VnReview
Hà Nội

Hé lộ kết quả cuộc chiến toàn cầu của Apple chống lộ lọt thông tin

Hồi đầu tháng 6, Apple tổ chức một buổi họp nội bộ để chống rò rỉ thông tin sản phẩm, nhưng ngay cả cuộc họp này cũng bị rò rỉ thông tin: một đoạn ghi âm buổi họp đã được trang Outline khai thác được, và nội dung của nó đã "đưa ra ánh sáng" việc công ty có giá trị lớn nhất thế giới sẽ đi được bao xa trên con đường ngăn chặn rò rỉ sản phẩm mới.

Buổi họp, với chủ đề "Stopping Leakers - Keeping Confidential at Apple" (tạm dịch: Ngăn chặn rò rỉ - Bảo mật thông tin tại Apple), do Giám đốc An ninh toàn cầu David Rice, Giám đốc Điều tra toàn cầu Lee Freedman và Jenny Hubbert thuộc đội Truyền thông và Đào tạo An ninh toàn cầu chủ trì.

Theo nội dung bài thuyết trình kéo dài cả giờ đồng hồ, nhóm An ninh toàn cầu của Apple điều động các điều tra viên trên khắp thế giới tham gia ngăn chặn thông tin đến tai các đối thủ cạnh tranh, giới sản xuất hàng nhái và giới truyền thông báo chí, cũng như điều tra nguồn phát tán. Một số điều tra viên trước đây từng làm việc tại các cơ quan tình báo Mỹ như Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA), các cơ quan thực thi pháp luật như FBI, Sở Mật vụ Hoa Kỳ và các cơ quan thuộc quân đội Hoa Kỳ.

Đây là buổi họp đầu tiên trong số những sự kiện Apple đang lên kế hoạch tổ chức cho nhân viên, cho thấy "nỗi ám ảnh" về bảo mật của hãng. Tại đây, Rice và Freedman trình bày một cách cởi mở về những nỗ lực của Apple trong việc ngăn chặn rò rỉ, thảo luận cách những "kẻ làm lộ tin" đã bị bắt và giải đáp những thắc mắc của khoảng 100 người tham dự.

Bắt đầu và kết thúc bài thuyết trình là những đoạn video, trình chiếu các hình ảnh Tim Cook đang giới thiệu về một trong những sản phẩm chủ đạo của Apple, nhấn mạnh bảo mật là ưu tiên hàng đầu tại Apple. "Khi nhìn thấy những thông tin bị lộ trên báo chí, tôi thấy thật xót xa", một nhân viên nói trong video đầu tiên. "Điều đó thật khiến tôi đau lòng". Một nhân viên khác tiếp lời "Khi bạn rò rỉ thông tin là bạn đã làm chúng tôi thất vọng. Nó thuộc về công ty, là danh tiếng của công ty, là ‘mồ hôi nước mắt' của biết bao người làm ra sản phẩm đó".

"TÔI CÓ MỘT NIỀM TIN SẮT ĐÁ RẰNG NẾU CHÚNG TA LÀM VIỆC VỚI NHỮNG NGƯỜI THÔNG MINH… HỌ SẼ BIẾT MÌNH NÊN LÀM GÌ VÀ GIỮ MỒM GIỮ MIỆNG".

Steve Jobs đặt yếu tố bảo mật lên hàng đầu suốt thời gian đương nhiệm ở vị trí CEO và năm 2004 công ty thậm chí không thành công trong vụ kiện một nhóm blogger công nghệ do tiết lộ thông tin. Cook công khai đề cập việc nâng cao tính bảo mật lần đầu tiên tại một hội nghị năm 2012 và buổi thuyết trình này dường như là nơi thông báo kết quả cho những nỗ lực ấy.

Trong một video, Phó chủ tịch phụ trách tiếp thị sản phẩm iPod, iPhone và iOS của Apple – ông Greg Joswiak nói: "Việc này rất quan trọng đối với Tim. Trên thực tế, nó quan trọng với tất cả những ai trong Apple và nó khiến chúng ta không thể chịu đựng thêm được nữa". Ngừng lại một chút, Joswiak nói tiếp: "Tôi có một niềm tin sắt đá rằng nếu chúng ta làm việc cùng những người thông minh thì họ sẽ hiểu vấn đề, biết mình nên làm gì và giữ mồm giữ miệng".

Để bảo đảm tính bảo mật, Apple đã xây dựng một cơ sở hạ tầng và một nhóm "theo dõi những ‘kẻ làm lộ tin'", Joswiak nói, và "cả hai đều khá hiệu quả".

Khi đoạn video đầu tiên kết thúc, Jenny Hubbert bắt đầu phần thuyết trình của mình. "Như các bạn nghe thấy Tim nói ‘Chúng ta còn một việc nữa'. Đó là gì vậy?", bà hỏi. "Sự bất ngờ và niềm vui. Bất ngờ và vui sướng khi chúng ta công bố một sản phẩm chưa bị rò rỉ bất cứ thông tin nào. Điều này hiệu quả đến khó tin, theo một cách rất tích cực. Sản phẩm đó là DNA của chúng ta, là thương hiệu của chúng ta. Nhưng khi thông tin bị rò rỉ ra ngoài, thật là "một cú trời giáng". Vì nó là ‘cú đá trực tiếp' vào tất cả chúng ta".

"Vì vậy, hôm nay chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn ‘hình ảnh hậu trường' các vụ rò rỉ xảy ra trong chuỗi cung ứng và cả ngay tại đây, Cupertino", bà Hubbert nói.

Sau đó, bà giới thiệu David Rice lên thuyết trình về đội "An ninh Sản phẩm Mới", một phần của nhóm An ninh Toàn cầu mà Rice cho biết là "thực ra là một nhóm bí mật, chúng ta có một chút sai sót trong cách gọi tên". Rice từng làm việc tại NSA với tư cách là Chuyên gia phân tích lỗ hổng mạng toàn cầu trong 4 năm và trước đó là một mật vụ đặc biệt thuộc Hải quân Hoa Kỳ. Ông đã dẫn dắt đội An ninh toàn cầu tại Apple trong hơn 6 năm. Jenny Hubbert cũng giới thiệu Lee Freedman, người trước đây từng làm Trưởng nhóm tội phạm máy tính tại Văn phòng Luật sư Hoa Kỳ và là Trợ lý Luật sư Hoa Kỳ ở Brooklyn. Ông gia nhập Apple với vai trò lãnh đạo đội Điều tra toàn cầu từ năm 2011.

Nhóm An ninh Sản phẩm Mới "tập trung rất nhiều cho chuỗi cung ứng", Hubbert nói và đó là trọng tâm trong phần đầu tiên của bài thuyết trình.

Vụ rò rỉ lớn nhất trong lịch sử Apple là vụ đánh cắp linh kiện từ các nhà máy tại Trung Quốc. Những linh kiện này được tiết lộ với giới truyền thông, giống như vụ các hình ảnh về iPhone 5 rò rỉ năm 2012, hoặc được bán tại chợ đen.

Giữ bí mật

Theo Giám đốc điều tra toàn cầu Lee Freedman, một số "kẻ làm lộ tin" đã bị Apple bắt được tại cơ sở Santa Clara Valley năm 2016.

Tuy nhiên, Rice cho hay, Apple đã "trấn áp" được các vụ rò rỉ từ nhà máy thành công đến nỗi các vụ rò rỉ giờ đây diễn ra ở các trụ sở của Apple tại California hơn là các nhà máy sản xuất nước ngoài. "2016 là năm đầu tiên trụ sở Apple xảy ra tình trạng rò rỉ nhiều hơn chuỗi cung ứng", Rice trình bày. "Số thiết bị bị tuồn ra ngoài trụ sở Apple trong năm 2016 nhiều hơn tất cả số lượng bị mất tại các chuỗi cung ứng cộng lại".

Rice so sánh công việc của nhân viên soi an ninh tại nhà máy Apple với TSA (Cơ quan an ninh vận tải Mỹ). "Năng suất cao nhất của họ là 1,8 triệu lượt soi mỗi ngày. Của chúng ta, chỉ tính riêng 40 nhà máy tại Trung Quốc, là 2,7 triệu". Con số đã tăng lên 3 triệu khi Apple đẩy mạnh sản xuất, ông nói thêm, và tất cả nhân viên ra vào nhà máy đều phải được kiểm tra.

"Trung bình có khoảng 221 triệu lượt ra vào mỗi năm. So với 223 triệu là con số ra vào cao nhất tại 25 công viên giải trí lớn nhất trên thế giới", Rice nói. "Thì nhà máy của chúng ta giống như một công viên giải trí lớn mà thôi. Mọi người đi ra đi vào cùng hàng tỷ thiết bị ‘vây quanh'. Nếu bạn cầm một đống linh kiện đi lại và rất nhiều người lượn lờ xung quanh thì không nghi ngờ gì, chúng ta thậm chí còn rò rỉ nhiều hơn".

Nhóm An ninh toàn cầu tại Trung Quốc "cố hết sức" giải quyết vấn nạn rò rỉ linh kiện từ các nhà máy của Apple, Rice nói, và mô tả những nỗ lực đó như "muối bỏ biển".

Một giám sát viên cầm chiếc iPad kiểm tra thẻ của nhân viên khi đang điểm danh tại nhà máy Pegatron Corp. tại Thượng Hải, Trung Quốc.

"Chúng ta phải đối phó với những tên trộm ma mãnh. Chúng rất sáng tạo, các biện pháp an ninh của chúng ta được cải tiến bao nhiêu, chúng cũng trở nên khéo léo hơn bấy nhiêu", Rice nói. Những tên buôn bán chợ đen "lôi kéo" công nhân làm việc tại nhà máy bằng cách đặt những tấm biển tại bến xe buýt và khu ký túc xá công nhân, ông nói, và trả giá "trên trời" cho những linh kiện của Apple.

Công nhân Trung Quốc của Apple có nhiều "động cơ" để làm rò rỉ hoặc buôn lậu linh kiện. "Rất nhiều, đến 99,9%, trong số những người này là người tốt đi xa làm việc, họ muốn kiếm tiền, sau đó trở về và bắt đầu lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương hoặc làm gì đó, hỗ trợ gia đình", Rice nói. "Nhưng rất nhiều người trong số họ không thể ‘giữ mình' bởi sẽ ra sao nếu tôi đề nghị trả bạn ba tháng tiền lương? Từng có những trường hợp, công nhân được trả cả năm tiền lương cho những sản phẩm ăn cắp khỏi nhà máy". Công nhân dây chuyền sản xuất của Apple kiếm được khoảng 350 USD mỗi tháng, chưa bao gồm tiền làm ngoài giờ, theo báo cáo năm 2016 từ China Labor Watch.

Đối với một kẻ trộm thì linh kiện giá trị nhất là khung hay vỏ bọc sản phẩm, thường là vỏ sau của iPhone hoặc MacBook. "Nếu bạn có vỏ bọc sản phẩm, bạn sẽ biết chúng tôi chuẩn bị ra mắt cái gì", Rice nói.

Công nhân thường giấu các linh kiện trong nhà tắm, kẹp giữa các ngón chân hay ném qua hàng rào, hoặc cho vào bồn cầu rồi xả nước sau đó nhặt lên từ ống cống, Rice tiếp tục. "Cách đây khá lâu, 8.000 linh kiện bị các nhân viên nữ đánh cắp bằng cách giấu trong áo lót. Họ có nhiều cách để 'tẩu tán' linh kiện. Nhưng đó không chỉ là linh kiện. Đó có thể là bất cứ thứ gì có thể tiết lộ sản phẩm trước ngày ra mắt".

Linh kiện ăn cắp thường được tuồn đến điểm cuối là Huaqiangbei, một trong những chợ điện tử lớn nhất thế giới tại Thẩm Quyến, miền Nam Trung Quốc. Chợ này thu hút khoảng nửa triệu nhân công và thu về khoảng 20 tỷ USD mỗi năm, Rice trình bày. "Năm thất thoát đặc biệt thảm hại" là 2013, khi Apple phải mua lại khoảng 19.000 vỏ bọc sản phẩm trước khi ra mắt iPhone 5C, ông nhớ lại, và sau đó lại mua thêm 11.000 vỏ trước khi điện thoại được chuyển tới khách hàng. "Vì thế, chúng ta phải mua lại càng nhanh càng tốt mới mong giữ chúng tránh xa các site blog trên Trái đất này", Rice nói.

Vài năm nay kể từ khi Tim Cook thắt chặt bảo mật, nhóm của Rice đã đảm bảo an ninh cho vỏ bọc sản phẩm tốt hơn. "Năm 2014, chúng tôi bị đánh cắp 387 vỏ", ông nói. "Đến năm 2015, 57 vỏ bị mất, 50 trong số đó bị đánh cắp một đêm trước ngày ra mắt. Thật đau đớn". Năm 2016, Rice nói tiếp, công ty sản xuất 65 triệu khung và chỉ 4 chiếc bị mất. "Tỷ lệ bị đánh cắp là 1/16.000.000".

Sau đó, trong phần hỏi đáp, Rice thuật lại một bài blog của John Gruber, giám sát viên lâu năm của Apple, trong đó Gruber phê bình Mark Gurman của Apple, hiện đang làm việc cho Bloomberg, vì không có thông tin chi tiết về loa HomePod của Apple trước khi phát hành. "Ngay cả [Gruber] trông giống như kiểu ‘Yeah, anh chẳng lấy được gì đâu'. Vì vậy, Gruber đã tỏ vẻ công kích, như thể ‘Được rồiiiii'", Rice nói, khiến các nhân viên cười ồ lên.

Bài thuyết trình chuyển từ chủ đề Trung Quốc sang vụ rò rỉ tại các trụ sở của Apple tại Mỹ. Trước đây, nhân viên Mỹ của Apple bị "kìm kẹp" bởi các biện pháp an ninh hà khắc, Rice nói, do có tình trạng rò rỉ tại chuỗi cung ứng. "Bạn luôn luôn có ý chống đối… theo kiểu ‘Nào, sao chúng ta phải giữ gìn những thứ này trong khi chuỗi cung ứng rò rỉ quá nhiều'", Rice nói. "Tôi nghĩ tiếng dữ đồn xa và sau khi vụ ồn ào ở chuỗi cung ứng hạ nhiệt thì chúng ta lại giật mình ‘Oh, chúa ơi, ngay đây cũng có chuyện'".

Ông giải thích: "Apple đã ‘cài' các thành viên của nhóm Quản lý chương trình bí mật thuộc đội An ninh toàn cầu (Global Security) vào một số nhóm sản phẩm với mục đích giúp nhân viên "giữ mồm giữ miệng". Khi những thông tin nhạy cảm bị lộ lọt, nhóm điều tra của Lee Freedman "xắn tay" vào tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra và ai là kẻ phải chịu trách nhiệm.

Mất 3 năm để tìm ra kẻ làm rò rỉ tại trụ sở Apple

"Những cuộc điều tra diễn ra trong một thời gian dài", Freeman nói với nhân viên. Cụ thể hơn, một cuộc điều tra về vụ rò rỉ tại trụ sở Apple phải mất 3 năm. "Chúng ta không mang tâm lý chủ bại và nói ‘Ồ, được, dù gì cũng sắp rò rỉ rồi'. Chứ không phải "Ồ, nó được đưa lên blog rồi và chúng ta phải sống chung với lũ".

Hubber nhắc Rice nói về hai kẻ ăn cắp bị bắt năm ngoái, một làm cho cửa hàng online của Apple được 2 năm và một làm tại bộ phận iTunes được khoảng 6 năm.

Cả hai tên này đều "cung cấp thông tin cho các blogger", Rice nói. Một trong số chúng đã bắt chuyện với một nhà báo trên Twitter, Freedman nói, trong khi tên còn lại có một mối quan hệ lâu năm với một phóng viên.

"Như vậy, bạn đã có thể hình dung ra tính cách của những tên rò rỉ thông tin này chưa?", Hubbert hỏi. "Ý tôi là có điểm chung nào giữa những gì chúng làm không?".

"Điểm chung là chúng trông giống bất cứ ai trong chúng ta", Freedman nói với những nhân viên tham gia buổi họp. "Chúng đi làm và trông chẳng có gì khác biệt và chúng bắt đầu công việc tại đây với chính xác cùng một động lực là ‘Tôi yêu Apple, tôi nghĩ đây là nơi lý tưởng để làm việc và tôi muốn làm tốt hơn'".

Trước đây, Apple từng chứng kiến cảnh những nhân viên "bất mãn" rò rỉ dữ liệu sau lần kiểm tra hiệu suất làm việc có kết quả không tốt, ông nói. "Nhưng đó không phải là những gì thường xuyên diễn ra. Nhiều nhân viên của chúng ta thực sự háo hức với những sản phẩm của công ty và họ lại tìm một nơi nào đó để chia sẻ hoặc ra ngoài để kể lể, ‘Này, đoán xem chúng tôi đã làm gì'", ông nói. "Hoặc ai đó sẽ hỏi họ một câu hỏi và thay vì chỉ nói ‘Tôi không thể nói gì', thì họ lại nói quá nhiều".

Rice nói chính sách bảo mật của Apple chưa được chuyển hoá thành văn hóa sợ hãi. "Tôi nghĩ điều đặc biệt tại Apple đó là chúng ta không có văn hóa Anh Cả", Rice nói. "Không ai trong đội chúng tôi đọc email, ngồi sau bạn trên chuyến xe buýt, chúng tôi không làm thế".

Những bài thuyết trình khiến cho làm việc tại Apple chẳng khác gì làm việc cho CIA. (Có thời điểm, Rice thậm chí còn đề cập đến "phát giác"). Người thuyết trình nhắc đi nhắc lại về những nhân viên tự "kìm kẹp" đời sống cá nhân của mình. "Tôi gặp nhiều khó khăn vì không thể kể những gì tôi làm với vợ, với con cái… với bạn bè, với gia đình mình", một nhân viên xuất hiện trong video nói. "Tôi không nói rằng bạn hãy từ bỏ mọi mối quan hệ", Rice nói, "nhưng việc bạn có một mối quan hệ kiểm soát những gì bạn thường làm".

"TÔI GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN VÌ KHÔNG THỂ KỂ NHỮNG GÌ TÔI LÀM VỚI VỢ, VỚI CON CÁI… VỚI BẠN BÈ, VỚI GIA ĐÌNH MÌNH".

"Mong muốn chủ động" chỉ là một vế, Rice nói. Bên cạnh đó cũng có những nguy cơ đề cập đến thông tin một cách thụ động. Nhân viên của Apple được trông đợi sẽ kín kẽ tại phòng làm việc. Hành lang và phòng chờ của Apple được coi là "khu vực nguy hiểm", "không phải là nơi để nói chuyện", Rice nói. Nỗi sợ "vô tình tiết lộ thông tin bí mật" có thể là lý do khiến một số nhân viên mới của Apple có ý định xóa tài khoản Twitter. Jonathan Zdziarski, nhà nghiên cứu an ninh cấp cao, từng khóa tài khoản Twitter sau khi được nhận vào làm tại Apple.

"Chúng ta đều có chung một cảm giác khi nói chuyện với các kỹ sư của Apple như sau: ‘Thật kỳ, nếu tôi nói điều gì trong công viên thì sao? Tôi đã tiết lộ bí mật sao?". Rice khẳng định lời đồn ‘mọi thứ không được đưa lên Apple.com đều là bí mật' là không đúng. Nhân viên có quyền tự do chia sẻ một số điều với người bên ngoài, ông nói, ví dụ như ‘ông chủ [của họ] tồi thế nào' hoặc là thông tin về lương và họ được tự do trình bày với cơ quan thực thi pháp luật ‘nếu công ty không tuân thủ luật pháp'. "Giới hạn cứng" được áp dụng với mọi sản phẩm, dịch vụ chưa được ra mắt hay sản phẩm chưa công bố mà Apple hy vọng nhân viên không nói với bất kỳ ai không liên quan.

Rice kêu gọi nhân viên tự nguyện nói ra nếu họ thấy lo lắng về việc mình đã "tiết lộ thông tin bí mật". 9/10 lần khi ai đó gặp rắc rối tại Apple, ông nói, đó là vì họ cố che giấu sai lầm của mình.

"Vai trò của chúng tôi được thiết lập tại NPS vì ai đó đã không chịu báo cáo việc bản prototype bị lộ suốt 3 tuần", Rice nói tại buổi họp, đề cập đến prototype iPhone 4 bị một nhân viên Apple bỏ quên ở quán bar trước khi đến tay phóng viên của Gizmodo năm 2010. Vụ rò rỉ này khiến Apple "khốn đốn" đến nỗi đích thân Steve Jobs phải gọi điện cho phóng viên kia và yêu cầu trả lại chiếc điện thoại.

Các công ty công nghệ khác đã bắt đầu làm theo hướng đi tiên phong của Apple trong việc truyền bá văn hoá bí mật. Theo một báo cáo năm 2016 của tạp chí Business Insider, Giám đốc điều hành Snapchat, Evan Spiegel, treo một bức chân dung của Steve Jobs tại văn phòng mình và công ty này cũng nâng cao tinh thần cảnh giác với những vụ rò rỉ tương tự như Apple. Facebook hiện đang thuê một Giám đốc điều tra nguy cơ toàn cầu (Global Threat Investigations Manager) còn Google đang phải đối mặt với một vụ kiện ở San Francisco vì cáo buộc công ty đang thực hiện một "chương trình gián điệp" nội bộ.

Một số vụ rò rỉ (cả trong tưởng tượng và trên thực tế) được thảo luận trong buổi họp có vẻ không hợp lý, ví dụ ra mắt các dây đồng hồ hay iPad mới sẽ "to tát hơn". Nhưng Cook tin rằng các vụ rò rỉ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của Apple. Trong suốt buổi họp báo cáo tài chính trực tuyến diễn ra gần đây nhất của công ty, Cook "buộc tội" những "bài viết sớm hơn và thường xuyên hơn về những phiên bản iPhone sắp ra mắt" là nguyên nhân khiến doanh số iPhone giảm sút. Thật vậy, đã có rất nhiều thông tin rò rỉ về iPhone 8, dự kiến sẽ được ra mắt vào mùa thu năm nay. Theo MacRumors, "Apple thay đổi cơ bản thiết kế chiếc iPhone của năm 2017, với thân máy bằng thủy tinh và màn hình edge-to-edge OLED, có bộ cảm biến vân tay Touch ID được tích hợp và máy ảnh mặt trước".

Những rò rỉ như vậy có lẽ là lý do vì sao Apple phải tổ chức những buổi họp như thế này. Rice nói ông hy vọng tất cả nhân viên sẽ sống và làm việc trong "Adult Zone". Ông nói: "Khi tôi gọi đó là Adult Zone, tôi thực sự có ý đó. Một điều bạn phải nhận ra – Tôi hy vọng bạn nhận ra – đó là Apple cho bạn một sức mạnh phi thường".

Đông Mai

Theo The Outline

Chủ đề khác