VnReview
Hà Nội

Winamp: Tại sao trình chơi nhạc MP3 "ngon" nhất thế giới một thời thất bại?

Sau 15 năm tồn tại, Winamp "vẫn sống", nhưng việc quản lý kém hiệu quả đã dẫn đến sự thất bại đáng tiếc của một trong những ứng dụng nghe nhạc tuyệt vời nhất trong gần 2 thập kỷ.;

Hãy cùng ôn lại chút kỷ niệm xưa qua những thăng trầm của ứng dụng nghe nhạc số tuyệt vời này.

"Trong khi nhiều người đang bận rộn tạo ra những danh sách nhạc (playlist) hoàn hảo cho những dịp dã ngoại cuối tuần trên những dịch vụ hiện đại hoặc với iTunes. Nhưng trong suốt 15 năm qua và sau đó, điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Hôm nay, chúng tôi cải tổ lại giao diện của chương trình nghe nhạc MP3 tuyệt vời nhất của mình - Winamp". Thông tin này được công bố vào 24/6/2012. Nhưng cuối cùng, vào tháng 11/2013, Winamp đã bị đóng cửa.

Phiên bản mới nhất của Winamp phát hành năm 2013 - Tuy nhiên, vẫn chạy tốt trên Windows 10.

Đã từng có một thời, thậm chí là khi nhạc MP3 - chuẩn nhạc nén chất lượng cao và rất phổ biến trên internet ngày nay - đã thống lĩnh thị trường thì việc quản lý, rip nhạc (chuyển nhạc không nén từ đĩa sang tập tin MP3), hay phát một bộ sưu tập các bài hát hay của một người nào đó thật sự rất bất tiện và bực bội.

Và rồi Winamp xuất hiện - một ứng dụng chơi nhạc MP3 có thể thay đổi giao diện (skin) dễ dàng, có thể tùy chỉnh rất nhiều thứ với linh vật là hình ảnh một chú lạc đà không bướu (có tên là Mike) với câu slogan nổi tiếng "Winamp. It's really whips the llama's ass". được truyền cảm hứng từ một video clip ca nhạc rất nổi tiếng của Wesley Willis. Vào cuối những năm 1990, người người nhà nhà tải về và sử dụng Winamp; chú lạc đà không bướu đã chu du khắp thế giới, nó bị dòm ngó và thương vụ với số tiền khá lớn đã nhanh chóng diễn ra ngay sau đó. AOL - công ty cung cấp dịch vụ Internet toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, thuộc quản lý của tập đoàn Time Warner - đã mua lại ứng dụng tuyệt vời này vào tháng 6/1999 với khoản tiền khổng lồ 80-100 triệu đô-la và Winamp gần như ngay lập tức bị mất đi lợi thế sáng tạo.

Chúng ta đang kỷ niệm 15 năm "cống hiến" của Winamp, nhưng khiêm tốn, không kèn, không trống. Gần như thế giới mạng đã lãng quên một ứng dụng đã từng vụt sáng với một khẩu hiệu kỳ lạ mà nhìn vào thời hoàng kim của nó, người ta đã nghĩ rằng công ty này sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trên thị trường âm nhạc kỹ thuật số. Nó chắc chắn đã có cơ hội.

Giao diện hiện đại của Winamp trên phiên bản mới

Chia sẻ với Ars Technica, Rob Lord - Tổng giám đốc đầu tiên của Winamp, người đầu tiên nộp đơn vào làm việc cho công ty nói: "Không có lý do gì Winamp không thể đứng ở vị trí iTunes đang có hôm nay nếu không vấp phải sự quản lý yếu kém của AOL bắt đầu ngay từ khi mua lại".

Justin Frankel - Nhà phát triển chính của Winamp, có vẻ như đồng ý với nhận định của Lord trong một cuộc phỏng vấn với BetaNews (anh ta từ chối phỏng vấn cho bài viết này): "Tôi đã luôn hy vọng họ (AOL) sẽ xem xét và nhận ra rằng họ đang giết nó (Winamp) để tìm ra cách xử lý tốt hơn, nhưng AOL có vẻ như quá chú tâm vào những quan điểm nội bộ của riêng họ và làm việc dựa trên những quan điểm này".

Các vấn đề đã sớm bắt đầu, Nullsoft [ban đầu Winamp được lập trình bởi Justin Frankel, sau đó Justin Frankel rủ thêm một số bạn của mình để hoàn thiện thêm Winamp và sáng lập nên Nullsoft] dường như không còn quan tâm đến việc trở thành một công ty theo truyền thống nhằm phát triển mạnh những lợi thế đang có của mình. Lấy ví dụ, vào năm 2000, chỉ một năm sau khi mua lại, Frankel đã phát hành Gnutella (mã nguồn mở), một giao thức chia sẻ tập tin ngang hàng tuyệt vời nhưng đã làm cho các ông lớn tại trụ sở chính của AOL (Dulles, Virginia) không vui.

Đầu năm 2004, tạp chí Rolling Stone đã gọi người sáng lập của Nullsoft là gã "nghiện" máy tính "nguy hiểm nhất trên thế giới" - nhưng có vẻ những thiên tài nguy hiểm dường như không phù hợp với một công ty như AOL. Cùng năm đó, Frankel từ chức, ông đã viết trên trang web của mình thông điệp này nhưng sau đó đã gỡ bỏ nó: "Đối với tôi, viết code là một hình thức thể hiện bản thân, công ty kiểm soát phương tiện hiệu quả nhất để thể hiện bản thân mà tôi có. Với riêng bản thân tôi, điều này là không thể chấp nhận được, vì vậy tôi phải rời đi".

Winamp cập bến Android

Đến hôm nay, Winamp vẫn tiếp tục được cập nhật; AOL đã phát hành phiên bản đầu tiên cho Android vào năm 2010 và phiên bản dành cho Mac vào năm 2011. Điều đáng ngạc nhiên là qua ngần ấy năm, AOL vẫn kiếm được khá nhiều tiền từ trang web và từ ứng dụng Winamp - trong khi công ty từ chối công bố số liệu chính thức, nhân viên làm việc cho Winamp ước tính doanh thu hiện tại vào khoảng 6 triệu đô la mỗi năm. Theo ước tính, Winamp vẫn có một lượng người sử dụng lên đến hàng triệu người trên toàn thế giới, một phần nhỏ trong số đó sống ở Mỹ.

Tuy nhiên, các thông tin tham chiếu đến lịch sử của ứng dụng, cả tốt lẫn xấu, đều đã bị xóa hoặc loại bỏ trên trang web hiện tại của Winamp - hiện tại đây chỉ còn là một trang web chứa rất ít nội dung. (Một độc giả của trang Ars Technica phản ánh trang lịch sử phát triển ứng dụng đã được chuyển đi chỗ khác và liên kết tới trang cũ cũng bị chuyển hướng quay trở về trang chủ). Vì vậy, chính xác Winamp đã khởi sự với bao nhiêu tiền để bắt đầu vụt sáng và vượt lên trên hầu hết các công ty kinh doanh âm nhạc khác trên mạng vào thời điểm đó? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây.

Bước ra khỏi sa mạc

Giống như hầu hết các công ty khác, Winamp ra đời để giải quyết một "vấn đề đau đớn". Nhưng vấn đề đó là gì? Cách đây hơn 20 năm, việc quản lý và chơi nhạc nén rất khó khăn, và chúng chỉ mới bắt đầu được sử dụng phổ biến rộng rãi.

Các nhà khoa học Đức đứng đằng sau định dạng MP3 đã phát hành bộ giải mã đầu tiên của họ vào tháng 7/1994, nhưng trong ba năm sau đó, vẫn còn đó sự khó khăn trong việc chia sẻ và tìm ra các tập tin nhạc cần thiết. Năm 2008, Frankel chia sẻ trên trang Blog Digital Tools rằng ông tạo ra Winamp "bởi vì đó là phần mềm tôi muốn có thể sử dụng được". Ông chia sẻ thêm: "Winamp sinh ra dựa trên nhu cầu cần có một cách tốt và thú vị để nghe nhạc MP3 trên máy tính. Nó không phải là trình chơi nhạc MP3 đầu tiên, nhưng trước nó, tôi gặp nhiều khó khăn khi sử dụng các trình chơi MP3".

Trước Winamp, không có nhiều ứng dụng chơi nhạc MP3 ngoài Windows Media Player hoặc RealPlayer. Tuy nhiên, giữa những năm 90, không có ứng dụng nào có thể làm được điều cơ bản như tạo danh sách phát, tùy chỉnh hiệu ứng hình ảnh và giao diện, cũng như không được lập trình chặt chẽ và hiệu quả như Winamp. Ngay cả trong hiện tại, gói cài đặt Winamp chỉ có 4.2 MB so với 170 MB của gói cài đặt iTunes trên Mac.

Giao diện Classic quen thuộc của Winamp

WinAMP - viết tắt của Windows Advanced Multimedia Products - chính thức được phát hành trên toàn thế giới vào ngày 21/4/1997. Năm sau đó, khi công ty mẹ của nó là Nullsoft chính thức thành lập, Winamp đã trở thành phần mềm chia sẻ (shareware) với mức phí 10 đô la. Bạn nghĩ sẽ không có ai trả tiền cho một phần mềm shareware đâu phải không? Vậy là bạn sai rồi.

"Không có cái gì bị cắt giảm (nếu bạn không trả tiền), không có tính năng nào bị khóa cả!", Rob Lord chia sẻ. "Năm trước thời điểm được mua lại, chúng tôi đã kiếm được 100.000 đô la một tháng từ những tấm séc 10 đô la gửi qua đường bưu điện!"

Vào thời điểm đó, Lord đã có thành công đầu tiên trên con đường tạo lập thanh danh: nhà đồng sáng lập Internet Underground Music Archive - kho lưu trữ âm nhạc có bản quyền trực tuyến đầu tiên trên thế giới, trong lúc ông vẫn còn là sinh viên của Đại học California, Santa Cruz. Ở thời điểm hiện tại, Rob Lord đã tự mở công ty riêng - Sherpa.io, đặt tại Hatchery, một không gian làm việc chung ở San Francisco, cách văn phòng đầu tiên của Twitter chỉ 5 phút đi bộ, bên cạnh đó là rất nhiều công ty công nghệ và truyền thông công nghệ khác. Doanh nhân và nhà phát triển có thể đắm mình dưới ánh nắng ấm áp của South Park, bên cạnh đó là không gian phục vụ các món ăn ngoài trời, các món ăn nhẹ và một nhà hàng Pháp với món bánh trứng ngon tuyệt cú. Nói tóm lại, nó cách khá xa Sedona (Arizona) - quê hương của Frankel và mảnh đất khai sinh ra Nullsoft.

Chúc lạc đà không bứu - Linh vật của Winamp

Ngồi trên một chiếc sofa trong phòng họp của Hatchery với chiếc áo thun quần short và đeo giày xăng đan, Lord kể cho biên tập viên Ars Technica nghe về vai trò của ông tại Nullsoft bắt đầu vào tháng 5/1999.

"Chức danh của tôi là giám đốc chiến lược trực tuyến, mặc dù chúng tôi không biết điều đó có ý nghĩa gì", ông nói. "Có rất nhiều quyết định về mặt chiến lược và các chiến thuật về mọi thứ ngoại trừ việc viết mã cho ứng dụng. Justin là người viết mã cho ứng dụng và là người duy nhất có quyền truy cập vào mã nguồn. Những tính năng của sản phẩm (xét về mặt) kinh doanh giúp ích khá nhiều - tôi bắt đầu kiếm tiền từ trang web".

Làm thế nào kiếm tiền cho công ty chính là công việc mới của Lord. Giống như hầu hết các công ty mới khởi nghiệp trong những năm 1990, kế hoạch trong giai đoạn này có liên quan đến quảng cáo biểu ngữ (banner) và hợp tác liên doanh với các công ty mới khởi nghiệp khác. Lord đã chuyển từ California sang Sedona (Arizona) nhập đội với Frankel - hiện chỉ mới 18 tuổi và vẫn đang sống tại nhà của bố mẹ ở Sedona (Arizona). Tại đây, cha của Justin - luật sư Charles Frankel, làm việc như một cố vấn và giám đốc tài chính của công ty.

Cộng đồng 10.000 người sống vùng sa mạc Arizona thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm, và trong nhiều thập kỷ, đây là nơi người ta tìm đến để tận hưởng vẻ đẹp tự nhiên của tiểu bang và hoà mình vào niềm tin "tinh thần" thiêng liêng ở nơi này.

"Bạn có định hướng về tự do cá nhân, độc lập trong các mối quan hệ kinh tế, xã hội và một tinh thần nghiêm khắc, đó chính là con người của cậu ta (Frankel)", Lord nói. Phong cách Sedona luôn hiện hữu khi đưa ra quyết định kinh doanh; Lord nhớ lại khoảnh khắc khi không có đủ thông tin để tự tin đưa ra quyết định: "Chúng ta sẽ làm (việc đó) và phần còn lại hãy để đấng tối cao quyết định", và ông nhắc lại câu nói của Frankel: "Tôi nghĩ bề trên đã vạch ra cách thức chúng ta đang làm - mọi thứ xảy ra đều có lý do".

Tìm người mua lại

Đấng tối cao đã quyết định Winamp là một trình nghe nhạc MP3 tuyệt vời. Trong hai năm đầu tiên Lord làm việc cho Nullsoft, số người dùng thường xuyên của Winamp đã tăng gấp bốn lần, từ 15 triệu lên 60 triệu và những lời chào mời mua lại cũng đã đến. "(Chúng tôi) không từ chối cuộc họp nào!" Lord nhớ lại.

Một số công ty đã đi thẳng vào vấn đề, nhưng vẫn dấu diếm dụng ý trong những câu hỏi đại loại như: "Liệu các bạn có kế hoạch trong tương lai không?". Công ty nhanh chóng được định giá vào khoảng 100 triệu đô la ở thời điểm bấy giờ.

Công ty đã sở hữu ứng dụng chơi nhạc số tuyệt vời Winamp

Tháng 6/1999, Nullsoft cùng với Spinner (một công ty làm ứng dụng phát nội dung trực tuyến có trụ sở tại San Francisco) đã về tay AOL trong thương vụ trị giá 400 triệu đô la. Charles Frankel (cha của Justin) đã kiếm được 15 triệu đô la cổ phiếu trong thỏa thuận mua lại của AOL. Bản thân Frankel cũng nhận được cổ phiếu từ AOL với giá trị gần 60 triệu đô la vào thời điểm đó.

Chia sẻ với Arc Technica, Lord nói Nullsoft "đã được mua lại ở thời điểm lý tưởng", chưa được một năm trước khi AOL và Time Warner tuyên bố sáp nhập (sau đó đã không đạt được thành công như mong đợi) vào tháng 1/2000.

AOL hợp nhất cả hai công ty vừa mua lại vào chung văn phòng của Spinner - một văn phòng được dựng lên từ kho chứa hàng tại Alabama Street ở Mission District. Việc chuyển đến San Francisco chắc chắn mang lại không khí mới mẻ hơn cho một Nullsoft bé nhỏ vùng Sedona. Lord nói: "Tôi cảm thấy sự tương phản giữa môi trường mới của chúng tôi với trước đây ở Sedona cùng với Frankel - làm việc ngay bên ngoài phòng ngủ của cậu ta và họp hành tại văn phòng của ông bố, nằm trên một con đường trong thị trấn".

Các bên tham gia vào thương vụ đều hy vọng sẽ mang về những thành quả lớn lao. Fred McIntyre chia sẻ với Arc Technica vào tháng rồi cho biết: "Luận đề lúc đó là AOL muốn tạo ra một cái gì đó thực sự lớn trong âm nhạc từ bên trong bốn bức tường của công ty, một MTV thế hệ tiếp theo - đó chính điều có ý nghĩa trong lĩnh vực âm nhạc những năm 90". Tại AOL, McIntyre bắt đầu đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch của Spinner năm 1998 và làm việc trực tiếp với Winamp cho đến năm 2004. Ông quay trở lại với Winamp vào năm 2007.

Fred McIntyre

McIntyre nói thêm: "Về mặt logic, Spinner đã xây dựng được một dịch vụ và một đội ngũ quản lý dày dạn kinh nghiệm" còn "Winamp đã xây dựng được một sản phẩm và một nền tảng ý nghĩa có được sự chấp nhận của người dùng".

"AOL đã mua cả 2 chúng tôi mà không nói gì về (Winamp) với chúng tôi cả", Josh Felser nhớ lại. Felser là đồng sáng lập và chủ tịch của Spinner từ cuối năm 1997 đến giữa năm 1999, sau đó trở thành phó chủ tịch AOL phụ trách cả hai công ty (Winamp và Spinner). Hiện tại, ông là một nhà đầu tư mạo hiểm tại Freestyle Capital. Felser nói: "Họ (AOL) đã ném chúng tôi lại với nhau và tôi có nhiệm vụ phụ trách cả hai nhãn hiệu. Rõ ràng văn hoá của chúng tôi khác nhau, nhưng dường như không có lý do rõ ràng dẫn đến xảy ra xung đột".

Lúc đầu, Winamp vẫn tiếp tục vươn cao. "Winamp.com có hàng trăm triệu lượt xem mỗi tháng vào cuối những năm 1990", McIntyre nói. "Chúng tôi chỉ cần đẩy quảng cáo (hiển thị) lên trang web. Đó là hoạt động kinh doanh có sinh lời, tuy không phải là một công việc kinh doanh hấn dẫn nhưng nó lại sinh lời khá nhiều".

Nhưng "vấn đề" đã trở nên rõ ràng hơn.

Cuộc đụng độ văn hóa

Một số cựu nhân viên nói rằng có một khoảng trống ẩn sâu bên trong nền văn hoá giữa Spinner và Nullsoft. Tồi tệ hơn, khi cả hai công ty được AOL mua lại cùng một lúc, không rõ là chính xác ai phụ trách những công việc gì. Đội quân của Nullsoft tại thời điểm mua lại chỉ có 4 người, bao quanh họ là đội ngũ đông đúc nhân viên của Spinner ngồi tại dãy bàn dọc theo vành đai kho chứa Potrero Hill cũ. Khi Nullsoft đến, họ phải thiết lập "trại" của mình ở giữa một không gian lớn với sự trợ giúp của một tấm vải bạt to.

Có rất nhiều tiền trong tay, một Nullsoft tự tin đã có Lord và Frankel trong vai trò quản lý và giám sát việc thuê mướn một số nhân viên mới nữa sau khi mua lại. Trong số nhân viên đó có Chamath Palihapitiya, đảm nhận công việc về phát triển sản phẩm và kinh doanh. Bảy năm sau, Palihapitiya trở thành giám đốc điều hành tại Facebook và là người đồng sở hữu đội bóng rổ Golden State Warriors. Năm ngoái, tờ New York Times khen ngợi ông như một "nhà tư bản mạo hiểm độc nhất vô nhị".

 Chamath Palihapitiya

Palihapitiya nhớ lại trong cuộc trò chuyện với Ars Technica: "Trong ngày làm việc đầu tiên (tại Nullsoft), tôi bước vào văn phòng và thấy tấm vải bạt khổng lồ nằm ở giữa phòng".

"Chúng tôi làm việc trong xí nghiệp đã được cải tạo thành không gian cho văn phòng ở Potrero Hill. Có rất nhiều ánh sáng trong phòng - những tấm kính trần có thể xoay nghiêng cho không khí và ánh sáng mặt trời vào trong nhà, xung quanh thực sự rất sáng. Nhưng những người của Nullsoft lại làm việc bên trong tấm bạt lớn này, vì vậy luôn luôn tối tăm. Tôi muốn biết: Điều gì đang xảy ra bên trong tấm bạt đó?"

Palihapitiya là một người Canada, sinh ra trong một gia đình đến từ Sri Lanka và học kỹ sư điện tại Đại học Waterloo. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc trong một năm tại tập đoàn Interest Rate Derivatives Group ở BMO Nesbitt Burns, một công ty đầu tư của Canada. Nhưng sau một năm làm việc tại đây, Palihapitiya đã cảm thấy chán và nộp đơn tìm công việc mới với tư duy "mỗi công ty đều làm nên những điều thú vị".

"Tôi đã nộp hồ sơ cho Winamp, eBay, Google, và đã bị họ từ chối, ngoại trừ Winamp", ông nói thêm: "Tôi đã có những kỹ năng kỹ thuật phù hợp với yêu cầu. Tôi không biết tại sao họ thuê tôi. Tôi thực sự không có bất kỳ kỹ năng thực hành nào. Có vẻ như đây là một công ty tuyệt vời. Thực tình, tôi biết rất ít, nhưng tôi nghĩ những người ở đây dường như đã mường tượng ra được điều họ cần trong quá trình làm việc, vì vậy đó cơ hội nhất mà tôi có".

Mặc dù thiếu thốn sự đào tạo chính thức về kinh doanh, Frankel, Lord, Steve Gedikian (hiện đang là giám đốc cao cấp của Apple) và Ian Rogers (hiện đang là Giám đốc điều hành của Topspin) mang lại kết quả đáng kể cho Winamp trong việc phát triển kinh doanh. (Gedikian và Rogers cũng từ chối phỏng vấn cho bài viết này).

Nhưng sự bất hòa với Spinner lại gây ra nhiều vấn đề hơn so với bất kỳ tấm vải bạt nào. Một trong những vấn đề đầu tiên giữa hai công ty đã nổ ra sau khi quyết định của AOL. Ban quản lý của AOL cho rằng: mặc dù Nullsoft có nhiều người sử dụng, nhưng Spinner vẫn là công ty trưởng thành hơn cùng với phong cách lãnh đạo mang tính truyền thống. Như vậy, Spinner sẽ được kiểm soát hiệu quả tài chính và quản trị với cả hai công ty.

"Đã có đụng độ trong việc phân tích ngân sách. Rob Lord giận dữ vì Spinner đã có được quyền kiểm soát và ngân sách được trao cho Spinner nhiều hơn Winamp, trong khi Winamp lớn hơn Spinner"Josh Felser thừa nhận.

"Người dùng Winamp từ 15 triệu năm 1999 đã tăng lên 60 triệu vào năm 2001". Rob Lord nói: "Thật là kỳ quặc. Chúng tôi đang ở văn phòng với Spinner, họ có từ 40 đến 60 người, chúng tôi có 4 người. Chúng tôi có số người dùng thường xuyên cao hơn 10 lần và tốc độ tăng trưởng của chúng tôi nhanh hơn nhiều. Đó là một tình huống kỳ lạ. Chúng tôi đã tự vươn lên trên tất cả".

"AOL đã có thể trở thành chiếc hộp Pandora"

Trong khi có vẻ như Nullsoft đang sắm vai "phụ" trước Spinner, thì tất cả các công ty khác trong nhóm "Interactive Properties" của AOL (bao gồm ICQ, MapQuest và những công ty khác) cũng lu mờ trước cỗ máy hái ra tiền chủ yếu của hãng:  "mảng Dịch vụ".

Theo một báo cáo của Ủy ban Giao dịch Chứng khoán công bố vào ngày 30/6/2000, dịch vụ nòng cốt của AOL đạt 23.2 triệu người sử dụng so với con số 25 triệu của Winamp. Vào thời điểm đó, mảng Dịch vụ đã kiếm được một khoản tiền khổng lồ, và AOL muốn chi mạnh quảng cáo cho dịch vụ đến với đám đông đang có mức sử dụng dịch vụ hạn chế.

Cũng trong năm đó, một quyết định hết sức tồi tệ đã được đưa ra khi Palihapitiya và McIntyre cùng nhau vạch ra mô hình kinh doanh cho phép người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ âm nhạc đầu tiên tại AOL. Nhưng ý tưởng này đã không trở thành hiện thực ngay tại thời điểm đó mãi cho đến năm 2003 và lấy thương hiệu là "MusicNet", hai năm sau khi hãng Rhapsody tung ra dịch vụ đăng ký nhạc riêng của họ vào năm 2001.

Fred McIntyre cho rằng một trong những lý do lớn nhất khiến AOL không thể tận dụng kế hoạch về dịch vụ âm nhạc đăng ký sử dụng bởi hãng đã khăng khăng đòi sử dụng hệ thống thanh toán nội bộ của riêng mình vốn được dùng cho mảng Dịch vụ của hãng.

"AOL đã rất tôn sùng ý tưởng rằng chúng tôi phải thanh toán thông qua cơ sở hạ tầng giống như AOL đã làm cho mảng Dịch vụ", McIntyre nói, và họ (ban quản lý AOL) đã so sánh việc này với quyết định của Yahoo nhằm buộc người dùng Flickr sử dụng Yahoo ID để đăng nhập vào dịch vụ chia sẻ ảnh.

Và điều đó trỏ đến một vấn đề lớn hơn đối với Winamp và cho "văn hóa" Winamp bên trong AOL - những người dùng chính của nó là những người yêu âm nhạc, những chuyên gia công nghệ và những người quan tâm đến những bản nhạc MP3 của họ đã được mã hoá ở chất lượng (bitrate) bao nhiêu - nói cách khác, những người sử dụng chính của Winamp vào đầu những năm 2000 đã bị dị ứng với AOL như một công ty. (Hoặc có lẽ họ chựng lại trước những đĩa CD quảng cáo của AOL.)

McIntyre kết luận: "Winamp sẽ có một lượng lớn khán giả Mỹ ngày nay không bởi vì trong thực tế AOL cố gắng "đẩy" mọi người cài đặt trình duyệt Netscape hay thanh công cụ AOL hay bất cứ cái gì khác kèm theo khi họ cài đặt Winamp".

Jascha Franklin-Hodge bắt đầu làm kỹ sư Spinner và sau đó trở thành giám đốc phát triển phần mềm vào năm 2003. Sau đó ông trở thành đồng sáng lập nên Blue State Digital, công ty đứng sau chiến lược truyền thông xã hội năm 2008 của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama.

Jascha nói: "Khi bạn nghĩ về những gì AOL đã làm vào đầu năm 2000, điều duy nhất mà họ thiếu - chính là điều thiết yếu cho hệ thống truyền thông ngày nay - là thiết bị phần cứng. Họ có phần mềm số một (Winamp) để chơi nhạc, và về mặt lý thuyết, mặc dù không thực tế, thư viện nội dung (Time Warner) có thể trở thành người tiên phong trong lĩnh vực phát nội dung trực tuyến, và một dịch vụ radio. Hãng có tất cả các yếu tố. AOL có thể đã trở thành Spotify, hãng đã có thể trở thành một chiếc hộp Pandora".

Nhưng không phải: Đó vẫn chỉ là AOL. Và như vậy, mặc dù có được sự yêu thích những chuyên gia công nghệ, những người hâm mộ âm nhạc, và hàng triệu người dùng Winamp, chiến lược chính của AOL vẫn là cố gắng chuyển đổi lượng người dùng to lớn này sang mảng Dịch vụ, bỏ qua hoặc lấn lướt các chiến lược kiếm tiền khác. Thời gian vẫn cứ trôi, cả mảng Dịch vụ và Winamp đều trì trệ. (Cho đến hôm nay, AOL chỉ còn có 3,3 triệu người dùng.)

McIntyre tổng kết vấn đề một cách thẳng thừng: "Từ năm 2002 đến năm 2007, AOL biết Winamp là một tài sản có giá trị nhưng "méo" biết phải làm gì với nó".

Một phần khác của lịch sử

Tất nhiên, vấn đề khác là vào cuối năm 2001, chiếc iPod đầu tiên xuất hiện. Như những gì vị CEO thiên tài quá cố của Apple - Steve Jobs đã chỉ ra tại thời điểm ra mắt sản phẩm, có khá nhiều thiết bị nghe nhạc MP3 vào thời điểm đó nhưng tất cả đều bị mất hút bởi ánh hào quang của iPod. Đến năm 2003, Apple đã bán được một triệu chiếc iPod và tung ra iTunes Music Store.

Franklin-Hodge nói thêm: "Apple đã thống trị triệt để và nghiền nát khoảng trống (màu mỡ) đó. Tôi nghĩ rằng nó đã chiếm lĩnh thị trường - đưa 26 triệu người dùng AOL tại Hoa Kỳ vào cuối năm 2002, trở thành khách hàng tiềm năng iPod của Apple. Họ là những người hiểu về nhạc số. Họ đã tạo ra cánh cửa đó; chúng tôi không có cách nào bước qua nó theo cách mà Apple đã làm được".

Thiết bị nghe nhạc iPod của Apple

Các cựu nhân viên khác đã đồng ý, quy trách nhiệm cho sự suy giảm của Winamp khi AOL không biết tận dụng cơ sở người dùng của Winamp.

"AOL đã làm nhiều thứ nhằm phủ nhận sự tiến bộ hơn bất kỳ công ty nào mà tôi từng thấy", Palihapitiya, trưởng nhóm phát triển kinh doanh của Winamp, cho biết: "Các quan chức của hãng xem mọi quyết định như là một quyết định chính trị. Những ý tưởng hay có thể chết ngay từ trong trứng nước".

Mặc dù MusicNet đã có một khoảng thời gian khởi động, nhưng dịch vụ âm nhạc tải xuống có giới hạn (và sau đó đăng ký sử dụng) đã tự "nghiền nát" nó ngay từ ban đầu, trước khi iTunes bắt đầu "tiếp quản" vào năm 2003 và 2004. Nếu Winamp, Spinner và AOL đã ra những quyết định khác hơn thì lịch sử nền âm nhạc kỹ thuật số có thể phát triển theo một chiều hướng khác.

Palihapitiya kết luận: "Không gì có thể thay thế cho việc đã qua.Tôi nghĩ điều phổ biến thường xảy ra trong hầu hết các vụ mua lại đó là: bên mua kiểm soát quá nhiều vào bên được mua lại. Công ty mẹ bắt đầu bóp nghẹt công ty còn non trẻ. Một số trường hợp không có ý xấu. Tuy nhiên, đó là lý do dẫn đến sự kết thúc của nhiều vụ thâu tóm và điều đó đúng trong trường hợp này. Nếu bạn mua lại (Nullsoft) và để nó hoạt động như một đơn vị độc lập thì có lẽ nó đã có thể làm được nhiều thứ hơn".

Trong khi đó, ứng dụng Winamp cốt lõi đơn giản với dung lượng nhẹ và chạy nhanh, đã phải chịu khá nhiều "đau khổ". Tháng 8/2002, Winamp được thiết kế lại và phát hành phiên bản thứ 3 - version 3, Nullsoft lúc này đã có 15 nhân viên. Một số người dùng cảm thấy phiên bản mới khá cồng kềnh; nhiều người thậm chí đã quay trở lại với các phiên bản cũ hơn. Năm 2003, khi iTunes và iPods tăng trưởng quá nhanh, Winamp đã phải vật lộn và gặp nhiều khó khăn hơn.

WASTE bị đóng cửa chỉ sau 24 giờ online

Nhưng Frankel, người sáng lập từ thuở ban đầu của Winamp và Gnutella, chưa bao giờ là cạn ý tưởng. Thật không may, những ý tưởng của ông khiến cho AOL tức giận.

Trong khi RIAA chuẩn bị các vụ kiện chống lại người sử dụng Gnutella, Frankel vẫn tiếp tục công việc lãnh đạo tại trụ sở của AOL ở Dulles, Virginia - cố gắng đưa Nullsoft và chính mình ra khỏi tầm kiểm soát xuyên lục địa của AOL. Bên cạnh Gnutella phát hành vào tháng 9/2000, Frankel đã viết một chương trình chặn quảng cáo trên trên ứng dụng AOL Instant Messenger. Sau đó, những nhà lãnh đạo tại Dulles nói Frankel rằng anh không nên viết blog khi không được chấp thuận.

Frankel nói với tờ Rolling Stone trong số phát hành ngày 13/1/2004: "AOL không chỉ nên đặt mông ở đó và cố tránh khỏi việc bị mất nhiều thuê bao nhất có thể. Tôi muốn họ đổi mới, tôi muốn họ làm những việc tốt cho thế giới và có ý thức về xã hội".

Các vụ tranh chấp diễn ra vào giữa tháng 5/2003, khi Frankel phát hành WASTE - một mạng lưới tán gẫu và chia sẻ tập tin được mã hoá, chỉ dành cho những người được mời tham gia vào ngày kỷ niệm 4 năm AOL mua lại Nullsoft. Không có gì đáng ngạc nhiên, AOL đã đóng cửa dịch vụ này trong 24 giờ sau đó.

Nhóm phát triển Winamp tại Dulles năm 2002

Frankel mô tả sự căng thẳng với tờ Rolling Stone vào năm 2004:

Ông nói: "Chúng tôi đã chiến đấu chống lại một AOL nhảm cứt nhiều nhất có thể." Và khi công ty cố gắng đưa biểu tượng AOL xuất hiện ngay lập tức trên máy tính của người dùng trong quá trình cài đặt Winamp, Frankel trở nên rất giận dữ: "Kiểu như là, xem này, người dùng của chúng tôi không muốn sử dụng AOL! ", Ông nói thêm:"Họ nghĩ rằng AOL thật tệ!"

Frankel đồng ý ở lại hỗ trợ Winamp 5 trong quá trình phát triển; chương trình cũng ra mắt vào tháng 12/2003 và Frankel đã từ chức vào tháng Giêng sau đó. Trong vòng một năm, Gedikian cũng từ chức và AOL đã đóng cửa hoàn toàn Nullsoft và đưa những nhà phát triển còn lại sang Dulles. Vào lúc đó, trang công nghệ Slate cũng bày tỏ niềm thương tiếc cho vụ đóng cửa của một công ty công nghệ đã có những đóng góp tuyệt vời.

Winamp và những gì còn lại cho cuộc sống

Có lẽ phần đáng ngạc nhiên nhất của câu chuyện là Winamp đã không chết ngay lúc đó và ở đó, vào năm 2004. Trong ba năm tiếp theo, phần mềm dường như chựng lại, không có thêm phiên bản mới nào xuất hiện.

Ben London - giám đốc kỹ thuật cao cấp của AOL, chịu trách nhiệm kiểm soát Winamp tại Dulles vào tháng 8/2004. Ông thừa nhận chiến lược của tập đoàn AOL lúc bấy giờ là ngưng phát triển ứng dụng.

Ông nói: "(Winamp) không có được sự đầu tư dài hạn. Chúng tôi tạo ra lộ trình phát triển (ứng dụng) trong sáu tháng, và rồi "bùm", bị tái cơ cấu vào một nhóm khác, và những người (quản lý) mới khác lại yêu cầu chúng tôi tập trung vào một khía cạnh khác của sản phẩm".

Nhưng Winamp vẫn tiếp tục lao về phía trước. Theo London, khi phiên bản mới phát hành vào năm 2007 nhằm đánh dấu kỷ niệm 10 năm Winamp ra đời, ứng dụng này đã cán mốc 90 triệu người dùng đang hoạt động, đây là thời kỳ đỉnh cao của nó trong kỷ nguyên "hậu" Frankel.

 Justin Frankel - Cha đẻ của Winamp

Sam Weber, một quản lý lâu năm tại AOL, được bổ nhiệm làm Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Winamp năm 2006 và trở thành Giám đốc toàn phần của nó giai đoạn 2007-2008 cho biết: "Winamp không có đội ngũ kinh doanh. Ben London quản lý năm nhà phát triển nhằm duy trì hoạt động cho shoutcast.com, winamp.com, và hỗ trợ khách hàng".

Weber nói rằng ông và nhóm của mình đã tìm ra điều gì đó đáng ngạc nhiên về Winamp. Trong khi số lượng người dùng của nó đã giảm xuống (nhưng không đáng kể) tại thị trường Mỹ, thì ở thị trường quốc tế lại là một câu chuyện khác.

Weber tự hỏi: "Bạn sẽ làm gì nếu bạn có 50 triệu người dùng trên toàn thế giới, 90% trong số đó nằm ngoài nước Mỹ và bạn chỉ có một nhóm 6 người tại trung tâm?" Khi nhóm tiếp cận gần hơn với số liệu người dùng của Winamp, họ nhận thấy rằng ứng dụng đã có 5 triệu người dùng ở Thổ Nhĩ Kỳ và 2 triệu người dùng ở Bra-xin.

Nhóm Winamp đã cố gắng đưa ra một kế hoạch kinh doanh mới cho Winamp và tự hỏi liệu họ có thể tạo ra các thay đổi với dịch vụ tải xuống, dịch vụ phát nhạc trực tuyến hoặc thậm chí chỉ bán quảng cáo dựa vào quá trình cài đặt của phần mềm.

"Tôi đã nghĩ từng chút một về những gì chúng tôi đã làm nhằm cố gắng khôi phục cộng đồng bằng cách phát hành lại sản phẩm (Winamp), cập nhật cho nó cả về giao diện người dùng, các thành phần giải mã (codec) và công nghệ bên trong nó, làm cho việc sử dụng Shoutcast dễ dàng và thân thiện". Ông nói thêm: "Chúng tôi bắt đầu kiếm tiền từ những người dùng đến với trang web, và quan trọng hơn, chúng tôi dịch nó sang một số ngôn ngữ".

Winamp đã có cơ hội lớn cho mình trên thị trường âm nhạc kỹ thuật số!

Nói tóm lại, nhóm Winamp mới ở Dulles đã bắt đầu tìm ra những điều mà lẽ ra AOL đã phải nhận thức từ nhiều năm trước.

Weber nói: "Đầu tiên là không nên làm hư hỏng một thứ thật sự tốt. Không sử dụng nó (Winamp) như một cơ chế nhằm cung cấp dịch vụ mang thương hiệu AOL. Làm cho nó liên quan nhiều hơn đến những người sử dụng nó."

Vì vậy, lần đầu tiên Winamp phiên bản 5.5 mới, đã chính thức hỗ trợ tiếng Đức, Ba Lan, Nga và Pháp. Nhưng quan trọng hơn, công ty bắt đầu tìm ra cách kiếm tiền từ người sử dụng thông qua cái được gọi là mô hình "freemium".

"Bạn bán một phiên bản cao cấp của sản phẩm. Bạn làm cho mô hình freemium hoạt động và nó sẽ nhanh chóng mở rộng, nếu 1% trong số khách hàng của bạn mua hàng thì bạn có thể xây dựng một công việc kinh doanh thực sự". Weber chia sẻ.

Hiện tại, Winamp Pro đang bán với giá 20 đô la, khi nhân với hàng trăm ngàn người dùng chịu trả tiền, hãng có thể thu về doanh thu hàng triệu đô la. Một cách khác để kiếm tiền đó là bán quảng cáo trực tiếp trên trang web Winamp.com, với lượt truy cập lên đến vài triệu mỗi tháng thì đây quả là một cách khá dễ để kiếm tiền.

Nhưng có một cách tốt hơn nữa để kiếm tiền: đưa Winamp vào thanh công cụ (toolbar) của trình duyệt. Như Weber đã giải thích, điều này tạo ra "nhiều tiền hơn rất nhiều: việc tìm kiếm tạo ra nhiều tiền hơn so với các quảng cáo bằng biểu ngữ (banner)".

Ông nói: "Google đã có một thỏa thuận (về tìm kiếm) với AOL, vì vậy (rõ ràng) chúng tôi đang phân phối AdSense, về mặt thương hiệu, Winamp mang lại nhiều ý nghĩa. Giờ đây bạn có hàng triệu lượt truy vấn một ngày, và chúng tôi sẽ thúc đẩy eMusic. Bất cứ khi nào có ai đó tìm kiếm bất cứ cái gì, bạn sẽ nhận được một phần từ chuyện đó. Đó là tiền thật cho một khởi đầu nhỏ".

Tỏa sáng thêm lần nữa?

15 năm sau kể từ thành lập, tất cả các nhân viên ban đầu của Winamp đã đi hết (hầu hết đã chuyển sang các vị trí khác ở Thung lũng Silicon, phần lớn là trong lĩnh vực công nghệ và âm nhạc) và Winamp vẫn tồn tại mà không có Frankel. Lượng người của nó tiếp tục bị chững lại trước các đối thủ mới như Rdio, Spotify và Pandora - đó là chưa kể đến iTunes, trong năm ngoái đã bán được 15 tỷ bài hát trên dịch vụ của mình và tiếp tục làm ăn phát đạt.

Tuy nhiên, theo Geno Yoham, tổng giám đốc của Winamp kể từ tháng 10/2008, cho rằng Winamp sẽ tiếp tục phát triển tốt như một phương tiện truyền thông, đặc biệt là ở những thị trường mới nổi mà Apple chưa thâm nhập tới.

Geno Yoham: "iTunes là số một và chúng tôi là số hai."

Ông nói: "iTunes là số một và chúng tôi là số hai. Có rất nhiều giá trị bên trong thương hiệu "Winamp", ứng dụng nghe nhạc luôn luôn ở bên bạn".

Winamp cho biết hiện có khoảng 30 triệu người dùng trên toàn thế giới (dựa trên phân tích lưu lượng mạng của comScore Web), với con số chưa tới một triệu ở thị trường Mỹ. Công ty cũng bắt đầu nhắm mục tiêu vào các nền tảng cụ thể chứ không phải là thị trường cụ thể nữa. Winamp cho biết kể từ khi phiên bản dành cho Android được ra mắt vào tháng 10/2010, đã có hơn 19 triệu lượt cài đặt. Liệu Winamp có thể tỏa sáng thêm lần nữa?

Josh Felser, cựu giám đốc điều hành Spinner và là một nhà đầu tư mạo hiểm ở thời điểm hiện tại nói rằng: "Chúng tôi đang nghĩ đến việc mua lại Winamp". Ông cho biết ông và các nhà đầu tư khác cũng đã cố gắng mua lại Winamp từ AOL vào năm 2003. Ông vẫn yêu Winamp cùng cộng đồng của nó và tin rằng sẽ có ai đó có thể tận dụng hết tiềm năng của nó.

Ông nói: "Winamp đã bắt đầu một thứ mang tính xã hội trong âm nhạc. Nó gạt Spotify qua một bên bởi cái cách mà dịch vụ này đang làm trên Facebook. Với Spotify, (bạn có thể) nhìn thấy mọi người đang lắng nghe nhưng không cảm giác đúng như vậy".

Winamp  - Hoài niệm trong nuối tiếc

"Winamp có một cộng đồng rất khác biệt, có bản sắc riêng, rất am hiểu về công nghệ, và đó là một cộng đồng có giá trị đối với nhiều người. Sẽ cần đến rất nhiều thứ để hiểu được (cộng đồng này). Đâu là những tính năng mà chúng ta cần trang bị cho Winamp để làm cho nó trở nên phù hợp hơn (với thời đại mới) thêm lần nữa? Tôi không có nó. Tôi phải nghiêm túc nghĩ về điều đó".

Tuy nhiên, Felser thừa nhận, không có hành động quan trọng nào được đưa ra khi nói chuyện với AOL về việc mua lại Winamp. Ông chia sẻ với nụ cười trên môi: "Mặc dù ý tưởng bắt đầu với nền tảng một cộng đồng hiện hữu và một bề dày lịch sử khá là thú vị, nhưng tôi đã không còn nghĩ nhiều về nó nữa".

Thanh Long

Chủ đề khác