VnReview
Hà Nội

Tại sao Mỹ lo ngại Huawei là gián điệp?

Thiết bị, dịch vụ viễn thông của Huawei được sử dụng phổ biến ở các công trình hạ tầng trọng yếu của quốc gia, quân đội Mỹ trong khi dưới con mắt của Mỹ, Huawei thiếu minh bạch về mối liên hệ của hãng với chính phủ Trung Quốc, về cấu trúc và quản trị công ty.

Nói đúng ra, từ kinh nghiệm của mình về việc thiết bị điện tử nhập khẩu có thể bị biến thành vũ khí gián điệp như thế nào, các quan chức an ninh Mỹ lo ngại thiết bị viễn thông do Huawei sản xuất được thiết kế để cho phép chính phủ và quân đội Trung Quốc truy cập trái phép, đánh cắp bí mật của Mỹ.

Huawei

Huawei Technologies - hãng thiết bị viễn thông và mạng đa quốc gia của Trung Quốc - có trụ sở chính tại Thâm Quyến (Quảng Đông, Trung Quốc), được cựu quân nhân Ren Zhengfei (Nhiệm Chính Phi) thành lập năm 1987 với số vốn đăng ký ban đầu là 21.000 nhân dân tệ. Đến nay, hãng có hơn 140.000 nhân viên, trong đó khoảng 40% là lực lượng nghiên cứu và phát triển (R&D), doanh thu năm 2011 là 32 tỷ USD. Sản phẩm và dịch vụ của Huawei đang được triển khai ở hơn 140 quốc gia và hiện 45 trong số 50 nhà mạng lớn nhất thế giới là khách hàng của hãng.

Theo bản báo cáo mới đây của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, Ủy ban này tập trung vào đánh giá mối quan hệ của hãng thiết bị viễn thông Huawei và ZTE với chính phủ Trung Quốc, bao gồm sự hỗ trợ của chính phủ, các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc, mối quan hệ của hai công ty này với Đảng Cộng sản Trung Quốc và những công việc họ đã làm thay mặt cho quân đội và tình báo Trung Quốc.

Để điều tra, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ yêu cầu Huawei, ZTE trả lời các câu hỏi bao gồm:

- Lịch sử công ty và cấu trúc quản trị của công ty là gì? (Bao gồm mối quan hệ ban đầu với chính phủ, quân đội hoặc Đảng Cộng sản Trung Quốc)

- Chính phủ hoặc Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát hoặc ảnh hưởng như thế nào/ đến mức độ nào đối với các quyết định, hoạt động và chiến lược của Huawei và ZTE?

- Chính phủ Trung Quốc có đối xử ưu đãi đặc biệt với Huawei và ZTE?

- Công ty mẹ Huawei ở Thâm Quyến có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của Huawei tại Mỹ?

- Các công ty này có tuân thủ luật pháp, bao gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các cơ chế cấm vận quốc tế (như cấm vận Iran chẳng hạn)?

Ủy ban này cũng điều tra xem liệu các công ty này có tuân thủ luật pháp của Mỹ như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, để xác định xem liệu chúng có là doanh nghiệp đáng tin cậy không.

Theo Ủy ban, phản hồi của các công ty về những yêu cầu nói trên không rõ ràng hoặc không thích đáng. Một công ty còn nêu rõ họ không thể cung cấp tài liệu nội bộ mà không được chính phủ Trung Quốc chấp thuận. Việc các công ty Trung Quốc tin rằng tài liệu hoặc thông tin nội bộ của họ là "bí mật nhà nước" chỉ làm tăng thêm mối quan ngại của Mỹ rằng có chuyện chính phủ Trung Quốc kiểm soát các doanh nghiệp này cũng như hoạt động của họ.

Đối với Huawei, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ kết luận những sự thiếu minh bạch, bao gồm những điểm đáng chú ý như dưới đây:

Huawei không hoàn toàn hợp tác và không muốn giải thích mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc

Nhân vật Mỹ quan tâm nhất ở Huawei chính là ông Nhiệm Chính Phi, năm nay 68 tuổi, người sáng lập Huawei.

Ông Nhiệm từng làm cho một quân đoàn cơ khí quân đội Trung Quốc với nhiệm vụ thành lập nhà máy Sợi hóa chất Liao Yang và sau đó được bổ nhiệm làm phó giám đốc – một chức vụ tương đương với phó trung đoàn trưởng.

Năm 1983, ông Nhiệm giải ngũ sau khi quân đoàn tan rã (một số nguồn tin khác cho biết ông giải ngũ khi quân đội tinh giảm biên chế) và làm việc cho một doanh nghiệp nhà nước. Theo thông tin từ phía Huawei, ông Nhiệm đã "không hài lòng" với lương thấp và con đường sự nghiệp ở doanh nghiệp nhà nước nên vào năm 1987, ông thành lập Huawei.

Ông Nhiệm Chính PhiLà ông chủ của một doanh nghiệp lớn, đoạt được nhiều danh hiệu của các tạp chí nổi tiếng như Forbes, BusinessWeek, Fast Company… nhưng ông Nhiệm là một nhân vật bí ẩn đối với công chúng. Bên trong trụ sở của Huawei tại Thâm Quyến chỉ có vài bức ảnh của vị Chủ tịch Nhiệm trên tường và ông tiếp xúc với nhân viên dưới quyền chủ yếu qua hệ thống công văn giấy tờ, email.

Ông chưa bao giờ ngồi xuống trả lời phỏng vấn báo chí phương Tây. Thậm chí, ngay cả những yêu cầu thông tin về ông Nhiệm của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cũng không được trả lời.

Huawei từ chối mô tả thông tin về quá trình hoạt động của ông Nhiệm khi còn ở trong quân đội; từ chối trả lời các câu hỏi tại sao ông Nhiệm được mời tham dự Đại hội Đảng lần thứ 12, những nhiệm vụ ông thực hiện cho Đảng và liệu ông có được tham vấn về các vấn đề đảng, nhà nước.

Mặc dù ông Nhiệm đã ra khỏi quân đội và từng bị khai trừ khỏi Đảng do có cha từng làm việc trong quân xưởng Quốc dân đảng, các chuyên gia và nhân viên tình báo phương Tây tin rằng các mối liên hệ của ông Nhiệm với quân đội Trung Quốc vẫn còn tiếp tục; thậm chí còn có nhiệm vụ xây dựng các hệ thống mạng ở nước ngoài mà thời bình thì nghe lén còn thời chiến thì đánh sập mạng khiến địch thủ tê liệt. Tuy nhiên, họ không có bằng chứng nào về việc này.

Ngoài ra, có nhiều chuyên gia nhận xét Huawei nhận được sự ưu đãi của chính phủ và quân đội Trung Quốc, hỗ trợ doanh nghiệp này về tài chính làm bóp méo thị trường. Trong báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, Huawei cũng không trả lời được các câu hỏi chính hoặc cung cấp tài liệu chứng minh cho tuyên bố của hãng rằng mình hoàn toàn độc lập về tài chính, không có sự hỗ trợ của chính phủ.

Sự khó hiểu về cơ cấu tổ chức và sở hữu doanh nghiệp

Từ nhiều năm, các nhà phân tích phương Tây đã rất chật vật trong việc tìm hiểu mô hình sở hữu của Huawei.

Huawei cũng nhiều lần lặp lại rằng họ là một công ty tư nhân, do nhân viên làm chủ và kiểm soát thông qua chương trình sở hữu cổ phiếu nhân viên (ESOP), không chịu ảnh hưởng của Đảng và Chính phủ.

Cổ phần của nhân viên Huawei được quy định và phân phối bởi Liên hiệp Công ty TNHH Đầu tư Cổ phần Huawei Thâm Quyến mà Công ty TNHH Công nghệ Huawei là một chi nhánh. Liên hiệp này - cơ quan có thẩm quyền cao nhất Huawei - do cán bộ công nhân viên lập ra nhưng không phải là tổ chức công đoàn. Hiện tại, Liên hiệp này nắm 98,7% cổ phần ESOP còn nhà sáng lập, Chủ tịch Nhiệm chỉ nắm giữ 1,3%.

Theo quy định của Huawei, các nhân viên được trao quyền lựa chọn mua cổ phần với giá do công ty quyết định và chỉ có thể được bán khi họ rời công ty hoặc được sự chấp thuận. Đặc biệt chỉ có công nhân viên Trung Quốc (ở Mỹ, chỉ nhân viên là người Trung Quốc) mới được chia và sở hữu cổ phiếu. Tên cổ phần cũng bí hiểm không kém: "Cổ phần giới hạn thực sự".

Huawei chưa bao giờ tiết lộ có bao nhiêu cổ phần; không cung cấp danh sách 10 cổ đông lớn nhất theo yêu cầu của Mỹ. Giá trị thực sự của Huawei cũng không ai rõ bởi hãng chưa lên sàn chứng khoán. Cho nên tài sản thực sự của Huawei cũng là một bí ẩn.

Lo ngại không phải là không có cơ sở

Như đã nói từ đầu, từ những kinh nghiệm của mình, các chuyên gia an ninh Mỹ hơn ai hết biết rằng rủi ro thiết bị điện tử nhập khẩu bị biến thành vũ khí do thám và phá hoại nguy hiểm như thế nào.

Blog AllthingsDigital nhắc lại vụ các cơ quan tình báo Mỹ với đối tác Isarel bằng sự hiểu biết sâu sắc về rất nhiều biến thể của hệ điều hành Microsoft Windows cộng với kiến thức chuyên sâu về các hệ thống điều khiển công nghiệp đã tạo ra Stunex - sâu máy tính nguy hiểm đã hủy hoại chương trình nghiên cứu hạt nhân của Iran. Sau đó, các chuyên gia bảo mật còn phát hiện các vũ khí ảo khác của Mỹ - Isarel là Flame và Gauss.

Một vụ việc khác liên quan đến vụ không kích năm 2007 của Israel mà thời đó bị tình nghi là cơ sở nghiên cứu vũ khí hạt nhân ở Syria. Một báo cáo của IEEE Spectrum năm sau đó bắt nguồn từ các báo cáo cho thấy một công ty sản xuất chip của Pháp đã cung cấp cho nhà sản xuất radar quốc phòng Syria bộ hộp số trong đó có tính năng "kill switch" cho phép máy bay ném bom Israel tiến hành các cuộc tấn công mà không bị phát hiện.

Cho nên, việc có những mối quan ngại gia tăng về hai hãng viễn thông Trung Quốc Huawei, ZTE tiềm ẩn những rủi ro đến an ninh quốc gia Mỹ không phải là không có cơ sở.

Nhất là khi đến nay, người Mỹ chợt nhận ra rằng rất nhiều, nếu như không muốn nói là hầu hết linh kiện, ngoại trừ các bộ xử lý giá trị cao cụ thể như từ Intel, là được sản xuất ở Trung Quốc. Cisco Systems và Juniper Networks ở Mỹ, Alcatel-Lucent ở Pháp, Ericsson ở Thụy Điển, tất cả đều sử dụng linh kiện sản xuất ở Trung Quốc và tiến hành lắp ráp – ít nhất là khâu hoàn thiện – thiết bị của mình ở Trung Quốc.

Hiện tại, Mỹ chiếm 4% doanh thu của Huawei (theo Wall Street Journal), chủ yếu từ bán smartphone. Tuy nhiên, Mỹ là thị trường thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và khả năng Huawei – hãng thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới – chiếm lĩnh thị trường Mỹ là điều khó tránh khỏi. Để ngăn chặn sự mở rộng của Huawei ở Mỹ, từ năm 2008, Huawei và công ty tư nhân Bain Capital đã bị Mỹ từ chối lời đề nghị mua hãng viễn thông 3Com vì lý do an ninh quốc gia. Năm 2011, Huawei cũng bị chặn thương vụ mua một số tài sản tại 3Leaf sau khi Ủy ban quản lý Đầu tư nước ngoài của Mỹ cho rằng Huawei đã vi phạm một số điều khoản của hợp đồng.

Và đến đầu tháng 10 vừa qua, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ giáng một đòn mạnh hơn xuống Huawei với kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ không nên làm ăn với Huawei và ZTE vì an ninh quốc gia.

Theo bình luận của tạp chí Forbes, có thể Huawei không có gì để giấu nhưng theo mô tả của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ thì chắc chắn Huawei có gì đó đáng ngờ: người Mỹ hầu như không biết gì về ông Nhiệm Chính Phi, quyền sở hữu chính xác của cổ phiếu Huawei là không rõ ràng, mối quan hệ giữa hãng này với chính phủ, quân đội Trung Quốc bị xem là thiếu minh bạch. Chưa kể, Huawei có lịch sử đánh bại các đối thủ phương Tây trong các vụ thầu cạnh tranh với giá thấp hơn từ 5%-15%, dấy lên nghi ngờ hãng đã được chính phủ trợ giá.

Tham khảo báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ (tiếng Anh) tại đây.

Thanh Xuân

Chủ đề khác