VnReview
Hà Nội

Liệu QR Pay có trở thành tương lai của thanh toán di động Việt Nam?

Trong lúc hình thức quẹt thẻ VISA, ATM để thanh toán đã cũ, giờ đây người dùng chỉ cần thao tác chạm hoặc dùng ứng dụng QR Code trên smartphone là đã có thể thanh toán hóa đơn hay mua hàng ở bất cứ nơi đâu. Hình thức thanh toán bằng mã QR đang trở thành xu hướng tại Việt Nam nhờ sự tham gia của 12 ngân hàng, 5 ví điện tử và rất nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Nhưng liệu nó có trở thành tương lai của thanh toán di động?

Xu hướng thanh toán bằng mã QR (QR Pay)

Mã QR (Quick Response Code - mã phản hồi nhanh) được công ty Nhật Bản Denso Wave phát minh cách đây hơn 2 thập kỷ. Ban đầu QR code dùng cho ngành công nghiệp ôtô nước này, nhằm theo dõi tình trạng xe trong quá trình sản xuất. QR là mã vạch 2 chiều, cấu tạo từ các chấm vuông nhỏ trên nền trắng, chứa thông tin đã mã hóa. Nó có thể được quét bởi một máy đọc mã vạch hoặc điện thoại thông minh.

QR Pay ra đời tại Nhật Bản nhưng Trung Quốc mới là nơi công nghệ này phổ biến

Rất nhiều ngành nghề đã và đang ứng dụng công nghệ QR vào thực tiễn tuỳ theo yêu cầu và mục đích. Trong thanh toán QR Pay, người dùng chỉ cần mở camera điện thoại quét mã QR trong vài giây là đã có thể thanh toán thành công tại các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng, taxi... mà không cần mang theo ví, không lo vấn đề tiền lẻ, không cần mang theo nhiều thẻ tại các điểm thanh toán. Với các doanh nghiệp, QR Pay là một hình thức thanh toán đơn giản, doanh nghiệp không cần đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng ban đầu, có thể dễ dàng triển khai đại trà, nhanh chóng với chi phí thấp và ứng dụng rất đa dạng trong đời sống như thanh toán tại quầy, thanh toán trên hóa đơn, thanh toán trên website, Facebook, catalogue, tờ rơi, biển quảng cáo..., nhờ đó mà tất cả các kênh quảng cáo của doanh nghiệp có thể trở thành kênh bán hàng hiệu quả.

Một điểm tiện lợi khác của QR Pay là giải pháp thanh toán này đang có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía các ngân hàng. Du nhập vào Việt Nam từ những tháng đầu năm 2017, đến nay tính năng thanh toán bằng cách quét mã QR hiện đã được 12 ngân hàng lớn tại Việt Nam hỗ trợ là BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank, ABBank, SCB, IVB, NCB, SHB, Maritime Bank, Saccombank và TPBank. Song song với các ngân hàng, các doanh nghiệp về ví điện tử cũng đã áp dụng việc thanh toán qua mã QR code, chẳng hạn như VTC Pay, One Pay, Momo, Vimo, VNPay, Moca… cũng mang đến những trải nghiệm thanh toán công nghệ hữu ích với khoảng 8.000 điểm thanh toán hóa đơn tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, nhà hàng, quán ăn, rạp chiếu phim…

Gần đây nhất, "đại gia" VNG cũng tung ra giải pháp thanh toán ZaloPay sử dụng QR code để thanh toán các hoá đơn điện, nước, cước Internet, cước truyền hình... một cách nhanh chóng. Web thương mại điện tử Tiki.vn cũng liên kết với ví điện tử Momo cho phép khách hàng thanh toán đơn hàng chỉ bằng cách quét mã QR trên website chỉ trong nháy mắt...

Nói về tiềm năng của giải pháp QR Pay nói riêng và thanh toán di động nói chung, Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để phát triển thanh toán qua điện thoại di động do có tỷ lệ tiếp cận dịch vụ viễn thông và sử dụng điện thoại di động ở mức khá cao. Đến nay, số lượng thuê bao di động ở Việt Nam có phát sinh lưu lượng ước đạt khoảng gần 130 triệu thuê bao, trong đó thuê bao 3G phát sinh lưu lượng đạt khoảng 41,8 triệu thuê bao; tức là khoảng trên 1,4 thuê bao/người dân và khoảng 0,5 thuê bao sử dụng 3G/người dân. Bên cạnh đó, dân số Việt Nam đến cuối năm 2016 là trên 92,6 triệu người, trong đó trên 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh.

Đáng chú ý, nhóm khách hàng sử dụng điện thoại thông minh hiện nay hầu hết là những người trẻ, có kiến thức và ham trải nghiệm, ưa chuộng các phương thức thanh toán mới, đặc biệt là các phương thức thanh toán dựa trên nền tảng di động. Phát triển thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện, cơ hội để phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán di động hiện đại, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt phù hợp với nhóm dân cư khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vốn ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng truyền thống, qua đó tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính tại Việt Nam.

Những mặt còn tồn tại

Bên cạnh những lợi ích mà QR Pay mang lại thì chúng ta không thể không nhắc tới một số điều mà giải pháp này chưa làm được. QR Pay, giống như nhiều giải pháp thanh toán di động khác, đều phải đối mặt với những rủi ro bảo mật thông tin người dùng.

"Phần ‘an toàn' là rất khó để đạt được nếu chiếc smartphone bị đánh cắp. Kẻ xấu sẽ dùng điện thoại của bạn để mua hàng thông qua hình thức thanh toán QR Code. Ngoài ra mọi thông tin quan trọng của người dùng đều nằm ở trên chiếc điện thoại, do đó bạn phải cẩn trọng để giữ chiếc điện thoại của mình, nếu điện thoại bị mất sẽ mất rất nhiều thông tin quan trọng", David Maman, CEO hãng bảo mật Unicorn có trụ sở tại Tel Aviv, cho hay.

Ngoài ra, để hoàn tất quá trình thanh toán bằng mã QR thì điều kiện cần thiết là smartphone của bạn phải được kết nối mạng, do vậy nếu không có kết nối internet hoặc trong trường hợp sóng 3G/4G kém, bạn không thể trả tiền mua hàng. Nhưng ngay cả khi smartphone đã được kết nối vào mạng Wifi tại các điểm thanh toán (thường miễn phí) thì người dùng vẫn đối mặt với các nguy cơ mất an toàn thông tin. Theo các chuyên gia bảo mật, kiểu kết nối này tồn tại một số nguy cơ bảo mật: Thứ nhất, bạn có thể truy cập nhầm vào một mạng WiFi giả mạo được thiết lập để đánh cắp thông tin người dùng; thứ hai, nhiều mạng WiFi công cộng hiện nay rất dễ bị tấn công theo phương thức man-in-the-middle, nhờ đó hacker có thể chiếm đoạt các dữ liệu nhạy cảm như tài khoản, mật khẩu, thẻ tín dụng...

"Trong trường hợp cần thiết phải sử dụng Wi-Fi miễn phí để thực hiện các giao dịch tài chính, ngân hàng..., người dùng cần kết nối mạng riêng ảo VPN để thiết lập kênh thông tin an toàn, sử dụng phần mềm diệt virus, tường lửa cá nhân để bảo vệ smartphone của mình; đồng thời cần tắt tính năng chia sẻ file trên thiết bị hoặc chỉ chia sẻ nếu đã có thiết lập quyền cho các tài khoản xác định để tránh việc vô tình lộ lọt thông tin khi kết nối vào các hệ thống Wi-Fi công cộng", đại diện một hãng bảo mật tại Việt Nam khuyến cáo.

Thanh toán bằng QR tiềm ẩn nguy cơ bảo mật

Hơn nữa, theo ông Trần Thanh Nam, Tổng giám đốc ví điện tử Moca, hiện nhiều đơn vị cung cấp QR Pay với giải pháp và nguyên lý hoạt động khác nhau dẫn tới việc khách hàng thuộc hệ thống mã QR nào thì chỉ thanh toán được trong hệ thống đó, khiến thị trường bị chia cắt và người dùng sẽ thấy bất tiện. Đồng quan điểm, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank, cho rằng cần sớm nghiên cứu và đưa ra một tiêu chuẩn thống nhất về định dạng QR code trong thanh toán di động cho thị trường Việt Nam. Theo ông Lân, điều này sẽ tránh việc mỗi một hoặc một nhóm các ngân hàng, tổ chức/trung gian thanh toán phát hành một định dạng QR Code riêng gây khó khăn cho người mua và người bán.

Nhằm tìm giải pháp cho vấn đề này, Vụ Thanh toán cho biết Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Tiểu ban nghiên cứu thuộc Hội đồng Thanh toán và Công nghệ của ngành ngân hàng để thực hiện nghiên cứu kinh nghiệm triển khai, áp dụng thiết lập chuẩn chung cho thanh toán QR Code tại một số quốc gia trên thế giới làm cơ sở đề xuất việc xây dựng chuẩn, quy định chung cho thanh toán QR Code tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech để tư vấn hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ sinh thái trong lĩnh vực Fintech, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam phát triển.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo việc triển khai thí điểm phát triển một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (trong đó có thanh toán qua điện thoại di động) ở khu vực nông thôn nhằm mở rộng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại và các tổ chức đối tác của ngân hàng thương mại phát huy lợi thế về công nghệ và mạng lưới, phát triển đa dạng và phong phú các dịch vụ thanh toán, mở rộng độ phủ của các dịch vụ thanh toán tới các khu vực chưa có sự hiện diện của ngân hàng thương mại trên địa bàn cả nước.

Sử dụng QR Pay để mua đồ uống

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, muốn đẩy mạnh thanh toán bằng mã QR thì bản thân người dân cũng cần thay đổi dần thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt sang phương thức thanh toán mới tiện dụng hơn. Thêm nữa, càng hiện đại, thì các ngân hàng thương mại càng cần tăng cường cơ sở hạ tầng an ninh, đảm bảo sự thông suốt trong hoạt động thanh toán; đơn giản hóa các thủ tục, quy trình đăng ký merchant (tổ chức sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến để bán hàng hóa và dịch vụ). "Với hình thức thanh toán POS, các merchant phải đến ngân hàng để làm thủ tục đăng ký mở POS và đợi khoảng 7 ngày làm việc kể từ khi nộp đơn cho tới khi điểm thanh toán thực sự được chấp nhận thanh toán. Nếu các QR merchant cũng phải đi theo quy trình này thì việc nhanh chóng phủ rộng QR Pay sẽ khó có thể thực hiện được", lãnh đạo một ngân hàng thương mại chia sẻ.

G.L

Chủ đề khác