VnReview
Hà Nội

Tư bản theo cách của Apple so với tư bản theo cách của Google

Tầm nhìn nào giành chiến thắng cũng sẽ đóng vai trò định hình tương lai nền kinh tế Mỹ.

Trong khi rất nhiều sự chú ý đổ dồn vào việc đâu sẽ là công ty start-up thành công tiếp theo, thì câu chuyện định nghĩa ngành công nghệ của thế kỷ trước là câu chuyện về sự nổi lên của Apple và Google. Nếu xét về phương diện tạo ra của cải, không có gì sánh kịp hai người khổng lồ này. Tám năm trước, cả hai đều không có tên trong danh sách 10 công ty giá trị nhất trên thế giới, và giá trị thị trường của cả Apple và Google cộng lại ít hơn 300 tỉ USD. Bây giờ, Apple và Alphabet (công ty mẹ của Google) đã trở thành hai công ty giá trị nhất, với tổng vốn hoá thị trường lên đến hơn 1,3 nghìn tỉ USD. Càng ngày hai gã khổng lồ này càng chạm trán trên nhiều thị trường khác nhau, từ smartphone đến các thiết bị âm thanh gia đình và theo suy đoán là cả ở thị trường xe ô tô.;

Thế nhưng, cú ‘đụng nhau' mạnh nhất giữa Apple và Google lại ít được nhận ra. Hai công ty có hai cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau trước các cổ đông và tương lai của mình. Một bên sẵn sàng đồng ý với những yêu cầu của các nhà đầu tư, trong khi bên kia lại duy trì quyền lực trong tay của những người sáng lập và các giám đốc điều hành. Hai cách tiếp cận trái ngược này mang ý nghĩa to lớn hơn nhiều, không chỉ đơn thuần là mô hình của hai trong số những công ty quan trọng nhất trên thế giới; đó còn là hai mô hình của chủ nghĩa tư bản, bên nào giành chiến thắng sẽ định hình tương lai của ngành công nghệ.

Vào mùa xuân năm 2012, Toni Sacconaghi, một nhà phân tích nghiên cứu cổ phần uy tín, đã phát hành một báo cáo trong đó dự liệu về một thay đổi căn bản của Apple. Ông và một số nhà phân tích khác đã hết lần này đến lần khác ‘thúc' CEO của Apple là Tim Cook cân nhắc việc trả lại một phần số tiền mặt của Apple, lên đến 100 tỉ USD vào cuối năm 2011, cho các cổ đông. Tuy nhiên Cook, và cả người tiền nhiệm Steve Jobs, phản đối với lý do là để công ty có thể "luôn trong tâm thế sẵn sàng đối phó" và tận dụng được "nhiều cơ hội chiến lược hơn trong tương lai".

Nhưng còn một lí do nữa khiến Apple không sẵn sàng nhượng lại số tiền mặt của mình: Phần lớn số tiền đó nằm ở Ireland bởi vì hãng đã ‘vô tình' thành lập công ty Apple Operations International tại đây năm 1980. Kể từ đó, hầu hết lợi-nhuận-ngoài-Mỹ của Apple đều tìm đường đến đây, đụng vào khoản tiền đó đồng nghĩa với việc công ty sẽ phải chịu một khoản thuế hồi hương đáng kể. Vì thế, Sacconaghi đề xuất một ý tưởng táo bạo: Apple nên vay 100 tỉ USD trên đất Mỹ, sau đó trả cho các cổ đông dưới hình thức trả cổ tức và mua lại cổ phần. Bản chất ‘bất thường' của đề nghị đó đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia tài chính, đồng thời được cho là phục vụ cho mục đích của Sacconaghi – làm tăng sức ép lên Cook. Một tuần sau đó, Apple nhượng bộ và thông báo kế hoạch bắt đầu giải phóng tiền mặt thông qua cổ tức.

Những kết quả trong báo cáo của Sacconaghi không bị ‘lờ' đi ở Thung lũng Silicon, Google lên tiếng ba tuần sau đó. Vào thời điểm đó, cấu trúc cổ phần mà công ty sử dụng kể từ khi IPO năm 2004 đã bắt đầu trở nên kém bền vững. Cách tổ chức ban đầu này cho phép các nhà sáng lập của Google nắm giữ quyền kiểm soát bỏ phiếu, ngay cả khi tỉ lệ sở hữu của họ giảm do công ty phát hành nhiều cổ phiếu hơn. Tiền đề rõ ràng là cấu trúc này sẽ "bảo vệ Google trước những áp lực và cám dỗ từ bên ngoài, hi sinh các cơ hội trong tương lai để đáp ứng những nhu cầu ngắn hạn".

Nhưng tại thời điểm Apple ra thông báo vào tháng Ba năm 2012, bức tường bảo vệ đó đang dần bị xói mòn bởi các nhà sáng lập Google vẫn tiếp tục bán đi cổ phần của họ, và nhân viên thì được chia thêm cổ phiếu thông qua các gói thu nhập. Vài tuần sau khi Apple chịu nhượng bộ trước các cổ đông, các nhà sáng lập Google thông báo về một cấu trúc cổ phiếu mới nhằm tự bảo vệ mình trước một tình huống tương tự: Với cấu trúc mới, cổ phiếu của các nhà sáng lập có quyền bỏ phiếu gấp 10 lần so với cổ phiếu thông thường, đảm bảo họ có thể duy trì kiểm soát chiến lược dài lâu cho công ty, đồng thời giúp Google "chuẩn bị sẵn sàng để thành công trong nhiều thập kỷ tới" - theo cách nói của những người sáng lập.

Những gì xảy ra ở Google và Apple sau những các kiện này chính là câu chuyện  định nghĩa chủ nghĩa tư bản đầu thế kỷ 21. Quyết định bắt đầu trả cổ tức năm 2012 của Apple không làm hài lòng các cổ đông, trái lại lại khơi mào cho một cuộc chống đối quy mô lớn. Một số quỹ đầu cơ bắt đầu yêu cầu những khoản chi trả lớn hơn nhiều, một số đệ đơn kiện chống lại Apple và thậm chí còn đưa ra đề xuất về một cổ phiếu ưu đãi mới được gọi là "iPref". Trong hai năm 2013 và 2014, Apple bắt đầu/ nâng cấp cam kết thành phân phối tiền mặt. Từ năm 2013 đến tháng Ba năm 2017, công ty giải phóng 200 tỉ USD thông qua hình thức trả cổ tức và mua lại. Số tiền này tương đương với hơn 72% dòng tiền hoạt động của hãng trong suốt quãng thời gian đó, theo số liệu từ cơ sở dữ liệu của S&P Capital IQ. Để đảm bảo tài chính, Apple phải vay 99 tỉ USD. Dự đoán của Sacconaghi đã trở thành sự thật.

Vậy Google đã làm gì trong quãng thời gian đó? Cũng giống Apple, Google đang kiếm được rất nhiều tiền. Từ năm 2013 đến tháng Ba năm 2017, hãng tạo ra 114 tỉ USD trong dòng tiền hoạt động. Công ty đã phân chia bao nhiêu cho các cổ đông? Ngược lại với tỉ lệ 72% của Apple, Goolge chỉ ‘chia' 6% cho các cổ đông.

Hai hướng đi của Apple và Google cũng là hai lựa chọn trả lời cho một trong những vấn đề chính của chủ nghĩa tư bản ngày nay: Các công ty đại chúng nên làm gì với số tiền họ kiếm được? Ngay cả khi các công ty tạo ra được một khoản lợi nhuận khổng lồ, vẫn thiếu những cơ hội sinh lời để đầu tư và phát triển, tạo thặng dư tiền mặt. Sự mất cân bằng này là nguyên nhân của khoản tồn đọng lên đến 2 nghìn tỷ USD trong các bảng cân bằng thu chi của công ty. Khi các công ty tạo ra nhiều lợi nhuận hơn so với con số họ cần để phát triển, sẽ có một vấn đề được đặt ra: Ai sẽ là người quyết định làm gì với số lợi nhuận đó – đội ngũ quản lý hay các nhà đầu tư? Ở Google, nơi các nhà sáng lập và ban lãnh đạo có quyền lực tối thượng, câu trả lời sẽ là đội ngũ quản lý. Ở Apple, nơi các nhà đầu tư nắm quyền vì không có một quản lý-cổ đông lớn nào, câu trả lời là các nhà đầu tư. (Mặc dù các nỗ lực trước đây của Apple nhằm xoa nhịu những lo lắng của các nhà đầu tư không còn duy trì được tầm ảnh hưởng, công ty vẫn có thể chi tiêu hào phóng cho nghiên cứu và phát triển).

Vậy thì, tại sao Apple và Google lại lựa chọn hướng đi như vậy? Hai chiến lược đó phản ánh cách hành động khác nhau trước một vấn đề được xem là trung tâm của chủ nghĩa tư bản hiện đại, đó là sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền điều hành. Nói một cách ngắn gọn, những ông chủ lại không phải là những người lãnh đạo như trước đây, khi các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn bây giờ. Và khi những ông chủ phải thuê các giám đốc điều hành công ty, điều này sẽ dẫn đến một vấn đề được các nhà kinh tế học gọi là "vấn đề chủ sở hữu và người đại diện", có nghĩa là những vấn đề phát sinh khi một người, một nhóm người, hay một công ty – "người đại diện" – có thể đưa ra những quyết định có ảnh hưởng đáng kể đến một người khác – "chủ sở hữu".

Để các nhà đầu tư nắm quyền, giống cách Apple đang làm, là một cách tốt để khắc phục một vấn đề chủ sở hữu và người đại diện: đó là khiến các nhà quản lý phải đối xử công bằng với những chủ sở hữu công ty. Thay vì chi tiền cho những sản phẩm thất bại (còn nhớ Google Plus chứ?) hay những dự án ‘cưng' của các nhà quản lý, Apple phải chịu sức ép từ những chủ đầu tư lớn. Trong khi những cổ đông đơn lẻ có thể thấy khó khăn, thì những nhà đầu tư lớn hơn có thể hành động nhanh chóng để kiểm tra những nhà quản lý có dấu hiệu theo đuổi các mục đích làm giàu cho chính họ, ví dụ như những vụ sáp nhập lãng phí, gói lương vượt mức cho đội ngũ giám đốc, hoặc những bổng lộc quá ‘sum suê'. Trên hết, về lý thuyết lợi nhuận của một công ty thuộc về những nhà đầu tư, vậy tại sao không phải chính họ là những người quyết định số tiền đó được sử dụng như thế nào?

 Những người đề xuất mô hình quản lý như của Google lại lo lắng về một vấn đề chủ sở hữu và người đại diện khác. Thay vì phải lo lắng về việc đội ngũ quản lý ‘ngó lơ' các nhà đầu tư, họ lại phải để tâm đến việc các nhà đầu tư sẽ không phục vụ những người có lợi ích từ thành công lâu dài của công ty. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp này vừa là chủ sở hữu của các CEO, vừa là người đại diện của nhiều cổ đông khác. Các quỹ đầu cơ trước đó gây áp lực cho Apple là những nhà đầu tư "ngắn hạn" đáng sợ, vốn chỉ có hứng thú với những thắng lợi nhanh chóng và không phục vụ cho những người hưởng lợi lâu dài hơn, những người đã cung cấp vốn cho họ ngay từ đầu. Với tư cách là nhà đầu tư, các quỹ đầu cơ không kiên trì và, theo như nhiều người tranh luận, phá hỏng nền kinh tế bằng cách rút ngắn thời gian chờ đợi sinh lời.

Vậy bên nào đúng? Vấn đề về chủ sở hữu và người đại diện nào đáng lo ngại hơn? Lợi nhuận chứng khoán là một cách, mặc dù không hoàn hảo, để trả lời cho câu hỏi này và bởi vì kể từ những ngày đầu phát triển, Google vượt trội so với Apple. Tuy nhiên, điều này sẽ là không chính xác nếu khoảng thời gian chỉ gói gọn trong năm ngoái. Do đó, sẽ chưa biết được trong nhiều năm tiếp theo Apple hay Google mới là công ty có chiến lược tài chính sắc bén hơn.

Quan trọng hơn, những chiến lược này ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của mọi người như thế nào? Một hệ thống tư bản nhằm mục đích phân phối vốn hiệu quả hơn, và thực tế công nhân sẽ cố gắng hơn khi thấy lương trung bình tăng do tiền được sử dụng một cách sinh lời nhất. Vì vậy, ở một mức độ nhất định, việc làm thế nào để có thể thành công với mỗi hệ thống có liên quan đến việc ai đang nắm quyền quyết định nơi và cách thức lợi nhuận được đầu tư. Khi các nhà quản lý tái phân phối lợi nhuận, việc tái phân phối đó được xây dựng từ khả năng và tầm hiểu biết mà công ty đã đúc rút được trong hàng thập kỷ, nhưng đồng thời lại chịu ảnh hưởng không tốt từ động cơ xấu (có thể có) của những người lãnh đạo. Khi các nhà đầu tư chính là người tái phân phối lợi nhuận, phạm vi của việc tái phân phối đó có thể rộng hơn, theo lý thuyết sẽ tạo ra nhiều cải tiến hơn; nhưng cùng lúc đó những nhà đầu tư lại không có sẵn các kỹ năng tổ chức và họ có thể bị ảnh hưởng bởi chính thời gian sinh lời ngắn hạn của mình.

Ngay cả khi một người coi sự chênh lệch trong phân chia của cải của người lao động và tiền vốn là vấn đề - và chắc chắn có những chiến lược khác nữa để giải quyết sự chênh lệch này – thì việc đảm bảo rằng những người lãnh đạo và các nhà đầu tư phân chia trách nhiệm hợp lý trong việc phân phối vốn đầu tư là việc làm thiết yếu để đảm bảo miếng bánh kinh tế lớn nhất có thể. Nếu tiếp cận theo khía cạnh đó, trong khi những vấn đề đối với mô hình của Google là đáng kể, thì họ vẫn được đánh giá cao. Những ‘số dư' trong mô hình của Apple và việc triển khai rộng rãi hình thức mua lại cổ phần cũng nguy hiểm như vậy –khác xa những gì mọi người vẫn hiểu.

Vậy, kiểu tư bản nào sẽ giành chiến thắng? Mô hình tài chính doanh nghiệp chiếm ưu thế trong thập kỷ vừa qua là mô hình của Apple. Các công ty phân phối tiền mặt qua hình thức mua lại cổ phần và vay tiền để đảm bảo tài chính cho việc phân phối này một cách nhanh nhất. Khi các nhà sản xuất của Mỹ như Deere, IBM, Amgen và 3M chuyển giao quyền lực cho các nhà đầu tư, việc đó cũng giống như những thước phim quay chậm của các thương vụ LBO (leveraged buyout – mua lại và sáp nhập doanh nghiệp bằng nguồn tài chính đi vay).

Rất có thể tầm quan trọng của hai mô hình này sẽ nâng cao đáng kể. Có một khả năng thực tế là việc cải cách thuế ở mức độ liên bang sẽ mở cửa cho những đồng tiền mặt ở ngoại quốc mà các doanh nghiệp đã tích lũy, kéo theo một số lượng lớn tiền mặt cần phải được tái phân phối trong nền kinh kế ở một nơi nào đó, theo một cách nào đó.

Thu Trà

Theo The Atlantic

Chủ đề khác