VnReview
Hà Nội

Các hãng di động Trung Quốc nhắm đến mục tiêu toàn cầu hóa

Oppo và Gionee có thể không phải là những tên tuổi lớn ở phương Tây nhưng cả hai hãng đến từ Trung Quốc này cùng các đối thủ đang mạnh mẽ mở rộng thị trường và có thể sẽ sớm nhắm tới Mỹ.

Theo hãng nghiên cứu Counterpoint, năm ngoái, Huawei là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới đứng sau Apple và Samsung. Tiếp theo đó là Oppo ở vị trí thứ 4, còn Vivo đứng thứ 5 với mức tăng trưởng 77,9%.

3 trong 5 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới hiện nay là của Trung Quốc và rất nhiều hãng khác đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang hy vọng sẽ vươn ra ngoài quốc gia của mình, nơi thị trường vốn đã cạnh tranh rất khốc liệt.

Chiếc Oppo 5X được giới thiệu tại Mobile World Congress 2017

Tại hội nghị Di động thế giới (MWC) tại Barcelona vừa rồi, các hãng Trung Quốc đã đưa đến nhiều sản phẩm mới. Huawei và Oppo lần lượt giới thiệu chiếc P10 và công nghệ camera mới, còn Gionee hé lộ chiếc A1 với cấu hình cao cấp trong khi giá chỉ là $369 (8,4 triệu đồng).

Qua sự kiện này các hãng Trung Quốc đã cho thấy họ đủ khả năng để tham gia thị trường quốc tế, đồng thời thách thức các ông lớn như Apple và Samsung.

Oppo, Vivo và Gionee đã đạt được thành công tại Trung Quốc thông qua bán hàng trên các kênh mua sắm truyền thống, cho phép họ len lỏi vào các thị trấn nhỏ cũng như những thành phố lớn. Họ cũng đã vươn tới các thị trường khác trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và đang trên đà hướng tới Trung Á lẫn châu Phi.

Quảng cáo và tài trợ là một phần quan trọng trong công cuộc mở rộng thị trường của các thương hiệu smartphone Trung Quốc. CEO William Lu của Gionee (hiện đã có mặt tại 50 thị trường) cho biết hãng đang tập trung gia tăng thị phần tại những quốc gia nói trên.

Một giải bóng chày tại Ấn Độ do Gionee tài trợ

Điện thoại của Gionee hiện có mặt tại 4000 cửa hàng trên khắp Ấn Độ và hãng hiện đang cố gắng làm điều tương tự tại những quốc gia khác. Ấn Độ là nơi các hãng công nghệ Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn với 4 trên 5 hãng đứng đầu là của Trung Quốc. Thế nhưng, việc mở rộng thị trường ngoài những nước đang phát triển lại có thể là một thách thức.

Các thị trường đã phát triển thường hướng tới hình thức bán điện thoại qua các nhà mạng, nghĩa là người dùng sẽ mua điện thoại thông qua các hợp đồng với những nhà cung cấp dịch vụ mạng. Oppo đã có những thành công nhất định ở những thị trường này.

Giám đốc quản lý thị trường di động quốc tế của Oppo Sky Li cho biết: "Gần đây chúng tôi đã thâm nhập vào những thị trường với mô hình liên kết nhà mạng, như Đài Loan, Singapore, Úc và gần nhất là New Zealand. Cho đến nay các phản hồi đều rất tích cực. Chúng tôi đứng thứ 3 thị trường ở Singapore.; Ở Úc chúng tôi ký hợp đồng với Vodafone, Virgin và Optus và tăng trưởng hiện đang ở mức 3 chữ số".

Vậy liệu Mỹ có phải là thị trường tiếp theo cho những hãng này? Chưa đến lúc. Theo các nhà phân tích, các hãng Trung Quốc có thể sẽ vấp phải những rào cản về sở hữu trí tuệ khi bước chân vào Mỹ. Tuy nhiên điều này không ngăn được sự bành trướng của họ.

Cũng trong lúc này, thị trường Mỹ cũng đang trở nên khó khăn hơn đối với các hãng Trung Quốc khi Tổng thống Donald Trump tiếp tục những bài phát biểu mang tính bài trừ Trung Quốc. Trong chiến dịch bầu cử, ông đã đe dọa tăng thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng đến từ nước này.

Hiện tại, phần lớn các công ty công nghệ Trung Quốc đang tập trung vào các quốc gia mà họ có thể dễ dàng giành được thị phần, nhưng sẽ không bỏ qua Mỹ và các thị trường phương Tây khác.

CEO Lu của Gionee nói: "Tôi nghĩ Gionee chưa sẵn sàng để thâm nhập vào Mỹ hay châu Âu, nhưng nếu chúng tôi hợp tác với các hãng nội địa để tìm hiểu thị trường thì điều này là hoàn toàn có thể".

Phương Nam

Chủ đề khác