VnReview
Hà Nội

Trải nghiệm nhanh Vivo V5 "tự sướng" 20MP

Quyết định nhảy vào phân khúc nóng nhất của thị trường smartphone, Vivo (Trung Quốc) có vẻ đang quyết tâm tìm kiếm vị trí của mình tại Việt Nam khi tung ra smartphone selfie 20 "chấm".

Vivo V5

Theo tuyên bố của công ty này, Vivo V5 là mẫu smartphone đầu tiên trên thế giới có camera trước 20MP và được định giá bán lẻ là 6 triệu đồng, qua đó cạnh tranh trực tiếp với hai đối thủ trong cùng phân khúc là OPPO F1s, Huawei GR5 2017 và Samsung Galaxy J7 Prime.

Công bằng mà nói, Vivo hoàn toàn có cơ sở để tạo ra một cuộc lội ngược dòng với OPPO, Huawei và Samsung khi đưa cấu hình ngang ngửa và thậm chí có phần trội hơn so. Cụ thể, ngoài bộ đôi camera trước và sau lần lượt là 20MP và 13MP, Vivo V5 còn sở hữu màn hình IPS LCD 5.5 inch độ phân giải HD, vi xử lý tám nhân MediaTek MT6750, 4GB RAM và 32GB bộ nhớ trong, có hỗ trợ thẻ nhớ gắn ngoài và trang bị chip âm thanh Hi-Fi 24-bit.

Thiết kế và độ hoàn thiện

Vivo V5 có thiết kế kim loại nguyên khối tương tự các đối thủ khác

Gần đây, các smartphone Trung Quốc đang được hưởng lợi sau nhiều năm có kinh nghiệm làm gia công cho các đối tác lớn trên toàn cầu, giúp họ dần thoát khỏi cái bóng "kẻ đi sau" và "chỉ biết copy" để tạo ra những sản phẩm có những sáng tạo và đột phá riêng, góp phần tạo ra vị thế của họ trên thị trường.

Tại Việt Nam, kể từ khi Oppo F1s tung ra thị trường thì các smartphone tầm trung trong phân khúc trên dưới 6 triệu đồng đều phải lấy cấu hình, thiết kế lẫn chất lượng của F1s làm chuẩn nếu muốn "ăn chia" thị phần, Vivo V5 cũng không ngoại lệ! Công ty này sử dụng thiết kế nguyên khối cho V5 và tập trung vào tính năng selfie nhằm "ăn thua" với đối thủ.

Phía đáy máy bố trí cổng cắm tai nghe tiêu chuẩn 3.5mm, mic thoại, khe cắm cáp sạc và loa ngoài

Phía bên phải máy bố trí phím nguồn và tăng giảm âm lượng, viền máy được bo một đường đánh bóng mạ màu vàng nhằm tạo điểm nhấn. Hình cận cảnh này cho thấy độ hoàn thiện của smartphone Trung Quốc đang ngày càng tốt lên.

Độ bo của máy giúp dễ cầm nắm nhưng dãy phím điều hướng bố trí ngoài màn hình lại hơi khó nhìn ở dưới ánh sáng ban ngày vì bị lẫn vào lớp nhựa màu trắng dưới đáy máy. Trong khi đó, cảm biến vân tay hơi lồi nhẹ kiêm đóng vai trò nút Home.

Cạnh trái máy bố trí khe cắm SIM Nano và thẻ nhớ/SIM 2 (nano).

Máy sở hữu màn hình IPS LCD 5.5 inch độ phân giải HD vừa đủ cho phân khúc tầm trung, tuy nhiên điều này có vẻ là chưa đso với kích thước màn hình và tiêu chuẩn Full HD hiện tại. Màn hình này hiển thị đủ sắc nét để nhìn sát mắt mà không thấy răng cưa, có kích thước ngang bằng các đối thủ F1s và J7 Prime nhưng có độ phân giải thua J7 Prime (Full HD).

Camera chính 13MP được bố trí nghiêng một bên ở mặt sau của máy, ngay phía trên dải ăng-ten. Logo Vivo được khắc chìm phía sau thân máy.

Điểm nhấn của sản phẩm nằm ở camera selfie 20MP đặt ở mặt trước máy. Loa thoại bố trí ngay chính giữa cụm camera trước và cảm biến/đèn LED trợ sáng cho selfie.

Nhìn chung, Vivo V5 có thiết kế kim loại nguyên khối chắc chắn và độ hoàn thiện tốt, ngang ngửa với các smartphone cận cao cấp trên thị trường và không thua kém các đối thủ trong cùng phân khúc. Tuy nhiên, dù việc đưa dãy phím điều hướng ngoài màn hình là điểm cộng, nhưng điểm trừ là nó bị lẫn vào màu nhựa trắng của máy, khiến người dùng khó phân biệt vào ban ngày, điều này chỉ có thể khắc phục được bằng thói quen sử dụng sau một thời gian sở hữu thiết bị.

Phần mềm và hiệu năng

Máy có thiết kế "hao hao" iPhone từ ngoại hình, cách bố trí camera cho tới cả bên trong máy, tiêu biểu là thanh thông báo được đưa xuống phía dưới (vuốt lên) và giao diện camera y hệt iOS. Điều này có thể khiến những người đã dùng iOS nhanh chóng làm quen với máy nhưng với những người quen thuộc Android và "có thành kiến" với iOS không thích cho lắm.

Thanh thông báo của Vivo 5 được thiết kế "tương đồng" với iOS

May mắn là icon của máy không giống iOS, thậm chí đây còn là điểm cộng của Vivo V5 khi thiết kế icon khá chỉnh chu, kích cỡ font mặc định lẫn icon mặc định theo máy to và rõ ràng nên rất dễ quan sát. Tuy nhiên, do thiết kế icon riêng nên người dùng phải sử dụng một thời gian mới nhận diện và ghi nhớ được các icon này.

Phần mềm của máy tương tự như các máy Vivo đời trước, có tích hợp VivoCloud, Khóa, Lịch, i Manager, i Theme... được thiết kế riêng dành cho Funtouch OS 2.6 (dựa trên nền Android 6.0), dù không ấn tượng nhiều nhưng đây cũng là nỗ lực của Vivo trong việc tạo dấu ấn riêng cho mình.

Màn hình chính, trình thay đổi giao diện i Theme, giao diện Settings và giao diện của i Manager trên Vivo V5

Theo công bố của Vivo, V5 sở hữu chip âm thanh Hi-Fi AK4376 nhằm mang lại trải nghiệm âm thanh 24-bit/192kHz. Đáng tiếc là tai nghe đi theo máy chỉ là tai nghe tiêu chuẩn nên độ "thấm" không cao và không tận dụng được hết lợi thế của con chip âm thanh này.

Với màn hình 5.5 inch độ phân giải HD, 4GB RAM và chip lõi tám MediaTek cùng 32GB bộ nhớ trong, Vivo V5 đủ sức gánh vác các game nặng và thời lượng pin đủ dùng cả ngày với thỏi pin 3.000mAh. Máy hỗ trợ cảm biến vân tay tích hợp ở phím Home và đây gần như là tiêu chuẩn bảo mật chung của các mẫu smartphone tầm trung trở lên hiện nay.

Trải nghiệm thực tế cho thấy máy chạy mượt và nhờ lược bỏ App Drawer nên trải nghiệm của Funtouch OS 2.6 thêm ấn tượng, điều này cũng lý giải cho vị trí của Vivo tại thị trường Trung Quốc.

Chụp ảnh

Camera sau hơi lồi một chút

Theo công bố của nhà sản xuất, camera sau của máy có độ phân giải 13MP nhưng được tích hợp tính năng lấy nét theo pha (PDAF) và nhận diện khuôn mặt.

Giao diện chụp ảnh trên Vivo V5

Trong khi đó, điểm nhấn của sản phẩm nằm ở camera trước với cảm biến xử lý hình ảnh Sony IM376 kích thước 1/2.8" có độ phân giải lên tới 20MP, khẩu độ f/2.0, tích hợp đèn flash nhằm hỗ trợ tính năng chụp ảnh thiếu sáng mà Vivo gọi là Moonlight Selfie cùng chế độ làm đẹp Face Beauty 6.0 nhằm hỗ trợ tối đa cho người dùng "tự sướng".

Trải nghiệm thực tế từ smartphone này cho thấy, camera chính của máy có độ chi tiết tốt trong điều kiện đủ sáng và độ noise chấp nhận được dù hơi bệt ở điều kiện ánh sáng yếu, chế độ chụp HDR thực thi hơi chậm.

Ảnh chụp ngược sáng ở chế độ tự động của camera sau

Ảnh crop 100% từ ảnh trên

Ảnh chụp ở chế độ HDR của camera sau

Ảnh chụp ở môi trường thiếu sáng nhẹ của camera sau (nhấp vào để xem full size)

Trong khi đó, camera selfie 20MP phía trước máy chuyên dành để selfie nên chỉ phù hợp với selfie, còn độ nét không thể sánh ngang camera sau dù có độ phân giải lớn hơn. Cụ thể, hình ảnh selfie từ camera trước của máy rất tốt, có thể cạnh tranh ngang ngửa với các đối thủ trong cùng phân khúc.

Ảnh selfie 20 "chấm" có kích hoạt chế độ làm đẹp (Mẫu ảnh: Vân Anh)

Ảnh selfie crop 100% từ ảnh trên

Ảnh chụp từ camera trước ở chế độ thường (bên trái) và ở chế độ làm đẹp (bên phải)

Tạm kết

Vivo V5 là một smartphone tầm trung đáng chú ý trong phân khúc 6 triệu đồng, tiếp tục thổi hơi nóng vào các đối thủ ở tầm giá này nhờ vào thiết kế tốt và cấu hình cạnh tranh. Camera selfie 20MP của máy là đối trọng xứng tầm với các đối thủ mà công ty này hướng đến.

Trong phân khúc tầm trung 6 triệu đồng, Vivo V5 sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ "selfie" Oppo F1s và Samsung Galaxy J7 Prime cũng như đối đầu với dual-camera của Huawei GR5 2017. Tuy nhiên, thời điểm Vivo nhảy vào phân khúc này khi các đối thủ đã "rải" hết sản phẩm của mình thì có vẻ như hơi chậm chân.

Sự khác biệt của camera selfie "khủng" lẫn những nỗ lực tăng cường cấu hình của máy (4GB RAM, chip âm thanh Hi-Fi 24-bit,...) so với các đối thủ có đủ để Vivo thay đổi cuộc chơi hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng bất kể lý do gì thì cuộc đua này cũng sẽ ít nhiều có lợi cho người dùng khi các hãng ngày càng làm tốt hơn sản phẩm của mình. Chúng ta hãy cùng chờ xem.

TM

Chủ đề khác