VnReview
Hà Nội

Tim Cook đã đúng khi chống lại FBI

Năm ngoái, Tim Cook đã không giúp FBI mở khóa chiếc iPhone của tên khủng bố. Trong khi đó, năm 2017 chứng kiến công cụ do NSA phát triển bị lộ ra ngoài dẫn đến mã độc WannaCrypt0r lây lan trên khắp thế giới.

Các bạn còn nhớ sự kiện năm ngoái khi Tim Cook, CEO Apple đã từ chối yêu cầu mở khóa một chiếc iPhone từ FBI? Sau 1 năm, có lẽ chúng ta cần nhắc lại sự kiện này và khẳng định rằng Tim Cook đã hoàn toàn đúng khi nói về sự nguy hiểm của việc trao phần mềm phá khóa iOS cho bất kỳ ai, kể cả cho chính phủ.

Mục tiêu của FBI và chính phủ cách đây 1 năm là nắm trong tay chìa khóa xâm nhập vào các thiết bị Apple trong những trường hợp cần thiết (phục vụ điều tra chẳng hạn). Sau 1 năm, phần mềm backdoor sử dụng trong vụ tấn công mã độc WannaCrypt0r gần đây lại bị rò rỉ từ các cơ quan chính phủ Mỹ.

Xin được nhắc lại: Cook đã đúng khi nói về rủi ro của việc trao phần mềm phá khóa iOS cho bất kỳ ai, kể cả cho chính phủ vì không ai đảm bảo rằng chúng sẽ không rơi vào tay kẻ xấu.

Tháng 12/2015, 1 ngày sau vụ thảm sát kinh hoàng tại San Bernardino, FBI có trong tay chiếc iPhone của thủ phạm (đã chết). iPhone chưa được đồng bộ với iCloud, dữ liệu mới nhất vẫn nằm trong máy nhưng FBI lại không có mật khẩu để xem. Lúc này FBI bắt đầu tìm đến Apple vì thủ phạm đã bật tính năng tự xóa sách dữ liệu nếu nhập mật khẩu sai 10 lần.

Giải pháp của FBI là yêu cầu Apple tạo ra một phiên bản iOS đặc biệt dành cho chiếc iPhone duy nhất được bọn khủng bố sử dụng. Phần mềm này không bao gồm các tính năng bảo mật cho phép FBI dễ dàng truy cập dữ liệu bên trong. Tim Cook, CEO Apple đã đưa ra quyết định cực kỳ khó khăn là từ chối yêu cầu của FBI. Vài tháng sau, Apple bị FBI kiện, tòa án liên bang gửi lệnh bắt buộc hãng tạo ra một bản iOS đặc biệt dành cho chính phủ. Sau nhiều ngày căng thẳng, FBI bất ngờ tuyên bố kết thúc vụ kiện với Apple vì đã tìm cách phá khóa chiếc iPhone ấy.

Nhiều người nghĩ rằng câu chuyện trên đã chấm dứt, nhưng…

Hơn tháng trước, nhóm hacker mang tên Shadow Brokers tuyên bố tìm thấy một số lổ hổng từ Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), chúng bao gồm các lỗ hổng zero-day mới nhắm vào các sản phẩm của Microsoft.

Chỉ vài tuần sau khi lỗ hổng được công khai, mã độc tống tiền (ransomware) mang tên WannaCry (WannaCrypt0r) bất ngờ lây nhiễm hàng chục ngàn máy tính với tốc độ khủng khiếp làm cả thế giới điêu đứng. Khi lây nhiễm, toàn bộ dữ liệu trên máy sẽ bị mã hóa, nạn nhân bị yêu cầu trả tiền chuộc để nhận mã mở khóa dữ liệu. Vài ngày sau khi lây lan, nhiều nguồn tin cho biết WannaCry chính là kết quả của vụ rò rỉ phần mềm backdoor trước đó đến từ NSA.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng vụ khai thác này không ảnh hưởng đến sản phẩm Apple (có lẽ do may mắn). Trong khi mối đe dọa tồn tại từ các cơ quan chính phủ vô tình khai thác các lỗ hổng mà họ có thể dùng để duy trì an ninh quốc gia là hoàn toàn có thể. Nếu để điều đó xảy ra, bạn không còn đường lui. Chính phủ không bao giờ có thể khẳng định chính xác rằng các phương pháp được thiết kế cho phép họ phá bỏ mọi cánh cửa bảo mật vì lợi ích quốc gia chỉ được dùng cho mục đích đó.

Một kết quả tích cực khác là thương hiệu Apple đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Công ty công nghệ nào có thể làm bạn tin tưởng về an toàn thông tin cá nhân? Google? Hay Facebook? Đến khi họ không bắt bạn trả tiền để sử dụng, nguồn thu chính của họ vẫn đến từ các thông tin của bạn. Apple là công ty công nghệ lớn duy nhất vượt qua hoàn cảnh khó khăn này, nó chứng minh rằng sự tin tưởng của khách hàng dành cho Apple là hoàn toàn chính xác.

Việc đảm bảo an toàn thông tin cá nhân ngày càng khó khăn khi internet ngày càng lớn mạnh, chúng hoàn toàn có thể trở thành "vũ khí" cho những mục đích sai trái.

Vài năm trước, Tim Cook cũng quyết định không hợp tác với FBI, nhưng chưa ai khen ngợi ông. Hóa ra giờ ông ta đã đúng, việc trao phần mềm bẻ khóa cho bất cứ ai, thậm chí là cơ quan chính phủ được xem là an toàn cũng có thể trở nên tồi tệ. Hãy tưởng tượng nếu công cụ phá khóa iPhone bị kẻ xấu lấy mất, mọi thứ sẽ khủng khiếp đến mức nào khi có hàng triệu thiết bị iOS trên thế giới.

Đôi khi, né tránh một thảm họa hóa ra lại hay, vì chúng ta chưa thể biết chắc điều gì sẽ xảy ra sau đó. Chắc chắn Cook không muốn mình phải đứng vào vị trí bất lực khi nhìn thấy tội ác đang diễn ra trước mắt.

Vậy là Tim Cook đã đúng khi chống lại FBI.

Bài viết do biên tập viên Marty Puranik đến từ trang tin The Next Web thực hiện, được VnReview lược dịch lại.

Phúc Thịnh

Chủ đề khác