VnReview
Hà Nội

Smart TV đã chết

Tất cả mọi người đều muốn TV của mình hoạt động với đầy đủ chức năng của... một chiếc TV. Up ảnh lên Facebook và lướt web là công việc của smartphone và tablet.

Thực tế là như vậy. Dựa theo một nghiên cứu mới của NPD, 40% số người sở hữu TV có kết nối Internet tại Hoa Kỳ thậm chí còn không hề nối mạng cho chiếc TV của mình. Và đó không phải là tương lai mà các nhà sản xuất TV mong đợi.

Vĩnh biệt, Smart TV

1

Vào năm 2010, ý tưởng biến TV thành những thiết bị có màn hình lớn và có các chức năng của máy vi tính là một ý tưởng có vẻ rất hợp lý. Tại sao không chơi các trò chơi, chạy các ứng dụng và lướt web trên cùng một thiết bị mà bạn dùng để xem phim và các chương trình truyền hình vệ tinh hoặc cáp kỹ thuật số? Những người ủng hộ ý tưởng này nhanh chóng đặt cho các TV lai máy vi tính một tên gọi rất kêu: "smart TV" (TV thông minh).

Intel, người khổng lồ của ngành vi xử lý, lúc đó đã đánh hơi thấy một miếng mồi mới cho các con chip của mình. Intel trở thành một trong những tên tuổi ủng hộ Smart TV lớn nhất và cho rằng TV thông minh "có thể sẽ trở thành thay đổi quan trọng nhất trong lịch sử truyền hình". Thế nhưng, chỉ đến cuối năm 2011, Intel đã từ bỏ mảng smart TV để chuyển sang smartphone và tablet.

Vấn đề lớn nhất với smart TV là Samsung, LG và các nhà sản xuất TV lớn khác đã đưa ra một đống những ứng dụng hổ lốn không hề liên quan một chút nào tới việc xem truyền hình – lý do quan trọng nhất khiến mọi người quây quần bên chiếc TV. Do đó, việc người dùng không muốn bỏ thêm tiền ra cho các ứng dụng mà họ không hề cần trên những chiếc TV "thế hệ mới" trở nên cực kì dễ hiểu.

Ngày hôm nay, TV đang phát triển theo một hướng khác. Các đoạn video trên Internet đang đến với TV thông qua các thiết bị như Apple TV, Roku và Boxee Box. Khoảng 60% số lượng người tiêu dùng sở hữu một chiếc TV độ phân giải cao có kết nối Internet sử dụng các dịch vụ nói trên để thay thế cho các thuê bao truyền hình thông thường – theo NPD.

Còn những tác vụ quan trọng một thời của smart TV như cập nhập Facebook, đọc sách, báo điện tử, gọi video, mua hàng và chơi game thì sao? Chỉ có khoảng 10% số người được hỏi trong nghiên cứu của NPD cho biết họ sử dụng các tác vụ này.

TV với vai trò là màn hình thứ 2 của người dùng

2

Video rõ ràng là thứ mà mọi người muốn thấy trên TV của mình, do đó các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình đã chuyển sự chú ý của mình sang các ứng dụng trên tablet. Thay vì bán ra các đầu thu đắt tiền, các nhà cung cấp dịch vụ này muốn người dùng sử dụng máy tính bảng để tìm ra các bộ phim ưa thích, xem xem bạn bè người thân đang theo dõi những chương trình gì, cũng như tìm duyệt các chương trình ưa thích của họ.

Các ứng dụng sẽ giúp cho việc xem TV trở nên thú vị hơn bằng cách đưa ra các thông số của các cầu thủ trong một trận đấu bóng rổ, hoặc các thông tin về đời sống riêng của các diễn viên, cũng như các cảnh hậu trường của các chương trình TV mà khán giả ưa thích. Các ứng dụng này có thể tạo ra một "mỏ vàng dữ liệu" về người tiêu dùng, và các dữ liệu này có thể được đem bán lại cho các nhà quảng cáo. Khi đó, các nhà quảng cáo có thể đưa ra các mẩu quảng cáo có hiệu quả lớn hơn.

Sở hữu một ứng dụng có khả năng lưu trữ lại thói quen xem truyền hình của bạn sẽ là rất hữu dụng khi bạn đi du lịch hoặc di chuyển tới một địa điểm xa lạ. Hãy thử tưởng tượng việc kết nối tablet của mình với TV và ngay lập tức nhận được một trải nghiệm truyền hình giống hệt như khi bạn đang ở nhà.

"TV cần phải đóng vai trò là một chiếc dock hữu hiệu hơn", Paul Gray, một nhà nghiên cứu của Display Search thuộc NPD cho biết. "TV cần phải thân thiện với các thiết bị di động hơn nữa".

Panasonic là một trong các nhà sản xuất đầu tiên tung ra các sản phẩm TV có khả năng kết nối không dây với tablet. Các đối thủ cạnh tranh chắc chắn sẽ sớm đi theo công ty Nhật Bản trên con đường này, và sớm hay muộn sự tích hợp chặt chẽ của TV và các thiết bị di động sẽ trở nên phổ biến.

3

TX-L39E6, sản phẩm của Panasonic có khả năng tích hợp mạnh mẽ với tablet

Đừng vội gọi TV là "màn hình phụ ngớ ngẩn"

4

Nếu như bạn đồng ý với quan điểm ở trên và kết luận rằng TV sẽ trở thành "những màn hình phụ ngớ ngẩn" thì bạn đã đơn giản hóa vấn đề quá mức. Các sản phẩm TV cần phải được thiết kế một cách rất tinh vi để có thể tích hợp dễ dàng với bất kì một chiếc smartphone hoặc tablet nào – cho dù thiết bị đó chạy Android hay là iOS đi chăng nữa.

"Tôi thực sự phản đối quan điểm của nhiều người rằng TV cuối cùng sẽ trở thành các màn hình phụ ngớ ngẩn. TV thực sự mang trong mình rất nhiều ‘sự thông minh', nhưng sự thông minh đó bị ẩn chứa ở sâu bên trong", ông Gray cho biết.

Tuy vậy, các nhà sản xuất TV vẫn đang bị kẹt lại trong cùng một chiếc hộp mà họ đã cố thoát ra. Các sản phẩm của họ trông vẫn na ná nhau và khó phân biệt đối với người dùng. Các thay đổi trong công nghệ truyền sóng, ví dụ như từ NTSC đến HD, và sau này là từ HD đến 4K, hoặc công nghệ màn hình (LCD đến LED) giúp tạo ra một số đột phá, nhưng ngay sau khi một đột phá nào đó xuất hiện trên thị trường, các công ty sẽ ngay lập tức "học hỏi" và tất cả các mẫu TV sẽ ngay lập tức trở thành bản sao của nhau. Điều đó khiến cho Panasonic, Samsung và Sony gần như không có vũ khí gì để thu hút người dùng, ngoại trừ các đợt khuyến mại.

Vấn đề "sao chép" đang là lời nguyền độc của ngành điện tử tiêu dùng. Các nhà sản xuất TV cần phải tìm ra một cách nào đó để thêm giá trị vào các mẫu TV của mình trước khi các ứng dụng tablet trở nên phổ biến. Điều đó sẽ giúp hiện tượng smart TV không xảy ra một lần nữa, và các đột phá công nghệ có thể trở lại với TV.

Việt Dũng

Chủ đề khác