VnReview
Hà Nội

4 chi tiết "điên rồ nhất" trong vụ án hối lộ của người thừa kế Samsung

"Thái tử" của tập đoàn Samsung đã bị kết án 5 năm tù, và vụ án của ông có rất nhiều điểm đáng chú ý, thậm chí là "điên rồ".

Lee Jae-yong, Phó chủ tịch tập đoàn Samsung Electronics trên đường đến phiên tòa xét xử tại Tòa án Trung tâm Seoul, Hàn Quốc vào ngày 25/8 vừa qua.

Lee Jae-yong là người thừa kế của một trong những công ty quyền lực nhất trong giới công nghệ - và vào ngày 25/8 vừa qua, ông đã bị kết tội tham nhũng và hối lộ.

Tuy chỉ là Phó chủ tịch nhưng trên thực tế, Lee Jae-yong là người nắm toàn bộ quyền hành tại công ty, vì bố của ông – Lee Kun-hee, Chủ tịch của Samsung - hiện vẫn đang trong tình trạng hôn mê. Việc người đứng đầu công ty phải chịu án tù giam nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến Samsung, mặc dù những con số ở thời điểm hiện tại cho thấy họ vẫn "sống tốt".

Dưới đây là 4 chi tiết "điên rồ" nhất trong vụ án này của Samsung, theo đánh giá của trang tin Mashable:

Hối lộ Tổng thống Park Geun-hye (nay đã bị phế truất)

Ông nội của Lee Jae-yong đã thành lập nên Samsung, và đến nay cha ông, Chủ tịch hiện tại, vẫn đang hôn mê. Lee Jae-yong đã trở thành quyền Chủ tịch được một khoảng thời gian, nhưng dường như ông gặp khó khăn để biến việc "truyền lại ngai vàng" thành sự thực.

Để đảm bảo vị trí của mình, gia đình ông Lee đã dùng Cheil, một công ty núp dưới bóng của tập đoàn Samsung Group, để mua lại Samsung C&T. Điều đó sẽ khiến ông nắm quyền kiểm soát nhiều hơn ở Samsung Group, "hợp lý hóa" việc ông trở thành Chủ tịch tiếp theo của công ty.

Thương vụ đã xảy ra, nhưng trên giấy tờ của Samsung C&T, nó chẳng hợp lý chút nào. Samsung C&T đã bán mình cho Cheil với giá trị thấp hơn giá trị thực của mình rất nhiều – nhưng nó lại hợp lý với gia đình Lee, và họ muốn nó được thực hiện. Vậy, làm thế nào để họ thuyết phục chính phủ "nhắm mắt làm ngơ"?

Lee Jae-yong và các giám đốc điều hành khác của Samsung đã bị buộc tội hối lộ hàng triệu USD cho các tổ chức và hiệp hội của một người bạn của bà Park Geun-hye, Tổng thống mới bị lật đổ của Hàn Quốc. Người bạn đó, Choi Soon-sil, là một người bạn trung thành lâu năm của bà Park. Thương vụ đã diễn ra một cách chóng vánh: chúng tôi đưa các người tiền, Tổng thống sẽ chấp thuận sự hợp nhất này.

Hối lộ bằng… ngựa

Đôi khi ngựa còn có giá trị hơn tiền mặt

Để xúc tiến thỏa thuận, gia đình ông Lee đã mua ngựa cho con gái của bà Choi, người đang tập luyện để trở thành một người huấn luyện ngựa ở Đức, sau đó bị bắt ở Đan Mạch và được dẫn độ về Hàn Quốc.

Đây không phải là lần đầu tiên Samsung có dính dáng đến hối lộ

Sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên, chính phủ Hàn Quốc đã làm mọi thứ có thể để bảo hộ cho các doanh nghiệp hộ gia đình, cho phép họ phát triển nền kinh tế của đất nước. Chiến lược này đã thành công, nhưng nó cũng tạo ra một tầng lớp các doanh nghiệp được gọi là chaebol – những tập đoàn có tầm ảnh hưởng quá lớn, dẫn đến việc họ không cần phải quá lo lắng về hậu quả của những thỏa thuận mờ ám. Và Samsung chính là ví dụ điển hình nhất.

Lee Kun-hee, Chủ tịch của Samsung đã hai lần bị kết tội hối lộ, nhưng ông đều nhận được sự ân xá đến từ Tổng thống. Tuy nhiên, cơn gió chính trị tại Hàn Quốc đã đổi chiều, và con trai của ông nhiều khả năng sẽ khó có thể thoát án một cách dễ dàng như vậy.

Lee Jae-yong vẫn có thể điều hành Samsung ở trong tù

Ông Lee không phải là người Hàn Quốc đầu tiên điều hành công việc phía sau song sắt. Phiên toàn xét xử của ông chưa kết thúc, có nghĩa là ông ta sẽ dành những ngày tháng sắp tới trong trại tạm giam, nơi ông được phép nói chuyện với những người không phải luật sư trong 30 phút mỗi ngày, ít nhất 6 ngày mỗi tuần. Theo Reuters, ông cũng có thể có được sự chấp thuận của những quan chức trong trại tạm giam để có thể nói chuyện nhiều hơn và gọi điện thoại.

Tuy nhiên, để có thể làm được như vậy, ông sẽ cần phải có sự trung thành tuyệt đối từ các Giám đốc điều hành khác của Samsung.

Văn Hoàn

Chủ đề khác