VnReview
Hà Nội

Huawei, ZTE ở Việt Nam: “không chọn không được”!

Lý giải về nguyên nhân sử dụng nhiều thiết bị, linh kiện từ Huawei và ZTE..., đại diện một nhà mạng lớn cho biết: "Giá bỏ thầu của họ cạnh tranh nhất, thiết bị quá rẻ, các nhà cung cấp khác không đấu lại được, trong khi, với cơ chế đấu thầu của mình thì không chọn họ không được".

Giá rẻ giúp Huawei đẩy lui nhiều ông lớn viễn thông

Chỉ khoảng dăm năm trở về trước, hệ thống mạng viễn thông Việt Nam chủ yếu sử dụng các thiết bị như hệ thống tổng đài, mạng lõi, trạm thu phát sóng… của các nhà cung cấp châu Âu và Mỹ như Ericsson, Alcatel, Nokia-Siemens, Orange-France Telecom, Motorola…, trong đó Ericsson là nhà cung cấp lớn nhất. Tuy nhiên, theo thông tin tổng hợp trên báo Infonet, kể từ khi Huawei và ZTE xâm nhập thị trường, vị trí của "ông vua" cung cấp thiết bị cho các mạng di động Việt Nam (Ericsson) bị đe dọa nghiêm trọng. Đại diện một nhà mạng lớn tiết lộ, trong "trận chiến" cung cấp thiết bị tại một mạng di động lớn cách đây vài năm, Huawei đã khiến cho giá bán trạm BTS giảm tới hơn 50% so với mức thấp nhất trước đó, và giảm tới gần 10 lần so với mức cao nhất, tạo ra một mức đáy kỷ lục trên thế giới về giá.

ăng ten Huawei

Theo thống kê, ba nhà mạng hàng đầu Việt Nam là Viettel, MobiFone, VinaPhone mỗi hãng đều đã lắp đặt trên dưới 30.000 trạm BTS khắp toàn quốc, cung cấp bởi Huawei và ZTE.

Sau thương vụ này, Ericsson đã mất thị phần rất lớn về tay các đối thủ Trung Quốc. ZTE sau đó cũng "theo chân" Huawei, cung cấp thiết bị ở một khung giá rất thấp. Chưa hết, nhiều mạng di động khác cũng bắt đầu để ý tới 2 nhà cung cấp Trung Quốc và tăng mua sản phẩm của họ. Đặc biệt, Vietnamobile còn ký một hợp đồng đặc biệt có giá trị hàng trăm triệu USD với Huawei.

Ngay cả hai nhà mạng VinaPhone, MobiFone cũng bắt đầu giảm bớt việc mua thiết bị từ Ericsson, bởi giá của các nhà cung cấp Trung Quốc rẻ hơn rất nhiều. Ngoại trừ các vùng đã lắp đặt thiết bị của Ericsson hoặc Alcatel, những vùng phủ sóng mới hoặc tổng đài mới đều được các nhà mạng đàm phán quyết liệt với các nhà cung cấp châu Âu, Mỹ.

Khi làn sóng các loại điện thoại, USB giá rẻ do nhà mạng phân phối bùng lên, những thiết bị của Huawei, ZTE chiếm lĩnh thị trường nhanh chóng ở các bộ SUMO, Alo… Giá cực rẻ là nguyên nhân khiến cho các bộ hòa mạng Alo, SUMO, USB 3G của Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường bình dân.

usb 3G ZTE

Những chiếc USB 3G dù dán nhãn Viettel, MobiFone hay VinaPhone nhưng hầu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Cụ thể, các hãng này đều đặt hàng từ cả Huawei và ZTE, trong đó các model phổ biến như Huawei E173Eu-1 và ZTE MF190S được ưa chuộng hơn cả. Model USB 3G MF190S của VinaPhone có xuất xứ từ ZTE.

alo vinaphone

VinaPhone cho ra mắt trọn gói bộ hòa mạng Alo từ tháng 1/2009. Dòng điện thoại mà họ sử dụng cho bộ hòa mạng này là hai model T156 và T202 của Huawei

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2011 Việt Nam có 16 triệu thuê bao 3G và lượng người dùng 3G thông qua USB 3G hiện chiếm hơn 50% (theo thống kê của một công ty nghiên cứu thị trường). Như vậy tại Việt Nam hiện có hơn 8 triệu thuê bao sử dụng thiết bị USB 3G, trong đó Huawei và ZTE chiếm phần lớn.

Huawei thành lập văn phòng đại điện tại Việt Nam năm 1998 và đến năm 2008 hãng công nghệ này chính thức thành lập Công ty TNHH Công nghệ Huawei Việt Nam và từ đây Huawei "có đóng góp quan trọng vào sự phát triển bùng nổ của ngành viễn thông Việt Nam", như Huawei Việt Nam tự giới thiệu.

Theo lời đại diện một nhà mạng lớn giải thích trên báo điện tử VnEconomy, vì giá bỏ thầu của họ quá rẻ, trong khi việc đầu tư, xây dựng phát triển hạ tầng mạng của các doanh nghiệp đều dựa trên cơ chế đấu thầu để lựa chọn nhà cung cấp thiết bị. Vì thế, "với cơ chế đấu thầu của mình, chúng tôi không chọn họ không được, vì nếu sau này thanh tra "sờ" đến, doanh nghiệp sẽ không biết giải trình kiểu gì!".

Một số thông tin không chính thức cho rằng, số thiết bị của Huawei và ZTE chiếm tới 70 - 80% trên toàn hệ thống mạng của các doanh nghiệp viễn thông. Tuy nhiên, vị đại diện nhà mạng nói trên khẳng định, tỷ lệ thiết bị của Huawei và ZTE trên hệ thống mạng chỉ chiếm khoảng 40 - 50%, và phần hạ tầng quan trọng nhất là hệ thống chuyển mạch thì hoàn toàn không có thiết bị của Huawei và ZTE. "Phần thiết bị này nhà mạng tuyệt đối chỉ sử dụng sản phẩm của các nước phát triển", vị đại diện này cho biết.

Theo ông, các thiết bị của Huawei và ZTE mà nhà mạng đang sử dụng trên hệ thống mạng chủ yếu là hệ thống trạm BTS, nên mức độ liên quan đến bảo mật an ninh, nếu có, cũng không quá nghiêm trọng như hệ thống chuyển mạch.

Bắt đầu đề phòng

Thực tế, một số chuyên gia viễn thông và các nhà quan sát thị trường, các quan chức thuộc Bộ TT-TT cũng đã sớm nhận ra sự bành trướng nhanh chóng của các thiết bị viễn thông đến từ các nhà cung cấp Trung Quốc. Đã có một vài cảnh báo, cùng với các cảnh báo khác về hàng hóa Trung Quốc, song mới chỉ dừng ở mức lo ngại về sự "phụ thuộc" quá lớn vào một nguồn cung cấp mà giá rẻ luôn đi đôi với chất lượng.

"Mặc dù các nhà mạng đều có ý thức trong việc sử dụng các thiết bị của các đối tác ngoại, nhưng vì yếu tố giá cả nên mỗi doanh nghiệp, ở từng mức độ khác nhau đều đã nhập thiết bị của đối tác về đầu tư hạ tầng mạng lưới và cung cấp thiết bị tiêu dùng", vị phó giám đốc của một nhà mạng khác nói.

Hiện tại, mặc dù Viettel, nhà mạng đầu tiên của Việt Nam công bố đã sản xuất được USB 3G và có thể bắt đầu chủ động về nguồn thiết bị này, tuy nhiên, một chuyên gia công nghệ cho rằng, trong USB 3G có rất nhiều chi tiết và chi tiết quan trọng nhất là chip và khả năng phần chi tiết này Viettel vẫn phải nhập của đối tác Trung Quốc nên việc đảm bảo an toàn tuyệt đối hoàn toàn chưa thể khẳng định được.

Đại diện nhiều doanh nghiệp viễn thông cho rằng, hiện chưa có bằng chứng cụ thể khẳng định sử dụng các thiết bị điện tử cũng như các linh kiện của Huawei hay ZTE có khả năng bị lộ thông tin cá nhân hay liên quan đến vấn đề an ninh.

Modem phát Wi-Fi của VNPT cũng là "hàng ZTE"

Phó giám đốc một nhà mạng thừa nhận, không chỉ đối với các thiết bị hạ tầng mạng mà cả các thiết bị đầu cuối, nhìn cấu trúc và thực thể bên ngoài, sản phẩm Huawei và ZTE có chất lượng khá tốt và giá rẻ, tuy nhiên, vấn đề an ninh bên trong thì doanh nghiệp không thể biết được và cũng không dám chắc là tuyệt đối không sao, vì những yếu tố này chưa thể hiện ra bên ngoài.

Theo ông, muốn biết được các thiết bị của Huawei và ZTE có liên quan đến vấn đề an ninh hay không thì phải cần tới sự phân tích, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ông này cho rằng, với những thông tin rộ lên về Huawei và ZTE gần đây, thời gian tới, nhà mạng cũng sẽ đề phòng, tính toán cẩn thận trước khi sử dụng các thiết bị của các nhà cung cấp này.

Ngoài việc các doanh nghiệp viễn thông có thể chủ động lựa chọn nhà cung cấp về thiết bị đầu cuối, tuy nhiên với các phần thiết bị hạ tầng mạng mà được triển khai theo cơ chế đấu thầu thì theo vị phó giám đốc trên, Nhà nước cần phải có những đổi mới về cơ chế đấu thầu để doanh nghiệp không phải chọn nhà thầu có giá thấp nhất. Hoặc, theo ông, phải có định hướng, chỉ đạo của cấp trên về quy chuẩn trong việc lựa chọn nhà cung cấp thiết bị hạ tầng mạng, để doanh nghiệp lấy đó làm cơ sở thực hiện.

Lãnh đạo một nhà mạng lớn tại Việt Nam chia sẻ: "Việc cài đặt các phần mềm trong thiết bị viễn thông để nghe trộm hoặc ăn cắp thông tin dù chưa có bằng chứng nhưng cũng khó có thể nói là không có. Chính vì thế, việc có các biện pháp đề phòng là cần thiết".

Trong khi đó, lãnh đạo một công ty viễn thông từng làm tại Viettel và VNPT cho biết: "Các sản phẩm hàng tiêu dùng, thực phẩm Trung Quốc thường đi kèm với những chất độc hại, hóa chất nguy hiểm và bị tẩy chay không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Vì thế, việc các thiết bị viễn thông Trung Quốc có khả năng gắn các thiết bị gián điệp cũng không phải là không có khả năng. Bên cạnh đó, trong trận chiến chinh phục tình cảm của khách hàng, việc dùng nhiều thiết bị Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay sẽ gặp bất lợi".

Nguồn tin từ một nhà mạng lớn cho biết, dù chưa có những bằng chứng về việc sử dụng thiết bị của Huawei, ZTE sẽ ảnh hưởng đến bí mật riêng tư của khách hàng cũng như vấn đề an ninh, nhưng phản ứng đối với các sản phẩm thiết bị của Trung Quốc là điều cần tính tới. "Đây cũng là lý do khiến việc chào bán các thiết bị của 2 hãng này trong thời gian tới gặp thêm khó khăn", ông này nói.

Năm 2011, ZTE chọn một công ty tại TP.HCM (Vũ Hoàng Hải) để phân phối độc quyền hơn 10 sản phẩm từ điện thoại giá thấp, điện thoại thông minh, USB 3G theo hình thức "phân lô". Cụ thể, nếu hãng phân phối đạt đủ doanh số ZTE đề ra (ban đầu là 20 triệu USD, nhưng sau giảm xuống còn 15 triệu USD), hãng này sẽ chi cho Hoàng Hải một khoản chi phí nhất định cho việc tiếp thị, bán hàng.

Với Huawei, ban đầu họ chủ yếu cung cấp hạ tầng kỹ thuật cho các nhà mạng như Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile. Từ năm 2009 đến năm 2011, hãng này chuyển sang gia công điện thoại và USB 3G cho các mạng di động. Các hãng phân phối nếu muốn mua sản phẩm của Huawei phải nhập từ Vũ Hoàng Hải hoặc đặt trực tiếp từ Huawei. Hiện trên thị trường có khoảng 15 sản phẩm di động của Huawei.

(Thông tin đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị, ngày 14/8/2012)

Tính đến hết tháng 6/2009, ZTE đã phát hành hơn 5 triệu bộ thiết bị đầu cuối trên thị trường Việt Nam, trong đó nửa đầu năm 2009 đã phát hành 2 triệu bộ, chiếm hơn 10% thị phần, cung cấp cho các doanh nghiệp lớn của Việt Nam những giải pháp thiết bị đầu cuối tối ưu nhất.

(Theo Xã Hội Thông Tin)

Vân Hà

Theo Zing/Infonet, VnEconomy

Chủ đề khác