VnReview
Hà Nội

Trung Quốc "đè bẹp" Mỹ trong cuộc đua năng lượng mặt trời

Trung Quốc có thể là nước gây ô nhiễm lớn nhất hành tinh nhưng họ cũng đang thúc đẩy các nước khác về năng lượng tái tạo.

Trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vì cho rằng nó sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ thì Bắc Kinh đang đầu tư hàng trăm tỷ đô la để tạo ra hàng triệu việc làm trong ngành công nghiệp năng lượng sạch.

Trung Quốc đã xây dựng những trang trại năng lượng mặt trời và năng lượng gió lớn, giúp thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt bán sản phẩm của họ trên khắp thế giới.

Một trang trại năng lượng mặt trời ở Trung Quốc.

Theo CNN, Alvin Lin, giám đốc chính sách của Hội đồng quốc phòng tài nguyên thiên nhiên về khí hậu và năng lượng Bắc Kinh cho biết: "Ngay cả ở Trung Quốc, nơi mà than đá đã và đang là nguồn năng lượng chính, chính phủ vẫn công nhận rằng những cơ hội kinh tế tương lai sẽ là trong lĩnh vực năng lượng sạch".

Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế báo cáo gần đây;có hơn 2,5 triệu người đang làm việc trong ngành năng lượng mặt trời ở Trung Quốc, so với 260.000 người ở Hoa Kỳ. Trong khi đó, Tổng thống Trump hứa hẹn đem việc làm trở lại cho các thợ mỏ than Mỹ.

Than vẫn là nguồn năng lượng chính của Trung Quốc, nhưng năm ngoái Bắc Kinh đã đóng cửa các mỏ than và năm ngoái có kế hoạch bắt đầu cắt giảm khoảng 1,3 triệu việc làm trong ngành này. Chính phủ Trung Quốc cũng đã hạn chế xây dựng nhà máy nhiệt điện mới.

Tháng Một vừa qua, Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc thiết lập mục tiêu bắt buộc giảm sản lượng tiêu thụ than. Đồng thời đặt mục tiêu cho năng lượng sạch nhằm đáp ứng 20% ​​nhu cầu năng lượng của Trung Quốc vào năm 2030. Theo thống kê chính thức do Tổ chức Hoà Bình Xanh Greenpeace ghi nhận trong một báo cáo hồi đầu năm, tiêu thụ năng lượng sạch của nước này đã tăng lên 12% vào cuối năm 2015. Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo chỉ chiếm khoảng 10% tổng tiêu thụ năng lượng của Hoa Kỳ.

Để đạt mục tiêu năm 2030, Trung Quốc đang mạo hiểm đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo. Tháng 1/2017, chính quyền đã cam kết đầu tư 2,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (367 tỷ đô la) vào sản xuất năng lượng tái tạo - năng lượng mặt trời, gió, thuỷ điện và hạt nhân trong năm 2020, tạo ra 10 triệu việc làm cho các dự án Quản lý Năng lượng Quốc gia. Và hiện nay theo Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế, Trung Quốc đang đứng đầu thế giới có 3,5 triệu việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch. Đất nước này đã trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ năng lượng tái tạo, cung cấp khoảng 2/3 số lượng pin mặt trời trên thế giới. Trung Quốc cũng có tiềm lực về năng lượng gió, sản xuất gần một nửa số tuabin gió trên thế giới - với tốc độ khoảng hai cái/giờ.

Trang trại năng lượng mặt trời nổi ở An Huy.

Một ý tưởng nảy ra là làm sao để nổi các tấm pin mặt trời đặt chúng ở trên mặt nước nên dự án trang trại năng lượng mặt trời nổi ở  một hồ nước lớn của tỉnh An Huy đã ra đời. Yao Shaohua, phó giám đốc của dự án nói: "Cả thế giới, kể cả Trung Quốc, đều thừa nhận rằng chúng ta cần phải chống lại sự thay đổi khí hậu và chắc rằng đây sẽ là một xu hướng trong ngành công nghiệp tái tạo". Ban đầu, chi phí xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời trên mặt nước đắt hơn trên mặt đất. Nhưng các chuyên gia nói rằng các tấm pin mặt trời nổi có thể hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian dài, bởi vì chúng được làm mát bằng nước bên dưới.

Theo Viện Năng lượng GW đại học George Washington, các nhà sản xuất đã tăng đáng kể sản lượng pin mặt trời, với khoản vay trị giá khoảng 42 tỷ đô la vào năm 2010 và 2012. Sự phổ biến của các tấm năng lượng mặt trời Trung Quốc là một trong những lý do chính khiến giá thế giới sụt giảm 80% trong giai đoạn 2008-2013.

Hoa Kỳ đã cáo buộc việc làm tràn ngập thị trường và bắt đầu áp đặt mức thuế cao đối với các tấm pin mặt trời do Trung Quốc sản xuất vào năm 2012 để bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ.

Chỉ mới tháng trước, Hoa Kỳ thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới rằng họ có thể áp đặt thuế đối với nhập khẩu tấm pin mặt trời từ các nước khác vì cho rằng các công ty Trung Quốc đã mở các cơ sở sản xuất ở các nước thứ ba để hạn chế thuế nhập khẩu.

Thái Âu

Chủ đề khác