VnReview
Hà Nội

Trên tay nhà thông minh Bkav SmartHome

Mục tiêu của việc tích hợp công nghệ vào các vật dụng trong nhà là để dễ dàng điều khiển, kết nối thông qua mạng internet, tự động làm những công việc đã được lập trình sẵn... Viễn cảnh "Internet of Things" ấy đang trở thành hiện thực nhờ hệ thống nhà thông minh SmartHome của Tập đoàn công nghệ Bkav.

Bài liên quan:

Đầu tư sản xuất ốc vít hay công nghệ gốc?

BKAV tuyên bố nhất thế giới về nhà thông minh

Bkav thâm nhập thị trường biệt thự siêu sang với sản phẩm dát vàng

Chúng tôi tới trải nghiệm nhà thông minh Bkav SmartHome trong hệ thống nhà mẫu thuộc dự án Green Valley của Phú Mỹ Hưng (Quận 7, TP Hồ Chí Minh). Sau thời gian tìm hiểu, tôi biết giống như các giải pháp ngôi nhà thông minh trên thế giới như Lagrand (Pháp), Siemens (Đức)… thì về cơ bản Bkav sản xuất tất cả các thiết bị điều khiển, thiết bị truyền dẫn, các cảm biếnvà phần mềm, còn lại các thiết bị vệ tinh như rèm cửa, điều hòa, đèn trần, camera… được sử dụng của bên thứ 3 và kết hợp lại để tạo thành một giải pháp hoàn chỉnh.

Nhà thông minh SmartHome, một sản phẩm thuần Việt đến từ Bkav

Trong khuôn khổ bài viết Trên tay này, tôi chỉ xin nêu một số cảm nhận sơ bộ ban đầu. Các đánh giá chi tiết hơn, về tính năng, cách sử dụng, thiết lập cơ bản... sẽ tiếp tục được gửi tới bạn đọc trong thời gian tới sau khi tôi có thời gian trải nghiệm đầy đủ hơn.

Thiết bị điều khiển

Sau một thời gian trải nghiệm, tôi có thể điều khiển toàn bộ căn nhà SmartHome bằng nhiều cách: ngoài phần mềm trên điện thoại/máy tính bảng còn có hệ thống bảng điều khiển chi tiết từ ngoài cửa đến trong nhà. Đó là các thiết bị kiểm soát vào ra Access Control System (ACS), bảng điều khiển trung tâm 6 kênh (SH-CC6) và bảng điều khiển 4 kênh riêng biệt. ;

Điểm gây ấn tượng đầu tiên với tôi chính là bộ kiểm soát vào ra Access Control System (ACS). Bộ kiểm soát vào ra ACS gồm thiết bị ACS-Out lắp đặt bên ngoài và ASC-In lắp đặt bên trong. Bộ thiết bị điều khiển này trông rất tinh xảo và cao cấp, với bề mặt cảm ứng được bảo vệ bằng kính cường lực Gorilla Glass và bộ khung làm từ nhôm nguyên khối. Thực tế, không chỉ bộ kiểm soát vào ra ACS mà tất cả các bảng điều khiển của SmartHome đều sử dụng kính cường lực Gorilla Glass và khung nhôm nguyên khối, cho cảm giác nhà sản xuất rất chú trọng tới chất lượng và thẩm mỹ của sản phẩm.

Thiết kế mặt trước phẳng, nhẵn với các cạnh được mài vát khiến ACS- Out như được gắn chặt vào tường thì khi nhìn từ xa. Sự sang trọng, hiện đại là điều mà ACS- Out gây ấn tượng với tôi ngay từ cái nhìn lần đầu tiên.

Bộ kiểm soát vào ra ACS-Out lắp bên ngoài

ACS-Out (kích thước 132 x 207 x 80 mm) có chức năng kiểm soát người sử dụng vào ra và chức năng chuông cửa có âm thanh, hình ảnh. Nhà sản xuất đã bố trí các nút bấm cảm ứng theo trục dọc: trên cùng là camera với đèn flash, micro; tiếp sau là hệ thống nút mã số. Các nút bấm này chiếm diện tích khá lớn nhưng sẽ rất tiện cho người già hoặc người có ngón tay to bấm. Hộp quét vân tay và đầu đọc thẻ từ RFID được đặt phía dưới. Theo thông tin từ nhà sản xuất, bảng kiểm soát ACS-Out có thể hoạt động tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở ngoài nhà với nhiệt độ đến 60 độ C, cũng như chống nước khiến tôi khá bất ngờ.

ACS-Out được thiết kế theo trục dọc

Với ACS-Out bạn có thể mở cửa bằng 3 cách: nhập mật mã, quét vân tay hoặc dùng thẻ RFID. Dù tôi thực hiện việc mở khóa bằng cách nào thì hệ thống cũng sẽ thông báo 2 tiếng "bíp" ngắn nếu thành công và 1 tiếng "bíp" dài nếu thất bại. Khi lựa chọn mở khóa bằng nhập mật mã, tôi gặp đôi chút khó khăn khi không thể biết mình có bấm đúng mã số hay không do thiết bị không có màn hình hiển thị thông báo.

Kết nối trực tiếp với thiết bị ACS-Out là bảng điều khiển ACS-In đặt ở bên trong căn phòng thông minh. Bảng điều khiển ACS-In (kích thước 215 x 159 x 80 mm) có thiết kế tương tự như thiết bị đặt bên ngoài. Tuy nhiên chiếm phần lớn diện tích của bảng điều khiển này là màn hình hiển thị, giống như 1 máy tính bảng. Từ màn hình này thì bạn có thể dễ dàng quản lý các thông tin quan trọng của hệ thống  như: Hình ảnh camera bên ngoài, thời tiết, cảnh báo an ninh, nhắc nhở... Các thông tin này được hiển thị rất chi tiết và rõ nét trên màn hình cảm ứng.

Bộ kiểm soát vào ra ACS-In lắp bên trong

Bốn nút điều khiển bằng cảm ứng của ACS-In không được gắn cứng một chức năng cố định mà có thể thay đổi linh hoạt theo từng ngữ cảnh. Thí dụ: nút chụp ảnh phía trước có thể chuyển thành nút cho phép trả lời khi có người bấm chuông, nút xem lại ảnh đằng trước khi thiết bị đang ở chế độ xem ảnh…

Khi bước chân vào phòng khách của SmartHome, sự chú ý của tôi hướng về bảng điều khiển 6 kênh SH–CC6. Đây là thiết bị có thể điều khiển gần như toàn bộ căn nhà: từ hệ thống đèn, điều hòa cho tới hệ thống rèm cửa.

Bảng điều khiển SH-CC6

Kích thước 180 x 120 x 8,6 mm và nặng 290g của bảng điều khiển SH-CC6 khiến nó giống với một chiếc máy tính bảng 7 inch gắn trên tường. Để kiểm chứng thiết bị "xịn" cỡ nào, tôi đưa ngón tay vuốt dọc bảng điều khiển và nhận thấy các cạnh xung quanh rất nhẵn, phần ghép nối với bề mặt kính cường lực chắc chắn, gần như tạo thành một khối hoàn chỉnh.

SH CC6 có thiết kế liền mạch, gần như tạo thành một khối hoàn chỉnh

Nằm ở phần trung tâm SH CC6 là màn hình đơn sắc hiển thị các thông tin về chế độ hiện hành, bao gồm cả nhiệt độ ngoài trời và trong phòng. Phía dưới màn hình là các nút cảm ứng điều khiển điều hòa, dưới cùng là bốn nút kịch bản Đi ngủ, Tiếp Khách, Xem phim, Cơ bản… Các nút điều khiển ánh sáng, đèn trần, đèn chùm, điều hòa, rèm cửa... được bố trí chạy dọc xung quanh, khoảng cách đủ rộng để tôi không bấm nhầm các phím chức năng.

Điều tôi thích là với bảng điều khiển này, tôi không phải chạy quanh phòng để đóng rèm, tắt đèn, mở máy chiếu khi muốn Xem phim hoặc kéo rèm, tăng ánh sáng khi Tiếp khách, vì chỉ với một lần chạm, các nút kịch bản tương ứng đã cho phép tôi thực hiện tự động và đồng thời tất cả các việc. Tuy vậy sản phẩm cũng có điểm chưa hợp lý, vài lần sử dụng đầu tiên tôi hay bị nhầm lẫn giữa các nút bấm khi có tới hai nút Power (nút tắt/mở điều hòa và tắt/mở bảng điều khiển).

SH-CC6 sở hữu thiết kế "phẳng" tuyệt đối ở mặt trước

Mỗi căn phòng trong hệ thống nhà thông minh SmartHome đều được trang bị một bảng điều khiển rèm cửa và ánh sáng, ở đây là bảng điều khiển 4 kênh SH-CTZ4. SH-CTZ4 giống như phiên bản rút gọn của SH CC6 với 4 nút bấm cảm ứng. Và với kích thước 97 x 93 x 8,6 mm, nặng 120g, SH-CTZ4 nặng tương đương trọng lượng của một chiếc smartphone hiện nay.

Bảng điều khiển 4 kênh SH-CTZ4

Tương tự như SH CC6, bảng điều khiển 4 kênh SH-CTZ4 cũng sở hữu thiết kế theo kiểu "phẳng", rất vuông vắn và chắc chắcvới khung nhôm nguyên khối. Màu nền đen kết hợp với viền trắng rất mỏng của nút bấm đem lại cho SH-CTZ4 sự đơn giản, hiện đại nhưng cũng rất hài hòa, tinh tế. Thiết kế tối giản, hiện đại, khung nhôm nguyên khối với kính cường lực Gorilla Glass khiến tôi liên tưởng tới các smartphone cao cấp của Sony hay Apple. Câu hỏi đặt ra với tôi lúc này, liệu có khi nào Bkav sẽ nhảy vào lĩnh vực sản xuất smartphone như tin đồn bấy lâu nay?

SH-CTZ4 sở hữu thiết kế đơn giản nhưng sang trọng

Bốn nút cảm ứng trên SH CTZ4 có thể cấu hình để điều khiển bật/ tắt cho bốn thiết bị riêng biệt, hoặc có thể sử dụng như hai nút tăng/ giảm ánh sáng, kéo/ mở theo từng mức độ của rèm. Nhà sản xuất đã rất cẩn thận khi đặt dưới mỗi nút bấm cảm ứng một đèn chỉ thị trạng thái nhỏ, đèn chỉ thị này sẽ sáng tương ứng với trạng thái bật của thiết bị điện.

Bộ kết nối trung tâm và Thiết bị truyền dẫn

Hệ thống điều khiển muốn ra lệnh cho các đồ gia dụng thì cần phải thông qua thiết bị truyền dẫn và Bộ kết nối trung tâm. Với SmartHome, đó là Bộ kết nối trung tâm (Central Connector), Thiết bị kết nối mở rộng mạng không dây ZigBee và thiết bị an ninh trung tâm (Central Security Device).

Góc căn phòng là nơi đặt các thiết bị truyền dẫn. Ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch phụ trách mảng phần cứng và SmartHome của Bkav đưa cho tôi một thiết bị nhìn giống modem "hai râu" và nói rằng đây là bộ kết nối trung tâm SH – BZ. SH - BZ (kích thước 127 x 127 x 30mm) có chức năng là cầu nối mạng thiết bị ZigBee với server của hệ thống nhà thông minh Bkav SmartHome. Trong bán kính 8m, các thông tin trạng thái của thiết bị đầu cuối cũng được truyền về thiết bị SH - BZ và sau đó được chuyển đến server SmartHome. Đèn báo (logo SmartHome) sẽ nhấp nháy khi kết nối thành công với server hệ thống SmartHome. Lúc này thiết bị đã sẵn sàng để khởi tạo mạng và giao tiếp với hệ thống. Toàn bộ hệ thống Bkav SmartHome sử dụng công nghệ không dây ZigBee, đây là giao thức không dây công suất thấp dùng cho các thiết bị gia dụng, đảm bảo tiêu chuẩn về bảo vệ sức khỏe khi sử dụng trong nhà.

Bộ kết nối trung tâm SH - BZ nhìn giống với modem "hai râu"

Tại góc khuất trong phòng khách, nơi thường đặt ổ cắm điện, tôi để ý thấy một vật lạ có hình vuông màu trắng sứ. Cầm trên tay, tôi thấy thiết bị truyền dẫn an ninh trung tâm SH – SCZnàyđược thiết kế khá đơn giản (kích thước 100 x 103 x 37mm). Chính thiết kế đơn giản này đã khiến tôi không thể mường tượng được SH – SCZ có thể kiêm nhiệm được khối lượng công việc khổng lồ: thu thâp tín hiệu từ các cảm biến an ninh như hàng rào điện tử, cảm biến vị trí, cảm biến kính vỡ, cảm biến báo khói… SH - SCZ hỗ trợ 4 kênh anh ninh gồm Zone 1, Zone 2, Zone 3, Zone 4. Mỗi kênh tương ứng với một vùng quét của camera, như vậy một SH – SCZ sẽ chịu tránh nhiệm quản lý 4 camera giám sát. Khi có tín hiệu báo động từ các cảm biến, thiết bị SH - SCZ sẽ bật còi và báo động, đồng thời gửi tín hiệu thông báo về hệ thống server SmartHome.

Thiết bị truyền dẫn an ninh trung tâm SH – SCZ

Các cảm biến

Khi tham quan các căn phòng của SmartHome, tôi đặc biệt chú ý đến một thiết bị hình tròn luôn nhấp nháy đèn được gắn trên trần nhà. Đây chính là cảm biến bật đèn tự động SH-DZ. Gọi là tự động vì SH-DZ sẽ bật đèn khi có người trong khu vực cảm ứng (khoảng 20m2) và tự động tắt đèn khi không có người đi lại, hoạt động trong khu vực cảm ứng. Ông Thắng cho biết đây là 1 trong các thiết bị "xưa" nhất của Bkav SmartHome khi phiên bản đầu tiên được chế tạo cách đây 10 năm, có thể coi là thiết bị đầu tiên tạo cảm hứng để Bkav phát triển toàn bộ hệ thống SmartHome sau này.

Chính phần có đèn nháy đỏ trên SH-DZ (cảm biến ánh sáng) sẽ nhận biết trời tối để tự động bật đèn, đem lại tiện nghi cho những người sống trong nhà. Khi sử dụng trong hệ thống nhà thông minh, SH - DZ (kích thước 90 x 90 x 38mm) có  thể  kết  nối  với  hệ  thống  thông  qua  mạng  không dây ZigBee, được điều khiển thông qua giao diện SmartHome cài đặt trên máy tính bảng hoặc các thiết bị di động khác.

Cảm biến đèn tự động SH – DZ sở hữu thiết kế "phi thuyền không gian"

Đi tới cuối phòng làm việc, tôi phát hiện ra một thiết bị khá kỳ lạ: chiếc SH-SSZ màu trắng sứ với cảm biến gắn ở trung tâm và phần nắp tròn được thiết kế đặc biệt.

Cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng môi trường SH-SCZ

Có lẽ chính nhờ thiết kế với nhiều khe hở như thế này mà cảm biến SH-SCZ  (kích thước 93 x 93 x 51mm) có thể đo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng môi trường và gửi tín hiệu về server hệ thống SmartHome. Sau đó chính thiết bị này sẽ điều khiển các vật dụng khác như: điều hòa nhiệt độ,  máy tạo độ ẩm, hệ thống chiếu sáng... nhằm tạo ra môi trường sống tiện nghi cho người sử dụng.

Ngoài hệ thống bảng điều khiển thì phần mềm cũng là một thành phần quan trọng tạo nên hệ thống nhà thông minh của Bkav. Trình điều khiển của SmartHome được cài đặt dễ dàng trên iPhone, iPad, các smartphone, máy tính bảng chạy hệ điều hành Android và Windows. Việc điều khiển SmartHome từ phần mềm rất đơn giản và dễ dùng với giao diện 3D trực quan bằng tiếng Việt. Từ giao diện phần mềm thì tôi chỉ cần ngồi một chỗ mà vẫn có thể điều khiển đồ gia dụng trong mọi ngõ ngách của ngôi nhà.

Giao diện điều khiển là hình ảnh 3D mô phỏng chính ngôi nhà của bạn

Việc điều khiển SmartHome rất dễ dàng với giao diện hoàn toàn bằng tiếng Việt

Kết luận

Sau một khoảng thời gian trải nghiệm, tôi nhận ra sản phẩm SmartHome rất chú trọng đến các chi tiết, luôn hướng tới yếu tố thẩm mỹ và cao cấp trong thiết kế cũng như chất lượng sản phẩm. Do đó, nếu không được giới thiệu là một sản phẩm "Made in Vietnam" thì khách hàng sẽ dễ lầm tưởng đây là các sản phẩm tầm cỡ mang thương hiệu nước ngoài. Và khi nhìn từ thiết kế trau chuốt, tính năng hiện đại, tôi có thể hình dung được các thiết bị cao cấp này sẽ khiến cuộc sống trở nên tiện nghi như thế nào khi áp dụng vào thực tế. Sẽ không quá khi nói slogan "Tiêu chuẩn nhà hiện đại" chính là điều mà SmartHome mang lại cho người sử dụng.

Dù vậy, bên cạnh những ưu điểm kể trên thì SmartHome cũng tồn tại một số khiếm khuyết cần được khắc phục: thêm màn hình hiển thị cho ACS-Out, các nút bấm dễ bị nhầm lẫn trên SH CC6… Tuy nhiên, như đã đề cập, bài viết Trên tay này mới chỉ là những cảm nhận sơ bộ nên chưa hoàn toàn phản ánh chi tiết về giải pháp nhà thông minh SmartHome của Bkav. Các đánh giá chi tiết hơn, về tính năng, cách sử dụng, thiết lập cơ bản... và đặc biệt là khả năng tự học thông minh thói quen người sử dụng và nhận lệnh bằng giọng nói sẽ tiếp tục được gửi tới bạn đọc trong thời gian tới sau khi tôi có thời gian trải nghiệm đầy đủ hơn.

Lương Đàm

Chủ đề khác