VnReview
Hà Nội

nhomMua và những câu hỏi bỏ ngỏ

Trong 4 ngày, từ 13-17/11, một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng đã có một loạt các "biến cố" xảy ra tại công ty Nhóm Mua, đơn vị chủ quản nhommua.com, website dẫn đầu thị trường kinh doanh dịch vụ bán hàng theo nhóm tại Việt Nam với hơn 60% thị phần (số liệu do công ty công bố) và hơn 900 nhân viên hoạt động chủ yếu tại Tp.HCM, Hà Nội, Cần Thơ và Hải Phòng.

Đó là việc bất ngờ thay giám đốc điều hành, website bị đóng cửa, một số nhà cấp dịch vụ tạm từ chối tiếp nhận voucher (phiếu giảm giá) do Nhóm Mua phát hành vì lo ngại vấn đề thanh toán; rồi xô xát giữa nhân viên công ty với nhóm bảo vệ, con dấu không được trao lại cho giám đốc mới…

Đến hôm 17/11, website nhommua.com đã hoạt động trở lại, sớm hơn dự kiến 3 ngày.

Website đã hoạt động trở lại, nhưng những câu hỏi liên quan đến nguyên giám đốc Tom Trần, về hoạt động của Nhóm Mua, hay thông tin "thâu tóm" công ty này thì vẫn còn bỏ ngỏ.

Ông Tom Trần (Trần Đức Thắng), một doanh nhân người Mỹ gốc Việt, về nước khởi nghiệp năm 2007, bắt đầu với dịch vụ bản đồ diadiem.com. Năm 2010, đến lượt nhommua.com chính thức ra mắt.

Đến tháng 9/2011, tập đoàn MJ Group được thành lập, trên cơ sở hợp nhất Nhóm Mua, Địa Điểm, dịch vụ ứng dụng di động và dịch vụ kỹ thuật số Two Media - những công ty mà ông Tom Trần sáng lập và điều hành, sau khi được ba quỹ đầu tư gồm IGD Ventures Việt Nam, Rebate Networks và Ru-Net Global rót vốn với số tiền được công bố lên tới 60 triệu USD.

Ông Tom Trần tiếp tục đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc MJ Group đến thời điểm xảy ra "biến cố" 13/11/2012, khi Nhóm Mua công bố thay đổi giám đốc điều hành, bằng một quyết định có hiệu lực tức thì.

Sau khi có CEO mới là ông Kyle Phạm, một Việt kiều Úc, Nhóm Mua ra thông cáo trong đó khẳng định, nguyên nhân chính dẫn đến việc công ty này thay đổi giám đốc điều hành là do ông Tom Trần đang là "đối tượng bị điều tra" của công an kinh tế. Thông cáo cũng khẳng định, ông Tom Trần "đã xuất cảnh".

Tuy nhiên, ngoài thông tin có vẻ "hợp lý" trên, hiện cũng xuất hiện khá nhiều đồn đoán chưa được kiểm chứng khác về những mâu thuẫn giữa ông Tom Trần và nhóm các nhà đầu tư, dù chưa có giải trình chính thức từ phía doanh nghiệp hay kết luận liên quan của cơ quan điều tra.

Thậm chí, có những ý kiến cho rằng việc thay đổi giám đốc điều hành Nhóm Mua là một "cuộc đảo chính" của nhóm các nhà đầu tư, nhân việc ông Tom Trần về thăm gia đình và đi nghỉ ở Mexico.

Bởi, vì sao Nhóm Mua lại "gấp gáp" thay đổi giám đốc khi ông Tom Trần đi vắng? Vì sao quyết định lại tức thì mà không phải trong ngày như nhiều công ty khác vẫn thường công bố? Vì sao giám đốc mới, ông Kyle Phạm Anh Tuấn lại thuê riêng một đội bảo vệ đi kèm trong ngày 13/11 để bảo đảm an toàn? Vì sao trong thông cáo bổ nhiệm giám đốc mới, Nhóm Mua lại nhắc ngay đến chi tiết nhạy cảm "ông Tom Trần đang là đối tượng bị điều tra"?...

Tất nhiên, đó mới chỉ là những suy đoán. Đúng hay sai, phải cần đến những công bố, kết luận của các cơ quan điều tra. Nhưng thử giả định, nếu đây thực sự là "cuộc đảo chính" của các nhà đầu tư thì một câu hỏi tiếp theo được đặt ra: có thực sự cần thiết phải làm như vậy? Khi mà về lý thuyết, họ đang nắm tới hơn 70% cổ phần Nhóm Mua trong tay, và xưa nay vẫn được xem là những tổ chức làm ăn bài bản, đặc biệt là IDG Ventures.

Với người sáng lập Nhóm Mua, trong một hai ngày qua, trên trang facebook "Sự thật về Nhommua", được cho là của Tom Trần, ông viết, "nếu biết được sự vắng mặt chỉ có một ngày của tôi ở Việt Nam đã gây nhiều tiếng đồn không đúng sự thật và ảnh hưởng nặng nề đến thanh danh và uy tín của tôi đối với đối tác và khách hàng của Nhóm Mua thì chắc hẳn một điều là tôi sẽ không an lòng để đi như vậy. Nhóm Mua là do tôi tạo ra nên khi thấy đường dây cáp đã bị cắt và mang không còn hoạt động, lòng tôi đau như cắt...".

Câu chuyện về Nhóm Mua, do vậy, vẫn còn nhiều điều bỏ ngỏ.

Theo VnEconomy

Chủ đề khác