VnReview
Hà Nội

Giá thành con người để làm ra iPad (II)

Phần tiếp theo bài điều tra "In China, Human Costs Are Built Into an iPad" đăng trên báo Mỹ New York Times.

Bài liên quan:

Giá thành con người để làm ra iPad (I)

công nhân Foxconn

Công nhân trong một nhà máy của Foxconn ở Trung Quốc

Trong các báo cáo được công khai, Apple cho biết họ yêu cầu mọi vụ vi phạm về lao động bị phát hiện phải được khắc phục và những nhà cung cấp nào không tuân thủ sẽ bị Apple cắt đứt quan hệ.

Tuy nhiên, khi trao đổi riêng, một số cựu giám đốc Apple thừa nhận việc tìm kiếm nhà cung cấp mới tốn thời gian và tốn kém. Foxconn là một trong số ít nhà sản xuất trên thế giới có quy mô đáp ứng đơn hàng sản xuất đủ số lượng iPhone và iPad của Apple. Vì vậy, Apple "sẽ không rời bỏ Foxconn và họ sẽ không rời khỏi Trung Quốc", ông Heather White, một nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard và là cựu thành viên của Ủy ban Giám sát tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ. "Có rất nhiều lý do hợp lý để giải thích điều này".

Apple đã được cung cấp bản tóm tắt mở rộng của bài báo này nhưng hãng đã từ chối bình luận. Bài điều tra này được dựa trên các cuộc phỏng vấn với hơn ba chục nhân viên, nhà thầu hiện tại và trước đây của Apple, bao gồm nửa tá nhà quản lý hiện tại hoặc cựu quản lý có kiến thức trực tiếp về nhóm đảm bảo trách nhiệm nhà cung cấp của Apple cũng như những người khác trong ngành công nghệ.

Trong năm 2010, nhà đồng sáng lập Apple, ông Steve Jobs đã có thảo luận về mối quan hệ của hãng với các nhà cung cấp tại một hội nghị.

"Tôi thực sự nghĩ Apple đã làm một trong những việc tốt nhất trong số bất kỳ công ty công nghệ nào trong ngành của chúng ta và có lẽ trong bất cứ ngành nào, là thấu hiểu điều kiện làm việc ở chuỗi cung cấp của chúng tôi", ông Jobs nói. Ông Jobs khi đó còn là CEO Apple và đã qua đời hồi tháng 10/2011.

"Ý của tôi là các bạn đi đến nơi đó và đó là một nhà máy, nhưng, Chúa ơi, ý tôi là họ có các nhà hàng, rạp hát và bệnh viện, hồ bơi và ý tôi là với một nhà máy thì đó là một nhà máy rất tốt đẹp".

Những người khác, bao gồm các công nhân trong những nhà máy như thế, công nhận là có các cơ sở y tế, các quán ăn tự phục vụ nhưng đồng thời nhấn mạnh đến những sự trừng phạt.

"Chúng tôi đang thực sự rất cố gắng để làm mọi thứ tốt hơn", một cựu giám đốc Apple nói. "Nhưng hầu hết mọi người vẫn sẽ thực sự phiền lòng nếu họ thấy chiếc iPhone của họ đến từ nơi nào".

Đường đến Thành Đô

Mùa thu năm 2010, khoảng sáu tháng trước khi vụ nổ ở nhà máy iPad xảy ra, Lai Xiaodong cẩn thận gập quần áo quanh tấm bằng đại học để nó không bị nhăn khi nhét vào va li. Anh nói với bạn bè mình sẽ không còn lang thang chơi bài hàng tuần nữa và chào tạm biệt thầy cô. Anh sắp đến Thành Đô, một thành phố có 12 triệu dân và nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng nhất của thế giới.

Là người nhút nhát nên mọi người đã rất ngạc nhiên khi Lai theo đuổi và được một nữ sinh điều dưỡng đồng ý làm bạn gái anh. Cô gái cho biết cô muốn cưới và do vậy, mục tiêu của anh là phải kiếm đủ tiền để mua một căn hộ.

Các nhà máy ở Thành Đô sản xuất sản phẩm cho hàng trăm công ty. Nhưng Lai tập trung vào công ty Foxconn Technology, nhà xuất khẩu lớn nhất trung Quốc và là chủ lao động lớn nhất nước này với 1,2 triệu công nhân. Công ty này có các nhà máy rải khắp Trung Quốc và lắp ráp đến 40% sản phẩm điện tử tiêu dùng trên thế giới, gồm các khách hàng như Amazon, Dell, HP, Nintendo, Nokia và Samsung.

Anh Lai biết nhà máy của Foxconn ở Thành Đô là đặc biệt. Bên trong, các công nhân đang xây dựng sản phẩm mới nhất, tiềm năng tuyệt vời nhất của Apple: iPad.

Khi cuối cùng anh nhận được công việc sửa chữa máy móc ở nhà máy này, một trong những điều đầu tiên anh để ý là bóng điện thắp sáng gần như suốt cả ngày. Các ca làm việc chạy 24 tiếng/ngày và nhà máy luôn được sáng điện. Vào bất kỳ lúc nào trong ngày cũng có hàng ngàn công nhân đứng bên các dây chuyền lắp ráp hay ngồi trên ghế không có tựa lưng nép cạnh những chiếc máy lớn hoặc nhấp nhổm thay đổi chân giữa các nhịp tải. Chân của nhiều công nhân sưng phồng, tê đến nỗi họ đi khệnh khạng như vịt. Anh Zhao Sheng, một công nhân nhà máy nói: "Thật khó có thể đứng được cả ngày".

Các biểu ngữ treo trên tường cảnh báo 120.000 công nhân của nhà máy: "Làm chăm chỉ công việc hôm nay hoặc làm chăm chỉ để kiếm một công việc ngày mai". Quy tắc ứng xử nhà cung cấp của Apple nêu rõ, ngoại trừ các tình huống không bình thường, các nhân viên không được làm việc quá 60 giờ mỗi tuần. Nhưng tại Foxconn, theo các cuộc phỏng vấn, khảo sát độc lập, nhiều công nhân làm việc hơn 60 tiếng. Theo bảng lương, anh Lai nhanh chóng dành 12 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần ở trong nhà máy. Các nhân viên đến muộn đôi khi bị yêu cầu viết tường trình và chép các câu trích dẫn. Trong nhà máy, theo các cuộc phỏng vấn, có "các ca liên tiếp" vì nhiều công nhân bị sai làm tăng ca.

Tấm bằng đã giúp anh Lai kiếm được việc làm có lương khoảng 22 USD mỗi ngày, gồm cả tiền làm thêm. So với nhiều người khác, lương của anh Lai là cao hơn nhiều. Khi ngày làm việc kết thúc, anh về căn phòng ngủ nhỏ chỉ đủ chứa một tấm nệm, một tủ quần áo và chiếc bàn nơi anh chơi game online. Luo Xiaohong, bạn gái anh cho biết anh bị ám ảnh với game Fight the Landlord.

Vậy mà những tiện nghi này vẫn tốt hơn nhiều so với những phòng ở khác của công ty, nơi 70.000 công nhân Foxconn sống. Nhiều nhân viên cho biết, có thời điểm đến 20 người bị "nhồi" vào một căn hộ 3 phòng. Năm ngoái, một cuộc tranh cãi về tiền lương đã biến thành cuộc ẩu đả ở trong một trong những phòng ở trong khu ký túc công nhân. Các công nhân bắt đầu ném chai lọ, thùng rác và giấy đang cháy từ cửa sổ của mình. Hai trăm cảnh sát vật lộn với công nhân và kết cục, 8 người bị bắt. Sau đó, các thùng rác bị dời đi và những đống rác thải, chuột bọ trở thành vấn đề nan giải. Nên anh Lai cảm thấy mình may mắn có được nơi ở riêng như vậy.

Trong một thông cáo, Foxconn phản đối cáo buộc của công nhân về làm ca liên tục, kéo dài thời gian làm thêm giờ, điều kiện sống chật chội và nguyên nhân gây ra vụ hỗn loạn. Công ty nói rằng hoạt động của họ luôn tuân thủ theo các quy tắc ứng xử của khách hàng, các tiêu chuẩn ngành và pháp luật Trung Quốc. "Điều kiện làm việc ở Foxconn là bất cứ điều gì trừ sự khắc nghiệt", thông cáo của Foxconn viết. Foxconn cũng khẳng định hãng chưa bao giờ để một khách hàng hay quan chức chính phủ nào phàn nàn về việc sử dụng lao động chưa đủ tuổi, yêu cầu công nhân làm việc quá nhiều hay thải rác thải độc hại ra môi trường.

"Tất cả công nhân dây chuyền có những buổi nghỉ giải lao thông thường, bao gồm 1 tiếng nghỉ ăn trưa", và chỉ 5% công nhân dây chuyền lắp ráp bị yêu cầu đứng để thực hiện nhiệm vụ của mình. Các xưởng sản xuất đã được thiết kế theo tiêu chuẩn tạo sự thoải mái cho người làm và các công nhân có cơ hội thăng chức và đảo việc", thông cáo của Foxconn viết.

"Foxconn có báo cáo an toàn lao động rất tốt. Foxconn đã đi một đoạn đường xa trong nỗ lực dẫn đầu ngành công nghệ của chúng ta ở Trung Quốc ở các lĩnh vực như điều kiện nơi làm việc, chăm sóc và đối xử với nhân viên", theo thông cáo của Foxconn.

(Còn tiếp)

Châu Giang

Chủ đề khác