VnReview
Hà Nội

Tại sao nhà mạng chặn dịch vụ tin nhắn và gọi điện miễn phí?

Hôm qua, VnReview đã có bài viết phản ánh hiện tượng nhà mạng VinaPhone và MobiFone bắt đầu chặn các dịch vụ tin nhắn và gọi điện miễn phí như Line và Kakao Talk. Tại sao các nhà mạng Việt Nam lại có hành động như vậy?

Sự phát triển của smartphone mang lại cả niềm vui lẫn nỗi buồn cho các nhà mạng di động. Người tiêu dùng ngày càng háo hức sắm smartphone và đăng ký các gói cước dữ liệu 3G của nhà mạng để chơi game, xem phim, truy cập mạng xã hội, lướt web cũng như gọi điện và gửi tin nhắn SMS. Tuy vậy, smartphone cũng mở cửa cho sự ra đời của những nhà cung cấp dịch vụ mới. Đó là các nhà cung cấp dịch vụ truyền nội dung qua mạng di động được gọi chung dưới khái niệm gọi là OTT (viết tắt của cụm từ Over-the-top).

OTT hiểu đơn giản là dịch vụ bạn sử dụng qua đường truyền của các nhà mạng di động như VinaPhone và MobiPhone. Ví dụ sau đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn khái niệm OTT. Bạn có một chiếc smartphone và đăng ký gói cước dữ liệu 3G với một nhà mạng di động chẳng hạn là MobiFone. Sau đó, bạn sử dụng Skype hoặc các ứng dụng gọi điện và nhắn tin qua mạng Internet (VoIP) khác như Viber, WeChat hay WhatsApp để thực hiện các cuộc gọi điện và nhắn tin miễn phí sử dụng mạng 3G của nhà mạng di động. Skype ở đây được coi là dịch vụ OTT.

Các dịch vụ OTT có thể có nhiều dạng nhưng các ứng dụng nhắn tin và gọi điện trên smartphone là vấn đề đau đầu nhất với các nhà mạng di động. Thay vì phải trả phí để gửi tin nhắn điện thoại SMS hoặc gọi điện bình thường, người dùng smartphone có thể sử dụng Skype, Viber, WeChat, WhatsApp hoặc Kakao Talk để gửi tin nhắn, chat video hoặc gọi điện qua mạng VoIP mà không mất đồng phí nào. Người dùng có thể mất phí dữ liệu cho nhà mạng nhưng nếu họ sử dụng Wi-Fi thì có thể tránh mất phí dữ liệu. Hãng tư vấn thị trường Ovum ước tính rằng riêng nhắn tin qua OTT đã khiến các nhà mạng di động toàn cầu thất thu khoảng 13,9 tỷ USD, tương đương với 9% doanh thu tin nhắn vào năm 2011.

Sự phổ biến của các dịch vụ tin nhắn, gọi điện miễn phí trên smartphone như Skype, Viber, KakaoTalk... đang là vấn đề đau đầu của các nhà mạng

Nếu các nhà mạng không có phản ứng phù hợp, tình trạng sẽ ngày càng tồi tệ hơn. Một số chuyên gia cảnh báo các nhà mạng di động đang phải đối mặt với bốn làn sóng. Đầu tiên là doanh thu thoại đang giảm ở hầu hết các quốc gia phát triển; tin nhắn cũng đang giảm ở nhiều quốc gia; ba là truy cập dữ liệu có thể đạt đỉnh trong vòng 3-4 năm tới; làn sóng thứ bốn là sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ OTT đang mọc lên như nấm. Tác động của làn sóng thứ tư sẽ khiến các nhà mạng bị thụt giảm doanh thu từ dịch vụ tin nhắn và đàm thoại. Tỷ lệ doanh thu của dịch vụ tin nhắn và gọi điện của nhà mạng càng lớn thì tác động của các dịch vụ OTT càng nặng nề hơn.

Tất nhiên, các nhà mạng cũng có nhiều cách để chống lại sự ảnh hưởng của các dịch vụ OTT. Họ có thể chặn các dịch vụ OTT nếu các cơ quan quản lý cho phép. Năm ngoái, cơ quan quản lý viễn thông của Hàn Quốc cho phép ba nhà mạng lớn của nước này có thể chặn truy cập đến các dịch vụ VoIP trên di động để bảo toàn doanh thu. Tuy nhiên, hành động tương tự như vậy có thể khiến người dùng điện thoại bất bình, vì vậy nhiều quốc gia trên thế giới không áp dụng giải pháp đó để bảo hộ cho các nhà mạng.

Ngoài cách trên, các nhà mạng di động có thể điều chỉnh giá cước tin nhắn và cuộc gọi để làm các dịch vụ OTT giảm sức hấp dẫn. Và một lựa chọn nữa là bản thân nhà mạng có thể ra mắt dịch vụ OTT của mình để cạnh tranh. Một vài nhà mạng trên thế giới như Telefonica ở châu Âu đã ra mắt ứng dụng chia sẻ ảnh, gọi điện và nhắn tin qua VoIP để cạnh trở lại các dịch vụ OTT. Động thái này có thể ảnh hưởng đến mảng doanh thu chính của nhà mạng từ dịch vụ nhắn tin SMS và gọi điện nhưng đó là cách để giữ chân khách hàng.

Thanh Phong

Chủ đề khác