VnReview
Hà Nội

Hơn 1/3 người Việt dùng smartphone

Trong đó, 24% người chỉ dùng Internet trên smartphone. Theo Google, thói quen lên mạng xem video, tin tức và lướt mạng xã hội chiếm đại đa số.

Hơn 1/3 người Việt dùng smartphone

Người trẻ 16 - 24 tuổi sử dụng smartphone nhiều nhất

Theo những số liệu Google công bố từ Nghiên cứu Hành vi trực tuyến của Người tiêu dùng Việt 2014, điện thoại thông minh (smartphone) đang đóng vai trò rất lớn trong xu hướng phát triển Internet tại Việt Nam.

Smartphone đang số hóa Việt Nam

Số liệu từ nghiên cứu, tỷ lệ sử dụng smartphone tại Việt Nam tăng gần gấp đôi so với năm 2013, cụ thể, tăng từ 20% trong năm ngoái lên 36%. Tỷ lệ này tuy thấp hơn tỷ lệ trung bình 49% của thế giới, hay 40% của Thái Lan, 51% Malaysia và 85% của Singapore, nhưng mức tăng trưởng cho thấy smartphone ngày càng được chuộng dùng đối với người tiêu dùng Việt.

Nguồn: TNS/Google;

Lý do chính đến từ xu hướng tiêu dùng điện thoại thông minh (smartphone) đang dần thay thế điện thoại di động chức năng phổ thông, bên cạnh đó, mức giá smartphone ngày càng giảm, đặc biệt ở phân khúc smartphone bình dân. Người tiêu dùng hiện nay chỉ cần ba triệu đồng là có thể sở hữu một smartphone và nhiều thương hiệu để chọn lựa.

Nhanh chóng tiếp cận và dễ tiếp thu công nghệ mới, do đó, nhóm người trẻ từ 16 - 24 tuổi sở hữu smartphone nhiều nhất, 58%, gấp đôi con số 27% trong năm ngoái. Đây cũng là nhóm người dùng trực tuyến nhiều nhất (86%).

Kế đến là độ tuổi 25-34 có 45% dùng smartphone, và 31% người trong độ tuổi 35-44.

Nguồn: TNS/Google 

Nguồn: TNS/Google 

Theo Google, người Việt rất lạc quan và cởi mở với công nghệ mới. Tỉ lệ khảo sát cho thấy 59% cho rằng công nghệ mới mang đến nhiều cơ hội hơn là rủi ro. Có 1/4 số người đang dùng ít nhất hai thiết bị (PC, hoặc smartphone, hoặc tablet), và 2% dùng ba thiết bị.

Xu hướng smartphone số hóa Việt Nam thể hiện rõ qua các con số: 36% người Việt dùng smartphone kết nối Internet so với 20% năm 2013, cao hơn nhiều so với mức 5% của máy tính bảng (tablet), và gần xấp xỉ 44% trên máy tính để bàn (desktop).

Bên cạnh đó, 76% người dùng smartphone lên mạng mỗi ngày bằng thiết bị của mình. Đáng chú ý, 24% người dùng chỉ dùng Internet trên smartphone.

Nguồn: TNS/Google 

Khi ra ngoài, 48% người Việt mang theo smartphone so với 31% tablet và 34% máy tính xách tay.

Người Việt có thói quen gì khi trực tuyến?

Thêm một con số thú vị về thói quen trực tuyến của người Việt từ nghiên cứu mang phạm vi toàn cầu này, có đến 85% người thường xem video trực tuyến, chỉ sau Trung Quốc (92%) và Ả rập Saudi (97%).

Trong bảng khảo sát các hoạt động trực tuyến (ít nhất một lần mỗi tháng) cho thấy, tin tức, tin thể thảo và thời tiết được người Việt quan tâm nhiều nhất, với tỷ lệ 95%, kế đến là tìm kiếm thông tin 93%, trong đó, tìm thông tin sản phẩm 69%.

Nghe nhạc trực tuyến và mạng xã hội cùng giữ tỷ lệ 87%, tán gẫu (chat) 69%. 66% kiểm tra email cá nhân và công việc, và đến 64% dành thời gian viết các bình luận (comment) cùng 54% đọc blog hay các bài viết nhận xét hoặc phê bình, 62% chơi game trực tuyến.

Nguồn: TNS/Google 

Nguồn: TNS/Google 

Doanh nghiệp: còn chậm chân trước di động hóa

Đánh giá về phản ứng của doanh nghiệp Việt Nam trước xu hướng di động hóa, cô Sophie Trần, Giám đốc Marketing Việt Nam, Google châu Á - Thái Bình Dương nhận định đại đa số vẫn còn chậm chân. Hầu hết website doanh nghiệp vẫn chưa thích ứng trên môi trường di động.

Theo cô Sophie, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ hành vi khách hàng mục tiêu khi họ lên mạng, ngữ cảnh mà họ sẽ sử dụng thiết bị di động, để tiếp cận họ một cách hiệu quả nhất. Từ đó xây dựng chiến lược di động phù hợp, không chỉ là việc tạo ra một ứng dụng di động.

Nghiên cứu cho thấy người Việt bắt đầu mua sắm trên mạng nhiều hơn, tỷ lệ 28% người dùng mua sắm trực tuyến là một tín hiệu lạc quan cho ngành thương mại điện tử Việt Nam.

Được biết Nghiên cứu Hành vi trực tuyến của Người tiêu dùng Việt 2014 (Global Connected Consumer Study 2014) do Công ty nghiên cứu thị trường TNS thực hiện trong Quý 1 và 2-2014 đối với 1.000 người Việt Nam có độ tuổi từ 16 trở lên tham gia khảo sát. Nghiên cứu thực hiện tại 56 quốc gia, không bao gồm Mỹ.

Theo Tuổi Trẻ

Chủ đề khác