VnReview
Hà Nội

Bên trong cửa hàng “gì cũng có” của Xiaomi

Đã bao giờ bạn bước vào một cửa hàng, nhìn những món đồ được bày bán trên kệ và nghĩ rằng mình đã vào nhầm chỗ chưa?

> Đằng sau câu chuyện thành công và thất bại của Xiaomi

Thông thường, giày thể thao, bàn chải đánh răng và đệm không phải là loại sản phẩm sẽ có bán trong một cửa hàng bán đồ điện tử tiêu dùng công nghệ cao, phải không?. Nhưng trong năm vừa qua, Xiaomi đã bán tất cả các loại hàng hoá, từ thiết bị gia dụng thông minh đến...gối nằm ngủ.

Theo trang TechNode, hãng sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc dường như có ý định vi phạm các quy tắc hình ảnh của một công ty công nghệ. Mặc dù Xiaomi từng được mệnh danh là Apple của Trung Quốc, song ghé vào một trong trên 300 cửa hàng Mi Home khắp Trung Quốc hiện nay giống như đi vào một cửa hàng bán lẻ Nhật Bản MUJI hơn là một cửa hàng Apple Store.

Ở Mi Home, có bộ lọc không khí giá rẻ, có máy lọc nước, máy hút bụi kiểu Roomba. Cũng có cả smartphone, tai nghe VR, smart TV và máy bay không người lái. Có cả những chiếc xe đạp điện và xe tay ga cân bằng của Ninebot, công ty Trung Quốc đã mua Segway. Và có nhiều thứ khác nữa.

Dòng sản phẩm của Xiaomi giờ đây bao gồm ba lĩnh vực - smartphone, smart devices (thiết bị thông minh) kết nối với nền tảng IoT của Xiaomi và các sản phẩm non-smart (không thông minh). Nhưng chính những sản phẩm "không thông minh" ấy mới thu hút sự chú ý của chúng ta - làm thế nào mà một công ty bán smartphone lại kinh doanh cả ghế sofa? Quan trọng hơn, làm thế nào để Xiaomi; phá vỡ ngưỡng doanh thu hàng năm 100 tỷ nhân dân tệ trong vòng chỉ 7 năm ra đời và trở thành sự kiện IPO công nghệ được mong đợi nhất của năm?

Một cửa hàng Mi Store của Xiaomi ở trung tâm mua sắm The Place tại Bắc Kinh

Giáo sư Đại học Bắc Kinh và là chuyên gia tiêu dùng Trung Quốc Jeffrey Towson nói: "Xiaomi đã thành công lớn với điện thoại, nhưng sau đó họ mất nhiều thị phần vào năm 2016. Trong năm 2016, Xiaomi bị cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất điện thoại giá rẻ Huawei, Oppo và Vivo, nên đã quyết định thay đổi chiến lược. Hãng mở ra các cửa hàng Mi Home".

"Xiaomi đã quyết định không còn là một công ty smartphone, mà họ trở thành một công ty hệ sinh thái thông minh và bây giờ họ đang tiến lên bước tiến mới, trở thành một công ty phong cách sống", Towson nói.

Hiện Xiaomi đã đầu tư vào 89 công ty chuyên sản xuất các mặt hàng trong Hệ sinh thái Mi, vượt ra ngoài các sản phẩm cốt lõi như điện thoại thông minh, TV thông minh và bộ định tuyến. Theo Xiaomi, rất nhiều trong số đó đã được Xiaomi ấp ủ từ khi thành lập. Điều này có nghĩa là Mi Stores, trông giống hệt Apple Stores, đã dần dần lấp đầy các sản phẩm và thu hút người mua sắm tò mò.

Towson nói: "Mỗi lần bước vào một cửa hàng Xiaomi, lại có một thứ mới để khám phá".

Xiaomi nhắc nhở Towson về những ngày xưa của Apple khi ông thường xuyên xem các sản phẩm mới được trưng bày là gì. Nhưng sự tương đồng với Apple không dừng lại ở thiết kế Mi Store và các sản phẩm Xiaomi. Sản phẩm Xiaomi được mô tả là "đơn giản, bình yên và khiêm tốn".

Theo Towson, thành công của Apple dựa trên mối quan hệ với người hâm mộ. Đây là cách Apple tự biến đổi từ một thương hiệu điện tử tiêu dùng thành một thương hiệu sang trọng không khác nhiều với Gucci và Prada. Như Warren Buffet đã chỉ ra, các thương hiệu như Apple có một chỗ đứng trong tâm trí của người tiêu dùng - họ lọt vào đầu của chúng ta và làm cho chúng ta suy nghĩ tích cực về họ. Towson tin rằng Xiaomi đang ở giữa chừng.

Người hâm mộ Xiaomi hay còn gọi là Mi Fans thực sự đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của Xiaomi. Mi Fans tại Trung Quốc đóng góp vào việc thiết kế các sản phẩm của Xiaomi và tham gia cải tiến MIUI, hệ điều hành điện thoại thông minh của Xiaomi. Họ cũng tham gia vào các sự kiện thường xuyên trên toàn quốc và thành phố.

Nhưng những gì thu hút người hâm mộ đến Xiaomi không chỉ là chất lượng tốt với giá phải chăng. Theo một fan của Xiaomi và cũng là giám đốc sáng tạo TechNode, Liu Teng, Xiaomi là "người hùng" chống lại hàng "shanzhai" của Trung Quốc, nghĩa là Xiaomi đang ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.

Liu nói: "Đó là đóng góp lớn nhất cho ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc. Trước đây, nếu bạn muốn mua một sản phẩm mới, như hộp truyền hình hoặc bộ chuyển đổi âm thanh Bluetooth, đôi khi bạn chỉ có lựa chọn duy nhất là hàng nhái mà thôi".

Liu không thấy Xiaomi giống Apple của Trung Quốc mà là giống Belkin của Trung Quốc – Belkin là một nhà sản xuất điện tử tiêu dùng Mỹ chuyên các thiết bị kết nối. Ông cũng thấy sự khác biệt trong cách Xiaomi tiếp cận người tiêu dùng.

Liu cho biết: "Tôi nghĩ Xiaomi nhắm đến hai loại người tiêu dùng. Một là những người trẻ tuổi muốn có chất lượng cuộc sống cao hơn. Họ mua các sản phẩm tương đối rẻ tiền nhưng có thiết kế và sản xuất tốt hơn hoặc có chức năng thông minh được bổ sung vào các sản phẩm truyền thống. Nó giống như Belkin của Trung Quốc hoặc MUJI của Trung Quốc. Các sản phẩm như nồi cơm điện và máy chiếu là dành cho sinh viên hoặc công nhân có ngân sách thấp hơn. Xiaomi cung cấp các sản phẩm như điện thoại thông minh và tai nghe chất lượng tốt hơn nhưng cùng một mức giá như hàng nhái".

Liệu ghế sofa có bán được không? Liu tin rằng một số Mi Fan của Trung Quốc không định mua những thứ như này từ một công ty công nghệ cao. Các Mi Fan khác đã kinh ngạc rướn lông mày lên trên bảng màu của sản phẩm ngày càng nhiều màu sắc của Xiaomi.

Hiện tại, Xiaomi không cung cấp tất cả các sản phẩm đối tác ở mọi quốc gia. Trong thị trường lớn nhất ngoài Trung Quốc là Ấn Độ, Xiaomi đã mở cửa hàng thứ 25 gọi là Mi Home Experience để thử nghiệm xem những sản phẩm nào ngoài điện thoại có thể bán tốt. Công ty cũng đã mở cửa hàng đầu tiên tại Tây Âu, ở Tây Ban Nha vào tháng 11 năm ngoái, và, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, Mỹ có thể là địa điểm kế tiếp.

Nhìn vào thành công của Xiaomi ở Ấn Độ (năm 2017, Xiaomi đã có doanh thu tăng 696%, lên 1,3 tỷ USD), có lý do để lạc quan về sự lan tỏa của Mi trên quốc tế: Ở Trung Quốc, các công ty như Xiaomi đã đẩy giá các sản phẩm công nghệ cao xuống kinh khủng. Một video lan truyền gần đây về một nông dân Trung Quốc ra đồng bằng chiếc xe tay ga tự cân bằng Ninebot cho thấy các sản phẩm công nghệ đắt tiền và tiên tiến đã trở nên phổ biến như thế nào.

Hoàng Lan

Chủ đề khác