VnReview
Hà Nội

Không chuyển đổi số kịp thời, doanh nghiệp CNTT sẽ khó tồn tại

Nhấn mạnh tác động mạnh mẽ của xu hướng công nghiệp 4.0, Chủ tịch MISA, Phó Chủ tịch VINASA Lữ Thành Long cho rằng các doanh nghiệp CNTT nếu không thay đổi tư duy, không chuyển đổi số kịp thời cũng sẽ không giữ được vị thế, thậm chí là khó tồn tại.

hay mặt Ban chấp hành VINASA, ông Lữ Thành Long, Chủ tịch HĐQT Công ty MISA, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho biết, định hướng trong 3 năm tới, VINASA muốn thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số (Ảnh: T.Khang)

Hôm nay, ngày 15/3/2018, tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức hội nghị Ban chấp hành và gặp gỡ hội viên đầu xuân Mậu Tuất 2018.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Lữ Thành Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần MISA, Phó Chủ tịch VINASA cho biết, định hướng chung trong hoạt động của Hiệp hội 3 năm tới bắt đầu từ năm 2018, là mong muốn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số.

Xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0) tạo ra nhiều biến động, đưa nhiều cơ hội nhưng kèm theo đó là rất nhiều thách thức cho mọi lĩnh vực của nền kinh tế, chính vì vậy, theo ông Long, trong năm 2018 ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam nói chung và Hiệp hội VINASA nói riêng xác định sứ mệnh, trách nhiệm của mình trong việc không chỉ giúp các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam chuyển đổi số thành công, bắt kịp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn có trách nhiệm trong việc thúc đẩy các bộ, ngành tham gia vào công cuộc này.

Ông Long nhấn mạnh: "Điều đặc biệt là xu thế thay đổi công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác mà ngay cả trong ngành CNTT, trong các doanh nghiệp CNTT nếu không thay đổi tư duy, nếu không chuyển đổi số kịp thời thì bản thân chúng ta cũng không còn giữ được vị thế của mình trên thị trường mà ngay cả sự tồn tại của doanh nghiệp cũng sẽ rất khó khăn".

Minh chứng cho nhận định của mình, ông Long lấy dẫn chứng, sự xuất hiện chuỗi cửa hàng của Amazon không cần check out, không cần người theo dõi, giám sát sẽ khiến cho các doanh nghiệp CNTT gặp khó khăn lớn. "Sự xuất hiện của chuỗi cửa hàng Amazon này chỉ; ra rằng những doanh nghiệp làm, bán các thiết bị Barcode Scanner (thiết bị đọc mã vạch – PV) hay ngay các doanh nghiệp làm phần mềm tài chính kế toán, phần mềm bán hàng như MISA chúng tôi cũng đặt ra câu hỏi là mình sẽ bán sản phẩm phần mềm cho ai? Vì khi những công nghệ mới, nền tảng mới được đưa ra, sẽ không cần đến những người nhập liệu theo cách thông thường nữa, không cần những phần mềm truyền thống", ông Long phân tích.

Phó Chủ tịch VINASA Lữ Thành Long cho hay, sự ra đời của các hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) khiến cho rất nhiều công việc trước đây vẫn huy động rất nhiều nhân lực, tốn kém chi phí cao và thậm chí không đáp ứng được  nhu cầu tăng trưởng thì hiện nay với công nghệ  AI đã có thể giúp tiết kiệm công sức lao động. "Vì thế, nếu trong thời gian tới bản thân nội tại doanh nghiệp CNTT Việt Nam không ứng dụng những công nghệ mới nhất, không thay đổi cách cấu trúc các sản phẩm đưa ra thị trường thì sẽ không có khả năng cạnh tranh, không thể giữ vững được vị trí", ông Long chia sẻ.

Cũng trong chia sẻ tại buổi gặp gỡ hội viên VINASA đầu xuân mới, ông Long cho biết, năm 2017 là một năm nhiều biến động mạnh mẽ, làm cho rất nhiều ngành nghề bị xáo động. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, ngành CNTT Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá tốt. Theo một ước tính của VINASA, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành CNTT nước ta trong năm 2017 vừa qua ước đạt khoảng 15%; trong đó riêng lĩnh vực xuất khẩu phần mềm năm 2017 vẫn có được tốc độ tăng trưởng ấn tượng, khoảng từ 25 - 30%.

"Trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, thị trường Nhật Bản tăng trưởng rất lớn. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cho đến năm 2030, nhu cầu về thuê nhân lực CNTT, nhân lực công nghệ cao của nước này rất lớn, cần cỡ 600.000 nhân lực. Đây là hướng mà các hội viên VINASA có thể khai thác tiếp trong thời gian tới', đại diện VINASA cho hay.

Đề cập đến hoạt động của các hội viên VINASA trong năm 2017, ông Lữ Thành Long điểm lại thành tích ấn tượng của FPT Software với việc ký được hợp đồng trị giá tới 100 triệu USD với tập đoàn năng lượng châu Âu Innogy SE. Đây không chỉ là hợp đồng lớn nhất trong 20 năm lịch sử của FPT Software mà còn là hợp đồng lớn nhất trong các doanh nghiệp CNTT Việt Nam có được.

Bên cạnh đó, Công  ty VP9 cũng là một hội viên đã có sự tăng trưởng ấn tượng trong năm qua, từ một doanh nghiệp nhỏ, VP9 đã đạt mức tăng trưởng hơn 500%. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hội viên khác của VINASA cũng đạt tăng trưởng tốt, đơn cử ngay như Công ty cổ phần MISA cũng đã tăng trưởng 50% trong năm 2017.

Theo ICTNews

Chủ đề khác