VnReview
Hà Nội

Đánh giá nhanh "dế" phổ thông vỏ nhôm Nokia 230

Sự xuất hiện của Nokia 230 thực sự làm nhiều người bất ngờ bởi cứ ngỡ rằng thương hiệu điện thoại Phần Lan đã hoàn toàn biến mất trên thị trường.

Chính thức "bán mình" cho Microsoft vào đầu năm 2014, thương hiệu Nokia cũng dần bị "xóa sổ" và chỉ còn xuất hiện nhỏ giọt qua một vài sản phẩm hợp tác dưới dạng nhượng quyền thương hiệu như chiếc tablet N1 làm cùng Foxconn. Tuy nhiên, sự thật thì Microsoft chỉ "gỡ biển" Nokia khỏi dòng smartphone Lumia ;hay Asha còn với những chiếc điện thoại phổ thông, hãng vẫn để lại logo Nokia có lẽ là để "giữ khách".

Nokia 230 cùng toàn bộ phụ kiện, máy không có tai nghe và cáp kết nối đi kèm

Chiếc Nokia 230 được Microsoft giới thiệu vào tháng 11/ 2015 và được bán chính hãng tại Việt Nam với mức giá khoảng 1,4 triệu đồng. Sản phẩm trong bài được chúng tôi lấy từ cửa hàng Hoàng Hà Mobile có giá thấp hơn chút, vào khoảng 1,29 triệu đồng.

Thiết kế là điểm gây chú ý nhất trên chiếc điện thoại cơ bản của Microsoft. Không chỉ có sự bảo trợ của cái tên "Nó Kìa" đã quá thân thuộc, chiếc điện thoại này còn có ngoại hình khá mắt bắt với phần mặt lưng bằng kim loại, lung linh không kém gì một chiếc smartphone thực thụ.

Mặt lưng kim loại khiến Nokia 230 gây được sự chú ý lớn

Phần lưng của 230 gợi liên tưởng đến những chiếc HTC One M7, M8 với việc được vát cong về 2 cạnh để tạo cảm giác cầm nắm tốt hơn. Tuy nhiên không phải toàn bộ phần mặt lưng đều làm bằng kim loại. Chỉ có phần vỏ máy ở giữa sử dụng chất liệu cao cấp này trong khi khu vực đầu và đuôi máy vẫn làm từ nhựa nhằm tiết kiệm chi phí.

Không phải toàn bộ mặt lưng của 230 đều bằng kim loại

Thuộc phân khúc điện thoại cơ bản nên tất nhiên phần lưng của 230 hoàn toàn có thể tháo lắp dễ dàng. Pin cũng có thể tháo rời nhanh chóng để lộ 2 khay SIM phía dưới. Nokia 230 sử dụng 2 mini SIM (SIM to) thông thường, hỗ trợ tối đa mạng 2.5G. Máy cũng có cả khe cắm thẻ nhớ microSD mở rộng tối đa 32GB và đi kèm sẵn một thẻ nhớ 8GB Class 4 của SanDisk. Mọi thao tác tháo lắp SIM, thẻ nhớ đều cần phải tháo pin, hơi bất tiện nhưng là điều khó tránh ở những điện thoại cơ bản.

Dễ "tháo tung" 230 để truy cập vào 2 khay SIM ở dưới

Viên pin theo máy có dung lượng 1200mAh và theo Microsoft nó có thể cho phép máy gọi thoại liên tục trong 23 giờ, chơi nhạc liên tục trong 52 giờ cùng thời gian chờ lên tới 27 ngày. Chúng tôi sẽ có bài đánh giá pin chi tiết của Nokia 230 trong tuần tới, mời bạn đọc đón xem.

Trái với phần mặt sau khá lung linh, mặt trước của 230 lại không thật ấn tượng. Ngoài màn hình kích thước khá lớn so với một chiếc điện thoại phổ thông (2.8 inch), mặt trước của 230 không có điểm nhấn nào đáng kể. Toàn bộ mặt trước chỉ sử dụng chất liệu nhựa, bàn phím với các phím bấm hoàn toàn phẳng so với bề mặt nên cảm giác gõ phím không thật thoải mái.

Các chi tiết gia công trên 230 cũng chưa thật tỉ mỉ. Vẫn có thể dễ dàng nhìn thấy các khe hở ở những nơi tiếp xúc giữa phần vỏ và thân máy, các mép cắt chưa gọn gàng. Phần nhựa đầu và đỉnh máy không tinh xảo. Máy cũng hơi ọp ẹp khi bóp mạnh vào phần thân hay khu vực màn hình. Máy dễ dàng cầm nắm, đút túi do kích thước nhỏ gọn nhưng một số chi tiết như logo Nokia ở mặt lưng hay các đường viền ở khung máy đều chưa được chăm chút nên còn sắc nhọn gây cảm giác cấn tay khi chạm vào.

Ưu điểm nhỏ gọn của một chiếc điện thoại cơ bản được phát huy tối đa trên Nokia 230

Dù vậy, các chi tiết trên Nokia 230 được gia công không thật tỉ mỉ

Màn hình của 230 thuộc loại LCD 65 nghìn màu kích thước 2.8 inch, độ phân giải 320 x 240 pixel, mật độ điểm ảnh 143PPI, tấm nền TN. Với màn hình này, Nokia 230 có chất lượng hiển thị vừa đủ để cung cấp các nội dung cơ bản. Tất nhiên, nếu so sánh với các màn hình trên smartphone hiện nay, dễ dàng nhận ra những hạn chế của màn hình trên chiếc điện thoại cơ bản này như răng cưa và rỗ hạt, màu sắc nhợt nhạt, góc nhìn kém. Dù vậy, nếu xét riêng trong phân khúc điện thoại phổ thông, màn hình của 230 vẫn thuộc loại khá.  Đặc biệt, màn hình của 230 có độ sáng khá cao, sử dụng tốt kể cả dưới trời nắng.

Về camera, dù chỉ là chiếc điện thoại cơ bản nhưng Microsoft tỏ ra cực kỳ ưu ái Nokia 230 khi trang bị cả camera phía trước 2MP phục vụ việc selfie và đặc biệt là có cả đèn flash LED trợ sáng. Phía sau, máy cũng có thêm một camera 2MP nữa với đèn flash.

Camera trước của Nokia 230 có cả đèn flash LED

Trong điều kiện đủ sáng, chất lượng ảnh chụp từ camera trước của 230 khá ổn. Ảnh sáng rõ, màu sắc tươi tắn, tuy không thật sự sắc nét. Do cấu hình hạn chế nên Microsoft không thể trang bị những tính năng làm đẹp gương mặt cho camera trước của 230. Với điều kiện thiếu sáng, dù có sự trợ lực của đèn flash nhưng ảnh "tự sướng" bằng camera trước khó lòng có chất lượng tốt.

Ảnh selfie bằng camera trước của Nokia 230

Trong khi đó, chất lượng ảnh chụp của camera sau lại chỉ dừng lại ở mức "chống cháy". Ngay cả trong điều kiện ánh sáng tốt nhất, ảnh cũng rất nhợt nhạt, nhiễu hạt nặng. Camera sau chỉ cho lấy nét cố định nên việc chụp những bức ảnh cận cảnh như hoa lá, thức ăn gần như không thể. Tốc độ chụp và lưu ảnh của cặp đôi camera cũng hơi chậm nên cần cầm chắc tay và đợi một lát sau khi bấm chụp mới đảm bảo ảnh không bị mờ nhòe.  

Ảnh chụp từ camera sau của Nokia 230

Về phần mềm,chạy trên nền tảng Series 30+ (một nền tảng do MediaTek, phát triển, không liên quan nền tảng Nokia Series 30 trước đây), 230 vẫn sử dụng giao diện truyền thống của các điện thoại cơ bản của Nokia với một màn hình chủ chứa các thông tin chung như đồng hồ, ngày tháng, các thẻ SIM đang được lắp trên máy. Ngoài ra, máy cũng có khay ứng dụng phía trong với các icon phong cách giống trên nền tảng Nokia Belle.

Màn hình chính của Nokia 230

Khay ứng dụng phía trong

Tuy nhiên, nền tảng Series 30+  được viết trên ngôn ngữ C and C++ nên không hỗ trợ các ứng dụng Java mà chỉ cho phép chạy các app dạng MRE với định dạng .Vxp. Bản thân Nokia 230 cũng  được cài sẵn khá nhiều ứng dụng từ Opera Mini, Facebook, Bing….cùng một số tựa game khá nổi tiếng như Asphalt 6, The Amazing Spider Man, GT Racing 2… Nhưng tất cả các game cài sẵn đều chỉ ở dưới dạng demo (chơi thử) với số lần chơi giới hạn, muốn chơi được đầy đủ, người dùng phải mua từng ứng dụng với giá khoảng 15 nghìn đồng. Người dùng cũng có thể tải thêm ứng dụng từ kho Opera Mobile Store có sẵn trong máy.

Máy được cài sẵn khá nhiều game

Người dùng cũng có thể tải thêm ứng dụng từ kho Opera Mobile Store

Ngoài ra, Nokia 230 cũng hỗ trợ nghe nhạc, xem video, kết nối Bluetooth, duyệt web. Hỗ trợ hiển thị tin nhắn theo dạng hội thoại, nghe đài FM qua tai nghe (không đi kèm)... 

Về hiệu năng, thông tin từ trang chủ của Microsoft chỉ tiết lộ duy nhất dung lượng RAM 16MB của Nokia 230. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, máy còn sử dụng chipset Mediatek MT6250 giống như trên chiếc Nokia 225 và 220. Trải nghiệm thực tế cho thấy máy phản hồi nhanh nhẹn với hầu hết các thao tác từ nghe gọi, nhắn tin, mở ứng dụng, mở game, nghe nhạc, xem video, thoát ra màn hình chính. Hạn chế lớn nhất là kết nối mạng tối đa của 230 chỉ là 2.5G EGPRS 236.8 kbps nên tốc độ duyệt web rất chậm và khó lòng đem lại trải nghiệm tốt.

Tổng kết sơ bộ, có thể thấy Nokia 230 là chiếc feature phone khá hấp dẫn từ ngoại hình, tính năng, hiệu năng và giá bán. Tuy nhiên, giá như máy được trang bị kết nối 3G và WiFi sẽ phù hợp hơn với thời điểm hiện tại khi mà ngoài nghe, gọi, nhắn tin, người dùng giờ đây cũng rất cần kết nối Internet tốc độ cao trên thiết bị cá nhân của mình. 

 

Thành Đạt

Chủ đề khác