VnReview
Hà Nội

Lại đứt cáp quang biển AAG, Internet chập chờn

Chiều qua, hệ thống cáp quang biển quốc tế AAG đoạn từ Vũng Tàu (Việt Nam) đi Hồng Kông đã xảy ra sự cố và chưa biết khi nào mới khắc phục xong. Sự cố này gây sụt giảm khoảng 40% dung lượng băng thông Internet quốc tế từ Việt Nam đi Hồng Kông, Mỹ của tất cả các nhà mạng tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến cáp này.

Đứt cáp quang biển

Internet những ngày này chập chờn do đứt cáp quang biển

Nguồn tin từ Công ty Viễn thông FPT (một trong những đơn vị sử dụng dung lượng kết nối Internet quốc tế qua tuyến cáp AAG) cho biết, thông tin từ đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển AAG cho hay, vào 18 giờ 53 phút ngày 15/7/2014 đã xảy ra sự cố khiến một sợi cáp trên tuyến cáp AAG - phân đoạn Vũng Tàu – Hong Kong bị đứt. Vị trí gián đoạn cách trạm cập bờ Vũng Tàu 18km, nằm ở độ sâu 19m dưới mực nước biển.

Sự cố này khiến lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Việt Nam đang khai thác trên tuyến này đều bị ảnh hưởng, trong đó có FPT Telecom.

AAG là tuyến cáp quang biển chiếm khoảng 60-70% dung lượng kết nối Internet của Việt Nam ra quốc tế (số dung lượng kết nối còn lại do tuyến cáp IA và một số tuyến cáp khác đảm nhận) và cũng là tuyến cáp truyền tải dung lượng của các nhà cung cấp dịch vụ internet lớn tại Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT.

AAG cũng chính là tuyến cáp mà mỗi năm có một vài lần dừng hoạt động để bảo dưỡng hoặc sự cố đứt cáp trong vòng bốn năm nay, kể từ khi tuyến cáp này đi vào hoạt động.

Do đứt cáp, việc liên lạc, trao đổi thông tin của khách hàng theo hướng Việt Nam đi quốc tế như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… sẽ bị ảnh hưởng do lưu lượng bị chuyển sang các tuyến cáp còn lại, có khả năng bị nghẽn và truy cập bị chậm so với thông thường.

Tuy nhiên, các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng. Việc kết nối chậm này sẽ xảy ra cả với phương thức kết nối trên internet cố định có dây, wifi và 3G.

Nguồn tin từ đơn vị điều hành tuyến cáp AAG cho Công ty Viễn thông FPT biết, hiện tại thời gian khôi phục chưa được xác định và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết đang diễn biến phức tạp trên biển. FPT khuyến cáo khách hàng nên sử dụng Internet quốc tế cho các dịch vụ quan trọng, các dịch vụ khác nên chuyển sang các hướng trong nước để tối ưu hoá dung lượng truyền tải.

Được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 11/2009, tuyến cáp quang AAG có chiều dài hơn 20.000km, dung lượng thiết kế đạt 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Điểm cập bờ ở Việt Nam là ở Vũng Tàu. Ngoài khả năng kết nối Đông Nam Á với Mỹ, AAG còn có thể kết nối đến Australia, Ấn Độ, Châu Âu và châu Phi thông qua điểm cập bờ của hệ thống. Tại Việt Nam, các ISP đều sử dụng tuyến cáp quan trọng này để kết nối với quốc tế.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Tập đoàn VNPT đã khẩn trương làm việc với nhà quản trị hệ thống AAG để sớm có phương án sửa chữa, khắc phục sự cố và đồng thời định tuyến, khôi phục lưu lượng qua hướng ưu tiên. Ngoài ra, Tập đoàn VNPT cũng đã nhanh chóng bổ sung dung lượng đi quốc tế trên tuyến cáp biển SMW3 và cáp đất liền để đảm bảo tối đa chất lượng dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Giám đốc công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC, do VNPT có nhiều hệ thống truyền dẫn khác thay thế, back up, ngoài hệ thống cáp quang AAG, hiện lưu lượng kết nối Internet của VNPT còn được thực hiện ở các tuyến cáp quang biển, đất liền khác, cùng hệ thống vệ tinh, cho phép kết nối trực tiếp tới hơn 240 quốc gia và trung tâm kinh tế, tài chính khu vực trên toàn thế giới, nên mức độ ảnh hưởng không nhiều.

;Ngoài ra, VNPT còn trực tiếp xây dựng các tuyến cáp quang trên đất liền kết nối trực tiếp tới 3 nước láng giềng Lào (dung lượng 10 Gbps), Campuchia (dung lượng 17,5 Gbps) và Trung Quốc (dung lượng 65 Gbps). Hệ thống vệ tinh với hai vệ tinh Vinasat -1 và Vinasat-2 giúp VNPT bổ sung, tăng cường kết nối tới các nước trong khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận.

Theo TBKTSG, VnMedia

Chủ đề khác