VnReview
Hà Nội

LG bạo chi 13,5 tỷ USD vào sản xuất màn OLED, quyết cạnh tranh Samsung

Việc chi mạnh tới 13,5 tỷ USD là động thái thể hiện rõ nét tham vọng của LG trong việc cạnh tranh với đối thủ Samsung trên thị trường OLED.

Theo hãng tin Reuters, bộ phận LG Display đã lên kế hoạch đầu tư 13,5 tỷ USD để tăng sản lượng màn hình OLED trong 3 năm tới. Trong đó trung bình mỗi năm chi tiêu khoảng 4,47 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 3,58 tỷ USD/năm như thông thường.

Sự tăng trưởng về số lượng màn hình OLED sẽ giúp LG có thể củng cố vị trí trên phân khúc tấm nền màn hình cỡ lớn cho TV.

Đồng thời, việc đẩy mạnh năng lực sản xuất màn hình OLED cũng giúp LG Display dần có bước đà vững chắc hơn để "vươn lên ngang hàng" với Samsung trên thị trường OLED dành cho smartphone.

Kế hoạch đầu tư có số vốn cao hơn 25% so với chi tiêu dành cho đầu tư sản xuất hàng năm của LG. Tuy vậy, đây là tín hiệu cho thấy, LG đang dần chuyển trọng tâm sang màn hình OLED như một xu hướng của tương lai, thay thế cho LCD. Ưu thế của màn hình OLED là thiết kế mỏng, tiêu tốn ít năng lượng và linh hoạt hơn so với LCD.

Bên cạnh danh tiếng nhà sản xuất LCD cho TV hàng đầu thế giới nhưng LG Display cũng nằm trong top các nhà sản xuất màn OLED cho TV lớn nhất hiện nay. Đáng tiếc do không chú trọng nhiều tới phân khúc màn hình OLED cho smartphone nên LG Display đã bị Samsung Display bỏ xa ở mảng sản phẩm này. Hiện riêng bộ phận màn hình của Samsung đã chiếm tới 90% thị phần màn OLED cho smartphone trên toàn cầu.

Chuyển mình để nắm bắt cơ hội

Có lẽ, LG Display sẽ không quay ngoắt 360 độ với chiến lược OLED cho smartphone nếu như không bị "món lợi" từ đối tác Apple làm lung lay. Tham vọng về iPhone tương lai sử dụng màn OLED và những đơn hàng màn OLED cho iPhone thế hệ mới dường như là những món hời khó cưỡng lại. Đó là chưa kể hợp đồng cung cấp 92 triệu tấm OLED giữa Apple và Samsung sẽ kết thúc vào năm 2019.

Để đáp ứng những yêu cầu về sản lượng lớn màn hình OLED, LG Display buộc phải đầu tư mạnh cho dây chuyền sản xuất. Gần đây nhất, bộ phận này đã cam kết chi 7 tỷ USD cho dây chuyền trong nước từ nay tới năm 2019.

Trong đó, 4,5 tỷ USD sẽ dành sản xuất các tấm nền OLED linh hoạt (có thể uốn cong) cho màn hình tự động và smartphone. Với khoản 2,5 tỷ USD còn lại sẽ tập trung sản xuất màn hình OLED cỡ lớn. Cả hai dây chuyển đều đặt tại Paju, phía Tây bắc thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Ngoài ra, LG Display dự kiến sẽ đầu tư thêm một nhà máy sản xuất màn OLED tại Quảng Châu, Trung Quốc thông qua một liên doanh, trong đó hãng chiếm 70% cổ phần. Cơ sở sản xuất này sẽ giúp đẩy mạnh năng lực sản xuất màn hình OLED cho TV tại thị trường nước ngoài. Trước đó, hãng cũng có một nhà máy sản xuất màn LCD tại Quảng Châu vào năm 2014.

Dù chi khá mạnh tay nhưng các nhà phân tích nhận định, con số này có thể không đủ trên thực tế.

Lee Min-hee, nhà phân từ hãng Heungkuk Securities nhận định, LG Display sẽ cần sự trợ giúp từ các nhà đầu tư khác, đặc biệt là Apple để có thêm nguồn lực gia tăng năng lực sản xuất. Một dây chuyền sản xuất OLED cỡ nhỏ và trung bình có thể cần tới 8,95 tỷ USD và LG không đủ khả năng chế tạo một dây chuyền sản xuất màn OLED đơn lẻ.

Lợi nhuận hoạt động trong quý 2 năm 2017 của LG Display đạt 721 triệu USD, mặc dù hơi thấp hơn so với ước tính nhưng đã cho thấy những tín hiệu tích cực từ việc chuyển sang tấm nền OLED cao cấp.

Tiến Thanh

Chủ đề khác