VnReview
Hà Nội

Những smartphone "xịt" nhất của Xiaomi

Từ khi mới thành lập, Xiaomi (Trung Quốc) được biết đến là thương hiệu sản xuất ra những mẫu smartphone bán chạy nhất trên thế giới nhờ giá bán hấp dẫn so với cấu hình. Tuy vậy, hãng này cũng có một số sản phẩm không thành công.

Dưới đây là một số sản phẩm có thể nói là "xịt nhất" của Xiaomi, được người dùng và giới công nghệ đón nhận không tích cực.

Xiaomi Mi 3-TD

Có lẽ khá buồn cười khi đưa một chiếc máy từng là dòng cao cấp của Xiaomi vào danh sách này. Thế nhưng quay trở lại thời điểm mới ra mắt vào quý 3 năm 2013, Xiaomi đã giới thiệu ra 2 phiên bản của Mi 3, một bản thường chạy vi xử lý Qualcomm Snapdragon 800 và phiên bản Mi 3-TD chạy trên vi xử lý Nvidia Tegra 4 là chiếc máy mà chúng ta đang nhắc đến ở đây.

Phiên bản Mi 3-TD này chỉ hỗ trợ 3G của một số nhà mạng tại Trung Quốc. Chạy trên vi xử lý của một nhà sản xuất nổi tiếng với game thủ, chipset của Nvidia trên di động được tối riêng về đồ họa cho rất nhiều tựa game hay. Mặc dù vậy, không nhiều nhà sản xuất gắn bó với Nvidia bởi các vấn đề liên quan tới nhiệt độ. Mi 3-TD cũng bị rất nhiều người dùng phàn nàn là khi sử dụng bị nóng máy và hao pin hơn rõ rệt so với phiên bản WCDMA đồng thời máy không hỗ trợ kết nối 3G khi đi ra nước ngoài. Vấn đề ở đây là thời gian đầu Xiaomi lại chỉ bán ra phiên bản này chứ không bán song song với Mi 3 bản WCDMA. Những vấn đề khó ưa này khiến cho chiếc máy này nhận được vô số phản hồi tiêu cực từ người dùng.

Xiaomi Mi 4i

Mi 4i được giới thiệu tại Ấn Độ vào tháng 4/2015 với chữ "i" đại diện cho "India" (Ấn Độ). Đây là mẫu smartphone mang tham vọng vươn tới thị trường ngoại tuy nhiên lại không thật sự thành công như mong đợi.

Mang trong mình thiết kế nhỏ gọn bằng nhựa policabonate bền bỉ và chống bám bẩn, chiếc máy cũng để lại nhiều ấn tượng về thiết kế với nhiều phiên bản màu sắc trẻ trung. Trang bị vi xử lý tầm trung Snapdragon 615 ở thời điểm ra mắt cùng với mức giá bán khá dễ chịu chỉ 250 USD (khoảng 5,5 triệu đồng) tuy nhiên Mi 4i lại không nhận được nhiều đơn đặt hàng như dự kiến đồng thời bị nhiều người dùng phàn nàn về hiệu năng của máy lại không được như mong đợi.

Máy có 2 chế độ hoạt động Bình thường & Hiệu suất. Khi sử dụng ở chế độ thường, mọi thao tác đều khá chậm chạm, giật lag. Chế độ Hiệu suất lại khiến máy hoạt động mượt mà hơn một chút thì lại tiêu tốn pin quá nhanh.;

Cấu hình cơ bản của Mi 4i gồm: màn hình IPS LCD 5 inch độ phân giải Full-HD, chip Snapdragon 615 tám lõi, RAM 2GB, bộ nhớ 16/32GB, camera 13MP và 5MP, pin 3.120 mAh.

Xiaomi Mi 4c

Thất bại của chiếc Mi 4i khiến Xiaomi nhanh chóng thay thế bằng chiếc Mi 4c chỉ ngay 4 tháng sau khi ra mắt. Mi 4c không có thay đổi nào về ngoại hình so với Mi 4i ngoại trừ trang bị cổng sạc USB type-C. Máy được bổ xung thêm tính năng Edge Tap, có thể chạm vào cạnh máy để chụp ảnh hoặc thay thế nút Back.

Lại một lần nữa phá giá trị trường, Xiaomi trang bị cho Mi 4c với vi xử lý Snapdragon 808 với mức giá bán tại thời điểm ra mắt chỉ khoảng 192 USD (khoảng 4,3 triệu đồng), chỉ bằng 1/4 so với chiếc LG G4 có cùng vi xử lý. Tuy vậy hiệu năng thực tế của Mi 4i cũng không thật sự xuất sắc. Con chip Snadragon 808 cho tốc độ xử lý thua thiệt so với Snapdragon 801 trên Mi 4 đồng thời người dùng cũng phàn nàn rất nhiều về hiện tượng máy nóng và hao pin nhanh.

Hiện tại ngay cả khi mức giá bán xách tay tại Việt Nam chỉ khoảng 2,6 triệu đồng (tham khảo tại Hoàng Hà Mobile) nhưng theo ghi nhận của nhiều chủ cửa hàng xách tay, rất ít người lựa chọn chiếc máy này.

Xiaomi Mi 4s

Là sản phẩm làm nền trong sự kiện ra mắt Xiaomi Mi 5, Mi 4s cũng thu hút không ít sự quan tâm khi có sự cải tiến về thiết kế với khung viền kim loại và mặt lưng kính ánh vân. Thậm chí Mi 4s còn có phiên bản màu hồng và tím thời trang dành cho phái nữ. Chiếc máy được trang bị cảm biến vân tay 1 chạm ở mặt lưng.

Mức giá bán khoảng 260 USD (khoảng 5,8 triệu đồng) thời điểm đó cũng chưa thật sự hấp dẫn khi mà nhiều người dùng đã chờ đón những sản phẩm cao cấp hơn và sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn cho một chiếc điện thoại của Xiaomi. Không có số liệu cụ thể về doanh số cho sản phẩm này nhưng dễ thấy cũng như Mi 4i và Mi 4c, chiếc Mi 4s không có được kết quả khả quan. 

Xiaomi Mi Note Pro

Mi Note Pro là một trong những thiết bị sớm nhất được giới thiệu chạy trên vi xử lý Snapdragon 810 đầy tai tiếng của Qualcomm. Tuy nhiên phải đến khi các đối thủ cạnh tranh đến từ LG và HTC ra mắt chán chê những chiếc máy cũng chạy S810 thì Xiaomi mới đưa Mi Note Pro lên kệ với lời giải thích rằng hãng đã mất nhiều thời gian phối hợp với Qualcomm để xử lý vấn đề quá nhiệt và phát triển thế hệ chip Snapdragon 810 ổn định hơn cho Mi Note Pro.

Xiaomi còn thậm chí công bố những bức ảnh nhiệt đo nhiệt độ sử dụng của Mi Note Pro sau 20 phút chơi game nhưng kết quả thực tế ghi nhận từ người dùng là chiếc máy vẫn nóng bỏng chỉ sau vài phút sử dụng thông thường.

Tất cả dòng Xiaomi Redmi 3 (Redmi 3/3X/3S/3 Prime/3 Pro)

Khi phải trả lời câu hỏi là Xiaomi đã sản xuất ra bao nhiêu phiên bản của dòng Redmi 3, ngay cả fan ruột của nhà "Gạo nhỏ" cũng khó lòng nhớ được chính xác. Việc liên tục "đẻ" ra các phiên bản của dòng máy giá rẻ này khiến người dùng cũng phải hoang mang và khó chịu khi đưa ra sự lựa chọn.

Trong khi những dòng máy như Mi 4 từng là máy cao cấp một thời đang có mức giá tương đương, rất ít người dùng lựa chọn sản phẩm của dòng Redmi 3. Càng ngày càng tự đưa mình vào ngõ cụt khi chỉ biết chúi đầu vào sản xuất điện thoại giá rẻ, Xiaomi giường như không ngờ tới rằng người dùng đã bắt đầu "chịu chơi" hơn và mong đợi nhiều hơn từ hãng để sản xuất được những chiếc máy cao cấp thực sự để cạnh tranh với những dòng máy đầu bảng đến từ Apple hay Samsung. 

Huy Anh

Chủ đề khác