VnReview
Hà Nội

Firefox Quantum có gì hot?

Firefox đã thực hiện một cuộc lột xác ngoạn mục. Cáo lửa trở thành trình duyệt đa luồng với thiết kế tối giản hơn, tốc độ cao hơn, nhưng lại phải nói lời chia tay với các phần mở rộng truyền thống. Nếu bạn đã từng rời bỏ Firefox để chuyển sang Chrome, đây là thời điểm thích hợp để quay lại. Còn nếu bạn vẫn đang sử dụng Firefox, bản cập nhật này sẽ mang đến một làn gió mới, là bản cập nhật trong mơ của các fan Firefox từ trước đến nay.

Theo HowToGeek, Firefox Quantum thực ra là tên mã của Firefox 57, được Mozilla tung ra vào ngày 14/11/2017. Chúng ta sẽ cùng phân tích một số điểm mới trên trình duyệt mới này.

Nhanh hơn nhiều lần

Tốc độ là thứ đầu tiên người dùng bàn luận về một trình duyệt web. Với Firefox Quantum, bạn sẽ không phải thất vọng. Theo các bài thử nghiệm của Mozilla, Firefox Quantum nhanh gấp đôi Firefox 52 trên mọi phương diện, từ render trang web cho đến việc chuyển đổi giữa các tab và các thao tác trên giao diện trình duyệt.

Firefox Quantum được tích hợp công nghệ từ dự án Servo của Mozila, vốn được viết bằng ngôn ngữ lập trình Rust. Trong tương lai, Mozilla có dự định sẽ dần dần thay thế các thành phần bên trong của Firefox bằng các công nghệ Servo mới và nhanh hơn. Một trong số đó là engine Quantum CSS (còn được gọi là Stylo), có khả năng chạy song song trên nhiều CPU để tận dụng tối đa khả năng xử lý của các CPU đa lõi hiện nay.

Bên cạnh đó, các lập trình viên cũng đã tìm cách tối ưu từng phần một của Firefox Quantum, giảm thiểu các yếu tố có thể dẫn đến bất kỳ sự chậm chạp nào trong quá trình hoạt động.

Tất cả những điều nêu trên chỉ có một ý nghĩa duy nhất, đó là Firefox Quantum mới hơn và nhanh hơn!

Firefox trở thành một trình duyệt đa luồng (và sử dụng ít RAM hơn Chrome)

Firefox Quantum là phiên bản Firefox đa luồng thực sự đầu tiên. Trước đó, trình duyệt này chỉ hoạt động trên một tiến trình đơn nhất, nghĩa là nếu một trang web chậm sẽ khiến cả giao diện trình duyệt chậm đi, và nếu tab gặp vấn đề sẽ dẫn đến cả trình duyệt bị ảnh hưởng. Firefox 54 cải tiến bằng cách hoạt động trên hai tiến trình: một cho giao diện và một cho các trang web. Đến Firefox Quantum, con số tiến trình không còn dừng lại ở 2 nữa.

Tuy nhiên, Firefox Quantum không chỉ sao chép nguyên xi Chrome và tạo từng tiến trình mới cho mỗi tab. Nó sẽ chỉ dùng tối đa 4 tiến trình để hiển thị nội dung web, mà theo Mozilla thì đây là con số vừa vặn cho hầu hết người dùng Firefox, giúp trình duyệt của họ tiết kiệm đến 30% RAM so với Chrome.

Người dùng vẫn có thể điều chỉnh số lượng tiến trình tuỳ ý muốn dựa trên cấu hình máy, bằng cách truy cập menu > Options > General > Performance > tắt Use recommended performance settings > thay đổi con số trong Content process limit. Với tuỳ chọn này, bạn sẽ có thể đánh đổi bộ nhớ để đạt được hiệu năng cao hơn.

Nếu muốn Firefox hoạt động trên 1 tiến trình như cũ, bạn có thể đặt tuỳ chọn trên thành 1, tất nhiên Mozilla không hề ủng hộ điều này.

Các phần mở rộng truyền thống sẽ không còn tương thích

Với những thay đổi lớn như vậy, Firefox Quantum buộc phải "chia tay quá khứ". Các phần mở rộng truyền thống (được viết bằng XUL) sẽ không còn được hỗ trợ nữa. Hiện Firefox sẽ chỉ hỗ trợ các WebExtensions, vốn có một số giới hạn về mặt tính năng và tương tự như các phần mở rộng của Chrome hay Edge.

Bạn có thể xem qua các phần mở rộng bằng cách vào menu > Add-Ons. Các phần mở rộng bị ngừng hoạt động sẽ được liệt kê trong mục Legacy Extensions, và bạn có thể bấm vào nút Find a Replacement để tìm các phần mở rộng có tính năng tương tự và tương thích với Firefox Quantum.

Có thể trong thời gian đầu, bạn sẽ phải đợi các nhà phát triển cập nhật phần mở rộng của họ, tuy nhiên trên kho phần mở rộng của Firefox hiện cũng có khá nhiều phần mở rộng có thể thay thế cho cái bạn đang sử dụng rồi.

Nếu bạn buộc phải dùng một phần mở rộng nào đấy mà vẫn chưa được cập nhật, bạn có thể chuyển sang Firefox ESR để sử dụng một phiên bản Firefox cũ hơn. Cụ thể sẽ được trình bày ở phần dưới.

Thiết kế Photon không chỉ đơn thuần là một giao diện mới

Firefox Quantum có một giao diện mới được Mozilla gọi là "Thiết kế Photon". Trình duyệt này sẽ có thể hoạt động tốt mới các màn hình có DPI cao, đồng thời nếu bạn sử dụng trên màn hình cảm ứng thì các menu sẽ tự động tăng kích cỡ mỗi khi bạn dùng tay chạm vào màn hình, và giữ nguyên kích cỡ bình thường nếu bạn dùng chuột. Khả năng tuỳ biến thanh công cụ vẫn còn như các phiên bản trước.

Thiết kế mới trông tối giản hơn nhiều, và theo một số người dùng thì càng lúc càng giống Chrome hơn. Firefox Quantum có một mục gọi là Library - nơi lưu trữ đánh dấu trang, lịch sử, Pocket List, các tập tin đã tải về, các tab được đồng bộ và các ảnh chụp màn hình.

WebAssembly, Virtual Reality và Screenshots

Đây là các tính năng khác mới xuất hiện trên Firefox Quantum. Firefox Quantum đã hỗ trợ WebAssembly - một ngôn ngữ lập trình cấp thấp mà các lập trình viên có thể sử dụng để tạo ra các ứng dụng web có tốc độ nhanh hơn; hỗ trợ WebVR - cho phép các website có thể tận dụng tối đa các thiết bị VR như Oculus Rift hay HTC Vive.

Đặc biệt, dịch vụ Pocket của Mozilla cũng đã được tích hợp sâu hơn vào Firefox và sẽ hiển thị các bài viết đang thịnh hành trong trang New Tab của bạn. Firefox cũng tích hợp tính năng Firefox Screenshots - cho phép người dùng chụp ảnh màn hình các website nhanh và dễ dàng hơn. Để truy cập tính năng này, bạn nhấn nút "..." trên thanh địa chỉ và nhấn tiếp "Take a Screenshot".

Nếu bạn muốn dùng lại trình duyệt Firefox cũ...

Firefox Quantum thực sự đã mang lại những thay đổi rất lớn đối với trình duyệt đã quá nổi tiếng này, nhưng không phải ai cũng thích thú. Sẽ có những lúc bạn cần một số tính năng nào đó trên Firefox cũ mà Firefox Quantum không có (hoặc chưa có).

Chính vì thế, Mozilla đã cung cấp chương trình Firefox Extended Support Release (Firefox ESR đã đề cập ở trên), nhắm vào đối tượng các công ty hay tổ chức lớn muốn sử dụng một trình duyệt Firefox cổ điển hơn, chủ yếu được cập nhật bảo mật. Firefox ESR sẽ không nhận được các bản cập nhật mỗi 6 tuần một lần.

Hiện Firefox ESR dừng lại ở phiên bản Firefox 52 và sẽ được hỗ trợ cập nhật bảo mật cho tới 26/6/2018. Vì là một phiên bản cũ nên các phần mở rộng cũ vẫn sẽ hoạt động tốt mà không lo về vấn đề tương thích. Tất nhiên giao diện của Firefox ESR cũng y hệt Firefox 52.

Sau ngày 26/6/2018, bạn sẽ phải cập nhật Firefox ESR lên phiên bản mới hơn (vốn không hỗ trợ các phần mở rộng truyền thống) nếu muốn tiếp tục nhận các bản cập nhật bảo mật. Điều đó có nghĩa là Firefox ESR không phải là một giải pháp lâu dài, nhưng cũng tốt nếu bạn muốn chờ các nhà phát triển cập nhật các phần mở rộng mà mình yêu thích.

Tấn Minh

Chủ đề khác