VnReview
Hà Nội

Đánh giá Facebook Lite: gọn nhẹ hơn nhưng tốc độ tải thông tin vẫn chậm

Facebook Lite là phiên bản rút gọn của ứng dụng Facebook trên Android vừa ra mắt,;được quảng bá là dành riêng cho các smartphone cấu hình thấp và sử dụng ở những nơi không có 3G hay mạng Internet tốc độ cao. Tuy nhiên qua trải nghiệm thực tế, chúng tôi thấy ứng dụng chưa thật sự mang lại nhiều ấn tượng.

Như VnReview đã đưa tin, Facebook vừa cho ra mắt ứng dụng Facebook Lite, một phiên bản rút gọn của ứng dụng Facebook trên Android, nhằm tối ưu hơn cho các smartphone có cấu hình khiêm tốn hay những khu vực chỉ có mạng 2G và Internet tốc độ hạn chế.  

Hiện tại, Facebook Lite trên Google Play vẫn chưa hỗ trợ các thiết bị tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta có tìm file cài đặt dạng APK của ứng dụng (bạn đọc có thể tải file APK của Facebook Lite tại đây) rồi cài đặt vào thiết bị của mình để tận tay trải nghiệm.

Trong bài viết này, VnReview sẽ thử nghiệm Facebook Lite trên chiếc smartphone VNPT Vivas Lotus S2. Đây là chiếc smartphone có cấu hình tương đối khiêm tốn với vi xử lý Media Tek MT6572 lõi kép xung nhịp 1GHz, đồ họa Mali-400 MP lõi đơn, RAM 512MB, bộ nhớ trong 4GB, màn hình 4 inch, độ phân giải 800x480 pixel.

Ấn tượng ban đầu với Facebook Lite là dung lượng cực nhẹ. File APK chỉ nặng khoảng 252 KB so với dung lượng tới 26,68 MB của bản Facebook thông thường trên Google Play. Điều này khiến việc cài đặt nhanh chóng hơn và đặc biệt là việc chiếm dung lượng bộ nhớ cực ít. Cụ thể, Facebook Lite chỉ chiếm 860KB bộ nhớ hệ thống, trong khi Facebook thường chiếm tới 77,70MB (cả 2 ứng dụng đều được xóa dữ liệu trong phần cài đặt và load đến màn hình đăng nhập). Đây quả là cải tiến rất đáng giá cho những máy Android có bộ nhớ trong ít ỏi.

Dung lượng bộ nhớ chiếm dụng của Facebook thường (bên trái) và Facebook Lite (bên phải)

Giao diện, tính năng

Ngay khi mở Facebook Lite bạn sẽ nhận ra nhiều khác biệt. Cụ thể, giao diện đăng nhập của ứng dụng này hoàn toàn khác so với bản Facebook thông thường và có nhiều nét tương đồng với phiên bản web.

Giao diện đăng nhập của Facebook thường (bên trái), Facebook Lite (ở giữa) và Facebook nền web (bên phải)

Bản rút gọn này hoàn toàn độc lập với ứng dụng Facebook thông thường, nên bạn sẽ cần đăng nhập lại hoặc có thể sử dụng thêm một tài khoản Facebook nữa song song với tài khoản Facebook hiện có.

Bảng tin (News Feed) không có quá nhiều khác biệt và chỉ được tinh chỉnh lại lại đôi chút với thanh tìm kiếm gọn gàng hơn, font chữ có kích thước lớn hơn một chút.

Giao diện News Feed của Facebook Lite (bên trái) và Facebook thường (bên phải)

Tuy nhiên, thanh đăng status, cập nhật trạng thái, post ảnh đã được tinh giản lại khi chỉ còn dòng chữ Post a status update và biểu tượng chiếc máy ảnh. Thanh này cũng luôn xuất hiện chứ không tự động ẩn đi như trên bản Facebook thông thường khiến một phần diện tích khá lớn trên màn hình bị chiếm dụng. Tính năng Check In nhanh cũng bị lược bỏ. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể "đi đường vòng" bằng cách sử dụng tùy chọn thêm vị trí vào bài post khi đăng một status mới.

Giao diện khi đăng ảnh, status mới của Facebook Lite cũng hoàn toàn khác so với giao diện của Facebook thông thường và giao diện web, tính năng check in cũng không tự động phát hiện những địa điểm xung quanh vị trí của bạn. Thay vào đó, bạn phải tự mình tìm kiếm.

Giao diện đăng status của Facebook Lite (bên trái) và Facebook thường (bên phải)

Điểm dễ nhận thấy tiếp theo là ảnh hiển thị trong các bài post ở Facebook Lite hoặc mờ nhòe, kém sắc nét hoặc được thu nhỏ kích thước lại so với trên Facebook thông thường. Có lẽ Facebook đã cố tình hạ thấp chất lượng hình ảnh xuống để ứng dụng load nhanh hơn vì Facebook Lite vốn dĩ được quảng cáo là tối ưu cho mạng 2G và những nơi có tốc độ kết nối Internet hạn chế.

Giao diện News Feed của Facebook Lite (bên trái) và Facebook thường (bên phải)

Phần ảnh trong các tin dạng link post lên trong Facebook Lite (bên trái) bị phóng to ra gây vỡ hạt, mờ nhòe so với Facebook thường (bên phải)

Trong khi phần ảnh người dùng tự up lên trong Facebook Lite (bên trái) lại bị thu nhỏ lại so với Facebook thường (bên phải)

Giao diện trang profile của người dùng, hay profile của một page cũng khá nghèo nàn chứ không hiện đại, bắt mắt như giao diện Timeline hiện tại. Điều này là dễ hiểu bởi mục tiêu số 1 của ứng dụng là tính gọn nhẹ, giảm dung lượng để tăng tốc độ tải.

Giao diện trang profile của người dùng trên Facebook Lite (bên trái) và Facebook thường (bên phải)

Giao diện trang profile của một page trên Facebook Lite (bên trái) và Facebook thường (bên phải)

Giao diện phần hiển thị các bình luận trong bài viết cũng có thiết kế khác, đơn giản, kém bắt mắt hơn. Các biểu tượng cảm xúc (emoticon) trong phần bình luận cũng chưa được hỗ trợ.

Giao diện phần hiển thị bình luận trong bài viết của Facebook Lite (bên trái) và Facebook thường (bên phải)

Tính năng trả lời comment cũng chưa xuất hiện, nên không thể xem được những comment trả lời cho các bình luận. Trong khi đó, bạn vẫn có thể chỉnh sửa comment của mình nhưng lại không thể xem được lịch sử chỉnh sửa comment của bạn cũng như của người khác.

Thậm chí, tính năng tag bạn bè khi comment cũng bị loại bỏ. May thay, Facebook Lite vẫn cho phép bạn chèn ảnh khi bình luận nhưng bạn sẽ không thể lưu ảnh trong phần bình luận của người khác.

Chưa thể tag bạn bè khi comment trong Facebook Lite (bên trái)

Thao tác vuốt chạm cũng bị lược bỏ đi khá nhiều. Facebook Lite không hỗ trợ việc vuốt tay lên xuống để đóng bình luận, hay thoát trình xem ảnh. Bạn cũng không thể zoom ảnh bằng 2 ngón tay mà chỉ có thể chạm 2 lần vào ảnh để zoom lên. Tuy nhiên, khi bức ảnh đã được zoom, bạn lại không thể di chuyển ngón tay qua lại để xem các khu vực khác trên ảnh. Các hiệu ứng đồ họa khi vuốt ảnh qua lại, thoát ảnh, đóng/mở phần bình luận cũng bị loại bỏ.

Những bài đăng cũ hơn cũng không tự động load khi cuộn đến cuối màn hình. Thay vào đó, người dùng phải phải bấm vào nút More Stories (Tin khác)

Facebook Lite cũng chưa cho phép xem video. Tất cả các video dù được tải lên trực tiếp hay post link từ youtube, vimeo, ứng dụng này đều chỉ nhận dạng như một bức ảnh thông thường và thậm chí còn không hiển thị link để người dùng có thể xem trên trình duyệt hay các phần mềm phát video

Video trên Facebook Lite (bên trái) đều chỉ được nhận dạng như một bức ảnh thông thường

Khác biệt lớn tiếp theo là ở phần tin nhắn. Trong khi trên Facebook thường, người dùng bị ép phải cài thêm ứng dụng Facebook Messenger thì ở Facebook Lite bạn hoàn toàn có thể gửi nhận tin nhắn, chat với mọi người ngay lập tức mà không cần cài thêm bất cứ phần mềm nào. Tất nhiên, bạn sẽ bị mất đi một số tính năng trên Facebook Messenger như Chat Heads (hiển thị các pop-up nhỏ khi chat), gửi tin nhắn thoại… Dù vậy, nếu so với sự tiện lợi khi được chat ngay trong Facebook mà không cần cài thêm ứng dụng, điều này cũng không phải là vấn đề lớn.

Giao diện phần tin nhắn và chat trên Facebook Lite

Bên cạnh đó, ở chế độ mặc định, ứng dụng Facebook Lite sẽ hiển thị bằng tiếng Anh, kể cả khi bạn đang sử dụng Tiếng Việt cho toàn bộ hệ thống. Nếu muốn dùng tiếng Việt, bạn cần bấm vào biểu tượng 3 dấu gạch ngang rồi truy cập vào mục Settings> Language để chỉnh lại.

Cũng trong mục Settings, một tùy chọn đáng chú ý khác là Font Size (cỡ chữ). Mặc định, Facebook Lite sử dụng cỡ chữ Medium (trung bình). Cỡ chữ này hơi lớn và khiến nội dung hiển thị ít đi, đặc biệt là trên các smartphone có màn hình nhỏ, độ phân giải thấp như VIVAS Lotus S2. Chỉnh cỡ chữ xuống Small (Nhỏ) sẽ hợp lý hơn và giúp hiển thị nhiều nội dung hơn.

Tốc độ hoạt động

Để kiểm tra tốc độ khởi động của Facebook Lite khi so với Facebook thường, chúng tôi xóa toàn bộ dữ liệu của cả 2 ứng dụng này trong phần cài đặt của hệ thống. Sau đó, tắt hết phần mềm chạy ngầm, mở một trong 2 ứng dụng Facebook lên và bấm đồng hồ tính giờ. Đồng hồ sẽ được dừng lại và ghi nhận kết quả khi ứng dụng load xong màn hình đăng nhập. Bạn đọc lưu ý là tất cả các kết quả đo được dưới đây đều được tính bằng giây.

Còn với tốc độ đăng nhập, phần tên đăng nhập và mật khẩu sẽ được nhập sẵn, sau đó bấm nút đăng nhập đồng thời bấm đồng hồ tính giờ. Đồng hồ sẽ được dừng lại và ghi nhận kết quả khi ứng dụng load xong bài đăng đầu tiên bao gồm cả phần ảnh và text.

Ở thử nghiệm kiểm tra tốc độ tải tin, bài test đầu tiên sẽ được thực hiện cho cả 2 ứng dụng tải 10 tin đầu tiên khi vừa đăng nhập xong. Đồng hồ bấm giờ được tính từ khi người test bắt đầu cuộn xuống và kết thúc khi tin thứ 10 được tải xong. Lưu ý là toàn bộ các tin phải được tải hết cả phần ảnh hiển thị, ảnh avatar rồi mới được cuộn đến tin tiếp theo.

Trong bài test tốc độ tải tin thứ hai, cả 2 ứng dụng lại tiếp tục cho tải thêm 15 tin tiếp theo tính từ tin số 10 của bài test đầu. Đồng hồ bấm giờ được tính từ khi người test bắt đầu cuộn xuống và kết thúc khi tin thứ 15 được tải xong. Toàn bộ các tin cũng phải được tải hết cả phần ảnh hiển thị, ảnh avatar rồi mới được cuộn đến tin tiếp theo.

Với tốc độ kiểm tra, lấy tin mới, cả 2 ứng dụng được cuộn về tin đầu tiên hiển thị sau đó thực hiện thao kéo ngón tay xuống rồi thả ra để lấy tin mới. Đồng hồ bấm giờ được tính từ khi bắt đầu thả tay ra đến khi ứng dụng báo đã hoàn tất việc lấy tin mới.

Về tốc độ tải bình luận, 2 ứng dụng được cho tải toàn bộ phần bình luận của một bài viết có tổng số bình luận là 21. Đồng hồ bấm giờ sẽ được tính từ khi người test bắt đầu bấm vào nút xem bình luận đến khi ứng dụng tải được toàn bộ phần text cũng như ảnh avatar của tất cả các bình luận trong bài.

Đối với tốc độ đăng ảnh, cả 2 ứng dụng sẽ được cho đăng một bức ảnh dung lượng 3.34 MB chụp từ camera 5MP của chính chiếc Vivas Lotus S2. Đồng hồ bấm giờ sẽ được tính từ khi chọn ảnh xong và bấm vào nút đăng ảnh đến khi bức ảnh được tải lên hoàn toàn và hiển thị đầy đủ.

Còn với tốc độ đăng bình luận, cả hai ứng dụng sẽ được cho đăng một bình luận chỉ có chữ viết với độ dài khoảng 30 từ. Đồng hồ bấm giờ sẽ được tính từ khi bấm vào nút đăng bình luận đến khi bình luận được tải lên hoàn toàn và hiển thị đầy đủ.

Qua các kết quả trên có thể thấy cả tốc độ khởi động, tốc độ đăng nhập, tốc độ tải bình luận, tốc độ đăng ảnh của Facebook Lite là cực kỳ nhanh nhẹn, vượt trội so với bản Facebook thông thường đặc biệt khi sử dụng mạng 2G. Tuy nhiên, yếu tố mà đa số người dùng quan tâm nhất là tốc độ tải tin, kiểm tra tin mới, đăng bình luận thì Facebook Lite vẫn kém hơn bản Facebook thường khá nhiều kể cả khi dùng mạng WiFi tốc độ cao.

Trong suốt quá trình thử nghiệm, Facebook Lite cho thấy khả năng hoạt động nhanh nhẹn, mượt mà, ổn định. Không hề có hiện tượng crash, tự thoát ứng dụng hay treo, đơ nào xảy ra. Đây là sự tiến bộ lớn khi so với ứng dụng Facebook "gốc" vốn thường bị chê vì sự nặng nề, chậm chạp khi hoạt động.

Một điểm đáng chú ý là khi đăng ảnh, Facebook Lite sẽ tự động resize lại ảnh trước rồi mới đăng lên. Có lẽ vì thế, tốc độ đăng ảnh bằng Facebook Lite nhanh hơn nhiều so với Facebook thường.

Kết luận

Xét một cách tổng quan, Facebook Lite có giao diện đơn điệu hơn bản Facebook thông thường và thậm chí cả khi đặt cạnh bản Facebook nền web dành cho các thiết bị di động. Bên cạnh đó, nhiều tính năng quan trọng bị lược bỏ khiến trải nghiệm mạng xã hội này mất đi sự hấp dẫn.

Mục tiêu quan trọng mà Facebook Lite hướng đến là tối ưu hơn cho mạng 2G và Internet tốc độ thấp cũng chưa hoàn thiện khi tốc độ tải tin, kiểm tra tin mới vẫn còn thua xa ứng dụng Facebook gốc dù cho tốc độ khởi động, đăng nhập, tải bình luận, đăng ảnh của Facebook Lite đã có nhiều tiến bộ.

Thực chất, khi kết nối mạng quá yếu mà vẫn cần sử dụng Facebook, người dùng chỉ cần làm sao để tải tin mới, load bình luận thật nhanh hay đăng comment, post ảnh mà không phải chờ đợi quá lâu. Những tính năng khác tạm thời có thể đặt qua một bên và ở mặt này, có thể nói Facebook Lite chưa đáp ứng tốt.

Đây không phải lần đầu tiên, mạng xã hội lớn nhất hành tinh nỗ lực trong việc mang lại một trải nghiệm gọn nhẹ, tinh giản hơn. Vào năm tháng 10/2009, Facebook từng thử nghiệm trang web cũng mang tên Facebook Lite tại địa chỉ tại: http://lite.facebook.com.

Facebook từng giới thiệu phiên bản Facebook Lite nền web vào tháng 10/2009

Phiên bản Facebook Lite nền web này được đơn giản hóa, tập trung vào các thành phần thiết yếu nhất là text, ảnh và video. Không ứng dụng (application), không tán gẫu (chat), Facebook Lite có vẻ hướng đến mục tiêu một phiên bản chỉ dành cho nhu cầu cập nhật thông tin của bạn bè người thân qua những gì "viết lên tường" (wall). Thế nhưng, dự án này đã bị Facebook khai tử vô thời hạn và việc xuất hiện của ứng dụng Facebook Lite dành cho các thiết bị di động vào vài ngày trước đây khiến giới công nghệ không khỏi bất ngờ.

Qua  những gì mà Facebook Lite thể hiện, có thể thấy Facebook đã có những nỗ lực đáng khen nhằm mang lại trải nghiệm mạng xã hội lên các máy Android có cấu hình thấp và các khu vực không có mạng Internet tốc độ cao. Dù vậy, mạng xã hội lớn nhất hành tinh vẫn còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện hơn phiên bản Facebook rút gọn, đặc biệt là về mặt tốc độ.

Thành Đạt

Chủ đề khác