VnReview
Hà Nội

Đánh giá phim Taken 3: Đứng lên từ mất mát

Ở hai phần trước, cựu điệp viên Brian và gia đình lần lượt đối mặt với những biến cố khác nhau, nhưng ở phần 3 của bộ phim này liệu anh có thể tiếp tục xuất sắc bảo vệ họ trước những biến cố mới không ai ngờ tới? Đặc biệt khi nhân tố gây ra nguy hiểm ấy lại là một người ở cạnh họ, một người tưởng chừng như vô hại?

Poster phim Taken 3 tại Việt Nam

Người Việt thường có câu "trai theo mẹ, gái theo cha", câu nói đó cũng đúng với cả phương Tây và series phim Taken do diễn viên Liam Neeson thủ vai chính, sở dĩ có sự phân cặp đó là do quy luật bù trừ, phụ nữ yếu mềm thường cảm thấy là chính mình dưới vòng tay bảo vệ của đàn ông (người bố) và ngược lại. Phim Taken ra đời cũng dựa theo quan niệm nhân sinh đó, đề cao sự hy sinh cao cả cũng như trách nhiệm của người bố và đặc biệt tình cảm cha con.

Taken 3 có tên Việt là Dứt điểm, do Olivier Megaton đạo diễn và ông cũng là đạo diễn của phần II của series phim này,;phim được bấm máy quay ở Los Angeles (Mỹ) vào cuối tháng 3/2014 và được khởi chiếu tại Việt Nam vào hôm qua (09/01/2015). Phim phát hành bởi các hãng 20th Century Fox (ở thị trường quốc tế) và EuropaCorp Distribution (ở thị trường Pháp). Đáng chú ý khi cả ba phần của bộ phim đều do Luc Besson biên kịch.

Kịch bản: Nối dài những chuỗi ngày không yên ả

Trước khi đi vào câu chuyện của phần 3, chúng ta hãy nhớ lại "xuất xứ" câu chuyện ở phần I, phim kể về một gia đình không trọn vẹn về mặt hôn nhân, Kim Mills (do Maggie Grace thủ vai) là cầu nối gắn kết vô hình giữa bố và mẹ cô, dù hai người đã ly dị. Mẹ cô, Lenore (do Famke Janssen thủ vai) đã đi thêm một bước nữa với Stuart (do Dougray Scott thủ vai) chỉ vì không chịu nổi những chuỗi ngày cô đơn khi mà bố cô, Brian Mills, còn đang phải nay đây mai đó đi làm nhiệm vụ "dọn dẹp hậu cần" cho những điệp vụ khốc liệt của CIA (Cục tình báo trung ương Mỹ).

Sau khi hôn nhân đổ vỡ, Brian Mills (do Lliam Neeson thủ vai chính) mới nhận ra những khoảng trống không thể khỏa lấp sau những chuyến công tác xa nhà triền miên khi làm ở CIA, anh quyết định xin nghỉ việc để dành thời gian còn lại bù đắp cho con gái, dù con gái anh giờ chuyển qua sống với mẹ và bố dượng. Để kiếm sống, anh và nhóm cựu điệp viên của mình giờ đây chỉ nhận những công việc nhẹ nhàng hơn, đó là lập ra một nhóm bảo vệ tư, làm việc kiểu thời vụ. Tuy nhiên, chúng ta đều biết, khi tay bạn đã từng dính máu thì rất khó để có một cuộc sống yên ổn. Vô tình hay hữu ý nhưng cuộc sống ẩn dật yên ổn của Brian không kéo dài được lâu khi anh buộc phải trở về với con người trước của mình, vận dụng mọi kỹ năng của một điệp viên sừng sỏ để bảo vệ con gái và gia đình.

Cựu điệp viên Brian Mills tiếp tục đơn độc "một mình chống lại Mafia" trong phần 3 của Taken

Kịch bản của Taken 3 hơi khác so với hai phần trước, khi mà ngay ở phần mở đầu phim đã có những cảnh báo về một diễn biễn không êm ả trong những phút tiếp theo của bộ phim, cảnh những tên tội phạm ra tay sát hại một nhân viên kế toán vô danh sẽ mở đầu cho một chuỗi sóng gió khó ai ngờ của gia đình cựu đặc vụ Brian Mills. Ở phần 3 này, cô con gái Kim của Brian dường như đã trưởng thành và phải đối mặt với những vấn đề của một cô gái mới lớn, trong khi gia đình của vợ cũ là Lenore và Stuart xuất hiện thêm những rạn nứt mới.

Bối cảnh vợ cũ gặp khó khăn còn Kim thì bối rối với những sự cố ngoài ý muốn của một cô gái mới lớn, Brian còn lúng túng chưa biết phải chăm sóc lo lắng cho họ như thế nào thì một biến cố "trời ơi đất hỡi" kiểu "gắp lửa bỏ tay người" từ đâu ập tới, anh vừa phải tự tìm cách thanh minh cho bản thân trước cảnh sát và pháp luật, vừa phải tìm lại công lý cho người thân yêu của mình và bảo vệ họ trước những kẻ tội phạm kinh điển.  Quả là một tình thế không dễ dàng gì, dĩ nhiên bản lĩnh của một cựu điệp viên và trách nhiệm của một người chồng-người cha sẽ không dễ dàng để Brian buông xuôi.

Nếu được chọn lựa, tôi sẽ chọn bối cảnh là một gia đình khác thay vì tiếp tục mạch chuyện của gia đình Brian, bởi liên tiếp 3 bi kịch lớn diễn ra thế này với một gia đình chỉ để "thách thức" kỹ năng của cựu điệp viên Brian thì chúng ta có cảm giác phim sa lầy vào kiểu "đi đâu cũng thấy tội phạm và giết chóc kiểu... truyện Conan, tuy nhiên điều đó khó xảy ra khi mà cả ba phần của bộ phim đều do một người biên kịch. 

Diễn xuất khá, hành động vừa phải, đề cao tình cảm cha con

So với hai phần đầu, các tuyến nhân vật trong phần 3 cũng tương tự khi phân chia khá rõ ràng, tuy nhiên ở phần 3 có một vài nhân vật ở dạng "tuyến giữa", khó phân định cho tới khi bạn xem hết phim, chính những nhân vật này tạo ra những nút thắt mở bất ngờ cho kịch bản, bên cạnh những pha hành động gãy gọn quen thuộc theo phong cách của Liam Neeson. Có thể nói Taken là bộ phim có nhiều đất diễn nhất cho Neeson và thể hiện thế mạnh của anh trên từng nét mặt: Sự khắc khổ, cô đơn, mệt mỏi khi chìm vào suy tư và sắc lạnh khi hành động. Trong khi các vai diễn phụ đều khá nhạt nhòa dù diễn tròn vai, có thể do cái bóng của Neeson trong phim quá lớn và người xem chủ yếu bị cuốn theo anh.

Điểm khác biệt trong các cảnh hành động của loạt phim Taken chính là những pha dứt điểm gãy gọn của tài tử Liam Neeson.

Nhìn chung, đạo diễn Olivier Megaton khá thành công khi khắc họa các tuyến nhân vật trong phần 3 này, tuy nhiên ở những phim phân định thiện ác rõ ràng như Taken thì điều này không quá khó. Một điểm khá thú vị nữa là giống như các phim phương Tây/Mỹ khác, mafia Nga trở thành một phe phản diện đắt giá và liên tục là vai ác trong các siêu phẩm của Hollwood, Taken 3 cũng không phải là một ngoại lệ. Để kết thúc việc phân định tuyến nhân vật, có thể dẫn lại câu nói của Brian trong phim, "ông là cảnh sát thì ưu tiên là bắt tội phạm, còn tôi ưu tiên hàng đầu là bảo vệ con gái".

Phim giữ được sự bất ngờ trong các nút thắt mở đến phút chót, dù những nút thắt mở đó chưa đủ mạnh và quá bất ngờ nhưng đáng để ghi nhận. Mạch phim khá cuốn hút khi liên tục khiến bạn phải dõi theo những diễn biến trên màn ảnh và lời thoại, điều này tương tự như phần 1 và có phần được đạo diễn Megaton làm tốt hơn phần 2, không có nhiều cảnh quay thừa hay nhạt, có những khung hình của bố con nhà Brian sẽ khiến bạn lặng đi hoặc cười tan và nó sẽ khiến bạn phải suy nghĩ về tình cảm gia đình. Phần nhạc phim do Nathaniel Méchaly đảm nhiệm khá cuốn hút, xen lẫn giữa những bản nhạc nền thỉnh thoảng xuất hiện những bài hát khá khớp với mạch phim.

Hiệu ứng cháy nổ trong phim khá thực và không quá cường điệu, trong khi các cảnh hành động trong phim ở mức vừa phải, tập trung vào tính hiệu quả vốn quen thuộc và là thế mạnh của Liam Neeson, kiểu hành động này sẽ khiến nhiều bạn liên tưởng đến nhân vật Jasson Bourne (do Matt Damon thủ vai) trong series Bourne. Có một điều nên biết dành cho bạn nào còn thắc mắc về diễn xuất hành động của Nesson tốt đến vậy. Thực ra khi nhận vai trong phần đầu của Taken, diễn viên Liam Neeson từng lo lắng rằng bộ phim sẽ là một thất bại về mặt doanh thu. Nhưng do đã trót ký hợp đồng, ông quyết định chuyển tới sống ở Paris trong vòng bốn tháng, học karate để chuẩn bị cho quá trình bấm máy, chính thái độ làm việc đó khiến cho vai diễn của anh trở nên trọn vẹn và chân thực hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ có thể thấy Neeson phần đầu phim tỏ ra khá nặng nề và chậm chạp, bù lại diện mạo của Neeson trong phần 3 này có nhiều sức sống và trẻ trung hơn so với phần 2 hay trong bộ phim A Walk Among The Tombstones (Lối đi giữa rừng bia mộ, 2014) mới đây của anh. Các chi tiết trong phim và cảnh quay được trau chuốt khá kỹ, từ những chiếc xe cho đến các hiệu ứng cháy nổ. Tuy nhiên vẫn còn có những hạt sạn nhỏ như cảnh nổ xe sau va chạm hơi bị làm quá hay một số cảnh đánh nhau hơi… đơn giản hóa quá mức. Tuy vậy, xét tổng thể thì những hạt sạn đó dễ dàng nhạt nhòa trước diễn xuất của Neeson và dàn diễn viên gạo cội trong phim. Bên cạnh đó, với chi phí đầu tư 45 triệu USD, đúng bằng chi phí rót cho phần trước nhưng có thể nói phần 3 của bộ phim có nhiều khả năng thành công hơn phần 2 do được xử lý tốt hơn và kịch bản có chiều sâu hơn.

Thay lời kết: Hành động xuất phát từ con tim 

Bộ phim chưa đủ xuất sắc để vượt qua cái bóng của phần I với câu nói bất hủ của Brian khi con gái bị bắt cóc, "tao không biết mày là ai, tao không biết mày muốn gì. Nếu mày định tống tiền thì xin nói thẳng là tao không có tiền. Nhưng tao có những kỹ năng rất đặc biệt, những kỹ năng có thể khiến tao trở thành cơn ác mộng với những kẻ như mày. Nếu thả con gái tao ra, tao sẽ bỏ qua. Bằng không, tao sẽ tìm tới mày và tao sẽ giết mày", chính câu nói bất hủ và đanh thép không thỏa hiệp đó của một người bố trước bọn bắt cóc cũng trở thành cảm hứng cho nhiều ảnh chế trên mạng lẫn cảm hứng cho series phim này. Tuy chưa đủ qua mặt phần I nhưng Taken 3 đủ xóa đi cái bóng nhạt nhòa của phần 2 vốn không để lại nhiều ấn tượng cho người xem của chính đạo diễn Oliver Megaton.

Cha con Brian Mills và Kim Mills trong Taken 3

Taken 3 cũng sẽ là phần đánh dấu bước ngoặt và bắt đầu mô-típ quen thuộc nhưng cũng chân thật hơn: để có được bình yên đôi khi bạn phải đánh đổi và đôi khi là mất mát, nhưng cũng nhờ mất mát mà bạn mới trưởng thành và trân trọng nhau hơn, quý trọng sự sống hơn. Cảnh Kim né người để bố cô kết thúc kẻ thù thể hiện sự mạnh mẽ và thấu hiểu của Kim sau mất mát, phim cũng đề cao tính nhân văn về sự thấu hiểu và tình cảm cha con khi cả hệ thống cảnh sát với hàng loạt thiết bị theo dõi hiện đại đã không thể "cạnh tranh" nổi sự phối hợp ăn ý của bố con Kim-Brian.

Nếu bạn muốn tìm lại cảm giác mãn nhãn ở phần đầu của series phim Taken, hay khỏa lấp sự nhạt nhòa ở Taken 2 thì phần 3 này của bộ phim là một lựa chọn đáng để bạn xem xét việc mua vé tới rạp. Lưu ý, bộ phim có thể cho trẻ nhỏ xem nhưng khuyến cáo nên có người lớn đi cùng vì có một số cảnh hành động bạo lực ở mức vừa phải.

Trailer Taken 3

Một câu hỏi liên quan tới công nghệ, nếu bạn đã xem bộ phim này hãy cho biết trong phim có sự xuất hiện của những siêu phẩm smartphone và siêu xe hơi nào?

Chúc bạn xem phim vui vẻ và đừng quên ủng hộ thử nghiệm mới này của VnReview nhé. 

Taken 3 | VnReview đánh giá: 6.5/10

Hữu Thắng

Chủ đề khác