VnReview
Hà Nội

Surface Laptop đã đi lên từ thất bại thế nào?

Microsoft đã mất 5 năm để trở thành đối thủ chính thức của Dell và HP.

 

Cách đây 5 năm, Microsoft không nổi tiếng về sản xuất phần cứng. Hãng đã có những bước thử nghiệm trong sản xuất phụ kiện và thiết bị phần cứng khác. Xbox có lẽ là thiết bị phần cứng nổi bật nhất của Microsoft trong lĩnh lực trò chơi vào thời điểm đó. Đến giữa năm 2012, Microsoft chính thức gia nhập vào thị trường máy tính bảng với Surface Pro và Surface RT.

Đó dường như là một bước đi kỳ lạ của Microsoft khi mà các tablet hệ điều hành Windows khác đang thất thế trên thị trường. Nhưng Microsoft vẫn kiên trì, chống lại mọi định kiến để phát triển một sản phẩm dựa trên cảm hứng từ ý tưởng một chiếc máy tính bảng thời thượng, đến phát triển thương hiệu phần cứng chính thống, khẳng định tầm nhìn về sự đổi mới hướng đến tương lai của Microsoft. Với sự ra mắt của Surface Laptop mới nhất, Microsoft đã chính thức đối đầu trực diện với HP và Dell (những nhà sản xuất PC sử dụng hệ điều hành Windows của Microsoft) và cả Macbook của Apple.;  

Để ra mắt được sản phẩm mới thu hút sự chú ý và mang lại nhiều kỳ vọng cho người dùng là điều không hề dễ dàng. Chúng ta hãy cùng nhìn lại chặng đường đầy gian nan mà Microsoft đã phải trải qua.

Ban đầu, các tablet Surface không được đánh giá cao mặc dù có thiết kế bắt mắt, màu sắc nổi bật và điểm nhấn kickstand (chân đế có thể bật ra trên Surface tablet). Thời lượng pin trên phiên bản Pro quá "nghèo nàn", trọng lượng thân máy quá nặng để xem nó là một tablet, và cũng không thật sự đầy đủ chức năng để xem nó là một laptop.

Nhưng nguyên nhân chính mang đến thất bại là chip xử lý ARM trên phiên bản Surface RT và không có nhiều ứng dụng hỗ trợ hệ điều hành Windows RT. Mặc dù, Microsoft đã nâng cấp phần cứng cho tablet Surface 2 nhưng người dùng vẫn muốn sử dụng hệ điều hành Windows với đầy đủ chức năng và có thể chạy các ứng dụng desktop hơn. Tablet Surface RT của Microsoft và các thiết bị chạy Windows RT của hãng khác đã nhận lấy thất bại sau đó.

Thật may mắn, Microsoft đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng trong việc tạo ra các máy tính cá nhân đầy đủ tính năng chứ không mãi loay hoay với máy tính bảng kiểu như iPad. Microsoft bắt đầu phát triển sản phẩm xoay quanh xu hướng máy tính cá nhân 2 trong 1 và laptop lai. Nhờ sự phát triển của công nghệ chip xử lý với tốc độ cao và ít tiêu tốn điện năng, Microsoft đã cho ra đời Tablet Surface Pro 2 và Surface Pro 3 (với điểm nhấn bàn phím Typer Cover) để thay thế laptop, nhưng vẫn chưa thật sự thuyết phục người dùng.

Đến năm 2015, Microsoft đã thay đổi. Microsoft không sử dụng hệ điều hành Windows RT nữa, thay vào đó, hãng sử dụng phiên bản hệ điều hành với đầy đủ tính năng trên các dòng tablet Surface Pro. Và Surface 3 đã ra đời, một tablet giá 500 USD, với đầy đủ tính năng của laptop và tablet, nhận được sự quan tâm của người dùng. Ngay sau đó, Microsoft tiếp tục cho ra mắt Surface 4 Pro. Sản phẩm đã tạo nên cú hit lớn đối với người dùng, chiếc tablet cũng được Engadget đánh giá là "tablet lai lý tưởng trên mọi phương diện". Surface 4 Pro có thiết kế mỏng và trọng lượng nhẹ, với tùy chọn mua riêng bàn phím Typer Cover đã được cải tiến mạnh mẽ so với thế hệ trước.

Tuy nhiên, ngôi sao thực sự trong dòng sản phẩm năm 2015 của Microsoft là Surface Book, chiếc laptop thực sự  đầu tiên của Microsoft. Trên thực tế, Microsoft gọi nó là laptop "tối thượng", với màn hình 13 inch, thời lượng pin dài, thiết kế cao cấp và có các tính năng như một chiếc MacBook Pro có giá tương đương. Hơn thế nữa, người dùng có thể chuyển từ chế độ laptop sang tablet bằng cách tách màn hình ra qua một nút nhấn. Nhiều người dùng không thích thiết kế bản lề này và giá bán của Surface Book là quá cao, nhưng biên tập viên Dana Wollman của Engadget còn cho rằng laptop đầu tiên của Microsoft "gây nhiều trở ngại cho các laptop khác" nhờ tốc độ và độ bền của nó.

Vào năm 2016, Microsoft đã có bước đi táo bạo hơn khi tung ra Surface Studio, chiếc desktop PC đầu tiên. Thoạt nhìn, nó trông giống như những destop PC all-in-one khác. Nhưng hãy nâng màn hình lên một góc 20 độ, bạn sẽ thấy sự khác biệt: nó có thể làm bàn vẽ cho các chuyên gia sáng tạo nghệ thuật. Bút stylus và phụ kiện Dial surface (một núm nhỏ có thể xoay được, kết nối bluetooth, có thể dùng để điều chỉnh một số tính năng như chỉnh âm lượng, chọn màu) được lắp đặt phù hợp cho họa sĩ và nhà thiết kế sử dụng, và đủ mạnh để cài đặt các phần mềm sáng tạo nhất. Mức giá cao (hơn 3000 USD) và thiếu khả năng nâng cấp khiến cho nhiều người dùng không thể từ bỏ máy tính Wacom của mình, nhưng tính năng và chất lượng của Surface Studio ít nhất chứng minh rằng Microsoft có thể sản xuất các desktop PC tốt như bất cứ hãng nào khác trên thị trường.

Tuy nhiên, không nhiều người dùng dành tình yêu của họ cho các thiết bị vừa ra mắt của Microsoft. Microsoft còn rất nhiều việc phải làm. Hãng tiếp tục thất bại trên thị trường điện thoại thông minh với nền tảng Windows Phone gần như đã chết, cho dù đã mua lại Nokia. Surface 3 và Surface 4 mặc dù cũng rất tuyệt vời nhưng Microsoft cũng đã ngưng sản xuất chúng từ cuối tháng 12 năm ngoái, và ngừng cập nhật phần mềm cho các thiết bị này hơn 1 năm trước.

Không có gì ngạc nhiên khi các báo cáo thu nhập gần đây nhất, Microsoft đã báo cáo giảm 26% doanh số bán Surface, với chỉ gần 1 triệu thiết bị được bán ra. Apple, đối thủ cạnh tranh với Microsoft trong sản xuất phần cứng, có doanh số bán PC gấp 5 lần và tablet gấp 12 lần. Bằng tất cả những chiêu trò quảng cáo của mình, Microsoft vẫn không thể làm cho Surface mang lợi nhuận cho công ty.

Năm 2017, Microsoft quay trở lại lĩnh vực phần cứng với Surface Laptop và Windows 10 S. Điều này đã mang đến nhiều kỳ vọng cho một tương lai tươi sáng hơn cho Microsoft. Surface Laptop không còn màn hình có thể tháo lắp được và không có kickstand. Microsoft đã thu hút sự chú ý bằng sự đơn giản trong thiết kế tinh tế. Surface Laptop mỏng, nhẹ, hoàn thiện tốt và nhìn rất thoải mái khi sử dụng, đi kèm với hệ điều hành Windows 10 S, chỉ cho phép cài đặt các ứng dụng từ Windows Store, và có thể nâng cấp được.

Trong 5 năm qua, Microsoft đã chuyển từ vị thế "kẻ tập sự" phần cứng sang vị thế "chuyên gia" phần cứng, đủ tự tin để sản xuất phần cứng cơ bản, đẹp mắt mà không cần bất kỳ mánh lới quảng cáo nào. Surface Laptop chỉ là một laptop cơ bản, nhưng đó là những gì mà những fan hâm mộ của Microsoft đang chờ đợi. Để đạt được thành tựu ngày hôm nay, Microsoft đã trải qua nhiều gian nan, khắc nghiệt, phải đi qua những con đường quanh co, vòng vèo để đến được thành công. Một khẳng định chắc chắn, Microsoft  đang và sẽ là đối thủ đáng gườm trong lĩnh vực sản xuất phần cứng với bất kỳ công ty nào trên thị trường.

Minh Hiếu

Chủ đề khác