VnReview
Hà Nội

Trên tay xe hai bánh tự cân bằng MonoRover R2

MonoRover R2 ra mắt lần đầu tại triển lãm điện tử CES hồi đầu năm nay ở Mỹ. Đây là mẫu xe điện mini tự cân bằng mang lại trải nghiệm đi lại khá thú vị.

Trải nghiệm xe hai bánh tự cân bằng MonoRover R2

Mẫu xe hai bánh tự cân bằng MonoRover R2

Sản phẩm trong bài đánh giá được chúng tôi lấy từ cửa hàng Xuân Vũ Media (tainghe.com.vn). Đại diện của cửa hàng này cho biết sắp tới sẽ đưa sản phẩm này về bán tại thị trường Việt Nam đồng thời sẽ mở riêng trang web giới thiệu các xe hai bánh tự cân bằng (monorover.vn).;Ở thị trường Mỹ (trên Amazon), xe tự cân bằng này có giá 600 USD (khoảng 13 triệu đồng) và mua nhiều chiếc sẽ được giảm giá 6-22%.

MonoRover R2 được sản xuất có hai màu đen, trắng. Chiếc xe chúng tôi trải nghiệm có màu trắng. Là một phương tiện di chuyển cá nhân nên nó được thiết kế tối giản, chắc chắn với trọng lượng 10kg. Khi xe dựng dọc, nhìn lướt qua MonoRover R2 khá giống với chiếc đồng hồ cát cỡ lớn. Hai bánh cao su đường kính khoảng 10cm đặt ở hai đầu. Ở tâm mỗi bánh cao su này là một cục thép dày và nặng. Ở giữa thân xe có hệ thống đèn báo và hiển thị dung lượng pin.

Mặt trên của xe có hai đệm bằng cao su có thể nhún xuống để tạo masat, đồng thời dễ điều chỉnh cổ chân trong trong các huống di chuyển thẳng hoặc vào cua.

Ở hai bên cạnh trước xe mỗi bên có hai hàng gồm 8 đèn led nhỏ xếp so le

Xe hai bánh tự cân bằng MonoRover R2 có tải trọng tối đa 120kg, nghĩa là hầu hết mọi người đều có thể sử dụng được. Tốc độ tối đa của nó có thể lên đến 20km/h (trên lý thuyết) nhưng rất khó để đi đến tốc độ đó bởi sự thăng bằng, thường người sử dụng di chuyển ở tốc độ khoảng 8 – 10km/h tương đương tốc độ chạy trung bình của một người trưởng thành. Mỗi lần sạc đầy pin, chiếc xe đi được khoảng cách từ 18 - 23km.

Các thông số chính sản phẩm gồm: trọng lượng 10kg, tốc độ tối đa khoảng 12km/h, nếu quá 18km/h thì sẽ có âm thanh cảnh báo; khoảng cách đi được sau mỗi lần sạc: 18-23km; pin dung lượng: 36V/4.4AH - 132Wh; tải trọng tối đa: 120kg; kích thước: 468 x 400 x 165mm.

Cách sử dụng

Xe được chế tạo dựa trên nguyên lý cân bằng con lắc ngược và thông qua bộ cảm biến đo góc nghiêng IMU để điều khiển 2 bánh xe di chuyển tới hoặc lùi theo hướng mà xe bị ngả. Người điều khiển chỉ việc ngả nhẹ về phía trước, khi đó bộ phận cảm biến của xe sẽ cảm nhận được góc nghiêng và điều khiển cho xe chạy về phía trước. Bạn nghiêng càng nhiều thì xe di chuyển càng nhanh. Tương tự, khi muốn di chuyển lùi thì ngả người về phía sau.

Điều khiển xe để nghiêng sang một bên thì hơi khó hơn một chút đòi hỏi bạn phải dồn trọng tâm nhiều hơn sang bên cần nghiêng.

Theo kinh nghiệm của tôi, quá trình lên xe và xuống xe không phải là dễ đối với những người mới lần đầu sử dụng. Mới đầu, để lên xe bạn nên ngồi thấp xuống để cơ thể giữ thăng bằng tốt hơn, sau đó bước một chân lên (cố gắng không dồn nhiều trọng lực quá vào đó vì nó sẽ bị xoay tròn về hướng đó), chân còn lại bước lên nhanh, dứt khoát.

Trải nghiệm thực tế

Tôi mất khoảng 2 phút để đứng và di chuyển chậm trên chiếc xe này ở khu vực sảnh bằng phẳng. Tùy vào khả năng giữ thăng bằng của mỗi người, nhiều người mất đến 15 – 20 phút chỉ để đứng được trên đó. Những lần đầu mới dùng, xe hay bị lật, lăn lông lốc và do đó dễ bị xước phần vỏ nhựa cứng.

Ở trạng thái bình thường khi di chuyển, đèn báo sẽ hiển thị màu xanh nhưng khi bàn đặt chân bị nghiêng quá 15 độ thì đèn báo sẽ chuyển sang màu đỏ và âm thanh cảnh báo phát ra.

Khi đã làm chủ được chiếc xe, bạn sẽ muốn thử xem nó có thể chạy nhanh cỡ nào, với động cơ 500W, xe có thể chạy với vận tốc tương đương một người lớn đang chạy trung bình, và khi đạt đến tốc độ 18km/h thì đèn cảnh báo của xe sẽ sáng lên. Điều này nghĩa là bạn nên giảm tốc độ xuống để đảm bảo sự thăng bằng và an toàn.

Bánh của xe khá nhỏ, đường kính chỉ khoảng 20cm nên gầm khá thấp, chỉ 7 cm. Nhiều người thắc mắc việc xe sẽ chạy qua ổ gà, hay lên dốc hoặc các đoạn đường gồ ghề thế nào? Thử nghiệm thực tế, MonoRover R2 tỏ ra hoạt động trơn tru ở sảnh bằng phẳng, nhưng không vượt được các chướng ngại vật có chiều cao từ 4cm trở lên.

Xe cũng có khả năng leo dốc, đòi hỏi bạn phải ngả người nhiều về phía trước và điều chỉnh lực trụ tốt. Tuy vậy, xe chỉ leo được dốc khoảng 15 độ chứ dốc cao hơn thì không lên được. Do gầm thấp và bánh xe nhỏ nên xe này gặp khó khăn với điều kiện đường phố tại Việt Nam, nhiều lần tôi phải xuống xe để nhấc nó qua các điểm tiếp xúc không bằng phẳng.

Với viên pin được tích hợp sẵn trong xe, tôi mất khoảng 1 tiếng để sạc đầy 70%, gần 3 tiếng để sạc đầy pin. Khi sạc đầy, đèn ở củ sạc sẽ chuyển sang màu xanh lá cây, nếu bật công tắc xe khi đang sạc thì đèn báo pin trên xe sẽ sáng nhấp nháy màu vàng. Xe có khả năng chống nước theo tiêu chuẩn IP65 của Mỹ, mặc dù chưa thử nhưng tôi nghĩ bạn không nên sử dụng chiếc xe này khi trời mưa, điều kiện sử dụng lý tưởng được hãng sản xuất khuyến cáo là thời tiết khô ráo, nhiệt độ khoảng 10 – 30 độ C.

Kết luận

MonoRover R2 mang lại trải nghiệm đi lại cá nhân khá thú vị. Xe dễ học, khá an toàn và thân thiện với môi trường. Chiếc xe này phù hợp với việc sử dụng ở những nơi có mặt bằng rộng và bằng phẳng như các công ty sảnh lớn, các trung tâm thương mại, quảng trường hoặc các siêu thị, sân bay, viện bảo tàng, khu du lịch, kho bãi, nhà xưởng. Tuy vậy, với gầm thấp và bánh nhỏ, xe không phù hợp với việc đi lại trên nhiều đường phố ở Việt Nam, trừ những con đường có chất lượng tốt.

Ưu điểm:

+ Dễ sử dụng, khả năng di chuyển linh hoạt, gọn gàng

+ Không gây tiếng ồn

+ Không sinh khí thải

Nhược điểm:

- Khá kén địa hình di chuyển

Tùng Minh

Chủ đề khác