VnReview
Hà Nội

Chuyện ít biết về mối quan hệ “anh em” của Oppo và Vivo

Sau ồn ào với công ty FPT Trading về việc nhập khẩu chiếc Oppo F1, mới đây lại có văn bản lan truyền trên mạng xã hội được cho là từ Oppo Việt Nam phát đi cảnh báo hãng này sẽ ngừng làm việc và tài trợ cho bất kỳ cửa hàng nào nếu hợp tác với thương hiệu Vivo.

Theo nội dung thông báo được một chủ cửa hàng điện thoại chụp hình đăng trên mạng, Oppo Việt Nam tuyên bố sẽ ngừng hợp tác với cửa hàng nào đang làm việc và nhận tài trợ từ Oppo gắn biển hiệu của Vivo. Ngoài ra, Oppo Việt Nam cũng sẽ chấm dứt hợp đồng nếu cửa hàng tổ chức sự kiện quảng bá điện thoại cho Vivo và nhận nhân viên nữ hỗ trợ bán hàng từ Vivo. Văn bản lan truyền đó có dấu đỏ và chữ ký được cho là của Giám đốc Oppo Việt Nam Nguyễn Quang Kha. Thế nhưng phản hồi với báo chí, phía OPPO Việt Nam cho rằng đó là văn bản giả mạo và họ đang nhờ cơ quan quản lý điều tra, xác minh.

Văn bản chưa rõ thực hư này gây bất ngờ không chỉ bởi thái độ độc quyền của Oppo Việt Nam mà còn bởi một thực tế khác ít người biết: Oppo và Vivo là hai "anh em" có cùng công ty mẹ là BBK đặt trụ sở ở thành phố công nghiệp Đông Quản, tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc. BBK từng là nhà sản xuất đầu DVD và VCD lớn nhất ở Trung Quốc. Oppo còn có thương hiệu con khác là OnePlus được dựng nên để cạnh tranh với Xiaomi nhưng hiện tại không thành công và đang có tin đồn đoán sẽ sớm được hợp nhất với Oppo.

Hai "anh em" đang nổi trên thị trường

Có lẽ do có cùng nguồn gốc, cả OPPO và Vivo đều có chiến lược kinh doanh và định vị trên thị trường khá giống nhau: chi mạnh tay cho quảng cáo, hướng vào khách hàng trẻ với các sản phẩm tập trung vào thiết kế và thời trang. Thời gian gần đây, cả Oppo và Vivo đều là những thương hiệu có tốc độ tăng trưởng tốt dù bối cảnh chung của thị trường smartphone toàn cầu đang suy giảm.

Vivo là cái tên còn khá mờ nhạt ở thị trường toàn cầu nhưng đang tăng trưởng ấn tượng ở thị trường Trung Quốc. Trong quý 1 năm nay, số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Canalys cho thấy Vivo đã chiếm được vị trí thứ 2 về thị phần ở Trung Quốc với hơn 13%, chỉ sau Huawei và nhỉnh hơn chút so với 3 thương hiệu kế sau là Xiaomi, Oppo và Apple. Trong quý hai năm nay, Canalys dự đoán thị phần smartphone của Vivo ở Trung Quốc sẽ còn tăng thêm từ 4-8% nữa.

Vivo vươn lên thứ 2 thị phần ở Trung Quốc quý 1/2016, theo Canalys

Ở thị trường toàn cầu, thứ hạng của Vivo và Oppo cũng đang lên rất nhanh. Theo số liệu của hãng nghiên cứu Strategy Analytics, Oppo bán được tới 10,8 triệu chiếc smartphone trong quý cuối năm 2015 chiếm vị trí thứ 5 về thị phần smartphone toàn cầu, còn Vivo có được 10% thị phần, đứng thứ 4 ngay sau Apple (13% thị phần).

Chiến lược bám địa phương, thành thị nhỏ

Oppo và Vivo đều thúc đẩy doanh số theo cách làm gần như ngược lại với Xiaomi. Xiaomi bán khoảng 70% số sản phẩm của mình trực tuyến nhằm cắt giảm chi phí tiếp thị và phân phối theo kênh truyền thống. Trong khi đó, Vivo và Oppo lại đi theo hướng khác, ưu tiên đầu tư vào hệ thống bán lẻ hơn thương mại điện tử.

Nhiều thương hiệu smartphone có xu hướng bán online ở mức giá rẻ hơn giá bán ở các cửa hàng truyền thống, gây ra bất bình trong các nhà phân phối. Các thương hiệu này cũng thường tổ chức mạng lưới nhiều đối tác phân phối, dẫn đến việc các nhà phân phối phải cắt giảm giá và tỷ suất lợi nhuận để cạnh tranh nhau.

Vivo và Oppo đã giải quyết được tình trạng đau đầu đó bằng cách bỏ qua thương mại điện tử để ưu tiên hợp tác với các đối tác bán lẻ. Theo Nicole Peng, giám đốc của hãng nghiên cứu Canalys, cả Vivo và Oppo đều có ít nhà phân phối và những nhà phân phối này đều là đối tác độc quyền. Hai hãng này cũng đảm bảo giá sản phẩm sẽ không giảm sau 6 tháng đồng thời đưa ra cam kết mức lợi nhuận nhất định cho các nhà phân phối. Các nhà phân phối được khuyến khích bán nhiều điện thoại và cung cấp chất lượng chăm sóc khách hàng tại cửa hàng nhằm xây dựng thương hiệu chất lượng.

Một chiến lược khác biệt nữa của Oppo và Vivo là tập trung mạnh vào hệ thống bán lẻ ở các thành phố cấp hai và cấp ba, là những nơi mức độ thâm nhập của smartphone còn thấp so với các thành phố lớn. Đây cũng là những nơi mà các hãng lớn như Apple, Samsung hay Huawei chưa phủ tới một cách đầy đủ. Trong thời gian tới, các nhà phân tích dự đoán các thành phố cấp hai, cấp ba mới là chiến địa của các hãng smartphone bởi vì các thành phố lớn đã tiến đến điểm bão hoà.

Oppo và Vivo cũng có chiến lược tiếp thị tương đồng. Cả hai đều tập trung đầu tư mạnh vào quảng cáo trên các kênh truyền hình, các ngôi sao giải trí và phim ảnh. Từ năm 2011, Oppo đã từng hợp tác với ngôi sao như Song Hye Kyo, Leonardo di Caprio trên thị trường quốc tế hay Sơn Tùng MTP, Hồ Ngọc Hà, Tóc Tiên… ở Việt Nam. Chiến lược này hỗ trợ rất hiệu quả cho việc khai thác các thị trường địa phương, nơi mà kênh Internet và báo chí truyền thống chưa tác động mạnh như các thành phố lớn. Tuy nhiên, tính năng công nghệ trên sản phẩm của Oppo và Vivo có những định hướng khác biệt. Oppo chú trọng hơn vào quảng bá thiết kế và camera, còn Vivo tập trung nhiều hơn vào khả năng nghe nhạc.

Tại sao ít người biết người đến quan hệ anh em của Vivo và Oppo?

Câu trả lời đơn giản nhất là do những người quản lý của cả Oppo, Vivo và OnePlus đều hiếm khi nói về mối quan hệ của họ. Chính bởi vậy mà chỉ có người yêu công nghệ hoặc những người trong ngành mới biết đến quan hệ "anh em" của Vivo và Oppo.

Mặc dù có chung người cha là BBK cũng như chiến lược kinh doanh tương đồng nhưng theo tìm hiểu của hãng nghiên cứu Counterpoint Research thì Oppo và Vivo đều phát triển độc lập và là những đối thủ bình thường của nhau trên thị trường. Hai công ty không có bất kỳ mối quan hệ gì trong hoạt động kinh doanh. Mối quan hệ duy nhất giữa họ là có chung một số cổ đông.

TP

Tổng hợp từ QR, Reuters, CounterPoint Research

Chủ đề khác