VnReview
Hà Nội

Huawei bị nhiều quốc gia đưa vào “danh sách đen”

Hãng viễn thông Trung Quốc Huawei đang đối mặt với sự tẩy chay và bị nhiêu quốc gia như Mỹ, Anh, Australia, Canada… liệt vào danh sách đen.

Bài liên quan

Việt Nam "nên lưu tâm đến ZTE, Huawei"

Huawei là hãng viễn thông lớn của Trung Quốc và là một trong những công ty đang tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Hãng đã trưởng thành từ một công ty khiếm tốn vào năm 1987, chuyên bán lại các thiết bị viễn thông cho các tỉnh ở Trung Quốc. Giờ đây, Huawei là một công ty đa quốc gia, thiết kế mọi thứ từ thiết bị viễn thông, linh kiện ĐTDĐ đến smartphone và chip máy tính.

Nhưng sự trưởng thành nhanh chóng và mạnh mẽ của Huawei đang gặp rủi ro. Tại Anh, mối quan hệ thương mại lâu năm giữa hãng viễn thông Anh British Telecom (BT) và Huawei đang bị Uỷ ban an ninh và tình báo Anh điều tra. Ông Malcolm Rifkind, chủ tịch Uỷ ban, cho biết họ đang "xem xét lại toàn bộ sự hiện diện của Huawei trong cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng và xem liệu có nên dè chừng các thiết bị của Huawei hay không".

Thực ra, Uỷ ban này cũng đã tìm ra một số bằng chứng từ cách đây mấy tháng và đã xem xét liệu có nên công bố những phát hiện của họ không. Báo cáo về vấn đề này sẽ được gửi lên Thủ tướng Anh David Cameron trước dịp lễ giáng sinh năm nay.

"Báo cáo có phần cáo buộc Huawei có những mối liên kết với quân đội Trung Quốc và rằng bất kỳ công ty Trung Quốc nào cuối cùng rồi cũng thuộc về chính phủ Trung Quốc", ông Rifkind tiết lộ.

Huawei phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến gián điệp và tội phạm mạng, đồng thời cho rằng những cáo buộc trên là "hành vi bóp méo thị trường, bóp méo thương mại kỳ quái. Ảnh Reuters

Huawei là một nhà cung cấp thiết bị viễn thông của BT, nhờ đó hãng này đã có được hợp đồng lớn đầu tiên tại tây Âu năm 2005. BT sử dụng thiết bị của Huawei để hiện đại hoá dịch vụ băng rộng cáp đồng. Huawei hiện là nhà cung cấp lớn cho mạng lưới băng rộng cáp quang toàn quốc của BT, là một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất đang triển khai tại Anh.

"Chúng tôi đang điều tra mối quan hệ giữa Huawei và BT và những tác động tại Anh", Rifkind nói. "Chúng tôi muốn xem lại lịch sử của hợp đồng đó, để xem có mối lo ngại an ninh nào không và xem chính phủ Anh liên quan đến đâu trong những quyết định hợp đồng này, xem có bất kỳ nguy cơ nào xảy ra khi Huawei có liên quan chặt chẽ đến cơ sở hạ tầng viễn thông của chúng tôi".

Nói về cuộc điều tra này, một đại diện của Huawei cho biết họ đã hoạt động tại Anh từ năm 2001 "dưới các quy định và luật lệ của Anh. Chúng tôi thường xuyên liên lạc với chính phủ và luôn sẵn sàng thảo luận về mọi nghi vấn". Cách đây 2 năm, hãng này đã thành lập một trung tâm ở Banbury, Anh. Tại đây, các thiết bị của Huawei cung cấp cho BT được phối hợp với các nhân viên an ninh để thử nghiệm và giám sát.

Ngoài Anh, Huawei còn bị liệt vào "danh sách đen" ở Australia. Tại đây, Huawei bị cấm tham gia cung cấp cho mạng lưới cáp quang mới của quốc gia. Trong tuần này, Mỹ cũng kêu gọi tránh xa Huawei và ZTE vì thiết bị của họ có thể bị chính phủ Trung Quốc lợi dụng cho các hoạt động gián điệp mạng.

Chính phủ Canada cũng đang có dấu hiệu sẽ tẩy chay Huawei trong các dự án truyền thông chính phủ, bởi lo ngại nguy cơ an ninh tiềm ẩn. Tại Brussel, tham tán viên thương mại châu Âu, Karel De Gucht, đang thu thập chứng cứ để điều tra việc cả hai công ty Huawei và ZTE được chính phủ hỗ trợ, cho phép bán thiết bị ở mức giá lỗ vốn, nhưng hành vi này đã được bỏ qua sau khi các công ty đối thủ ở châu Âu từ chối đệ đơn phàn nàn. Theo nguồn tin của Guardian, đó là vì các công ty này lo sợ bị Trung Quốc trả thù.

Trung tâm mối lo ngại là mạng lưới của Huawei không an toàn và có thể bị lợi dụng làm gián điệp. Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng Trung Quốc có thể dùng thiết bị do Huawei sản xuất để gián điệp các hoạt động truyền thông và đe doạ các hệ thống trọng yếu thông qua các liên kết được vi tính hoá. Ren Zhengfei, người sáng lập ra tập đoàn Huawei từng là một chuyên gia kỹ thuật trong quân đội Trung Quốc.

Huawei phủ nhận tất cả những gì liên quan đến gián điệp và tội phạm mạng, đồng thời cho rằng những cáo buộc trên là "hành vi bóp méo thị trường, bóp méo thương mại kỳ quái, sẽ tạo thành một tiền lệ và có thể được lợi dụng ở những thị trường khác để chống lại các công ty Mỹ".

Tuy nhiên trong khi sự có mặt của các công ty Mỹ tại châu Âu vẫn còn hạn chế, Huawei đã dùng Anh như một bàn đạp để nhanh chóng mở rộng ra toàn châu Âu. Sự lớn mạnh của Huawei là nguyên nhân khiến một số đối thủ phương Tây bị cho "ra rìa".

Một trong những "nạn nhân" đầu tiên của Huawei là hãng Marconi của Anh, đã mất khách hàng lớn nhất khi BT chọn Huawei – và một số nhà cung cấp khác – cho dự án nâng cấp mạng lưới băng rộng cáp đồng. Trong vòng 1 năm, Marconi từng là tập đoàn lớn ở Anh, đã thua lỗ và bị thâu tóm.

Số phận tương tự cũng xảy ra với các công ty Mỹ Nortel và Motorola, rồi đến Alcatel-Lucent của Pháp và Nokia Siemens Networks của Phần Lan.

Hoàng Luân

Chủ đề khác