệp trẻ tuổi bất ngờ qua đời: "Chúng tôi đã dành hầu hết ngày cuối tuần tại cơ quan. Cơ thể chúng tôi đã ở trong tình trạng quá tải trong một thời gian dài".

Trong một bức thư trả lời, CEO Tencent nói rằng công ty đã thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa tình trạng làm việc quá sức, bao gồm cấm làm thêm giờ vào những ngày nhất định và chặn các cuộc thảo luận công việc trên WeChat sau 8 giờ tối.

Cũng giống như nhiều công ty khác, do tính cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nên Trương Hoàn (Zhang Huan), người sáng lập công ty Fmsecret đã cố gắng áp dụng 996 cho nhân viên công ty. Tuy nhiên, sau 3 tháng ông đã phải bãi bỏ quy định này.

Ông Trương cho biết: "5 trong số 32 nhân viên của tôi đã nghỉ việc vì họ cho rằng công ty không tin tưởng họ và cố gắng để bóc lột họ. Bây giờ tôi đang khuyến khích nhân viên làm việc và tạo dựng cho họ niềm tin ở công ty. Họ đã làm việc chăm chỉ hơn mà không cần phải theo quy tắc 996".

Đăng Khoa

Chủ đề khác