VnReview
Hà Nội

Tại sao nhiều người dùng vẫn chưa nâng cấp lên Windows 10?

Theo tạp chí Economist, mặc dù Windows 10 đã ra mắt được 18 tháng, 3/4 số người sử dụng máy tính vẫn không để tâm đến việc cài đặt hệ điều hành mới này. Hơn 700 triệu trong số 1,5 tỷ máy tính trên thế giới vẫn đang chạy hệ điều hành Windows 7 – một hệ điều hành cũ 3 đời so với Windows 10.

Có khoảng 300 triệu người sử dụng hiện nay vẫn đang dùng máy tính cài hệ điều hành Windows "cổ lỗ sĩ". Một nửa trong số họ đang dùng hệ điều hành 16 năm tuổi Windows XP mà Microsoft đã khai tử từ cách đây 3 năm.

Các máy tính dùng trong các doanh nghiệp còn "cứng đầu cứng cổ" hơn. Theo một nghiên cứu gần đây của công ty tư vấn thông tin công nghệ Softchoice, máy tính doanh nghiệp vẫn đang cài rất nhiều phiên bản khác nhau của hệ điều hành Windows, nhưng chỉ 1% trong số đó là được cập nhật Windows 10.

Điều đó có nghĩa là chỉ có khoảng 400 triệu máy tính trên thế giới hiện nay đang chạy các bản chính thức hoặc bản sao của Windows 10. Thông thường chỉ cần 18 tháng là một hệ điều hành mới đã được cài đặt rất rộng rãi. Chẳng hạn như Windows 7 sau 18 tháng đã có mặt trên hầu hết máy tính. Windows XP thậm chí còn nhanh hơn gấp 3 lần. Mặc dù việc cài đặt Windows XP đã bắt đầu chậm lại từ năm 2001, nhưng đây vẫn là hệ điều hành thành công nhất của Microsoft với hơn một tỷ bản đã được cài đặt trên toàn thế giới.

Windows 10 có thành công như XP?

Windows 10 có thể đạt được thành công như Windows XP? Chỉ khi những người đang dùng Windows 7 "thay lòng đổi dạ". Hoặc phải đợi đến khi các máy tính đang cài Windows 7 trở nên quá cũ kỹ và bị hỏng thì Windows 10 mới có cơ hội. Đến tháng 1 năm 2020 khi Micrsoft chấm dứt hỗ trợ Windows 7, không cung cấp các bản vá lỗi thì nhiều người dùng sẽ tìm đến phiên bản mới. Tuy nhiên Microsoft không thể chờ đợi lâu. Người khổng lồ phần mềm gần đây đã thừa nhận hãng không thể đạt được mục tiêu cài đặt Windows 10 trên một tỷ máy tính vào năm 2018.

Thực ra mọi việc đã rất trôi chảy trong vòng 12 tháng đầu kể từ khi Windows 10 ra mắt vào tháng 7 năm 2015. Lúc đó Microsoft đã cho phép người dùng Windows 7 và Windows 8.1 được nâng cấp miễn phí lên phiên bản 10. Nhưng khi việc nâng cấp miễn phí bị dừng lại vào tháng 7 năm 2016, sự thu hút của Windows 10 phụ thuộc hoàn toàn vào những người mua laptop, PC, máy tính bảng mới – những thiết bị đã được cài đặt sẵn Windows 10 trước khi xuất xưởng.

Theo số liệu phân tích của hãng Net Applications, Windows 10 chỉ chiếm 24% trong số các hệ điều hành máy tính đang được cài đặt trên toàn thế giới. Riêng gia đình nhà Windows chiếm 92% thị phần. Miếng bánh nhỏ bé 8% còn lại được chia cho OS X của Apple, Chrome của Google và hệ điều hành mã nguồn mở của Linux. Dòng laptop Chromebooks của Google hiện nay đang bán chạy hơn MacBooks của Apple trong thị trường giáo dục.

Một số người cho rằng thị phần của Windows 10 thực ra lớn hơn 24%. Họ chỉ trích phương pháp thu thập dữ liệu của Net Applications là không chính xác. Hãng này thu thập dữ liệu lưu chuyển qua một trang web thương mại có hỗ trợ quảng cáo, trong khi các hãng khác thu thập dữ liệu từ các trang web của chính phủ không có quảng cáo. Việc hỗ trợ quảng cáo có thể khiến cho dữ liệu sai lệch. Những kẻ gian dối trên mạng (cybercrooks) có thể sử dụng xảo thuật "botnet" để "dội bom" quảng cáo với hàng nghìn lượt truy cập giả mạo để thu tiền. Lừa gạt các nhà quảng cáo theo cách này có thể làm sai lệch số liệu lưu chuyển. Tuy nhiên, dữ liệu thu thập về Windows 10 có sai lệch nhiều hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Có thể kết luận rằng thị phần của Windows 10 đã nhích lên một vài phần trăm kể từ khi Microsoft dừng việc nâng cấp miễn phí, trong khi Windows 7 vẫn rất ổn định và được sử dụng nhiều gấp đôi. Nhiệm vụ của Microsoft bây giờ là phải làm sao thuyết phục được các fan của Windows 7 rời bỏ hệ điều hành với giao diện thân thiện để chuyển sang một hệ điều hành vốn được đánh giá là khá phức tạp và mới mẻ.

Windows 10 thực ra là một phần mềm rất ấn tượng và an toàn, nhưng nó vẫn còn có những hạn chế nhỏ. Chẳng hạn như người sử dụng Windows 10 cần có một trình độ tinh thông với máy tính để có thể làm việc theo cách mà họ thích. Windows 10 cũng nhòm ngó nhiều vào "đời tư của người sử dụng" khi lưu giữ các dữ liệu đi và đến của họ. Do lo ngại về những rắc rối mới, người dùng Windows 7 có thể chuyển sang các thiết bị Chromebook và Macintosh. Không ai có thể đổ lỗi cho họ khi làm như vậy.

Chiêu bài doanh nghiệp

Đối với Microsoft, câu trả lời rõ ràng nhất là tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp để nâng cấp hệ điều hành. Tuy nhiên, bên cạnh các ưu đãi khi mua phần mềm, Microsoft cũng sử dụng mánh khóe FUD với các doanh nghiệp (FUD = làm cho sợ hãi, không chắc chắn và nghi ngờ). Chiêu FUD đã từng được IBM thực hiện vào những năm 1970 khi khách hàng có xu hướng rời bỏ hãng này. Từ đầu năm đến nay, các khách hàng doanh nghiệp của Microsoft đang sử dụng Windows 7 đã được cảnh báo rằng: ngay cả khi cài đặt bản vá lỗi, kiến trúc của Windows 7 vẫn không đủ khả năng để đương đầu với những mối đe dọa về bảo mật ngày nay. Công tác khắc phục hậu quả từ các vụ tấn công bởi phần mềm độc hại sẽ khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều chi phí. Microsoft đã gửi thông điệp đến các nhà quản trị mạng doanh nghiệp: trì hoãn việc nâng cấp sẽ khiến bạn gặp nguy hiểm.

Sự "dọa dẫm" không chỉ dừng lại ở đó. Các nhà nghiên cứu Microsoft gần đây đã chỉ ra hai lỗ hổng bảo mật "zero day" (ngày số 0 - lỗ hổng chưa từng được biết đến trước đây) đã bị nhóm hacker Strontium khai thác. Stromtium là nhóm hacker được cho là có liên quan đến tình báo Nga. Nhóm này đã đột nhập vào rất nhiều hệ thống máy tính của Mỹ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, trong đó có máy tính của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ, máy tính của cựu ngoại trưởng Colin Powel và một số tổ chức chính trị khác. Theo các chuyên gia an ninh mạng, cả hai lỗ hổng này đều bị chặn đứng bởi một "bộ áo giáp dày" được "mặc" cho Windows 10 trong phiên bản cập nhật vào tháng 8 năm ngoái (Windows 10.1).

"Bộ áo giáp" nói trên không thể áp dụng cho các phiên bản Windows cũ, bởi vì Windows 10 được thiết kế để phòng thủ theo chiều sâu. Kể cả khi Microsoft có khả năng tạo ra các "bộ áo giáp" mới cho các phiên bản Windows cũ thì hãng cũng sẽ không làm. Người dùng Windows 7 sẽ sớm mất quyền truy cập vào một bộ công cụ độc lập làm giảm thiểu lỗ hổng "zero day". Microsoft biện hộ rằng sở dĩ hãng cắt bỏ công cụ này là vì nó đã được tích hợp vào Windows 10. Lời gợi ý đã trở nên rất rõ ràng: các khách hàng muốn được bảo vệ tốt hơn thì cần phải nâng cấp lên Windows 10.

Những phiền phức với Windows 10

Nhưng không phải cứ nâng lên hệ điều hành mới là mọi chuyện sẽ "ngon". Một phóng viên đồng nghiệp của chúng tôi đang sử dụng máy tính bảng Hewlett-Packard khi cập nhật Windows 10 đã bị dính lỗi driver (trình điều khiển) hiển thị, làm cho màn hình cảm ứng trở nên vô dụng. Anh không có cách nào truy cập được hệ điều hành để tải driver thay thế, cũng không thể cài đặt lại máy về chế độ gốc của nhà sản xuất. Chiếc Hewlett-Packard giờ đây chẳng khác gì một chiếc chặn giấy đắt tiền.

Mặc cho những trải nghiệm tồi tệ với Windows 10, anh vẫn không "dứt tình" với hệ điều hành này. Anh đã mua một chiếc máy tính bảng Windows 10 khác thay thế cho chiếc bị hỏng. Tuy nhiên anh cũng cài đặt máy tính để bàn đang chạy Windows 7 sang hệ điều hành Linux Mint thay vì Windows 10.

Một số người dùng máy tính để bàn ở Việt Nam khi nâng cấp lên Windows 10 đã gặp phải lỗi màn hình xanh. Họ đã quyết định quay lại với Windows 7 cho đến khi có một bản cập nhật mới ổn định hơn.

Đồng nghiệp của chúng tôi cũng phán đoán rằng phiên bản cập nhật Windows 10 Creator (Windows 10.2) phát hành vào tháng 4 tới sẽ an toàn hơn phiên bản hiện tại. Nó cũng sẽ cung cấp cho người dùng công cụ kiểm soát sự riêng tư tốt hơn. Tuy nhiên những tin tức mới nhất cho biết Microsoft sẽ gắn quảng cáo vào trong hệ điều hành - giới thiệu ứng dụng của bên thứ ba ở trong dịch vụ và phần mềm của mình. Điều này khiến cho những người còn đang "lăn tăn" không biết có nên cập nhật Windows 10 không sẽ phải suy nghĩ thêm.

Thông thường các phần mềm miễn phí sẽ bị gắn kèm quảng cáo. Người sử dụng muốn loại bỏ quảng cáo sẽ phải trả phí. Microsoft đã bán Windows 10 với mức giá khá chát (120 đến 200 USD tùy phiên bản) và bây giờ hãng lại "quăng bom" người dùng với quảng cáo trong hệ điều hành. Mặc dầu vậy, các ứng cử viên thay thế như Macintosh và Linux lại chưa đủ hấp dẫn để lật đổ Windows.

Đăng Khoa

Chủ đề khác