VnReview
Hà Nội

Động cơ của Facebook là gì khi cấm tài khoản Tổng thống Mỹ 11 giờ?

Quyết định phế truất "vô thời hạn" Tổng thống Mỹ Donald Trump của Facebook thoạt tiên có vẻ vị tha hơn (so với Twitter), nhưng theo dõi động thái của Facebook đối với Donald Trump, nhất là thời gian bầu cử vừa qua cho thấy một lời giải thích khác.

Trong hai ngày qua, chúng ta đã thấy điều gì thực sự quan trọng đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump và điều gì có thể khiến ông ta thay đổi giọng điệu sau cơn bão kinh hoàng càn qua Đồi Capitol: vô hiệu hóa tài khoản Twitter và Facebook.

Đột nhiên ông ta lên án cuộc bạo động và nhượng bộ cuộc bầu cử.

Động cơ của Facebook là gì khi cấm tài khoản Tổng thống Mỹ 11 giờ?

Chúng ta không thể đọc được suy nghĩ của Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg, nhưng có hai lời giải thích cho quyết định đình chỉ tài khoản của ông Trump trong 13 ngày còn lại của nhiệm kỳ tổng thống - sau 4 năm không kiểm duyệt các bài đăng của Tổng thống.

Khả năng thứ nhất: Từ lâu, Facebook đã hành động một cách thiện chí, hướng tới lợi ích của công chúng.

Trong nhiều năm, Facebook luôn tuân thủ các nguyên tắc tối đa hóa các cuộc tranh luận cởi mở trên các nền tảng của mình, tạo cho công chúng cơ hội soi xét kỹ lưỡng các bài đăng chưa được lọc của người đàn ông quyền lực nhất thế giới.

Facebook chống lại áp lực kiểm duyệt Trump từ những người cánh tả chỉ trích gay gắt Trump. Hãng đặt các nguyên tắc lên trên lợi nhuận khi từ chối nhượng bộ các nhà quảng cáo dù họ tẩy chay Facebook một tháng vào năm ngoái vì Facebook thất bại trong việc kiểm soát thông tin sai lệch và ngôn từ thù hận.

Sau đó, cho đến khi Trump vượt qua tiêu chuẩn của Facebook dẫn đến vừa mới bị cấm trên nền tảng mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.

Khả năng thứ hai: Facebook đã hành động một cách cơ hội.

Vì không cần phải thuyết phục một tổng thống chỉ còn rất ít thời gian để trả đũa, Zuckerberg cuối cùng đã cấm Trump để ghi điểm trước công chúng và xoa dịu các nhà phê bình. Đồng thời chứng tỏ cho các nhà quảng cáo thấy rằng Facebook tôn trọng ý kiến của họ.

Theo dõi động thái Facebook trong một thời gian, khó có thể kết luận rằng Facebook đã chọn đứng về phía người dùng hay vì lợi ích kinh doanh của mình.

Nguyên tắc bất nhất

Các gã khổng lồ truyền thông xã hội cho đến nay đã rất kiên quyết về việc cho phép các chính trị gia đăng bài tự do trên nền tảng của họ.

Vào tháng 5 năm ngoái, Zuckerberg đã lập luận, "Bài phát biểu chính trị là một trong những phần nhạy cảm nhất trong một nền dân chủ, và mọi người sẽ có thể thấy những gì các chính trị gia nói".

Vào năm 2019, Zuckerberg giải thích Facebook không kiểm tra tính xác thực của các quảng cáo chính trị - và do đó không gỡ bỏ các quảng cáo có chứa nội dung sai sự thật - bởi vì "chúng tôi nghĩ rằng mọi người có thể tự mình thấy các chính trị gia đang nói gì".

Nếu các nguyên tắc như vậy được áp dụng trong khi Trump thực hiện điều mà nhiều người hiểu là những lời đe dọa những người biểu tình Black Lives Matters, tại sao Facebook không áp dụng ngay bây giờ?

Nếu đó là những lời biện minh cho hai tháng qua, khi Trump giận dữ cho rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp bất chấp bằng chứng và hàng tá phán quyết của tòa án trái ngược lại, thì liệu chúng có nên áp dụng trong những ngày cuối cùng này khi ông Trump có thể thất thường nhất?

Hơn nữa, mặc dù Trump đã thua cuộc, nhưng tiếng nói của ông ấy sẽ vẫn còn có trọng lượng. Nên nhớ, gần 47% cử tri Mỹ ủng hộ ông. Đó là 74 triệu người Mỹ. Ông ấy có thể tái xuất vào năm 2024. Vì vậy, người dân cần có thông tin để đánh giá các vị trí của người lãnh đạo một đảng chính trị, từ đó họ có thể chọn lên án hoặc ủng hộ ứng viên nào đó.

Động cơ của Facebook là gì khi cấm tài khoản Tổng thống Mỹ 11 giờ?

Ông Trump và CEO Facebook (phải);

Nhưng việc cấm ông Trump trên mạng xã hội thì đồng nghĩa tước đi quyền được lựa chọn khen, chê của người dân.

Trong khi đó, Zuckerberg có cái lý của ông ta. "Chúng tôi tin rằng rủi ro khi cho phép tổng thống tiếp tục sử dụng dịch vụ của chúng tôi trong giai đoạn này đơn giản là quá lớn".

Điểm đáng chú ý về các bài đăng của Trump, theo cách nói của Zuckerberg, "chia buồn hơn là lên án hành động của những người ủng hộ ông ấy tại tòa nhà Capitol".

Trong nhiều tuần, Trump đã quảng bá cho các cuộc biểu tình "Stop the Steal" (Dừng đánh cắp cuộc bầu cử) của những người ủng hộ ông diễn ra vào ngày 6/1/2021, ngày Quốc hội nhóm họp để chứng nhận chiến thắng bầu cử của Joe Biden.

Vào ngày 18/12, Trump đã đăng, "Hãy ở đó, [nó] sẽ rất hoang dã!". Hay "Hẹn gặp ngày 6/1".

Vào ngày 6/1, bên ngoài Nhà Trắng, Trump phát biểu trước đám đông: "Chúng ta sẽ đến Điện Capitol". Ông nói về nhu cầu "chiến đấu" và nói, "Các bạn sẽ không bao giờ lấy lại đất nước của chúng ta bằng sự yếu kém".

Trump sau đó rút lui về Nhà Trắng trong khi những người biểu tình trèo tường và phá cửa sổ để vào thủ đô. Một người biểu tình được chụp ảnh đang ngồi vắt vẻo trên ghế văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Năm người đã chết, bao gồm một cảnh sát và một phụ nữ bị cảnh sát bắn.

Trong khi các cuộc biểu tình tiếp tục, Trump đã đăng một video trong đó ông nói với những người biểu tình, "Chúng tôi yêu các bạn" và "Bạn rất đặc biệt". Ông ta lặp lại những tuyên bố rằng cuộc bầu cử là "gian lận" và "bị đánh cắp". Rồi ông ấy bảo họ về nhà.

Ngay sau đó, Trump đã đăng: "Đây là những sự việc và sự kiện xảy ra khi một chiến thắng trong cuộc bầu cử long trời lở đất thiêng liêng bị cướp đi một cách bất cẩn và ác độc khỏi những người yêu nước vĩ đại". "Hãy nhớ mãi ngày này!" ông ấy nói.

Facebook đã xóa video và cấm Trump trong 24 giờ. Twitter đã ẩn ba trong số các tweet và đình chỉ Trump đăng trong mười hai giờ sau khi ông xóa chúng nhưng sau đó cho ông khôi phục tài khoản của mình để rồi sau đó khóa tài khoản ông Trump vĩnh viễn.

Cho đến tuần này, Zuckerberg chỉ dán nhãn các bài đăng của ông Trump có vấn đề (theo quan điểm của họ) "bởi vì chúng tôi tin rằng công chúng có quyền tiếp cận rộng rãi nhất có thể đối với bài phát biểu chính trị, thậm chí là bài phát biểu gây tranh cãi".

Nhưng "bối cảnh hiện tại về cơ bản đã khác", CEO Facebook nói, vì Trump "sử dụng nền tảng của chúng tôi để kích động bạo lực nổi dậy chống lại một chính phủ được bầu cử dân chủ".

Cả Facebook và Twitter đều ủng hộ việc cho phép tranh luận nhưng vạch ra ranh giới khi bị kích động, một thuật ngữ trong hướng dẫn nội dung của họ.

Theo luật pháp Hoa Kỳ, các nhà chức trách không được phép kiểm duyệt trừ khi có biểu hiện cố ý khiêu khích hành động trái pháp luật sắp xảy ra. Cơ sở lý luận là miễn là có thời gian để trao đổi lại với một người nói về điều gì đó bất hợp pháp, thì việc kiểm duyệt là không chính đáng.

Áp dụng cho các bài đăng trên mạng xã hội của Trump, ông ta có thể bị chặn lại khi kích động một đám đông tập hợp để vi phạm pháp luật - như ông ta đã làm vào ngày 6/1 - nhưng sao trước đó Facebook lại không chặn khi ông Trump có hành động tương tự trước đó?

Vào tháng 5 năm ngoái, Trump đã phản ứng trước các cuộc biểu tình phản đối việc cảnh sát giết chết George Floyd bằng cách đăng, "Khi cướp bóc bắt đầu, vụ nổ súng bắt đầu". Zuckerberg giải thích rằng ông ta chọn không kiểm duyệt các bài đăng này vì tổng thống không kích động bạo lực, nhưng cảnh báo rằng cơ quan thực thi pháp luật có thể sử dụng vũ lực một cách hợp pháp đối với những kẻ cướp bóc.

Vậy thì lời khen ngợi của Trump về cuộc bạo động tuần này có được định nghĩa là kích động không? Câu trả lời là rõ ràng khi tài khoản của ông Trump bị vô hiệu hóa ngay sau đó.

Có thể là trong những trường hợp lớn như thế này, Zuckerberg coi mình chỉ là một trọng tài trung lập. Nhưng cách áp dụng nguyên tắc của ông chủ Facebook khiến người ta không khỏi hoài nghi khi một hành vi tương tự trong quá khứ bị phản đối, lại đột nhiên được chấp nhận.

Tuấn Phan theo Channel News Asia

Chủ đề khác