VnReview
Hà Nội

Snapdragon 810 trên HTC 10 Evo chơi game, lướt web bị nóng ra sao?

Chiếc HTC 10 Evo đang là ngôi sao mới ở phân khúc tầm trung nhờ thiết kế và cấu hình ấn tượng so với giá bán. Tuy vậy, sản phẩm này có một điểm mà nhiều người dùng lo ngại là sử dụng vi xử lý Snapdragon 810 đã từng có vấn đề quá nhiệt.

Vấn đề quá nhiệt của Snapdragon 810 là chủ đề nóng trong suốt cả năm 2015. Nhiều sản phẩm sử dụng chip này như Sony Xperia Z3+, LG G Flex 2 gặp vấn đề nhiệt độ, bị nóng lên nhanh sau thời gian sử dụng. Sau sự cố quá nhiệt trên một số sản phẩm, Qualcomm đã ra phiên bản Snapdragon 810 mới được cho là đã xử lý đáng kể vấn đề quá nhiệt trên các sản phẩm sử dụng con chip này.

VnReview sử dụng camera nhiệt hồng ngoại để đo nhiệt độ của smartphone sau các hoạt động

Liệu chiếc HTC 10 Evo có gặp vấn đề quá nhiệt hay không? Để trả lời câu hỏi này, VnReview đã sử dụng camera nhiệt chuyên dụng FLIR i3 của hãng FLIR System (Mỹ) tiến hành đo nhiệt độ hoạt động của máy cùng với hai sản phẩm khác để so sánh là iPhone 7 Plus và Huawei P9.

Các máy cùng lúc chạy các hoạt động giống nhau

Việc đo nhiệt độ được thực hiện với 3 hoạt động: chạy ứng dụng nặng độ hoạ GFXBench 4.0 ở môi trường trong nhà, chơi game Asphalt 8 ở ngoài trời và lướt web trên mạng 4G khoảng 20 phút ở môi trường ngoài trời.

Chạy benchmark nặng đồ hoạ

Đầu tiên là đo nhiệt độ sau 30 phút chạy ứng dụng đánh giá hiệu năng đồ họa GFXBench 4 ở môi trường văn phòng có điều hoà (nhiệt độ phòng khoảng 26 độ). Đây là bài thử nghiệm sử dụng đồ họa rất nặng trong điều kiện độ sáng màn hình 100% và là hoạt động hao pin điện thoại cao nhất hiện nay, hơn cả khi chơi các game nặng trong thực tế.

Sau 30 phút chạy ứng dụng đo hiệu năng GFXBench 4, bức ảnh hồng ngoại cho thấy nhiệt độ của HTC 10 Evo nhỉnh hơn một chút so với hai máy còn lại. Toàn bộ phần mặt sau của máy đều nóng lên trên 40 độ, trong khi chiếc iPhone chỉ nóng ở phần gần camera. P9 cũng tản nhiệt đều ở mặt lưng, nhưng nhiệt độ thấp hơn HTC 10 Evo.

Điểm nóng nhất trên chiếc HTC có nhiệt độ 41 độ C. Khu vực nóng nhất trên iPhone cũng đạt gần tới mức đó, còn điểm nóng nhất ở chiếc Huawei P9 là cảm biến vân tay thì chỉ đạt tới mức gần 39 độ. Sau khi các máy dừng chơi khoảng 1 phút, HTC 10 Evo là chiếc điện thoại hạ nhiệt nhanh nhất.

Chơi game Asphalt 8

Thử nghiệm thứ hai là đo nhiệt độ sau 20 phút chơi game Asphalt 8 với độ sáng màn hình thiết lập ở mức cao nhất và sử dụng ở ngoài trời với nhiệt độ môi trường khoảng 32 độ C. Khi chơi game ngoài trời, nhiệt độ của HTC 10 Evo có tăng một chút, nhưng đáng nói là hai điện thoại còn lại nóng lên rất nhiều, khiến cho nhiệt độ của ba máy không còn chênh lệch.

Khu vực nóng nhất của ba máy vẫn giống như ở thử nghiệm trên. Chiếc HTC và iPhone có nhiệt độ cao nhất gần như nhau, còn nhiệt độ của P9 lên tới trên 45 độ. Toàn bộ khu vực mặt trên của chiếc Huawei đều ở mức nhiệt độ tương tự.

Từ trái sang: HTC 10 Evo, iPhone 7 Plus, Huawei P9

Ở mặt trước, cả ba máy đều nóng lên ở khu vực nút Home. Trong khi phần màn hình của HTC 10 Evo và iPhone 7 Plus khá mát, màn hình Huawei P9 vẫn nóng. Điều này tạo cảm giác khó chịu khi cầm máy để chơi game ngoài trời.

Nhiệt độ khu vực nút Home của ba máy

Lướt web trên mạng 4G

Thử nghiệm cuối cùng của chúng tôi là lướt web, Facebook trong khoảng 20 phút bằng kết nối 4G ở ngoài trời, nhiệt độ môi trường khoảng 33 độ C. Hoạt động này nhẹ nhàng hơn so với chơi game, nhưng cũng khiến các máy nóng lên tới mức trên 40 độ.

P9 tiếp tục là máy nóng nhất, nhiệt độ khu vực quanh cảm biến vân tay tới trên 42 độ. Khu vực nóng nhất của HTC 10 Evo và iPhone 7 Plus khoảng 41 độ, nhưng mặt sau của hai máy nhìn chung là mát hơn chiếc P9.

Qua những thử nghiệm nói trên, có thể thấy HTC đã xử lý khá tốt vấn đề nhiệt độ trên HTC 10 Evo. Chỉ khi chơi game ở ngoài trời nóng thì nhiệt độ của máy mới đạt mức gây khó chịu. Ngoài ra phần lưng kim loại tản nhiệt đều, do vậy máy cũng hạ nhiệt nhanh.

>> Trên tay HTC 10 Evo chính hãng: ngôi sao mới trong phân khúc tầm trung

Anh Lê

Chủ đề khác