VnReview
Hà Nội

Nhà mạng sẽ ra gói cước riêng cho doanh nghiệp vận tải

Sáng hôm qua, 30/10/2013, tại cuộc họp giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ TT&TT, Hiệp hội Vận tải Việt Nam, 4 nhà mạng di động là VinaPhone, MobiFone, Viettel và Vietnamobile, đại diện Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel cho biết sẽ tính toán lại các mức cước và có gói cước 3G đặc biệt với doanh nghiệp vận tải.

tăng cước 3g với các tài xế

Cuộc họp tháo gỡ vấn đề cước 3G cho các doanh nghiệp vận tải. Ảnh: ICTNews

Theo tin trên các báo ICTNews, Người lao động, VietnamNet…, sau khi Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam có văn bản cầu cứu các bộ ngành liên quan và Bộ Giao thông Vận tải có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xung quanh việc thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) của hàng ngàn phương tiện vận tải tê liệt sau khi các hãng viễn thông tăng cước, sáng 30/10, các bên liên quan đã ngồi lại bàn bạc với nhau.

Theo Bộ Giao thông vận tải, Nghị định 91 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 quy định các phương tiện vận tải hành khách theo tuyến cố định, hợp đồng, xe buýt, xe container phải gắn hộp đen và mức phạt cho vi phạm này từ 2 đến 3 triệu đồng kèm theo hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe 30 ngày. Doanh nghiệp có 20% số phương tiện chạy quá tốc độ sẽ bị rút giấy phép kinh doanh. Đến nay, có trên 50.000 phương tiện phải gắn GPS đã lắp đặt.

Ông Thân Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, chi phí đầu vào của ngành vận tải ngày càng tăng. Khi cước 3G tăng giá, các doanh nghiệp vận tải chưa lên tiếng mạnh mẽ vì hiện các doanh nghiệp cung cấp thiết bị GPS đã ký hợp đồng trọn gói cung cấp thiết bị và bảo trì đến hết năm 2013 nên đã "ngậm đắng" nạp tiền thay cho doanh nghiệp vận tải. Chỉ có các doanh nghiệp vận tải đang phải trực tiếp nạp tiền 3G thì mới thấy được mức độ ảnh hưởng như thế nào.

Ông Thanh dẫn chứng một doanh nghiệp vận tải ở Thái Bình đã phải nạp 5.000 đồng/1 xe/ngày. Doanh nghiệp có tới 300 xe nên chi phí hàng tháng rất lớn nhưng cũng đành chịu để tránh bị xử phạt nặng. Trong khi có doanh nghiệp cung cấp dịch vụ GPS từ ngày 21/10 đến nay đã phải nạp tới 170 triệu đồng cho 10 ngày tăng cước.

Qua trao đổi với đại diện Viettel và các doanh nghiệp cung cấp thiết bị GPS, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam thống kê thấy khoảng 70% các doanh nghiệp đang sử dụng sim của Viettel cho thiết bị GPS. "Chính vì thế, nếu doanh nghiệp cung cấp GPS không còn tiềm lực tài chính đóng cước 3G cho nhà mạng thì hàng loạt xe sẽ ngừng hoạt động" - ông Thanh nói.

Ông Tạ Quang Thuận đến từ Chi hội doanh nghiệp cung cấp GPS cho rằng mỗi lần thiết bị 3G của GPS mất sóng, việc kết nối lại sẽ tự động mất 50 km, xe di chuyển càng nhiều thì lượng dùng càng nhiều và đó là lý do vì sao nhanh chóng hết tiền. Tính toán của hội này cho thấy Viettel chiếm khoảng 70% thị phần cung cấp sim 3G cho các doanh nghiệp vận tải, 20% thuộc về MobiFone và 10% thuộc về VinaPhone.

Đại diện Viettel cho biết đã cung cấp gói cước 3G chuyên biệt dành cho GPS. Viettel sẽ xem xét lại vấn đề trên tinh thần có cơ cấu gói cước riêng cho các doanh nghiệp vận tải, trên cơ sở hỗ trợ các doanh nghiệp để cùng phát triển. Tuy nhiên mức cước cụ thể như thế sẽ còn phải bàn bạc lại với bộ chủ quản.

Trả lời phỏng vấn của báo VietnamNet, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ GTVT) cho biết, theo các DN vận tải và DN cung cấp thiết bị giám sát hành trình, các DN viễn thông thay đổi cách tính cước dịch vụ 3G đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN. Do vậy, họ đề xuất và mong muốn không thay đổi giá cước với dịch vụ 3G trong thiết bị giám sát hành trình. Cụ thể, các DN yêu cầu tính 10.000 đồng/tháng cho 50 MB và cách tính blook; là 10K + 10K chứ không phải tính 50K +50K.

hộp đen giám sát hành trình

Hộp đen giám sát hành trình. Ảnh: ICTNews

Theo báo ICTNews, ông Tạ Quang Thuận cho biết trước đó công ty của ông đã lựa chọn gói cước của Viettel như MI10. Sở dĩ dùng gói cước này vì gói cước MI10 rẻ hơn các gói cước khác như V- Tracking. Một trong những nguyên nhân mà ông Thuận đưa ra rằng nhà xe chưa sử dụng các gói cước chuyên biệt của nhà mạng đã đưa ra cho dịch vụ giám sát hành trình là vì gói cước này không phổ biến lắm nên không tìm thấy trên thị trường.

Đại diện Chi hội Giám sát hành trình của Hiệp hội Vận tải cho biết, ngày 14/10/2013 MobiFone đã ra gói cước MDT 10 (chi phí 10.000 đồng/tháng) phù hợp với doanh nghiệp vận tải. Do đó, nhiều doanh nghiệp thấy phù hợp nên đã chuyển sang sử dụng gói cước này của MobiFone. 

Cũng tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Tổng giám đốc MobiFone cho biết nhà mạng này đang cung cấp gói cước giám sát hành trình cho các doanh nghiệp vận tải. MobiFone đang cung cấp cho hai khách hàng lớn nhất là VinaSun và Taxi Group với hàng nghìn SIM card. "Hiện các gói cước đó không có bất cứ điều chỉnh nào và cũng không có ý kiền gì từ phía khách hàng. Đối với gói cước này, chúng tôi có bộ phận chăm sóc khách hàng riêng và khi gặp vấn đề gì thì các bên sẽ ngồi lại với nhau. Trước khi MobiFone cung cấp dịch vụ cho khách hàng sẽ đưa SIM card cho khách hàng dùng thử từ 1 đến 2 tháng. Căn cứ vào lượng dữ liệu tiêu thụ bình quân, khách hàng sẽ lựa chọn các gói cước phù hợp nhất cho doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, MobiFone có chính sách cước ưu đãi cho các khách hàng sử dụng dịch vụ giám sát phương tiện với số lượng lớn", ông Chiến nói.

"Khách hàng nếu muốn ký hợp đồng lớn cần làm việc cụ thể. MobiFone sẵn sàng ngồi với doanh nghiệp vận tải để đưa ra các dịch vụ hỗ trợ tốt hơn như cung cấp thêm các tính năng giám sát SIM này. Nếu doanh nghiệp chọn các SIM ngoài thị trường thì nhà mạng sẽ không thể phân biệt được đâu là SIM của dịch vụ giám sát đâu là SIM của người dùng 3G thông thường", ông Chiến cho biết thêm. 

Đại diện Chi hội Giám sát hành trình cho biết là giá cước rất rẻ và đang sử dụng 10.000 SIM của MobiFone, khách hàng hiện nay không bị ảnh hưởng bởi đợt điều chỉnh cước 3G. Đặc biệt, gói cước MDT10 của MobiFone vừa ra chỉ có 10.000 đồng/tháng. "Hiện tại chúng tôi sử dụng SIM của MobiFone cho các khách hàng lớn như Taxi Ba Sao, Taxi Thành Công, Taxi Hà Nội... Chúng tôi cũng đang đề nghị các hội viên của Hiệp hội vận tải có thể nghiên cứu về gói cước này", Đại diện cho Chi hội Giám sát hành trình nói.

Viettel cho biết, hôm 29/10, Viettel đã có buổi làm việc đầu tiên với Chi hội Giám sát hành trình để tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Đại diện cho Chi hội Giám sát hành trình cho hay, họ đã làm việc với Viettel để thảo luận đưa ra gói cước khoảng 10.000 tháng. Phía Viettel cũng xác nhận thông tin này nhưng khẳng định, việc điều chỉnh hay ban hành gói cước cũng phải tuân thủ theo đúng quy định của Bộ TT&TT. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải và Hiệp hội Vận tải có đề xuất với các thông số, mức giá rõ ràng để doanh nghiệp viễn thông có cơ sở trình lên Bộ TT&TT xem xét về việc ban hành gói cước mới.

Phía VinaPhone cho biết cũng sẵn sàng ngồi với các doanh nghiệp vận tải để bàn bạc đưa ra gói cước phù hợp nhất cho các doanh nghiệp này.

Kết luận tại buổi họp ông Khuất Việt Hùng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có văn bản gửi Bộ TT&TT để các doanh nghiệp viễn thông có thể xây dựng gói cước mới, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trước ngày 30/11/2013. Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cũng khẳng định nếu nhà mạng sớm trình gói cước mới thì Bộ TT&TT sẽ xem xét và phê duyệt trong vài ngày tới.

Như vậy, trước mắt vấn đề của các doanh nghiệp vận tải đã cơ bản được giải quyết, cho thấy nếu doanh nghiệp liên kết với nhau và biết lên tiếng cho quyền lợi của mình thì có thể tìm được giải pháp tốt. Câu hỏi đặt ra là, tại sao các doanh nghiệp vận tải lại được "ưu tiên" hơn người tiêu dùng bình thường khi sử dụng dịch vụ 3G? Phải chăng tiếng nói của người tiêu dùng không được coi trọng, hoặc vì Hội bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam hoạt động yếu kém?

Vân Hà

Tổng hợp

Chủ đề khác