VnReview
Hà Nội

Bức xúc xét tuyển đại học 2015 tràn ngập mạng xã hội

Trong những ngày này, nộp - rút đơn vào trường đại học trở thành vấn đề nóng nhất trên Internet.

Một phụ huynh mừng đến rơi nước mắt khi nghe thông báo điểm chuẩn dự kiến tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM lúc 15g30 ngày 20-8, mà con mình chưa bị văng ra khỏi danh sách - Ảnh: Như Hùng

Một phụ huynh mừng đến rơi nước mắt khi nghe thông báo điểm chuẩn dự kiến tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM lúc 15g30 ngày 20/8, mà con mình chưa bị văng ra khỏi danh sách. Ảnh: Như Hùng/Báo Tuổi Trẻ

Khác với mọi năm, năm nay Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trương ghép hai kỳ thi vào làm một, theo đó, các thí sinh sẽ sử dụng điểm của kỳ thi THPT Quốc gia để làm cơ sở xét tuyển vào các trường đại học phù hợp.

Với cách thức mới này, sau khi thí sinh khi biết điểm thi của mình và điểm đủ tiêu chuẩn có quyền nộp 4 khoa cho mỗi trường tương ứng với nguyện vọng 1, và 12 khoa cho 3 trường tiếp theo tương ứng với nguyện vọng 2. Trong khi đó, các trường phải luôn cập nhật danh sách đăng ký xét tuyển 3 ngày/lần để thí sinh nắm rõ được vị trí của mình tại khoa/trường mà mình ứng tuyển.

Tưởng chừng như việc gộp kỳ thi vào làm một sẽ giảm tải căng thẳng cũng như tốn kém khi di chuyển trong kỳ thi, nhưng khi nhìn vào quy trình trên chúng ta đều thấy lộ ra nhiều bất cập khiến thí sinh/phụ huynh thêm căng thẳng và việc di chuyển đến tận trường để rút/nộp hồ sơ mỗi khi "cảm thấy" không an toàn về vị trí của mình trong bảng điểm ứng tuyển là điều tất yếu, phát sinh thêm nhiều chi phí đi lại tốn kém đáng kể.

Thí sinh chạy khắp nơi tìm bến đậu

Bi hài ở chỗ do việc nộp/rút hồ sơ vẫn tiến hành theo kiểu thủ công, nghĩa là thí sinh vẫn phải trực tiếp tới tận trường nộp/rút hồ sơ, chưa kể nhiều trường đưa ra những con số thống kê không chính xác và Bộ giáo dục không lường hết khó khăn. Nhiều người ngồi trước màn hình máy tính không yên tâm vẫn phải lặn lội ra thành phố chầu chực để quyết định rút/nộp hồ sơ cho kịp.

Điều này khiến các thí sinh cứ nhăm nhe xem trường nào điểm thấp, chạy lòng vòng khắp nơi để nộp hồ sơ, mục đích tối thượng bây giờ là đỗ đại học chứ không còn là... "học ngành/trường mình thích" như ban đầu nữa, nên mới có nghịch lý nhiều thí sinh đạt 23-24 điểm vừa nộp đơn xong vài ngày thì tá hỏa phát hiện mình xếp thứ 600-700 trong khi ngành chỉ tuyển 200-300 sinh viên, lại vội vã rút và nộp hồ sơ vào trường khác.

Một ý kiến của bạn đọc trên VnExpress

Trên mạng xã hội và phần bình luận trên các diễn đàn/trang tin mạng phần lớn đều lên tiếng bức xúc với cách tiếp cận năm nay của Bộ Giáo dục, hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc tuyển sinh kiểu "gộp làm một" như năm nay không những không giúp ích được gì nhiều mà còn tạo ra nhiều rủi ro, hoang mang và vất vả cho thí sinh lẫn phụ huynh hơn.

Các độc giả bày tỏ sự bức xúc của mình trên trang tin của báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Một chia sẻ của cư dân mạng trên Facebook

Trước tình cảnh đó, Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận lại phát biểu rằng "thí sinh mệt nhưng ít rủi ro" như đổ thêm dầu vào lửa. Ông thậm chí còn cho rằng các thí sinh hiện nay dễ dàng lựa chọn và xử lý thông tin hơn so với thời của ông cách đây 40 năm trước?! Trong khi đó, Thứ trưởng Giáo dục Bùi Văn Ga cũng nhận định, "chỉ có một bộ phận thí sinh vất vả khi nộp - rút hồ sơ thôi". Điều này càng tạo ra những tranh cãi về tầm nhìn và trách nhiệm của những người đứng đầu ngành giáo dục.

Các độc giả VnExpress tỏ ra bức xúc khi chia sẻ quan điểm trên Facebook

Những hệ lụy lâu dài...

Ở góc nhìn khác, việc tuyển sinh kiểu "chạy đua" này tạo ra hệ lụy các em thí sinh và phụ huynh hoảng loạn nộp hồ sơ dựa theo chỉ tiêu và điểm xét tuyển, với mục tiêu "đỗ đại học" thay vì "đỗ đúng ngành nghề mình thích", hệ lụy của nó là tạo ra một thế hệ... cố gắng đậu đại học chứ không phải là theo đuổi kiến thức, đam mê của mình, càng đi theo hướng trọng bằng cấp vốn đang bị chỉ trích lâu nay.

Anh Nguyễn Thuyết, một 3D animator tại SaltPixel tại Hà Nội và cũng là người có em trai vừa thi ĐH cho rằng, "cứ lấy lý do lần đầu làm thì còn nhiều sai sót, điều chỉnh dần, do các nhà quản lý "thử nghiệm" mà không tính phương án giải quyết nên nó mới ra thế. Có phải chưa ai can đâu mà vẫn phát ngôn tính được rồi khỏi lo. Dự là 3 năm thay đổi 1 lần cho người ta biết mình vẫn đang chăm chỉ cải cách.

Hãy xem, dù tỉ lệ trúng tuyển cao hơn nhưng rõ ràng có một tỉ lệ thí sinh không nhỏ đỗ ĐH mà không quan tâm ngành nghề mình đăng ký cuối cùng, không cần biết nó có thật sự là ngành nghề mình đã yêu thích, say mê hay không. Hệ lụy của việc này có thể chưa thấy ngay bây giờ, nhưng vài năm tới có thể sẽ bộc lộ khi họ đối mặt với áp lực học hành và công việc".

Cũng không thể phủ nhận một phần trách nhiệm nằm ở phía thí sinh, như lời một phụ huynh có con thi vào trường Y Dược Hà Nội chia sẻ trên báo VnExpress: "Tôi thấy nước ngoài làm như cách này từ lâu rồi. Phức tạp nằm ở trong đầu các vị phụ huynh thôi. Con được mức điểm vừa phải lại cứ muốn học trường Top. Nói ra thì phũ phàng!". Tuy nhiên,;tình cảnh chầu chực vất vả và căng thẳng chạy đi chạy lại giữa các trường của hàng nghìn thí sinh và người thân mấy ngày nay có lẽ cũng đòi hỏi các nhà quản lý nghiêm túc nhìn lại những gì đang diễn ra ở kỳ xét tuyển ĐH năm nay.

H.T

Chủ đề khác