VnReview
Hà Nội

Bài toán nan giải siêu phẩm Android xuống giá

Chỉ sau khoảng nửa năm, hàng loạt smartphone Android cao cấp sẽ đi vào chu kỳ giảm giá. Đứng trước nguy cơ này, các nhà sản xuất đã tìm ra phương pháp hữu hiệu sau đây.

Chu kỳ nửa năm giảm giá một lần

Theo thông lệ, sau khoảng thời gian 6 tháng ra mắt, hầu hết các mẫu smartphone Android cao cấp đều sẽ rơi vào chu kỳ giảm giá. Phần vì các sản phẩm này đã có tuổi đời, phần vì cấu hình, tính năng không còn là mới nhất.

Không chỉ các nhà sản xuất nhỏ, mà ngay cả các thương hiệu smartphone danh tiếng cũng đều gặp phải bài toán nan giải này. Không giảm giá, smartphone sẽ khó cạnh tranh, nhưng giảm rồi lợi nhuận và doanh thu sẽ tụt dốc.

Lấy ví dụ như chiếc LG V10 được ra mắt vào cuối năm ngoái. Khi cập bến thị trường Việt Nam, máy có giá bán khoảng 16 triệu đồng. Nhưng sau đó nửa năm, tức là thời điểm hiện tại, LG V10 chỉ dao động trong khoảng 11 triệu đồng.

Thậm chí, với các sản phẩm xách tay trôi nổi ngoài thị trường, LG V10 chỉ còn khoảng 7-8 triệu đồng. Nghĩa là sau nửa năm ra mắt, chiếc siêu phẩm một thời đã mất đi tới hơn 30% giá trị ban đầu, một con số đáng suy ngẫm.

Giảm giá là chuyện quá quen với siêu phẩm Android - Ảnh: Reuters

Vì đâu siêu phẩm phải xuống giá?

Giải thích cho chu kỳ giảm giá 6 tháng của smartphone Android cao cấp, chúng ta có thể nhìn vào 3 lý do chính bao gồm: sự phát triển của thị trường, mẫu mã đổi mới và cuối cùng là cấu hình liên tục nâng cấp.

Mỗi tháng, thị trường phải đón nhận hàng chục mẫu sản phẩm Android mới được ra đời. Điều này đồng nghĩa đối thủ của một smartphone bất kỳ sẽ ngày càng nhiều hơn. Để cạnh tranh, các nhà sản xuất ắt sẽ phải giảm giá.

Ngoài ra, ngoại hình của các mẫu sản phẩm cũng luôn phải đổi mới. Sự nhàm chán trong thiết kế smartphone đã bị lên án rất nhiều trong thời gian gần đây. Ngoại hình cũ, thiết kế cũ sẽ khiến sản phẩm mất đi giá trị trong mắt người dùng.

Cuối cùng là yếu tố cấu hình. Để cạnh tranh, smartphone Android luôn phải nâng cấp, cải tiến các thông số để lấy lòng người dùng. Thực tế đã chứng minh, chỉ sau khoảng 6 tháng, dù cao cấp tới mấy, smartphone sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời.

Giải pháp phủ đầy mọi phân khúc

Smartphone tầm trung chính là giải pháp cho xu hướng này - Ảnh: AFP

Để giải được bài toán này, các nhà sản xuất smartphone đã đưa ra chiến lược phủ đầy mọi phân khúc. Nghĩa là tung ra các sản phẩm bổ trợ trước thời điểm các mẫu smartphone cao cấp tới chu kỳ buộc phải xuống giá.

Lấy một ví dụ như chiếc Galaxy A5 2016 gần đây của Samsung. Đây là sản phẩm thuộc phân khúc giá bán tầm trung, với cấu hình vừa đủ, nhưng được kế thừa những đường nét thiết kế đặc trưng của dòng sản phẩm cao cấp.

Thay vì sẽ tìm tới một smartphone cao cấp đã có tuổi đời, thiết kế không còn mới, người dùng sẽ có xu hướng chọn mua các sản phẩm như dòng Galaxy A nhiều hơn. Vì máy đảm bảo 2 yếu tố: không lỗi thời và hợp túi tiền.

Tất nhiên, cũng cần nhấn mạnh, các smartphone tầm trung này chỉ phần nào làm chậm chu kỳ giảm giá của dòng smartphone cao cấp, giúp các nhà sản xuất phủ đầy phân khúc, chứ không mang ý nghĩa chống lại được xu hướng xuống giá chung của smartphone.

Ngay cả với Apple, nhà sản xuất di động này cũng phải thay đổi chiến lược kinh doanh của mình thay vì chỉ tập trung vào phân khúc cao cấp, nay đã bắt đầu lấn sân vào thị trường smartphone tầm trung bằng việc ra mắt mẫu iPhone SE. Tuy nhiên, với việc chỉ sử dụng thiết kế cũ giống như iPhone 5S và giá bán ra vẫn còn cao hơn so với những mẫu smartphone tầm trung khác, iPhone SE đang bị đánh giá là một sản phẩm khó lòng cạnh tranh với các mẫu smartphone tầm trung Android hiện nay của nhiều hãng sản xuất khác.

Theo Thanh Niên

Chủ đề khác