VnReview
Hà Nội

Tại sao Apple cúi mình trước yêu cầu kiểm duyệt của Trung Quốc?

Apple đã đạt được nhiều thành công tại Trung Quốc một phần là do chính phủ nước này coi Táo khuyết như là một công ty phần cứng. Tuy nhiên, khi bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh phần mềm, Apple đã học được cách cúi mình trước những yêu cầu kiểm duyệt để có thể tồn tại.

Theo báo Mỹ Wall Street Journal, vào tuần trước, Apple đã đánh mất lòng tin của nhiều người dùng khi loại bỏ những ứng dụng vượt tường lửa VPN ra khỏi cửa hàng Apple Store tại Trung Quốc. "Xấu hổ cho Apple" là câu khẩu hiệu trên mạng xã hội được một số người dùng đưa ra nhằm thể hiện sự thất vọng trước việc Apple đặt lợi ích thương mại cao hơn nhu cầu tiếp cận thông tin của họ.

Như các vụ việc gỡ bỏ nội dung trước đây, Apple cho biết họ làm như vậy là để đáp ứng theo các quy định của Trung Quốc. Và bạn hãy quen với việc nghe điều này nhiều lần trong tương lai.

Apple đang có một tình thế khó xử tại Trung Quốc. Trung Quốc Đại Lục, bao gồm cả Hong Kong và Đài Loan, là thị trường nước ngoài lớn nhất của Apple và tạo ra 20% doanh thu cho hãng. Trung Quốc cũng là trụ cột trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu của Apple.

Ngày càng nhiều iPhone được bán cho người Trung Quốc đồng nghĩa với việc có thêm nhiều dịch vụ của Apple được bán cho họ. Cửa hàng App Store của Apple tại Trung Quốc mang về nhiều lợi nhuận hơn cửa hàng App Store tại Mỹ. Nhiều người Trung Quốc cũng sẵn sàng trả tiền cho các dịch vụ trực tuyến như Apple Music. Táo khuyết cũng đang hi vọng đẩy mạnh việc sử dụng Apple Pay tại Trung Quốc.

Từ đây, rủi ro của Apple đã bắt đầu. Apple trở thành một trong những câu chuyện thành công nổi bật tại Trung Quốc nhờ một phần vào việc Chính phủ nước này đã luôn coi hãng là công ty phần cứng. Tuy nhiên, Apple hiện đã mở rộng sang cả kinh doanh phần mềm, tức là phải chịu sự kiểm duyệt của Trung Quốc.

"Thành công của Apple trên toàn cầu đến từ sự kết hợp chặt chẽ giữa phần cứng và phần mềm. Kinh doanh phần mềm đồng nghĩa với kinh doanh nội dung", Duncan Clark, chuyên gia tư vấn công nghệ tại Trung Quốc cho biết, "Điều này đã đặt ra một thách thức cho chính phủ Trung Quốc".

Apple cũng đã lên tiếng về những ý kiến trái chiều trong việc hãng hợp tác với chính quyền Trung Quốc. Vào ngày 1/8, CEO Tim Cook của Apple đã nói: "Chúng tôi tin vào việc hợp tác với chính phủ kể cả khi chúng tôi không hoàn toàn đồng ý". Ông Cook cũng khẳng định Apple tuân theo luật pháp ở bất cứ nơi nào hãng kinh doanh và tham gia vào thị trường để mang lại lợi ích cho khách hàng. Ngoài ra, ông cũng hi vọng sẽ có ít hạn chế hơn trong tương lai.

Vấn đề kiểm duyệt tại Trung Quốc ngày càng bị siết chặt hơn dưới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Các trang web tranh luận trực tuyến và bất đồng chính kiến đang dần bị đóng cửa. Thậm chí, các công ty khởi nghiệp phải thuê cả một đội ngũ nhân viên làm kiểm duyệt nội dung để phù hợp với những yêu cầu của chính phủ.

Ứng dụng đọc báo New York Times từng bị Apple xóa khỏi App Store Trung Quốc do vấn đề kiểm duyệt.

Vào năm ngoái, Apple đã đóng cửa dịch vụ iBooks và iTunes Movies của hãng tại Trung Quốc. Không lâu sau, ứng dụng đọc báo New York Times cũng đã bị gỡ bỏ. Vào tuần trước, Apple đã loại bỏ hơn 400 ứng dụng có miêu tả là VPN hoặc phần mềm vượt tường lửa. Trong tất cả những trường hợp này, Apple đều khẳng định là hãng đã tuân theo luật pháp của Trung Quốc.

"Trung Quốc sẽ tiếp gỡ bỏ những nội dung được họ cho là nhạy cảm", Tay Xiaohan, một nhà phân tích tới từ công ty IDC cho biết, "Tôi tin rằng Apple sẽ tiếp tục tuân theo các yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc vì lo sợ họ sẽ cấm bán các sản phẩm của Apple vào một ngày nào đó".

Nhờ đáp ứng tốt các nhu cầu kiểm duyệt, Apple đã được hưởng lợi lớn. Không chỉ về doanh số bán hàng, Apple đã được phép xây hai trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) tại Trung Quốc. Mới đây, Apple đã bổ nhiệm nữ lãnh đạo người Trung Quốc đầu tiên, một người được sinh ra tại Trung Quốc và đã có kinh nghiệm nhiều năm làm giám đốc tại đây. Người này được cho là đang cố gắng tuyển dụng một giám đốc chuyên về quan hệ với chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, đối với một số người dùng Trung Quốc, họ muốn Apple làm nhiều hơn so với hiện tại. Nếu Apple đã dám phản đối yêu cầu mở khóa chiếc iPhone của một tên khủng bố tới từ FBI (Cơ quan điều tra liên bang Mỹ), tại sao họ lại không thể làm được điều tương tự với yêu cầu kiểm duyệt của Trung Quốc?.

Sự thật là Apple đã không tận dụng được các lợi thế của mình. Táo khuyết là công ty có giá trị lớn nhất thế giới và số vốn của họ gấp nhiều lần so với quy mô kinh tế của nhiều quốc gia. Apple cũng trực tiếp và gián tiếp tạo ra nhiều công ăn, việc làm tại Trung Quốc, một điều có thể khiến lãnh đạo nước này lo ngại vì khả năng gây ra bất ổn xã hội.

Không chỉ Apple, nhiều công ty công nghệ lớn của Mỹ cũng đang dần tuân theo các yêu cầu kiểm duyệt của Trung Quốc. Đối tác của Amazon tại Trung Quốc vừa thông báo tới các khách hàng nên dừng sử dụng dịch vụ VPN của hãng để vượt tường lửa.

Nhiều khách hàng của Apple tại Trung Quốc không hề mong có một cuộc chiến giữa hãng và chính phủ. Nếu điều đó xảy ra, Apple sẽ phải ra khỏi thị trường Trung Quốc như những điều Google đã từng phải làm trong năm 2010. Tuy nhiên, hoạt động của Google tại Trung Quốc không tạo ra được nhiều lợi ích, trái ngược hẳn Apple. Nhiều người dùng và công ty Trung Quốc đang được hưởng lợi nhờ sự hiện diện của các sản phẩm mang biểu tượng quả táo.

Một người Trung Quốc nói với phóng viên của Wall Street Journal rằng việc đầu tiên mỗi sáng cô làm là kiểm tra xem mình còn có thể sử dụng VPN trên iPhone được hay không. Cô rất lo sợ tới một ngày không thể dùng bất kỳ ứng dụng VPN nào. "Thật lòng, tôi không biết Apple có thể làm gì. Chính phủ Trung Quốc là một bậc thầy trong việc tạo ra những tình thế khó xử như vậy", cô cho biết.

Nguyễn Long

Chủ đề khác