VnReview
Hà Nội

Cước 3G sẽ còn tăng bao nhiêu nữa?

Theo công bố của các doanh nghiệp viễn thông mới đây, giá thành dịch vụ truy cập dữ liệu Internet di động là 167 đồng/MB, nhưng giá đang cung cấp cho khách hàng trung bình khoảng 100 đồng/MB (thấp hơn giá thành là 67 đồng/MB). Nếu theo mức giá thành này, giá cước 3G sẽ còn tăng khoảng 43% nữa thì doanh nghiệp mới "hòa vốn".

Thắc mắc lâu nay của người dùng 3G là giá thành 3G được tính như thế nào và là bao nhiêu mà các đại gia viễn thông liên tục kêu lỗ và đang phải bán dưới giá thành? Giờ đây giá thành 3G đã chính thức được công bố (chưa rõ cách tính thế nào), vậy hãy thử tính xem giá các gói 3G hiện nay đang ở mức nào so với giá thành, và nếu còn tăng nữa thì sẽ tăng đến đâu?

Bảng dưới đây so sánh mức giá của các gói cước 3G hiện nay của 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone:

cước 3g so với giá thành

Qua bảng trên ta thấy, các gói cước phổ thông giá rẻ nhiều người sử dụng như M10, M25, M30 đều đã cơ bản giúp các nhà mạng "hòa vốn" và thậm chí có lãi (gói M10/MI10). Các gói cước nhà mạng còn "lỗ" chủ yếu rơi vào nhóm các gói cước không giới hạn với giá gói cao và dung lượng miễn phí lớn. Đáng chú ý nhất là gói cước không giới hạn MiMax, MIU, Max vừa được tăng giá từ 50.000 đ/tháng lên 70.000 đ/tháng, nếu vẫn giữ nguyên mức dung lượng của gói là 600 MB thì gói này sẽ còn phải tăng giá lên 100.200 đồng thì nhà mạng mới hòa vốn.

Tuy nhiên, nếu tính giá cước theo gói thì như vậy, nhưng cước lưu lượng ngoài gói thì nhà mạng đang có lãi khoảng gấp 3 lần giá thành đối với các gói cước có giới hạn dung lượng (512 đ/MB so với 167 đ/MB), còn với các gói mặc định thì mức lãi sẽ là gấp hơn 9 lần (1536 đ/MB so với 167 đ/MB). Nếu bạn đang lựa chọn các gói cước mặc định hoặc các gói cước có giới hạn kể trên, cần hết sức lưu ý khả năng bị quá cước hoặc phải chịu mức cước rất cao này. Xem thêm bài tư vấn lựa chọn gói cước 3G nếu buộc phải dùng.

Thực tế, khá nhiều người dùng 3G ở Việt Nam chỉ biết đến gói cước không giới hạn (MiMax, MIU, Max), nếu không dùng gói này thì họ thường chọn gói mặc định với suy nghĩ dùng ít thì chọn gói này cho tiết kiệm vì sẽ "dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu", nhưng rõ ràng lựa chọn gói này sẽ là sai lầm vì tiền cước bị tính quá đắt như trên. Do đó, nếu muốn kiểm soát được tiền cước 3G hàng tháng, bạn nên chọn tối thiểu 1 gói có giới hạn và dùng bộ đếm dung lượng (hoặc ứng dụng đếm dung lượng) để kiểm soát lượng data đã sử dụng nhằm tránh bị quá cước.

Trên đây là các gói cước Mobile Internet dành cho người dùng truy cập Internet trên thiết bị di động (smartphone, máy tính bảng). Các gói cước dành cho PC, laptop cũng có mức cước tương tự như trên, nhưng cước lưu lượng ngoài gói được tính đồng loạt là 200 đ/MB (tăng đồng loạt từ mức cũ 60 đ/MB).

cước dcom 3g giá mới

Như vậy, dù muốn dù không cước 3G cũng đã tăng giá và sẽ còn tiếp tục tăng nữa. Cả các nhà mạng và cơ quan quản lý đều nhất quyết cần phải tăng cước nên đây là điều không thể đảo ngược. Với bài viết này, VnReview chỉ mong giúp bạn tìm được gói cước thích hợp và đúng đắn nhất cho mình khi sử dụng, tránh mất tiền oan vì không hiểu cơ chế tính cước của nhà mạng.

Vân Hà

Chủ đề khác