VnReview
Hà Nội

Google ra Android Go để làm gì khi smartphone giá rẻ cũng đã có 1.5GB RAM?

Bạn khó có thể không liên tưởng tới thất bại cay đắng của Android One khi Google công bố Android Go tại sự kiện I/O năm nay. Tham vọng nào đứng sau quyết tâm "cố đấm ăn xôi" của gã khổng lồ di động?

Bạn khó có thể không liên tưởng tới thất bại cay đắng của Android One khi Google công bố Android Go tại sự kiện I/O năm nay. Tham vọng nào đứng sau quyết tâm "cố đấm ăn xôi" của gã khổng lồ di động?

3 năm sau thất bại cay đắng của Android One, Google vẫn chưa chấp nhận từ bỏ tầm nhìn Android giá siêu rẻ. Tại sự kiện hội thảo dành cho các nhà phát triển I/O, gã khổng lồ tìm kiếm tuyên bố ra mắt một phiên bản Android mới có tên gọi "Android Go" với trọng tâm là các thiết bị cấu hình yếu có RAM 512MB hoặc 1GB.

Không khó để nhìn ra sự mâu thuẫn giữa Android Go và thị trường Android hiện tại. Đến cả một chiếc Galaxy có giá chỉ hơn 2,7 triệu đồng như J2 Prime vẫn đã có tới 1.5GB RAM. Cuộc đua cấu hình vẫn sẽ tiếp tục, và có lẽ chẳng mấy chốc 2GB sẽ trở thành tiêu chuẩn của Android giá thấp.

Vậy, tầm nhìn thực sự của Google khi ra mắt Android Go là gì? Tại sao gã khổng lồ vẫn cố chấp tìm cách ra mắt một phiên bản Android dành cho cấu hình thấp hơn cả những chiếc smartphone Android rẻ nhất hiện nay?

Có 4 câu trả lời có thể nghĩ đến.

Giải quyết mâu thuẫn của Android

Bạn khó có thể tạo ra một hệ điều hành vừa có thể hoạt động trên phần cứng giá siêu rẻ, vừa đủ tính năng cho phần cứng cao cấp.

Bạn khó có thể tạo ra một hệ điều hành vừa có thể hoạt động trên phần cứng giá siêu rẻ, vừa đủ tính năng cho phần cứng cao cấp.

Trên thế giới vẫn có hàng tỷ người không đủ tiền để mua một chiếc Galaxy J2 Prime. Mặt khác, phần đông các nhà sản xuất cũng không thể nào chạm tay xuống mức giá 100 USD cho các mẫu điện thoại mới. Lý do rất đơn giản: muốn điện thoại giá rẻ thì cấu hình phải siêu thấp, nhưng ngay cả Marshmallow hay Nutella cũng khó có thể hoạt động tốt trên điện thoại có RAM chỉ 1GB (hoặc 512MB). Việc trở lại các phiên bản Android cũ hơn nữa sẽ tiềm tàng rất nhiều vấn đề về bảo mật ở tầm vóc Wanna Cry.

Điều này có nghĩa rằng ngay cả ở mức giá thấp nhất có thể chấp nhận được, điện thoại Android vẫn nằm ngoài tầm với của hàng tỷ người.

Nhưng ở chiều ngược lại, Android cũng cần được phát triển để cạnh tranh trên phân khúc cao cấp. Apple đang "ăn" gần hết lợi nhuận của thị trường di động khi iPhone vẫn bỏ xa các đối thủ Android về doanh số (ngay đến cả Galaxy S hay Note cũng thường phải mất một tháng mới đạt được doanh số trong dịp cuối tuần đầu tiên lên kệ của iPhone). Càng phát triển trên phân khúc cao, Android càng phức tạp, càng "ngốn" cấu hình.

Google ra Android Go để làm gì khi ngay cả smartphone giá rẻ cũng đã có 1.5GB RAM?

Trớ trêu là hàng tỷ người vẫn không đủ kinh tế để mua những chiếc smartphone rẻ nhất.

Rõ ràng, Google phải nuôi dưỡng 2 tầm nhìn không-tương-thích dành cho Android. Yêu cầu bắt buộc là phải tạo ra 2 nhánh độc lập dành cho hệ điều hành này.

Kết quả là Android Go được phát triển theo một hướng khác hẳn: thẳng thắn mà nói, đây là phiên bản bị cắt gọt không nương tay của Android chính. So với Android thường, Android Go không chỉ bị cắt gọt nhiều tính năng dưới lõi mà còn đi kèm một kho ứng dụng riêng. Đây là cách duy nhất để tầm nhìn "1 tỷ người dùng tiếp theo" không kìm chân phương hướng phát triển trên cao cấp để cạnh tranh với Apple.

Tránh vết xe đổ của Android One: đối tác phần cứng

Bên cạnh trải nghiệm dở tệ vì đem quá nhiều phần của Android chính lên điện thoại 100 USD, Android One còn tạo ra mâu thuẫn không nhỏ giữa Google và các đối tác phần cứng. Google muốn đem trải nghiệm Android gần chuẩn - hay nói chính xác hơn là ít tùy biến của nhà sản xuất - lên những chiếc điện thoại giá rẻ. Vậy các đối tác phần cứng làm thế nào để sinh lời từ Android One? Điện thoại giá rẻ vốn đã có tỷ lệ chi phí nguyên liệu, nhân công trên giá bán ra quá cao, nay Google lại hạn chế nguồn sống từ quảng cáo/phần mềm của riêng từng thương hiệu.

Không khó để nhận ra vì sao rất ít công ty phần cứng muốn làm đối tác Android One.

Google ra Android Go để làm gì khi ngay cả smartphone giá rẻ cũng đã có 1.5GB RAM?

Android One ngày trước là ý tưởng hoàn hảo đối với Google và người dùng, nhưng lại bất khả thi với nhà sản xuất.

Với Android Go, cuộc chơi sẽ thay đổi. Vì được phát triển để trở thành một phiên bản gần như hoàn toàn riêng biệt so với Android gốc, Android Go sẽ cho phép các công ty phần cứng có thể chèn dịch vụ/quảng cáo của riêng họ mà không cần phải quá lo lắng đến hiệu năng trên phần cứng cấp thấp. Thêm nữa, vì là một phiên bản cắt gọt của Android nên Android Go cũng có thể hoạt động trên những loại phần cứng thấp hơn cả tiêu chuẩn tối thiểu hiện nay (1GB), giúp giảm thêm 1 phần chi phí dành cho linh kiện.

Như vậy, đứng từ phía nhà sản xuất, Android Go sẽ là một bước tiến vượt bậc so với Android One. Vẫn là tôn chỉ "giá rẻ", nhưng phải đến tận bây giờ Google mới tạo ra được cần câu cơm hợp lý cho các đối tác phần cứng.

Tận diệt điện thoại "ngu"

Google ra Android Go để làm gì khi ngay cả smartphone giá rẻ cũng đã có 1.5GB RAM?

Việc Nokia/Foxconn ra mắt phiên bản 3310 mới cho thấy thị trường điện thoại 50 đô vẫn đang tồn tại.

Ở các mức giá dưới 100 USD, bạn không thể mơ tưởng đến bất cứ một chiếc smartphone mới nào cả. Thực tế, cách đây 1 tháng HMD Global vừa hồi sinh chiếc Nokia 3310 để bán với giá khoảng 50 USD.

Nhưng Android Go sẽ chạm tay tới mức giá 50 USD. Việc đòi hỏi một trải nghiệm Android tương đối đầy đủ ở mức giá này là hoàn toàn bất khả thi, nhưng so với trải nghiệm của Nokia 3310 thì chắc chắn Android Go vẫn sẽ cao hơn một bậc. Với Android Go, bạn vẫn sẽ được sở hữu trải nghiệm Chrome, Facebook hay YouTube ở mức chất lượng cao hơn hẳn những chiếc điện thoại "ngu" vẫn còn được bán ra.

Android Go có thể là đòn đánh kết liễu cuối cùng dành cho những con "dế" của thời đại cũ.

... Và bước chân ra khỏi thế giới smartphone

Google ra Android Go để làm gì khi ngay cả smartphone giá rẻ cũng đã có 1.5GB RAM?

Cho 1 tỷ thiết bị Android tiếp theo.

Android vốn có nhân Linux và do đó có thể hỗ trợ nhiều loại thiết bị khác nhau. Điều gì sẽ xảy ra nếu như Google đem đến khả năng tích hợp một phần tính năng của Android vào gương thông minh, vào máy đọc sách, vào lò nướng hay bất cứ một thiết bị Internet of Things nào khác? Thời đại AI và kết nối vạn vật sẽ giúp mở ra vô số kịch bản sử dụng, vô số chủng loại thiết bị kì dị mà Android có thể hỗ trợ. Chúng ta cũng chẳng thể biết các thiết bị này sẽ chịu những giới hạn nào về mức giá, kích cỡ hay điện năng tiêu thụ, bởi vậy nên việc Google phát triển một phiên bản Android nằm dưới yêu cầu tối thiểu của điện thoại hiện nay cũng là hoàn toàn hợp lý.

Gia Cường

Chủ đề khác