VnReview
Hà Nội

Alibaba muốn mở rộng sang Mỹ: Không dễ đâu!

Để thực hiện tham vọng trở thành thế lực kinh tế thứ 5 như mong muốn của ông chủ Jack Ma, Alibaba cần phải trở nên toàn cầu hóa và mở rộng sang các thị trường khác như Mỹ. Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, thị trường Mỹ có những thách thức riêng mà Alibaba khó có thể nhanh chóng vượt qua được.

Theo Bloomberg, tập đoàn Alibaba của Jack Ma đã trở thành công ty lớn nhất Trung Quốc, nếu tính theo giá trị vốn hóa thị trường. Sự lớn mạnh kéo theo những tham vọng mới và bà Maggie Wu, giám đốc tài chính của Alibaba, mới đây cho biết là công ty đã đặt mục tiêu tăng doanh thu tới 49% vào năm sau.

Đây thật sự là một mục tiêu doanh thu ấn tượng. Tuy nhiên, điều khiến các nhà đầu tư kinh ngạc hơn cả đó là Alibaba hi vọng việc mở rộng sang thị trường Mỹ sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng doanh thu chung của công ty. Trọng tâm của kế hoạch này là thu hút hơn 1,5 triệu doanh nghiệp nhỏ của Mỹ mở cửa hàng trên sàn thương mại điện tử của Alibaba.

Alibaba đang là ông trùm trong ngành bán lẻ trực tuyến tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Nhờ vào trang web Tmall (Taobao mall), Alibaba hiện đã chiếm tới 56% thị phần trong thị trường thương mại điện tử tại Trung Quốc, tức là gấp đôi so với đối thủ lớn nhất hiện nay là JD.com. Với tổng giá trị lên tới 21 tỷ USD, ông chủ Jack Ma tự tin tuyên bố Alibaba đã không còn là một công ty nữa và đã trở thành một "thế lực kinh tế". Alibaba hiện nay còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như điện toán đám mây, thanh toán điện tử, truyền thông và phim ảnh.

Tuy thành công ở Trung Quốc nhưng việc mở rộng sang Mỹ đối với một công ty như Alibaba sẽ không hề đơn giản chút nào. Trên thực tế, kế hoạch tấn công vào nền kinh tế số 1 thế giới của Jack Ma có vẻ như sẽ thất bại.

Alibaba có tham vọng trở thành kênh kết nối doanh nghiệp Mỹ với người dùng Trung Quốc.

Vấn đề đầu tiên nằm ở mô hình kinh doanh của công ty. Alibaba thường được gọi là "Amazon của Trung Quốc". Điều này khiến mọi người nhầm tưởng là Alibaba giống y hệt Amazon nhưng thực tế không hẳn như vậy. Trong khi Amazon đã xây dựng được một hệ thống logistic hàng đầu thế giới để tăng tốc độ và tiêu chuẩn hóa việc phân phối, Alibaba lại chọn cách phân phối theo kiểu "giảm nhẹ cơ sở hạ tầng". Cụ thể, hàng hóa sẽ được vận chuyển tới khách hàng của Alibaba thông qua các nhà cung cấp dịch vụ logistic của bên thứ 3 với hệ thống nhà kho trải khắp Trung Quốc. Alibaba đơn giản chỉ cung cấp nền tảng để khách hàng và nhà cung cấp đến với nhau, khác hẳn với Amazon.

Trong trường hợp Jack Ma muốn thu hút các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ mở cửa hàng trên Alibaba, ông sẽ cần phải mở rộng hệ thống logistic hiện nay và vượt qua một số rào cản pháp lý. Hầu hết các doanh nghiệp lớn của Mỹ đã có hoạt động tại Trung Quốc hoặc có những kênh phân phối của riêng mình. Trong khi đó, các công ty nhỏ của Mỹ lại thiếu kĩ năng hành chính khi làm việc tại Trung Quốc và việc vận chuyển các hàng hóa riêng biệt thông qua một bên thứ 3 sẽ trở nên rất đắt đỏ. Nói cách khác, cách phân phối của Alibaba sẽ không hấp dẫn được nhiều doanh nghiệp Mỹ.

Một vấn đề khác đó là Alibaba đã kiếm được nhiều doanh thu từ việc tính phí người bán dựa trên số lượng truy cập vào cửa hàng. Giống như cách Google thu tiền dựa theo số lượt click vào các quảng cáo có trong kết quả tìm kiếm, Alibaba cũng thu phí của người mua dựa theo số lượng truy cập vào cửa hàng của họ. Tuy nhiên, giống như cách nhiều công ty đã học được, Alibaba sẽ sớm nhận ra cần phải có một lợi thế cạnh tranh đủ mạnh để khiến các khách hàng tới từ Mỹ chi thêm tiền và hiện tại, họ chưa có thứ đó.

Thực tế, rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp Mỹ muốn bán hàng tại Trung Quốc là chủ nghĩa bảo hộ chứ không phải là thiếu những nền tảng thương mại điện tử như Alibaba. Trong nhiều năm qua, chính phủ Trung Quốc đã dùng nhiều phương pháp khác nhau để kiềm chế sự cạnh tranh tới từ các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm giấy phép kinh doanh và chứng nhận của hải quan để được bán cho người tiêu dùng, hạn chế lượng nội tệ và USD đi ra khỏi biên giới.

Jack Ma không phải là doanh nhân đầu tiên muốn mở đường cho các doanh nghiệp nước ngoài xâm nhập mạnh hơn vào Trung Quốc. Tuy nhiên, giống với những người đi trước, nhiều khả năng ông cũng sẽ thất bại.

Cuối cùng, việc thu hút một lượng lớn doanh nghiệp tới từ Mỹ cũng đồng nghĩa với việc Alibaba cần phải mạnh tay loại trừ những kẻ bán hàng nhái đang cực kì phổ biến trên nền tảng của họ hiện nay. Ngay cả khi Jack Ma đang có những nỗ lực nghiêm túc hơn, điều này không có nghĩa là hàng nhái sẽ bị loại trừ khỏi Alibaba hoàn toàn. Việc triệt hạ đường làm ăn của các doanh nghiệp nhỏ trong nước vì lợi ích của doanh nghiệp nước ngoài sẽ khiến Alibaba mất đi sự ủng hộ và thậm chí là gặp phải những rủi ro về mặt chính trị, đặc biệt là khi năm bầu cử của Trung Quốc đang tới gần.

Lời hứa 1,5 triệu việc làm

Trong cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump vào hồi đầu năm nay, Jack Ma đã hứa rằng tập đoàn Alibaba của ông sẽ giúp nước Mỹ tạo thêm được 1,5 triệu việc làm trong vòng 5 năm tới. Ngay lập tức, Alibaba đã nhận được nhiều lời tán thưởng từ Tổng thống Mỹ, một điều mà không nhiều công ty Trung Quốc có thể làm được.

Về cơ bản, lời hứa của Jack Ma dựa trên dự đoán của ông rằng sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp nhỏ của Mỹ mở cửa hàng trên Alibaba trong vòng 5 năm tới. Mỗi doanh nghiệp sẽ cần phải thuê ít nhất một nhân viên để điều hành cửa hàng trực tuyến và cứ như vậy, sẽ có 1,5 triệu việc làm được giải quyết cho nước Mỹ.

Tuy nhiên, tham vọng này của Jack Ma có vẻ như hơi xa rời so với thực tế. Chúng ta có thể lấy ví dụ về Wal-Mart, công ty bán lẻ lớn nhất nước Mỹ với 1,5 triệu nhân viên. Nếu 1,5 triệu nhân viên làm việc trên nền tảng của Alibaba có thể tạo ra doanh thu giống như Wal-Mart, điều đó có nghĩa là sẽ có tới 245 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ được xuất khẩu vào Trung Quốc mỗi năm. Trong khi đó, vào năm 2016, tổng giá trị xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc mới chỉ đạt có 170 tỷ USD. Có lẽ, đội ngũ nhân viên của Alibaba đã tư vấn cho Jack Ma cách lấy lòng Tổng thống Trump bằng lời hứa về việc làm.

Một điểm đáng chú ý hiện nay là nhu cầu của Trung Quốc về hàng hóa của các doanh nghiệp nhỏ tới từ Mỹ đang tăng cao với nhiều hình thức vận chuyển khác nhau, từ xách tay cho tới buôn lậu. Nếu Alibaba có thể liên kết được các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ với thị trường tiêu dùng đang rộng mở của Trung Quốc, điều này sẽ đem lại được nhiều cơ hội cũng như lợi ích cho các bên.

Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi Alibaba phải có những thay đổi lớn trong mô hình kinh doanh, cung cấp và phát triển nhiều dịch vụ hơn nữa. Nói cách khác, Jack Ma đang gặp những thách thức lớn chưa từng thấy trong tham vọng mở rộng sang thị trường Mỹ của mình.

Nguyễn Long

Chủ đề khác