VnReview
Hà Nội

10 sản phẩm công nghệ thất bại nhất trong 10 năm qua

Nhiều sản phẩm từng được hứa hẹn sẽ mở ra xu hướng mới trong làng công nghệ, nhưng không phải thiết bị nào cũng đạt được thành công trên thị trường, nếu không muốn nói là thất bại thảm hại.

Hãy cùng nhìn lại 10 sản phẩm công nghệ thất bại nhất trong một thập kỷ qua do trang tin Business Insider thực hiện:

1. HD DVD

Cuối năm 2002, Toshiba và NEC cho ra đời HD DVD, được xem là bản kế nhiệm hoàn hảo với dung lượng lưu trữ cao hơn DVD. Vào lúc này, Blu-Ray cũng đang được Sony phát triển cùng với 8 tập đoàn điện tử hàng đầu khác.

Sony, với một studio phim riêng và mối quan hệ rộng rãi với các hãng truyền thông lớn, đã thuyết phục các hãng phim phát hành phim của họ ở định dạng Blu-Ray. Trận chiến giữa Blu-Ray và HD DVD kết thúc vào năm 2008, HD DVD bị ngừng phát triển, số tiền 1 tỷ USD đầu tư vào HD DVD của Toshiba coi như mất trắng.

2. Google Lively

Ảnh: Lifewire

Nhận thấy sự thành công của Second Life, phần mềm mô phỏng thế giới ảo của Linden Lab, Google cũng "đua đòi" cho ra mắt Lively vào năm 2008. Nhưng thay vì phát hành ứng dụng riêng như Second Life, Google lại giới thiệu Lively như một "phòng chat ảo" chạy bởi Adobe Flash trên nền web.

Dù có ý tưởng độc đáo, nhưng Google Lively được đánh giá không cao bằng Second Life, cách giao tiếp cũng phức tạp so với Facebook hay các nền tảng giao tiếp khác. Cuối cùng, Lively bị khai tử chỉ sau vài tháng ra mắt.

3. Microsoft Zune

Apple thay đổi ngành nhạc số với mẫu máy nghe nhạc iPod vào cuối năm 2001. 5 năm sau, máy nghe nhạc Microsoft Zune ra đời để cạnh tranh với iPod. Dù được đánh giá cao, Zune vẫn thất bại vì sự thay đổi chậm chạp, chiến lược tiếp thị không bài bản và thiếu sự hỗ trợ từ các hãng thu âm lớn. Doanh số không bao giờ cao, nhưng Microsoft vẫn duy trì Zune đến 6 thế hệ trước khi khai tử vào năm 2012.

4. Windows Phone

Windows Phone 7, nền tảng di động đa điểm đầu tiên được Microsoft ra mắt vào năm 2010, 3 năm sau khi iPhone ra mắt và 2 năm sau khi thiết bị Android đầu tiên chính thức bán ra. Sự chậm trễ này đã khiến Microsoft phải trả giá khi hầu hết các lập trình viên và người dùng đều đã quen với hệ sinh thái Android và iOS.

Trong một nỗ lực tuyệt vọng để mở rộng Windows Phone, Microsoft mua lại mảng thiết bị cầm tay của Nokia vào năm 2013, nhưng bị thua lỗ trầm trọng thời gian sau đó. Hiện tại, Windows Phone chiếm thị phần chưa đầy 1% trong thế giới smartphone rộng lớn.

5. BlackBerry Storm

Sau khi iPhone ra mắt, lúc này BlackBerry vẫn đang thống trị ngành smartphone đã bác bỏ ý tưởng về một thiết bị màn hình cảm ứng, tuyên bố người dùng doanh nghiệp chỉ muốn dùng bàn phím cứng. Khi các doanh nghiệp bắt đầu chọn iPhone, BlackBerry thử kết hợp màn hình cảm ứng và bàn phím cứng với Storm, mẫu smartphone với màn hình cảm ứng tạo cảm giác "click" mỗi khi nhấn vào tương tự phản hồi vật lý của bàn phím thông thường.

Tuy nhiên, cơ chế hoạt động kỳ quặc đó đã thất bại. Doanh số giảm, thị phần BlackBerry tụt dốc không phanh, cuối cùng phải nhượng quyền sản xuất điện thoại cho một đơn vị Trung Quốc vào năm ngoái.

6. HP Touchpad

HP ra mắt Touchpad vào năm 2011 cũng để cạnh tranh với một sản phẩm Apple, lần này là iPad. Tuy nhiên, HP bất ngờ tuyên bố ngừng hỗ trợ tất cả các thiết bị chạy webOS (bao gồm Touchpad) chỉ 1 tháng sau đó để rút khỏi thị trường di động. Lượng máy Touchpad tồn kho được thanh lý với giá 99 USD, trở thành một trong những sản phẩm có vòng đời ngắn nhất lịch sử.

7. Facebook Home

Facebook Home là một launcher dành cho Android cho phép lướt News Feed, xem thông báo, đăng nội dung một cách nhanh chóng ngay từ màn hình chính. Màn hình khóa cũng tích hợp thông báo từ Facebook và các ứng dụng khác.

Facebook Home rõ ràng là nỗ lực tiếp cận của Facebook vào một nền tảng di động mà không cần tạo hệ điều hành riêng, song Facebook Home bị đánh giá thấp do hiệu năng, tốc độ xử lý, tính tương thích và những lo ngại về vấn đề riêng tư. Sự thất bại của Facebook Home năm 2013 khiến Facebook quay lại phát triển và biến Messenger thành một nền tảng thực sự.

8. Google Glass

Kính thông minh "Glass" được Google ra mắt thông qua chương trình "Explorer" năm 2013, sau đó bán ra như một thiết bị tăng cường thực tế ảo (AR) vào năm 2014. Giá bán ban đầu của Google Glass là 1500 USD, nhưng đã được giảm để bán cho người dùng.

Nhiều chuyên gia công nghệ nhận định Glass sẽ là nền tảng điện toán lớn tiếp theo, nhưng Google lại không nghĩ đến sự riêng tư khi tích hợp camera lên mặt người dùng. Google Glass bị cấm sử dụng tại các cơ quan, doanh nghiệp, trong khi người dùng không thích diện mạo và mức giá quá cao. Google dừng phát triển Glass vào năm 2015, nhưng hứa sẽ ra mắt thế hệ tiếp theo trong thời gian tới.

9. Amazon Fire Phone

Rất tự tin vào Fire Phone sau thành công của dòng tablet Kindle Fire vào năm 2014, nhưng Amazon đã sai lầm. Thiết bị tầm trung này không có điểm vượt trội nào để người dùng, vốn đã quen với Android và Ios, chuyển sang sử dụng. Amazon sau đó giảm giá Fire Phone từ 199 USD còn 0,99 USD (kèm hợp đồng 2 năm), lỗ 170 triệu USD và rồi khai tử vào năm 2015.

10. Samsung Galaxy Note 7

Dù có doanh số rất cao trong thời gian đầu lên kệ, nhưng sự cố cháy nổ đã biến mẫu flagship Galaxy Note 7 thành một thảm họa. Sự cố khiến hãng phải thu hồi hàng triệu thiết bị, lỗ 2,3 tỷ USD trong quý tài chính thứ 3, doanh thu sụt giảm trong kỳ nghỉ cuối năm. Ra mắt vào tháng 8, nhưng Galaxy Note 7 chỉ tồn tại trong 2 tháng trước khi bị Samsung khai tử vào tháng 10.

Dù không thành công với Galaxy Note 7, nhưng Samsung đã lấy lại phong độ với Galaxy S8/S8+ trong năm nay, ngoài ra hãng còn có ý định bán trở lại Galaxy Note 7 dưới dạng máy tân trang (refurbished), chứng tỏ scandal Note 7 không hề làm suy yếu thương hiệu này.

Phúc Thịnh

Chủ đề khác