VnReview
Hà Nội

Trợ giá điện thoại có thể "phá băng" thị trường trong lúc thuê bao trả trước bị siết chặt

Thời hoàng kim của thuê bao trả trước đang đi đến hồi cuối khi so với thuê bao trả sau, thủ tục rườm rà tương tự trong khi khuyến mại ít đi. Các nhà mạng cũng đang tìm cách thu hút thuê bao trả sau như khuyến mại hoà mạng, tăng 50% giá trị nạp thẻ nhưng chưa đủ để phá băng thị trường.

Thuê bao trả sau sẽ lên ngôi từ ngày 1/3?

Bkav đang đàm phán với nhiều nhà mạng phân phối Bphone 2018

Trả trước hết thời

Trong buổi gặp mặt phóng viên cách đây không lâu, T.G, chuyên viên phòng giá cước, tiếp thị của một nhà mạng lớn ở Hà Nội tâm sự phải chịu nhiều sức ép tìm ra các phương thức, giải pháp để phát triển thuê bao. Nhưng giá cước thì không thể hạ hơn. Khuyến mãi tài khoản khủng khi hoà mạng bị cấm. Các gói cước được thiết kế linh hoạt cho từng đối tượng như học sinh, công nhân, thanh niên... đều đã "phủ sóng" hết. Cho nên có tính nát nước cũng không nghĩ ra được cách nào.

Thực tế, đã từ rất lâu không còn thấy xuất hiện những sự kiện đình đám như bình chọn gói cước tốt nhất. Ngay cả sự kiện thương mại hoá 4G được nhà mạng vung tiền quảng cáo nhưng cũng nhanh chóng chìm xuống. Thị trường viễn thông di động trầm lắng kéo dài do thị trường đã bão hoà.

Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và truyền thông), đến cuối tháng 12/2017 cả nước có hơn 120 triệu thuê bao di động. Trong đó, có đến 92%, tức 111 triệu là thuê bao di động trả trước. Số còn lại là thuê bao di động trả sau. Thực tế này khá trái ngược so với nhiều nước phát triển, như Mỹ, có số thuê bao trả sau chiếm đến 90%.

Lý do tại sao thuê bao di động trả trước phát triển mạnh có nhiều. Trong đó, có một thời gian dài (từ hồi đầu những năm 2000) các nhà mạng chạy đua phát triển số lượng thuê bao, tung ra nhiều khuyến mãi nạp thẻ, ưu đãi thời gian sử dụng, kích hoạt sẵn SIM... khuyến khích khách hàng sử dụng số trả trước. Đã có một thời thuê bao phát triển nóng đến nỗi các nhà mạng "cháy kho số", có nghĩa thiếu số để bán ra, buộc Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và truyền thông) phải phát hành dải số di động 11 chữ số và cấp ra nhiều đầu số cho nhà mạng "chữa cháy".

Về phía người dùng, thuê bao trả trước có nhiều cái lợi: Có ngay số sử dụng mà không phải qua thủ tục rườm rà (kê khai thông tin, ký hợp đồng), thay đổi gói cước thoải mái và hơn cả là kiểm soát được chi phí.

Về phía nhà mạng, cái lợi là phát triển thuê bao nhanh, quản lý dễ dàng (đỡ phải tốn nhân lực thu cước, đòi nợ cước; khách hàng không nạp thẻ quá thời hạn quy định chỉ việc cắt liên lạc).

Tuy nhiên, với con số 120 triệu thuê bao trên tổng số 90 triệu dân, từ vài năm nay thị trường viễn thông di động đã bão hoà dẫn đến phát triển thuê bao trả trước mới gặp nhiều khó khăn. Cộng với chính sách quản lý thuê bao trả trước đang ngày càng chặt hơn – với thủ tục đăng ký tương tự như thuê bao trả sau, khuyến mại nạp thẻ kém hấp dẫn - cho nên không ít người đang cân nhắc việc chuyển sang thuê bao trả sau. Đương nhiên, từ cân nhắc cho đến thực hiện là cả một khoảng cách, trừ phi thuê bao trả sau có những chính sách đột phá mới.

Trợ giá máy sẽ như "ánh sáng cuối đường hầm"?

thue bao tra sau

Nhà mạng tung ra nhiều chính sách khuyến mại thu hút thuê bao trả sau.

Thị trường viễn thông di động sau nhiều năm trầm lắng, cho đến cách đây 1-2 tháng lại nổi lên ba sự kiện đáng lưu ý, trớ trêu là có 2 trong số đó lại là những chính sách làm mất lòng khách hàng. Đó là ngày "toàn dân nạp thẻ" – các nhà mạng đua nhau nhắn tin hối khách hàng nạp thẻ hưởng khuyến mãi 50% lần cuối cùng và những ngày hàng triệu thuê bao nháo nhào đến cho nhà mạng chụp ảnh chân dung. Một sự kiện nữa, đó là MobiFone phân phối Bphone 2 với ưu đãi cực khủng, tuy không ồn ào bằng nhưng đó như là một dấu hiệu cho thấy có thể sẽ là một bước đột phá thị trường.

Thực ra, bản thân chiếc smartphone cao cấp Made in Vietnam của Tập đoàn công nghệ Bkav có động thái gì cũng đều thu hút sự chú ý – dù là tích cực hay tiêu cực. Tuy nhiên, lần này nó còn đáng chú ý hơn ở phần giá bán. Một chiếc Bphone 2017 mới bán qua chuỗi Thế Giới Di Động có giá 9,789 triệu đồng. Còn mua qua nhà mạng MobiFone, khách hàng chỉ phải trả 3,9 triệu đồng, kèm theo hợp đồng 2 năm với nhà mạng, gọi điện, nhắn tin và data "tẹt ga" với cước 200.000 đồng/ tháng.

Việc phân phối smartphone qua nhà mạng không còn là mới. Bắt đầu với phân phối iPhone của Viettel và VinaPhone, đến nay các nhà mạng đã tham gia vào chuỗi phân phối phần cứng smartphone, song hình thức này không mấy thu hút. Nguyên nhân chính là mức đóng ban đầu khá cao, giá cả cước và phần cứng cộng lại cao hơn giá mua máy ngoài thị trường. Chẳng hạn, một chiếc Samsung Galaxy Note 8, tính gói cước tối thiểu qua nhà mạng, khách hàng sẽ phải trả 18,5 triệu đồng kèm theo hợp đồng 12 tháng, cước 300.000 đồng/ tháng. Chưa kể khách hàng phải ký quỹ 2,3 triệu đồng. Giá bán Note 8 trên thị trường hiện là gần 21 triệu đồng.

Trong khi đó, chương trình hợp tác giữa MobiFone và nhà sản xuất Bphone lại phân phối smartphone đến tay khách hàng, kể cả cộng cước và giá máy, tổng chi phí khách hàng phải trả thấp hơn so với giá bán trên thị trường, chưa kể không yêu cầu ký quỹ. Có thể nói, đây là lần đầu tiên có thiết bị di động phân phối qua nhà mạng có lợi cho thuê bao như vậy.

Phản hồi thị trường cho thấy những tín hiệu tích cực khi chỉ sau vài ngày, nhiều đại lý, trung tâm giao dịch của MobiFone không có hàng để bán. Đáng tiếc đây không phải là chương trình đại trà, chỉ bán 1000 chiếc Bphone đầu tiên trong khuôn khổ kỷ niệm 25 năm thành lập nhà mạng MobiFone.;

Điều có lẽ ít người để ý (cũng dễ hiểu bởi 90% dùng di động trả trước) là thời gian gần đây, các nhà mạng lớn đang nỗ lực thu hút thuê bao trả sau. Như các chương trình khuyến mại hoà mạng tặng cả nghìn phút cuộc gọi, miễn phí các gói cước 4G hoặc tặng chục GB dữ liệu. Trong khi thuê bao trả trước bị hạn chế khuyến mại nạp thẻ 20% thì thuê bao trả sau nạp thẻ được hưởng khuyến mại 50%...

Tuy nhiên, những khuyến mại này chưa giúp thoả mãn nhu cầu quản lý mức chi tiêu cho cước di động của họ. Trong khi đó, chính sách trợ giá cước vừa đáp ứng được nhu cầu này, vừa giúp khách hàng có thể sở hữu ngay những thiết bị công nghệ mới nhất với mức tiền hợp lý. Vấn đề còn lại là liệu cả nhà mạng và nhà sản xuất dám "chơi" hay không.

Được biết Tập đoàn Bkav đang đàm phán với các nhà mạng để phân phối Bphone 2018. Chưa rõ là mức trợ giá sẽ là như thế nào nhưng rất có thể các nhà mạng sẽ phải tính đến thay đổi chính sách phân phối phần cứng để cạnh tranh hút khách. Nhất là trong bối cảnh hiện nay quản lý thông tin thuê bao trả trước chặt chẽ, siết chặt khuyến mại thì chắc chắn có thuê bao tính đến chuyển sang trả sau nếu hình thức phân phối qua nhà mạng thực sự có lợi cho họ - cả về khả năng tiếp cận thiết bị công nghệ mới nhất và quản lý được mức chi tiêu cho dữ liệu, gọi và nhắn tin.

Hương Hà

Chủ đề khác