VnReview
Hà Nội

Trên tay Lenovo Vibe Z chính hãng

Lenovo Vibe Z là smartphone cao cấp nhất của nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc vừa được bán ra thị trường Việt Nam với giá 10,49 triệu đồng.

Cuối năm ngoái, chúng tôi đã trải nghiệm chiếc Lenono Vibe X. Đó là smartphone có thiết kế khá đẹp, màn hình sáng nhưng hoạt động không mượt. Có thể nói đó là một bước lùi về hiệu năng so với chiếc Lenovo K900 chạy vi xử lý Intel trước đó. Mặc dù có giá khá cao (9,6 triệu đồng) nhưng Vibe X không phải là sản phẩm thay thế cho Lenovo K900. Sản phẩm thực sự thay thế cho K900 ở phân khúc cao cấp của Lenovo là chiếc Vibe Z K910L vừa bán ra thị trường Việt Nam, cũng có màn hình 5.5 inch.

Không như Vibe X, chiếc Vibe Z có cấu hình xứng đáng là máy cao cấp với bộ vi xử lý Qualcomm Snapdragon 800 lõi tứ tốc độ 2.2GHz, 2GB RAM, màn hình 5.5 inch độ phân giải Full-HD, camera 13MP phía sau và 5MP phía trước, bộ nhớ 16GB (không có khe cắm thẻ nhớ) và pin 3.000 mAh.

; 

Liệu Vibe Z có thể giúp Lenovo cạnh tranh được với các sản phẩm cao cấp của các hãng Samsung, Sony, HTC và LG đang có trên thị trường hay không?

Thiết kế

Khác với chiếc K900 sử dụng nhôm nguyên khối, Lenovo sử dụng chất liệu nhựa cho chiếc Vibe Z. Vì vậy, cầm máy cảm thấy nhẹ nhõm hơn hẳn so với K900. Thực tế, trọng lượng của hai máy cũng chênh lệch khá nhiều, 142g và 162g. Ngoài yếu tố nhẹ hơn, chiếc Vibe Z dễ cầm hơn và không bị cấn lòng bàn tay như K900 do các góc máy bo tròn và các cạnh phía sau cũng vát hơn.  

Vỏ nhựa của Vibe Z có bề mặt vân chấm tương tự Vibe X, cho cảm giác cầm dễ chịu hơn là các máy dùng vỏ bóng. Tấm vỏ này cũng không tháo được giống Vibe X. Viền xung quanh các máy cũng là nhựa mạ giả kim loại nhưng các phím âm lượng và phím nguồn là bằng kim loại thật có màu sáng trắng. Do kích thước to nên phím nguồn đặt trên đỉnh máy rất khó bấm khi cầm một tay. Có lẽ Lenovo hiểu được điều đó nên cho phép người dùng sử dụng nút âm lượng ở cạnh trái để bật màn hình, nhưng lại không khóa được màn hình như nút nguồn.

Nhìn chung, Vibe Z đã cải thiện được một số hạn chế xuất hiện trên chiếc K900 và máy có mức độ hoàn thiện khá tốt. Các chi tiết trên máy đều được thiết kế trau chuốt, trừ vị trí camera phía sau lồi lên hơn 1mm trông hơi xấu. Chất liệu nhựa cũng khiến cho máy không có được cảm giác cứng cáp và cao cấp như sản phẩm tiền nhiệm.

  

Vibe Z có màn hình 5.5 inch độ phân giải Full-HD tương tự K900

Phía trên mặt trước có camera 5MP, cảm biến ánh sáng, tiệm cận và loa thoại

Ba phím cảm ứng Menu, Home và Back. Chấm nhỏ ở mép giữa là mic thu tiếng thoại.

Vỏ mặt sau có thiết kế vân, không tháo rời được

Phím âm lượng bằng chất liệu kim loại bên cạnh trái

Cạnh phải có khe cắm thẻ SIM cỡ nhỏ (Micro-SIM). 

Phím nguồn bằng kim loại và giắc âm thanh trên đỉnh máy. Vị trí này trên đỉnh máy khiến phím nguồn rất khó bấm khi sử dụng bằng một tay.

Cổng micro-USB dưới đáy máy

Camera phía sau của Vibe Z có độ phân giải 13MP và có hai đèn flash trợ sáng

Máy có thiết kế khá mỏng (8mm), riêng chỗ camera phía sau lồi lên khoảng hơn 1,5mm nữa

Khe loa ngoài ở phía sau

Màn hình

Vibe Z có màn hình IPS LCD với kích cỡ 5.5 inch và độ phân giải Full-HD, mật độ điểm ảnh 401 PPI tương tự chiếc K900. Chất lượng hiển thị cũng tương đương sản phẩm tiền nhiệm: màu sắc hiển thị khá chuẩn, góc nhìn rộng, độ sáng tốt (421 nits ở độ sáng tối đa), độ đen sâu và độ tương phản ấn tượng. Nhiệt màu của màn hình hiển thị trông ấm, không bị hiện tượng ngả xanh.

Khả năng hiển thị các màu cơ bản của Vibe Z. Dãy phía dưới là bộ màu chuẩn, phía trên là màu hiển thị thực của Vibe Z trên màn hình.

Chụp thử camera

Lenovo Vibe Z có camera 13MP phía sau tương tự Lenovo K900 nhưng camera phía trước được tăng độ phân giải lên 5MP so với 2MP của K900. Chiếc camera chính 13MP của Vibe Z cũng có thông số tương tự camera 13MP trên sản phẩm tiền nhiệm: cảm biến BSI, ống kính khẩu mở rộng f/1.8 và hai đèn flash trợ sáng.

Chúng tôi mới chụp thử một số ảnh từ máy, nhận thấy máy có tốc độ chụp nhanh, chạm vào là ảnh chụp đã xử lý xong. Mỗi tấm ảnh 13MP có dung lượng từ khoảng 4-6MP. Chất lượng ảnh ở mức khá, màu thể hiện tốt nhưng nước ảnh không được trong trẻo lắm. Khi chụp ban đêm, máy có chế độ "Siêu phong cảnh ban đêm" giúp tăng sáng cho ảnh nhưng đồng thời độ nhiễu cũng tăng lên nhiều.

Ảnh chụp đêm ở chế độ bình thường

Ảnh chụp ở chế độ "Siêu phong cảnh ban đêm" giúp ảnh sáng hơn nhưng muỗi nhiều hơn

Phần mềm nhiều tính năng riêng

Vibe Z được cài sẵn hệ điều hành Android 4.3, không phải là phiên bản mới nhất Android 4.4 nhưng đây không phải là vấn đề lớn bởi máy sử dụng phần mềm tùy biến rất sâu của Lenovo.

Tùy biến đáng chú ý đầu tiên của Huawei trên máy khay ứng dụng quen thuộc của Android đã không còn, thay vào đó tất cả ứng dụng được đưa lên màn hình chủ, giống như chiếc Vibe X và các điện thoại iPhone. Nếu bạn dự định sử dụng nhiều ứng dụng trên máy cũng đừng ngại thiếu màn hình chủ, bởi máy có thể mở rộng tối đa tới 18 màn hình chủ (mỗi màn hình chứa được 20 ứng dụng), chứ không chỉ giới hạn 5-9 màn hình chủ như các điện thoại Android khác.

Vibe Z có thể mở rộng tới 18 màn hình chủ

Lenovo cũng đưa vào máy 8 bộ giao diện (theme) để người dùng thay đổi. Không như giao diện Android gốc có thiên hướng đơn giản, các biểu tượng ứng dụng trên Vibe X trông hơi lòe loẹt, nhiều màu sắc. Giao diện này phù hợp với những người thích nhiều màu sắc nhưng có thể nhiều người sẽ không thích.

Bên cạnh những thay đổi về giao diện, máy được nhà sản xuất đưa vào khá nhiều tính năng riêng, một số hữu ích và một số không mang lại nhiều giá trị sử dụng. Những tính năng được xem là thú vị: trả lời điện thoại thông minh (nhấc máy lên tai là tự nhận cuộc gọi), hiển thị hai ứng dụng cùng lúc trên màn hình (hỗ trợ hầu hết các ứng dụng có trên máy), chức năng USB To Go cho phép người dùng kết nối ổ USB vào máy để copy và tiếp cận dữ liệu trên Vibe Z, hẹn giờ tắt bật máy, bấm phím âm lượng để mở màn hình (hữu ích bởi phím nguồn nằm trên đỉnh máy khó bấm).

Máy được đưa vào nhiều tính năng riêng của nhà sản xuất

Tuy nhiên, cũng có một số tính năng riêng không thực giá trị lắm, chẳng hạn như lắc máy để khóa màn hình, tăng âm lượng khi để máy trong túi. Bên cạnh đó, một số ứng dụng cài sẵn trong máy không xóa được và luôn chạy nền có thể gây khó chịu cho người dùng, ví dụ như ứng dụng bảo mật và quản lý pin. Nếu bạn có nhu cầu cần ứng dụng bảo mật thì đây không phải là vấn đề nhưng nếu không cần dùng tới thì thực sự khó chịu.

Hiệu năng mượt

Ở khía cạnh hiệu năng, Vibe Z là máy cao cấp và được trang bị cấu hình mạnh mẽ với bộ vi xử lý Snapdragon 800 lõi tứ 2.2GHz và RAM 2GB như nhiều smartphone đầu bảng hiện nay nên chạy mượt. Vấn đề tốc độ xử lý chậm trên Vibe X không hề tồn tại trên Vibe Z. Máy mở ứng dụng nhanh, lướt web mượt và xử lý tốt phim H Full-HD. Các ứng dụng nặng đồ họa 3D như game Asphalt 8 cũng không có cảm giác chậm. Nhìn chung, Vibe Z có cảm giác nhanh như các máy Android cao cấp Galaxy S4, LG G2 và Xperia Z1.

Chúng tôi mới sử dụng máy trong thời gian chưa lâu nên chưa có điều kiện đánh giá thời lượng viên pin dung lượng 3000 mAh của máy. Snapdragon 800 là nền tảng phần cứng được Qualcomm thiết kế tiêu hao năng lượng rất tối ưu nên hy vọng máy sẽ có thời lượng tốt.

Kết luận sơ bộ

Vibe Z là sản phẩm đầu bảng mới của Lenovo hiện nay. Máy có cấu hình mạnh mẽ, màn hình tốt và phần mềm có nhiều tính năng riêng hữu ích nhưng thiết kế thân nhựa không mang lại cảm nhận là máy cao cấp. Thêm nữa, mức giá 10,5 triệu đồng của sản phẩm này hiện tại đã tương đương hoặc tiệm cận với giá bán của một số sản phẩm đầu bảng hấp dẫn trên thị trường từ các hãng có tên tuổi hơn như Google Nexus 5, LG G2 và HTC One. Tuy vậy, Vibe Z cũng có ưu thế với những người thích smartphone màn hình lớn trên 5 inch.  

TP

Chủ đề khác