VnReview
Hà Nội

Thị trường đầu thu số DVB-T2: Cầu đã có, nhưng cung còn cầm chừng

Hiện mới chỉ có 5 trong tổng số 19 đầu thu số DVB-T2 đã công bố đạt tiêu chuẩn chất lượng có bán ra thị trường với số lượng hạn chế. Trong khi đó nhu cầu thị trường đầu thu số DVB-T2 được dự báo đạt tới 15 triệu chiếc từ nay đến năm 2020.

Hiện hơn 20 tỉnh, thành đã xem được từ 40-70 kênh truyền hình quảng bá bằng tivi số hoặc tivi thường có gắn đầu thu số DVB-T2. Ảnh minh họa: Internet

Theo số liệu từ Cục Viễn thông, tính đến thời điểm này đã có 19 sản phẩm đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 đã hoàn thiện thủ tục công bố hợp quy chất lượng sản phẩm, 2 sản phẩm đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ.

Trong đó có 1 công ty có 5 sản phẩm, 1 công ty có 4 sản phẩm, 3 công ty có 2 sản phẩm và 4 công ty có mỗi đơn vị một sản phẩm được công bố hợp quy. Những sản phẩm này là đầu thu số DVB-T2 chính hãng được phép sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, trong số 19 sản phẩm đầu thu số đã thực hiện công bố hợp quy mới chỉ có 5 sản phẩm chính hãng có mặt trên thị trường, còn lại khá nhiều doanh nghiệp thực hiện công bố hợp quy theo kiểu "xong rồi để đó" mà chưa hề có động thái sản xuất hay nhập khẩu để đưa đầu thu số DVB-T2 ra thị trường.

Điển hình như Công ty CP nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã đăng ký 5 sản phẩm từ tháng 9/2014 nhưng đến này vẫn chưa có các mẫu đầu thu này bán ngoài thị trường. Theo đại diện của AVG, AVG không định kinh doanh sản phẩm đầu thu số DVB-T2 thu sóng quảng bá bởi không muốn ảnh hưởng tới việc phát triển dịch vụ truyền hình trả tiền (Truyền hình An Viên-PV).

Ở thời điểm này, tình trạng thị trường thiếu vắng các sản phẩm đầu thu số chính hãng, đã khiến cho đầu thu số "lậu" lại tràn ngập thị trường Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam khiến cho VTV là đơn vị truyền dẫn phát sóng lo ngại.

Mới đây, ông Trần Dũng Trình, Phó Tổng giám đốc VTV cũng tỏ ra lo ngại tình trạng ít đầu thu số chính hãng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng số hóa truyền hình. Bởi nếu để đầu thu Trung Quốc tràn vào người dân dùng không xem được truyền hình, hoặc xem chất lượng thấp lại kêu ca chất lượng phát sóng của VTV kém, đòi phải tiếp tục nâng cấp nhưng thực tế nếu dùng đầu thu số đạt chuẩn lại xem rất tốt.

Ông Trình đề nghị Thanh tra Bộ TT&TT và Sở TT&TT phải phối hợp với lực lượng quản lý thị trường các địa phương thanh kiểm tra ngặt nghèo, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm buôn bán đầu thu số lậu.

Theo Sở TT&TT Đà Nẵng, chỉ còn 4 ngày nữa là Đà Nẵng sẽ thực hiện tắt sóng truyền hình analog, tuy nhiên cho đến nay số lượng đầu thu số DVB-T2 đạt tiêu chuẩn kỹ thuật lưu thông trên thị trường rất ít cả về chủng loại và số lượng. Thị trường chủ yếu bán các loại đầu thu có xuất xứ Trung Quốc, chưa được kiểm định về chất lượng kỹ thuật, không thực hiện quy định về dán tem nhãn, logo số hóa truyền hình. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện số hóa truyền hình, bởi nhiều người dân đã mua đầu thu số DVB-T2 kém chất lượng vừa tốn kém chi phí, vừa không đảm bảo chất lượng thu được sóng truyền hình số.

Liên quan đến thị trường đầu thu số DVB-T2, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cũng tỏ ra lo ngại vì số lượng mẫu đăng ký công bố hợp quy thì nhiều nhưng số lượng hàng thực tế đưa ra thị trường rất ít. Các doanh nghiệp e ngại vì sức mua của người dân còn hạn chế nên nhiều doanh nghiệp nhập khẩu có năng lực tung hàng với lượng khá lớn, nhưng họ còn e ngại vì giá cả đầu thu số ngày càng rẻ, sức mua của thị trường cũng chưa cao.

Nếu tính theo số liệu hộ gia đình đang dùng tivi analog, nhu cầu mua sắm đầu thu số DVB-T2 được cho là có thể lên tới 14-15 triệu chiếc từ nay đến năm 2020. Riêng khu vực Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam có khoảng 192.000 hộ gia đình đang dùng tivi analog, số hộ này sẽ phải mua đầu thu số DVB-T2 để thu xem truyền hình khi tại khu vực này tắt sóng truyền hình analog hoàn toàn từ 30/9/2015.

Theo ICTNews

Chủ đề khác