VnReview
Hà Nội

Amazon chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam

Hôm nay (14/3), Giám đốc kinh doanh toàn cầu của Amazon tại Singapore Gijae Seong đã có mặt tại phiên đầu tiên của Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2018 (VOBF 2018) đang diễn ra tại Hà Nội, để chia sẻ về Bán lẻ trực tuyến toàn cầu trên Amazon - "Go Global with Amazon".

Giám đốc kinh doanh toàn cầu của Amazon tại Singapore Gijae Seong là diễn giả tại VOBF 2018. (Ảnh: CV)

Tại sự kiện này, đại diện của Amzazon đã chia sẻ các nghiên cứu, phân tích về thị trường thương mại điện tử Việt Nam, đồng thời cũng cho biết về các chiến lược cụ thể, kế hoạch chính thức gia nhập thị trường của Amazon tại Việt Nam.

Theo đó, thông qua VOBF 2018, Amazon sẽ khởi động một chương trình hợp tác cùng Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể bán hàng, xuất khẩu qua hệ thống mạng lưới tổ chức của nhà bán lẻ trực tuyến lớn hàng đầu thế giới này.

Trong giai đoạn đầu, Amazon sẽ phối hợp với VECOM tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp kỹ năng vận hành, khai thác các công nghệ, giải pháp và dịch vụ trong hệ sinh thái thương mại điện tử của mình để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sản phẩm ra thị trường thế giới.

Phần trình bày của đại diện Amazon còn đề cập đến các xu hướng mới, những ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), big data… trong thương mại điện tử. Chia sẻ của ông cũng phần nào giúp chúng ta hiểu rõ hơn về câu chuyện các nhà đầu tư Trung Quốc như Alibaba, Tencent sốt sắng đầu tư vào Lazada hay Shopee...

Chia sẻ tại VOBF 2018, ông Gijae Seong cho rằng, thị trường bán lẻ toàn cầu đang có xu hướng chuyển qua thương mại điện tử, và có thể đạt mức tăng trưởng 100% trong 4 năm tới. Như vậy, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ phát triển nhanh chóng trong 2-3 năm tới. Cùng với xu hướng đó, Amazon cũng đưa ra các phương pháp kết nối giữa người bán và người mua nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Còn tại Việt Nam, theo thông tin từ VECOM, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đã đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020. Với quy mô dân số gần 100 triệu và xu hướng phát triển công nghệ như hiện nay, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của thương mại điện tử. Với sự kiện "Đại gia thương mại điện tử Amazon" chính thức đổ bộ vào Việt Nam, đây được xem là cơ hội để sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa qua hệ sinh thái khổng lồ này.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể rất ấn tượng, đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.

Trong lĩnh vực thanh toán, năm 2017, tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa khoảng 50% so với 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Còn trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết (afiliate marketing) có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100% đến 200%.

Cuối tháng 7/2017, Amazon cũng đã chính thức triển khai dịch vụ giao hàng trong ngày Prime Now tại Singapore, đánh dấu cho việc mở màn cho cuộc tấn công vào thị trường Đông Nam Á. Việt Nam là thị trường thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á sau Singapore, với quy mô thị trường được dự đoán đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

Theo;Thế giới & Việt Nam

Chủ đề khác