VnReview
Hà Nội

Huawei sắp tự tạo ra nguồn cung chip cho riêng mình

Để loại bỏ sự phụ thuộc vào các công ty sản xuất chip sử dụng Mỹ, thời gian sắp tới, Huawei dự định sẽ tự thành lập và phát triển một cơ sở cung cấp chip của chính hãng.;

Theo Financial Times, Huawei đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất chip không sử dụng công nghệ Mỹ cho riêng mình ở Thượng Hải. Các chuyên gia nhận định rằng động thái này của hãng smartphone Trung Quốc chủ ý là muốn khôi phục và đảm bảo nguồn cung cho mảng viễn thông 5G của công ty bị Mỹ cấm hoạt động. Nhiều nhà phân tích cho biết rằng vì chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất chip, nhà máy của Huawei sẽ được điều hành bởi Trung tâm R&D IC Thượng Hải, một công ty nghiên cứu chip được chính quyền thành phố Thượng Hải hậu thuẫn. Với dự án này, công ty Trung Quốc khả năng cao không còn phải lo thiếu hụt nguồn cung chip nói chung và chip 5G nói riêng để trở lại cạnh tranh trên thị trường.

Trước đó, trong khoảng thời gian ban hành lệnh và thắt chặt từ tháng 5 đến tháng 8/2020, Washington đã cấm tất cả công ty sử dụng công nghệ của Mỹ trên toàn thế giới sản xuất hay bán linh kiện cho tập đoàn Trung Quốc.

Trong kế hoạch đối phó của mình, Huawei sử dụng các cơ sở nhà máy địa phương như là nơi cung cấp chất bán dẫn mới sau khi lượng chip nhập khẩu tích lũy từ năm ngoái hết. Cụ thể, các nhà máy này ban đầu sẽ thử nghiệm sản xuất chip 45nm cấp thấp trước, công nghệ sản xuất chip số một toàn cầu cách đây 15 năm. Đến cuối năm sau, khi tích lũy đủ kinh nghiệm, hãng dự kiến sẽ tự thiết kế được chip 28nm sử dụng cho smart TV cùng nhiều thiết bị "kết nối vạn vật" khác.

Đặc biệt, Huawei đặt mục tiêu xuất xưởng chip 20nm trang bị trên các thiết bị viễn thông 5G trước thời điểm cuối năm 2022. Một số chuyên gia trong ngành nhận xét rằng phương án mà Huawei lập ra mang tính hiệu quả không cao ở mảng smartphone nhưng có thể vực dậy sự ổn định cho công ty."Dây chuyền sản xuất chip mới nghe có vẻ sẽ không giúp ích gì nhiều cho việc sản xuất smartphone của Huawei vì chipset trên điện thoại hiện giờ cần sử dụng các tiến trình công nghệ tiên tiến hơn. Tuy nhiên, nếu dự án này thành công, hãng vẫn tiếp tục duy trì được hoạt động kinh doanh trong cuộc chiến lâu dài với Mỹ nhờ doanh thu từ việc bán các thiết bị khác", một Giám đốc điều hành ngành bản dẫn chia sẻ.

Bên cạnh đó, Mark Li, một nhà phân tích chất bán dẫn tại Bernstein, Hồng Kông cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề này: "Tôi thấy kế hoạch của Huawei rất khả thi, họ có thể sớm hoàn thành điều này chỉ trong hai năm. Mặc dù loại chip mà các trạm gốc 5G sử dụng cần được sản xuất trên tiến trình từ 14nm trở lên, nhưng công nghệ 28nm vẫn đáp ứng tốt được. Tiềm lực tài chính dồi dào cho phép các hãng công nghệ Trung Quốc giữ vững ‘chỗ đứng' trên thị trường dẫu phải chịu chi phí cao hay hoạt động kém hiệu quả hơn các đối thủ cạnh tranh ở bên ngoài".

Tờ Caixin của Trung Quốc bình luận rằng chiến lược tự phát triển chip còn cho thấy tham vọng lớn lao của Huawei trong việc loại bỏ sự phụ thuộc vào công nghệ sản xuất chip từ nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. "Huawei đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực bán dẫn trong nước với nhiệm vụ tiên quyết là giúp đỡ các công ty, doanh nghiệp nhỏ thuộc ngành này", một Giám đốc điều hành ngành chip cho biết.

Chủ tịch luân phiên Guo Ping nói:"Huawei sẽ tận dụng tất cả tiềm lực công nghệ và tài chính mình có để hỗ trợ các công ty bán dẫn tạo ra một dây chuyền sản xuất chip hiện đại nhất từ phần mềm đến trang biết bị". Song theo các kỹ sư chip và Giám đốc điều hành trong ngành, mục tiêu chung cuối cùng mà hãng muốn đạt được trong vài năm tới là chuyển hóa toàn bộ máy móc sản xuất của ngành bán dẫn từ nước ngoài sang Trung Quốc.

Hiện tại, chipset mà Huawei trang bị trên các mẫu điện thoại tầm trung và giá rẻ đều do MediaTek cung cấp. Trong tương lai gần, công ty dự định sẽ đặt hàng cả chip cho dòng smartphone cao cấp của mình từ Samsung và MediaTek. Dẫu vậy, các bên cũng đang đánh giá xem liệu họ có đủ nguồn lực để đáp ứng được đơn hàng đầy tham vọng của Huawei hay không. Flagship Mate 40 Pro được cho là smartphone cuối cùng khi linh kiện để lắp ráp chip xử lý cho các dòng máy cao cấp của hãng công nghệ Trung Quốc giờ đã không còn đủ.

Chí Tôn theo Financial Times

Chủ đề khác