VnReview
Hà Nội

Giải mã startup gọi xe taxi 13 tỷ đô của Trung Quốc

Dịch vụ đi xe chung của Trung Quốc đã chinh phục nhiều đối thủ và thu hút tới 13 tỷ USD tiền đâu tư, nhưng cũng đang đối mặt với nhiều mối đe dọa.

Nguồn tin từ;Nikkei cho biết, dịch vụ gọi xe taxi Trung Quốc Didi Chuxing vừa thu hút được 5,5 tỷ USD đầu tư vào tháng Năm. Ngoài ra, hồi năm ngoái, Didi Chuxing đã thu hút được 10 tỷ USD. Giả sử không mất 1 tỷ USD/năm là chi phí Didi bỏ ra trong cuộc chiến tranh giành thị phần tại Trung Quốc với Uber, Didi hiện đã có lượng tiền mặt lớn đối với một startup, lên đến con số 13 tỷ USD.

Didi gần như đang thống trị tại Trung Quốc, sau khi chinh phục 2 đối thủ lớn nhất là Uber và Kuaidi Dache, theo nghiên cứu, thị phần Didi đã đạt đến 94%. Những động lực được cho là giúp Didi gọi được nhiều vốn như thế chính là tham vọng mở rộng ra nước ngoài và các khoản đầu tư vào xe hơi tự lái, trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, còn có những giải thích khác rất đáng chú ý. Đầu tiên là cơ hội: nếu đó là một công ty Trung Quốc nổi tiếng và có nhiều tiền đồng ý đầu tư cho bạn, tại sao lại không nhận? Với giá trị hơn 50 tỷ USD, con số 5,5 tỷ USD mà Didi có được vào tháng Năm chỉ chiếm khoảng 11% công ty. Thường khi bạn không cần vốn, bạn sẽ dễ dàng gọi vốn hơn nhiều so với khi đang quá khát vốn.

Hơn nữa, Didi vẫn chỉ mới có lãi rất dè dặt. Một núi tiền mặt lớn có thể đảm bảo con đường lâu dài trước khi công ty phải chính thức IPO. Didi cũng lo ngại các đối thủ cạnh tranh. Quan trọng nhất, Didi có thể chi tiền vào nghiên cứu và phát triển cũng như các vụ thâu tóm, sáp nhập. Với việc Chủ tịch Jean Liu của Didi là cựu chiến binh của Goldman Sachs, chắc chắn sẽ có nhiều thương vụ diễn ra trong tương lai công ty.

Thực ra, Didi cần những con đường phát triển mới. Bắc Kinh, Thượng Hải và các thành phố khác tại Trung Quốc đã có những quy định yêu cầu lái xe của ứng dụng phải là người dân địa phương. Về lý thuyết, điều có có thể ảnh hưởng đến 90% lái xe của Didi, vì họ hầu hết là người dân nông thôn lên thành phố. Và nó sẽ ảnh hưởng đến mảng kinh doanh cốt lõi của công ty.

Những quy định này được thực hiện nghiêm ngặt ra sao còn chưa rõ. Tuy vậy, Didi đã tuân thủ quy định mới bằng cách xin giấy phép hoạt động. Cũng cần nói thêm rằng, Didi, và trước đó là Uber, đã triển khai các dịch vụ đi xe chung "chui" tại Trung Quốc. Đi xe chung (ride-sharing) chỉ được cho là hợp pháp từ giữa năm 2016; nhưng những giới hạn gần đây đối với dịch vụ này đã khiến ngành công nghiệp đi chung xe rơi vào trạng thái nghi ngại.

Didi đã là một công ty tăng trưởng mạnh ngay từ đầu. Hãng bắt đầu bằng dịch vụ gọi taxi qua ứng dụng (taxi-hailing), sau đó chuyển sang đi xe chung (ride-sharing). Giờ đây, Didi còn tiến vào lĩnh vực cho thuê xe và kết hợp với các dịch vụ công. Hãng cũng đang tìm kiếm chỗ đứng trong trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ tài chính khi mua xe và các dịch vụ vận tải. Vì vậy, thực chất Didi đang theo đuổi toàn bộ các dịch vụ vận tải ở Trung Quốc. Do đó, việc gọi vốn tiền mặt để tiếp tục đà tăng trưởng năng nổ của Didi rất có ý nghĩa, đặc biệt khi có nhiều người đang nghi ngờ về mảng kinh doanh đi chung xe cốt lõi của Didi tại Trung Quốc.

Ngoài ra, Didi còn mở rộng mạnh mẽ ra nước ngoài. Didi dẫn đầu với vòng gọi vốn 100 triệu USD cho ứng dụng đi chung xe Brazil 99 hồi tháng Một, và trước đó đã đầu tư vào Ola ở Ấn Độ, Grab của khu vực Đông Nam Á và ứng dụng Mỹ Lyft, đóng một phần vai trò trong liên minh 4 công ty chống lại Uber trên toàn cầu. Hồi tháng Ba, Didi mở trung tâm R&D ở Silicon Valley. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi Didi tiếp tục một loạt những đầu tư ra quốc tế trong 12 tháng tới, đặc biệt ở Đông Nam Á.

Về lý thuyết, xe hơi tự lái có thể giúp giảm nhiều chi phí cho Didi. Một số báo cáo cho rằng phí lái xe, bảo hiểm chiếm đến 2/3 các chi phí hoạt động của công ty. Tuy nhiên, những tranh cãi về tiết kiệm chi phí này đã quên mất mục đích lớn hơn của xe tự lái. Nếu công nghệ này thành công, nó có thể xóa bỏ mô hình kinh doanh và những tiện thế cạnh tranh của hầu hết các dịch vụ đi chung xe và có thể là con gió thổi bay Didi.

Lý do ngành công nghiệp đi chung xe chỉ có 1 hoặc 2 công ty thống trị trên mỗi khu vực, là vì để có lái xe, bạn cần khách đi xe; để có khách đi xe, bạn cần nhiều lái xe. Để lớn mạnh trong một khu vực không chỉ cần một dịch vụ chất lượng – vì nhiều lái xe nghĩa là thời gian chờ đợi của khách đi xe sẽ ít hơn – và nó cũng tạo ra một rào cản không thể vượt qua với những hãng mới vào.

Xe tự lái sẽ phá vỡ lợi thế cạnh tranh này. Nếu không còn cần đến lái xe, sẽ không còn có mạng lưới "2 chiều" như trên. Didi và Uber lúc đó sẽ cùng cạnh tranh ngang hàng với những hãng mới vào ở chất lượng xe tốt, công nghệ thông minh và hệ điều hành khác nhau.

Vì thế, Didi và Uber đều có chiến lược khẩn trương áp dụng, chuyển đổi sang công nghệ mới này và tìm kiếm những nguồn lợi thế cạnh tranh mới. Điều này có thể thực hiện bằng cách trở thành hệ sinh thái vận tải trong đó xe tự lái sẽ vận hành; cũng có thể thực hiện bằng cách trở thành hệ điều hành như "Microsoft vận hành máy tính"; cũng có thể bằng cách tích hợp với các dịch vụ vận tải công.

Google, Apple, Uber và nhiều công ty khác đang chạy đua vào xe tự lái. Một hãng nữa của Trung Quốc là Baidu. Baidu đang phát triển nền tảng xe tự lái nguồn mở, liên quan đến phần cứng, phần mềm và dịch vụ dữ liệu đám mây. Điều này có thể cho phép nhiều công ty xe tự lái gia nhập miếng bánh này. Apollo, một dự án của Baidu sẽ cung cấp khả năng nhận thức trở ngại, lập kế hoạch quỹ đạo, kiểm soát xe và các hệ điều hành xe. Cần lưu ý rằng Baidu đã thử nghiệm thành công xe tự lái của họ chạy trên các tuyến đường cao tốc của Bắc Kinh từ tháng 12/2015.

Theo báo Nikkei, xe tự lái, trí tuệ nhân tạo, những quy định, chính sách mới và mở rộng hợp tác nước ngoài đều là những vấn đề mà Didi đang hướng tới. Để cạnh tranh, hãng phải đấu với nhiều công ty "sừng sỏ" như Baidu, Apple, Google và Ford Motor. Chiến thắng trong mảng xe tự lái có thể cần đến hàng tấn tiền đổ vào R&D (nghiên cứu và phát triển) và M&A (thâu tóm và sáp nhập). Chỉ riêng điều này, Didi sẽ cần đến rất nhiều tiền mặt.

Hoàng Lan

Chủ đề khác